(Suy niệm Tin mừng Mác-cô
(8, 27-35) Chúa Nhật 24 thường niên B)
Sứ điệp Tin mừng: Tôn thờ
Chúa vì yêu mến Chúa chứ không phải để tìm lợi lộc trần gian.
Hôm ấy, khi Chúa Giê-su cùng
các môn đệ đến vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê, Ngài hỏi các ông: “Anh em bảo Thầy là
ai?”
Bấy giờ, ông Phê-rô thưa lại:
“Thầy là Đấng Ki-tô.”
Hôm nay, nếu câu hỏi nầy lại
được nêu ra thì sẽ có những câu đáp khác nhau, bày tỏ những nhận định khác nhau
về Chúa Giê-su.
- Fyodor
Dostoevsky (1821–1881),
một nhà văn nổi tiếng thế giới vào thế kỷ 19, nhận định về Chúa Giê-su như sau:
“Tôi tin rằng không có gì -
hoàn toàn không có gì - đẹp hơn, sâu sắc hơn, đáng yêu hơn, hợp lý
hơn, mạnh mẽ hơn, hoàn hảo hơn Chúa Giê-su.”
Nói khác đi, Chúa Giê-su là
Con Người tuyệt vời có một không hai trên đời!
- Ngoài ra, Mahatma Gandhi
(1869 – 1948) là một vĩ nhân đáng khâm phục của nhân loại, là vị anh hùng vĩ
đại của nhân dân Ấn Độ. Ông ngưỡng mộ Chúa Giê-su cách đặc biệt và nhận định về
Ngài như sau:
“Đối với tôi, Ngài là một
trong những bậc thầy vĩ đại nhất của nhân loại.”
Ông còn nói: “Chúa Giêsu là
con người lý tưởng và tuyệt vời…”
Và nếu Chúa Giê-su hỏi riêng
mỗi người chúng ta: “Nầy con, con bảo Thầy là ai?” thì chúng ta sẽ trả lời thế
nào?
Dù không nói ra, nhưng thái
độ, cách sống của mỗi người biểu lộ nhận định của họ về Chúa Giê-su.
Chúa là Thẩm phán khắt khe
Đối với một số tín hữu, Chúa
Giê-su là một vị thẩm phán khắt khe, trừng phạt đích đáng những kẻ có tội… Vì
thế, họ tham dự Thánh lễ Chúa nhật hằng tuần hay làm những việc đạo đức khác
chỉ vì sợ phạm tội, sợ bị Chúa phạt… chứ không phải vì yêu mến Chúa.
Chúa như một vị thần Tài
Một số người khác xem Chúa
Giê-su như một ông thần Tài; họ thờ phượng Chúa để mưu tìm lợi lộc vật chất,
được ăn nên làm ra, buôn may bán đắt… Nếu được Chúa cho như ý thì siêng năng
đến với Chúa. Nếu không được toại ý, thì họ lơ là, nguội lạnh, xa cách Chúa. Họ
thờ Chúa không phải vì yêu mến mà chỉ vì tìm kiếm lợi ích cho mình.
Chúa là tấm phao cứu hộ
Đối với nhiều người khác, Chúa
Giê-su như vị Thần hộ mạng, như tấm phao cứu hộ. Khi còn trẻ trung, được bình
an, sức khỏe … họ không màng đến Chúa. Đến khi già yếu, khi lâm bệnh nguy kịch
hoặc gặp gian nan khốn khó trong cuộc đời… họ sẽ tìm đến với Chúa, thiết tha
cầu khẩn Ngài cứu giúp. Họ xem Ngài như một tấm phao cứu hộ; khi trời yên biển
lặng thì bất cần phao, nhưng khi sóng to bão lớn thì cố giằng lấy phao cho bằng
được.
Thật đau lòng và đáng buồn
khi người ta nhận định về Chúa Giê-su như thế. Thờ Chúa như thế chẳng mang lại
lợi ích gì cho đời sống thiêng liêng.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đau buồn biết bao khi
đoàn con tìm đến với Chúa để mưu cầu lợi ích cho mình chứ không vì lòng yêu
mến.
Xin ban Chúa Thánh Thần soi
trí mở lòng, giúp chúng con nhận biết Chúa là Đấng cứu độ loài người, đã hạ
mình xuống thế làm người và hiến thân chịu chết đền tội cho chúng con và đưa
chúng con vào hưởng phúc đời đời trên thiên quốc. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Tin mừng Mác-cô (8, 27-35)
27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi
tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ:
"Người ta nói Thầy là ai? "28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy
là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn
sứ nào đó."29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em
bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy
là Đấng Ki-tô."30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không
được nói với ai về Người.
31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết
Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại
bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó,
không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33
Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô:
"Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng
của Thiên Chúa, mà là của loài người."
34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các
môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ
cứu được mạng sống ấy.
Letter of Fyodor
Dostoevsky to Natalia Dmitrevievna Fonvisina 1854
Deshpande, MS (ed)
(1978) Light of India or Message of Mahatmaji, 3rd ed. Ahmedabad: Navajivan
Publishing House