(Suy niệm Lễ Giáng Sinh)
Có một vị hoàng thái tử vào rừng săn bắn tình cờ gặp một cô gái quê đang kiếm củi một mình. Không hiểu Trời xui đất khiến làm sao mà hai con người có địa vị cách biệt quá xa lại tỏ ra tâm đầu ý hợp và hai bên lại yêu nhau tha thiết ngay từ giây phút gặp mặt đầu tiên.
Sau đó, hoàng tử quay về triều như kẻ mất hồn, ngày đêm tương tư cô gái nghèo mà anh đã đem lòng thương mến. Thế rồi, do lòng yêu thương thúc đẩy, anh khẩn khoản xin vua cha cưới nàng cho bằng được.
Để tìm hiểu xem cô gái có thực sự yêu thương con trai mình bằng tình yêu chân thực, hay chỉ yêu vì gia tài, địa vị, quyền thế của chàng, vua cha truyền dạy hoàng tử cải trang làm nông dân để thử lòng cô gái.
Thế là vị hoàng tử quyền quý hoá thành người nông dân, đến cắm lều gần nhà cô gái, ngày ngày vác cuốc ra đồng làm lụng, làn da cháy nắng, đôi tay chai sần. Anh lân la đến làm quen với cô gái trong hình hài một nông dân.
Mặc dù cô gái vẫn thầm yêu và khát mong được kết hôn với vị hoàng tử mà cô đã gặp trong rừng, nhưng trớ trêu thay, cô ta không nhận ra vị hoàng tử nầy trong hình hài người nông dân nghèo khổ. Cô đã đối xử với anh rất lạnh nhạt và cuối cùng đã xua đuổi anh đi, trong khi lòng cô vẫn thổn thức nhớ thương chàng hoàng tử hào hoa mà cô đã gặp trong rừng!
Tiếc thay, cô đã đánh mất cơ hội vô cùng quý báu: mất một người yêu lý tưởng, mất luôn cả vinh dự trở thành công nương, thành hoàng hậu tương lại.
* * *
Như vị hoàng tử rời khỏi hoàng cung, hoá thân thành nông dân đến cắm lều ở bên cạnh nhà cô gái, Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ bỏ ngai trời, hoá thân thành người phàm và đến ở giữa chúng ta. Ngài là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài tự đồng hoá mình với những người láng giềng đang sống quanh ta.
Chúa Giê-su khẳng định rằng tha nhân là hiện thân của Ngài. Những ai cho người đói lang thang vất vưởng trên vỉa hè một bát cơm thì Ngài nói là họ đã cho Ngài ăn. Những ai cho kẻ bần cùng thiếu thốn một tấm áo, thì Ngài nói là họ đã cho Ngài mặc. Những ai cho người vãng lai một chỗ trọ qua đêm thì Ngài nói là họ đã tiếp rước Ngài… (Matthêu 25, 34 - 40)
Và hôm xưa, đang khi Sao-lô rong ruổi trên đường Đa-mát, tìm bắt các môn đệ của Chúa, thì chính Chúa Giê-su quật ngã ông xuống đất và cảnh cáo ông: "Tại sao ngươi bắt bớ Ta?" (chứ không nói là tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ Ta) (Rm 9,4).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II cũng dựa vào giáo huấn nầy để nhắn nhủ các gia đình: "Thiên Chúa đã tự đồng hoá với người cha, người mẹ, người con trong gia đình." (tâm thư gửi các gia đình)
Thật trớ trêu, đang khi chúng ta vẫn yêu mến, suy tôn chúc tụng Thiên Chúa ngự trên cõi trời cao hoặc cung kính bái lạy hình ảnh Ngài trên bàn thờ, thì chúng ta lại tỏ ra thờ ơ hờ hững và thậm chí còn đối xử tồi tệ với tha nhân là những chi thể sống động của Ngài, là hiện thân của Ngài đang hiện diện chung quanh.
Thánh Phanxicô Assisi nhận ra người phong cùi là một phần chi thể đang bị ung nhọt của Chúa nên đã ôm hôn người phong ấy với tình yêu thắm thiết.
Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta cũng đã nhận ra những người bệnh tật, hấp hối là những phần chi thể bị tổn thương của Chúa Giê-su nên Mẹ đã dành phần lớn đời mình yêu thương chăm sóc họ. Mẹ còn dạy các tập sinh hãy trân trọng những người hấp hối cùng khổ trong nhà Lâm Chung như tôn trọng Mình thánh Chúa Giê-su.
Hôm nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đóng vai người nông dân, người cùng khổ, người láng giềng, người bạn đồng nghiệp và cả những người nhà, để sống với chúng ta. Thế nhưng chúng ta rất khó nhận ra đó là hiện thân của Thiên Chúa nên thường đối xử tệ bạc với tha nhân. Thế là bi kịch cô gái nghèo hết lòng yêu thương chàng hoàng tử hào hoa nhưng lại phụ bạc anh ta dưới lốt nông dân nghèo khổ vẫn còn đang tiếp diễn từng ngày, từng giờ từng phút. Thế là "Ngài đã đến nhà của Ngài mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài." (Gioan 1, 11)
Lạy Chúa Giê-su,
Thật vô cùng đáng tiếc cho cô gái trong câu chuyện trên đây vì cô đã đánh mất cơ hội ngàn vàng: cơ hội trở thành công nương chốn cung đình, cơ hội được hạnh phúc trăm năm bên hoàng tử giàu sang phú quý!
Và cũng vô cùng đáng tiếc cho chúng con khi chúng con tiếp tục lặp lại bi kịch ấy trong cuộc đời mình.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà