(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (4,
26-34) Chúa nhật XI thường niên)
Trước năm 1533, chưa có giáo
sĩ Tây phương đến truyền đạo tại Việt Nam nên người dân Việt chúng ta không hề
biết đến đạo Chúa. Hầu hết dân chúng theo Nho giáo, Phật giáo hoặc thờ cúng ông
bà.
Thế rồi, từ những năm tiếp
theo, nhiều giám mục, linh mục tây phương đến truyền đạo tại đất nước chúng ta.
Trong mấy thế kỷ đầu, việc sống đạo và truyền đạo tại Việt Nam gặp rất nhiều
khó khăn, gian khổ:
- Vua chúa thời đó, đặc biệt
là Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, Nhà Tây sơn, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…
đã ban hành nhiều sắc chỉ nhằm khai trừ và tiêu diệt đạo Chúa, trục xuất các
nhà thừa sai. Nhiều linh mục và giáo dân bị lưu đày, bị tù ngục hay bị hành
quyết, nhiều nhà thờ bị đốt phá, nhiều giáo dân phải chạy lên rừng ẩn trốn… Các
linh mục phải ẩn náu trong những nơi hẻo lánh, chờ đến đêm khuya mới lén lút cử
hành Thánh lễ hoặc ban bí tích cho giáo dân…
- Phong trào Văn thân đã nổi
lên đốt phá nhiều nhà thờ, giết hại nhiều giáo dân…
- Phần lớn các linh mục nước
ngoài không rành tiếng Việt, phát âm không chuẩn nên gặp nhiều hạn chế trong
việc giảng đạo và truyền đạo…
Gặp phải những hoàn cảnh khó
khăn đến thế, thì theo lẽ tự nhiên, cây đức tin không thể bén rễ và đơm bông
kết hạt được. Tuy vậy, số người tin Chúa ngày càng đông, đời sống đạo rất nhiệt
thành, nhiều xứ đạo mọc lên và phát triển… và đặc biệt là có rất nhiều tín hữu
sẵn sàng chết vì đạo Chúa để làm chứng cho Tin mừng. Lịch sử Giáo hội Việt Nam
ghi nhận có trên 100.000 tín hữu công giáo Việt Nam đã hi sinh chịu chết vì đạo
thánh Chúa trong suốt 270 năm bách hại, trong số đó có 117 vị được Giáo hội
chính thức tuyên thánh vào năm 1988.
Dù gặp vô vàn khó khăn gian
khổ, Đạo thánh Chúa vẫn âm thầm phát triển trên quê hương chúng ta, đến hôm nay
đã có hơn 7 triệu người nhận biết và tôn thờ Chúa trong đạo Công giáo.
Nhờ đâu lại có kết quả lạ
lùng đến thế?
Hoàn toàn do ơn Chúa. Đây là
việc Chúa làm, đúng như lời Chúa nói trong Tin mừng hôm nay: “Chuyện Nước Thiên
Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày,
người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, người
ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ
đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem
liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc 4, 26-29).
Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giê-su
dạy chúng ta hãy mang Tin mừng gieo vãi khắp nơi, rồi chính Chúa sẽ làm cho hạt
giống Lời Chúa sinh hoa kết hạt dồi dào trong tâm hồn những người đón nhận.
Và thánh Phao-lô cũng xác
nhận điều nầy khi dạy rằng: “Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, nhưng chính Thiên
Chúa mới làm cho lúa lớn lên” (1 Cor 3, 6).
Noi gương thánh Phao-lô,
chúng ta hãy ra công “vun trồng” và chăm sóc hạt giống lời Chúa, rồi Chúa sẽ
làm cho cây đức tin, đức cậy và đức mến được lớn lên trong các tâm hồn.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con hôm nay nỗ
lực làm tròn sứ mạng Chúa trao là gieo vãi Lời Chúa vào tâm hồn những người
chúng con tiếp xúc hằng ngày bằng tất cả thiện chí và khả năng của chúng con,
với niềm tin mạnh mẽ rằng: chính Chúa sẽ làm cho những hạt lúa Tin mừng triển
nở, đơm bông kết hạt, hứa hẹn một mùa lúa dồi dào trên quê hương chúng con.
Amen.
Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà
Tin mừng Mác-cô 4, 26-34
Chúa Giê-su nói:
"Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống
xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và
mọc lên, bằng cách nào, người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước
hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu
hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."
Rồi Người lại nói:
"Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung
được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ
nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ,
cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
Người dùng nhiều dụ ngôn
tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao
giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau,
thì Người giải nghĩa hết.