“Khi ấy, Chúa
Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà
bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì
chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng
dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình.
(Mt 10, 34)
Lời dạy này
của Chúa Giê-su có thể khiến một số người hoang mang, bối rối.
Theo tôi hiểu:
a. Những lời được ghi lại trong Tin mừng không phải do Chúa Giê-su hay
thư ký của Ngài viết lại và hồi ấy cũng không có máy ghi âm. Lời Chúa dạy được
các môn đệ ghi nhớ và loan truyền cho nhau, mãi về sau mới gom lại và biên soạn
thành 4 cuốn sách Tin mừng như ta có hiện nay. Phải mất chừng 30 đến 40 năm sau
thì các sách Tin mừng đầu tiên mới xuất hiện.
b. Khi viết lại lời Chúa Giê-su, thánh ký có lúc dùng lối văn mang
tính cường điệu rất thịnh hành thời bấy giờ nhằm in sâu vào tâm trí người nghe
những lời dạy quan trọng của Chúa Giê-su. Đoạn văn nầy mang tính cường điệu khi
dùng câu “Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo”… nhằm nói lên
tính xung đột khá gay gắt trong tâm hồn.
c. Theo thiển ý:
Lời Chúa dạy thường đối nghịch với dục vọng
của con người. Thế là có xung đột giữa Lời Chúa và dục vọng con người.
-Xung đột nầy trước hết xảy ra trong nội tâm
con người.
Chúa dạy vợ chồng phải chung thủy xung đột
với ước muốn ngoại tình; Chúa dạy phải làm theo ý Chúa xung đột với làm theo ý
mình; Chúa dạy sống vị tha xung đột với ý muốn sống vị kỷ và nhiều điều khác
như vậy.
Chính vì tiếp nhận các giáo huấn của Chúa
Giê-su nên thánh Phao-lô bị xâu xé trong tâm hồn, đây là một cuộc chiến nội tâm
gay gắt giữa điều Chúa dạy và điều dục vọng xô đẩy. Ngài viết trong thư Roma:
“Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng
sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19) và ngài kết luận: “Tôi thật là
người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi con người khốn khổ này? Tạ ơn Thiên
Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta!” (Rm 7,24)
-Cuộc chiến nầy cũng xảy ra thường ngày trong
các gia đình con cái Chúa.
Người vợ muốn rộng tay bố thí cho người
nghèo, chồng phản đối; Vợ muốn đọc kinh
tối trong gia đình, người chồng chống đối; vợ muốn cho con cái đi học giáo lý,
người chồng bất mãn… Chia rẽ, chiến tranh là thế đó. Chính vì đón nhận giáo
huấn của Chúa Giê-su mới có sự thể nầy. “Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng
đem gươm giáo... chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu
với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình…” là
như thế đó!
Những người không nhận giáo huấn của Chúa
Giê-su sẽ không phải gặp những cuộc chiến như vậy.
TÔN GIÁO GÂY CHIA RẼ?
- Dẫu biết rằng năng lượng nguyên tử có thể bị
người ác lạm dụng để tạo nên bom hạt nhân hủy diệt loài người. Tuy nhiên không
ai hô hào, chủ trương dẹp bỏ việc nghiên cứu và ứng dụng hạt nhân vào nhiều
lĩnh vực, trái lại nhiều quốc gia đua nhau nghiên cứu và ứng dụng nguyên tử để
làm nguồn năng lượng tuyệt vời cho các nhà máy điện, tàu ngầm và rất nhiều khí
tài khác.
-Dẫu biết rằng súng đạn có thể bị người ác sử
dụng để cướp của giết người, để gây ra nhiều tội ác khác. Vậy mà không ai chủ
trương xóa bỏ việc chế tạo súng đạn, trái lại, người ta đua nhau chế tạo những
vũ khí có sức công phá và hủy diệt mạnh hơn để bảo vệ quê hương.
-Tương tự như thế, các tôn giáo đều xây dựng,
vun đắp và phát huy những điều cao đẹp, nhưng làm sao tránh được chuyện những
người lợi dụng tôn giáo để thực hiện mưu đồ xấu của mình.
Nói chung, bất kỳ điều tốt đẹp nào cũng có
thể bị người xấu lạm dụng để gây ra điều ác. Nhưng nếu hủy diệt hết mọi điều ấy
thì nhân loại sẽ trở lại thời kỳ đồ đá, đồ đồng!
Tiếc thay, khi đứng trước cụm hoa hồng xinh
đẹp, nhiều người trầm trồ khen ngợi nhưng cũng có kẻ than thở rằng: “Hoa quái
gì mà nhiều gai góc thế! Sao không diệt chúng đi!”