Khi có một khoảng cách vừa đủ
để quan sát một cách trọn vẹn;
khi có một chiều sâu vừa đủ
để cảm nghiệm được về những điều quan sát,
người ta có thể nhìn xuống cuộc đời.
Cuộc đời không phải chỉ được kết thành
bằng những chuyện phi thường
và những biến cố vĩ đại.
Cuộc đời diễn ra hằng giây, hằng phút,
hằng giờ, hằng ngày...
chung quanh ta và ở trong ta,
với những chuyện xem như rất tầm thuờng, nhỏ nhặt.
Nhưng trong những tầm thường, nhỏ nhặt ấy,
cuộc đời gói ghém những ý nghĩa thâm sâu của nó
Khám phá ra ý nghĩa những sự kiện tầm thường,
diễn ra hằng ngày trong ta và chung quanh ta
là ta đã khám phá được ý nghĩa của cuộc đời
và cảm nghiệm rằng cuộc đời thật phong phú.
NHÌN XUỐNG CUỘC ĐỜI
mời gọi bạn bước vào thế giới của nội tâm
để tìm trong đó giá trị đích thực
của cuộc đời chính mình
THƯ GỞI BẠN ĐỌC
Chúng ta ai cũng có một cuộc đời để sống. Nhưng đã có mấy ai sống cho trọn vẹn cuộc đời. Sống không trọn vẹn, có thể là vì ta đã phung phí thời giờ, có thể đã dùng thời giờ không hợp lí, có thể đã suy nghĩ và hành động sai lầm, có thể đã lạc hướng đi trong một quãng thời gian nào đó, và nhất là có thể đã không định hướng được cho cả cuộc đời của mình.
Là một người hầu như đã mắc phải gần hết những lỗi lầm trên, người viết muốn chia sẻ kinh nghiệm với bạn đọc về những sai lầm cũng như những phản tỉnh để cố gắng sửa đổi. Những kinh nghiệm này đôi khi có được một cách tình cờ, nhưng thường thì phải trả bằng một giá đắt.
Qua những kinh nghiệm ấy, người viết nhận thấy: muốn sống trọn vẹn cuộc đời của mình, nghĩa là sống đầy đủ, sống hữu ích, cho mình cũng như cho người khác, ta phải luôn luôn nhìn lại chính mình, đồng thời luôn luôn nhìn vào cuộc sông đang diễn ra chung quanh ta. Ta và cuộc sống chung quanh có những tương quan mật thiết với nhau, bởi thế, quan sát cuộc sống, ta có thể nhờ đó kiểm điểm được chính mình, hiểu mình hơn, kịp thời chỉnh đốn đời mình, và nhất là giữ được hướng đi đúng nhất cho cuộc đời
Từ ngữ "cuộc sống " hay "cuộc đời" thường gợi cho ta những cái gì lâu dài, to lớn hay những biến cố quan trọng. Dĩ nhiên cuộc đời có những đặc tính và yếu tố đó. Nhưng "cuộc đời " cũng còn là những sự kiện nho nhỏ xảy ra hằng ngày, tầm thường đến độ ta không thấy trong đó một chút ý nghĩa nào; còn là những cảnh, những vật, những người mà ta luôn luôn thấy, ở bên cạnh ta mà ta không để ý. Nếu lưu tâm hơn một chút, ta sẽ thấy trong những sự kiện, những cảnh, những vật, những người đó nhiều ý nghĩa đặc biệt, giúp ta nhìn lại chính mình. Một vỏ ốc, một bông hoa, một đám mây trên trời, một con đường, cái cột đèn, cái đồng hồ, một món đồ chơi trẻ con, một em bé, một cụ già… nếu được quan sát kĩ, đều đem lại cho ta rất nhiều suy tưởng về ý nghĩ và giá trị cuộc đời.
Một trong những cảm giác khiến ta buồn nản nhất, là bất chợt nhận ra bao nhiêu chương trình vĩ đại, bao nhiêu mộng ước cao xa, bao nhiêu giấc mơ "đội đá vá trời " của ta đều không đi đến đâu, chúng từ từ tan loãng theo ngày tháng hoặc bất ngờ sụp đổ. Và ta trở về với những công việc những mục đích nhỏ bé, tầm thường, tủn mủn của kiếp người. Thật ra, đối với cái vĩnh cửu của thời gian và cái vô tận của không gian, nhất là đối với đấng Thượng
Đế tạo thành vũ trụ vạn vật, cũng như tạo nên thời gian và không gian đó, mọi ''chương trình hay mong ước " vĩ đại của ta đều nhỏ bé. Nhưng trở về với cái giới hạn của đời người, nếu ta để ý và tìm ra ý nghĩa của những cái ta vốn cho là nhỏ bé, tầm thường, tủn mủn kia, ta lại có thể làm được những chuyện to lớn không ngờ.
Trong ý hướng đó, người viết mời bạn đọc nhìn xuống cuộc đời với những cái tầm thường, nhỏ bé kết tụ lại, và tìm trong đó những ý nghĩa của chúng. Có thể bạn đọc không đồng ý với cách nhìn và những ý nghĩa được tìm thấy của người viết. Điều đó không quan hệ, miễn là cách nhìn và ý nghĩa ấy đem lại được một chút gợi ý, để mỗi chúng ta nhìn và tìm ra ý nghĩa theo một cách thức riêng.
Là một tín hữu Công giáo, người viết thường tìm thấy nơi tận cùng cái nhìn và suy tư của mình sự toàn trí, toàn năng, vĩnh hằng, và nhất là tình yêu bao la đại hải của Thiên Chúa. Đó cũng là sự chia sẻ chân thành người viết muốn gửi tới bạn đọc.
Nhà Văn QUYÊN DI