.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Giới Thiệu

Đôi Dòng Về Tác Giả

1. Kinh nghiệm góp nhặt trên đường đời tôi

2. Ánh sáng chói loà của Thánh Kinh

3. Nhận hiểu ý nghĩa và mục đích sâu xa hơn của ơn gọi Linh Mục

4. Chức Linh Mục trong buổi ban đầu

5. Khuôn mặt người Linh Mục qua giòng lịch sử

6. Chức Linh Mục và đời sống chủng viện theo mẫu thức TRIĐENTINÔ

7. Những vấn nạn xung quanh vấn đề độc thân

8. Khuôn mặt Linh Mục thời công đồng và sau công đồng

9. Dự đoán tương lai của ơn gọi Linh Mục

10. Những con vật trên tàu NÔ-E hôm nay

11. Này tôi là nữ tì của Đức Chúa!

lời nguyện đúc kết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo Hội cần loại Linh Mục nào?
Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức
Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.
7. NHỮNG VẤN NẠN XUNG QUANH VẤN ĐỀ ĐỘC THÂN

Khi nói về sự độc thân vì Nước Trời, chúng ta phải hết sức cẩn thận để phân biệt giữa độc thân xét như một sự chọn lựa tự do nơi tự thân nó và sự độc thân được chọn lựa như một điều kiện dứt khoát để được truyền chức linh mục.

những xem xét

khẩn trương

Những xem xét xa hơn nữa sẽ giúp chúng ta phân biệt giữa sự chấp nhận tự do đích thực đối với đời độc thân xét như là tiêu chuẩn được kỳ vọng cho chức linh mục của đời tu và, đàng khác, sự chấp nhận tự do không chủ yếu cho giá trị và hấp lực nội tại của chính nó - mà bởi vì đó là điều kiện dứt khoát để trở thành một linh mục. Qua quá trình thời gian, sự đồng ý vì luật đòi hỏi nó có thể trở thành một nguồn vui với một nhận thức được đào sâu hơn về ý nghĩa và vẻ đẹp của nó, hoặc đàng khác nó có thể ngày càng trở thành một gánh nặng phải mang.

Mỗi linh mục sống đời độc thân của mình một cách độc đáo trong bối cảnh văn hóa và xã hội riêng của mình. Chúng ta sẽ nhận ra rằng bối cảnh xã hội tại phần lớn các quốc gia ngày nay rất khác biệt với bối cảnh đã tồn tại vào thời mà luật nối kết chức linh mục với đời độc thân xuất hiện trong Giáo Hội.

may mắn

Việc so sánh giữa tình yêu và sự trung thành trong đời hôn nhân đích thực với một đời sống độc thân đích thực sẽ là khởi điểm của tôi cho cuộc thảo luận này, vì tôi tin rằng một đời hôn nhân hạnh phúc là một hình ảnh thích đáng để đối chiếu với một cuộc đời độc thân được sống cách chân thực và thuyết phục.

Vợ chồng Eric và Dorothee, những người bạn của tôi, mời tôi tham dự dịp họ cử hành ngân khánh hôn nhân. Vì tôi không thể tham dự, sau đó Eric đã kể cho tôi mẩu đối thoại giữa anh và vợ anh trong dịp đó. Trước mặt tất cả bạn bè và quan khách, anh nói với vợ: “Thật may mắn em ạ!  Hôm nay chúng ta vẫn yêu nhau như chúng ta đã yêu nhau vào ngày đầu tiên của cuộc sống vợ chồng.” Nghe tới đây, vẻ mặt Dorothee sa sầm, và Eric kịp nhận ra mình đã nói tầm phào, anh lập tức đính chính:

Anh xin lỗi vì đã đánh giá chưa đúng về cuộc sống chung giữa chúng ta. Một điều rất rõ ràng là tình yêu của chúng ta đã được đào sâu và trở nên vững chắc hơn. Trong quá trình đó, chúng ta đã học biết chấp nhận những mảng tối của nhau – là cái làm cho ánh sáng trở nên rực rỡ hơn. Qua ngần ấy tháng năm, chúng ta đã giúp nhau xử lý các điểm yếu của mình. Đành rằng khi đi vào cuộc sống chung, chúng ta đã đủ trưởng thành, nhưng quá trình học hỏi đã không phải lúc nào cũng lãng mạn. Chúng ta đã thường cần phải xin nhau sự thứ tha. Và tình yêu của chúng ta đã lớn lên biết bao khi chúng ta chia sẻ nó với bốn đứa con của mình, nhất là trong quá trình học hỏi hết sức thiết yếu để nuôi dạy Gerald, đứa con trai bệnh hoạn tội nghiệp của chúng ta. Cám ơn em thật nhiều, Dorothee! Ngay từ đầu, em đã sẵn sàng tín nhiệm vào anh – và em vẫn luôn luôn sẵn sàng tín nhiệm như thế trong quá trình cả hai chúng ta ngày càng khám phá nhiều hơn về các tiềm năng bên trong của mình. Chúng ta hãy hy vọng rằng, trong những năm sắp đến, tình yêu của chúng ta sẽ tiếp tục lớn lên, tiếp tục sinh hoa trái và chín muồi.

Những ý tưởng tuyệt vời ấy của anh bạn tôi đã thường xuyên thúc đẩy tôi suy tư về cách sống và cách yêu đời độc thân của chính mình trong và xuyên qua tình yêu không ngừng lớn lên của Đức Kitô. Tôi cảm nghiệm Đức Kitô đã diễn tả tình yêu của Ngài đối với tôi một cách vô cùng quảng đại và kiên nhẫn. Rõ ràng chính bởi tình yêu mà Thiên Chúa đã chọn tôi vào đời sống linh mục, và tôi có thể chân thành nói rằng cũng chính bởi tình yêu mà tôi đã đáp trả lại tiếng gọi ấy. Chắc hẳn hơn cả Eric và Dorothee, tôi đã phải học biết loại tình yêu này đòi hỏi những gì và bao hàm những gì. Đó là một quá trình học tập lâu dài, và tôi hoàn toàn nhận ra rằng quá trình này phải tiếp tục. Tôi vuốt ve hy vọng rằng tôi sẽ luôn luôn là một học trò chăm chỉ, biết mở ra đón nhận những ý tưởng mới và những khả năng mới. Tạ ơn Chúa vì trên đường mình đi tôi đã không có một khủng hoảng nghiêm trọng nào, nhưng chắc chắn đã có nhiều lỗi lầm và thiếu sót. Cho phép ngọn lửa của Thánh Thần thanh luyện các động cơ của mình và, đồng thời, đánh thức trong mình một tinh thần khiêm tốn và quảng đại sâu xa hơn, tôi cảm nghiệm thấy việc đó đã không phải bao giờ cũng “du dương lãng mạn”.

Chỉ dần dần tôi mới nhận biết rằng Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, đã gặp gỡ và đã trắc nghiệm mình nhất là qua những con người trong hoàn cảnh khốn khổ, chẳng hạn những người li dị – họ chìm đắm trong bao nỗi khó khăn, họ phải chịu đựng bao thái độ phê phán và bài xích, ngay cả từ phía Giáo Hội. Mặc dù nay tôi đã luống tuổi, tôi vẫn ý thức rằng mình chỉ là một học trò bé bỏng mà thôi.

Sống độc thân và yêu thương trong tư cách một con người độc thân trong thế giới hôm nay là một công việc chỉ có thể đảm nhận trôi chảy khi chúng ta đặt sự tín thác của mình không phải vào chính mình mà vào chỉ một mình Thiên Chúa, và biết không ngừng mở lòng ra đón nhận sự hướng dẫn của Mầu Nhiệm Thánh.

Cám ơn các bạn, Eric và Dorothee, vì đã tặng cho tôi một bài học tuyệt vời! Mong sao bài học này sẽ sinh hoa kết quả trong đời tôi và trong đời nhiều bạn bè linh mục độc thân của tôi!

bất chấp

những khó khăn

Có lần tôi giảng tuần đại phúc cho những người tị nạn. Vài ngày đầu, trong số những người lớn đến tham dự chỉ có một người là đàn ông. Không rõ vì lý do gì, những người đàn ông khác trong thị trấn hứa với nhau rằng họ sẽ không đến nghe giảng. Tò mò muốn tìm hiểu, tôi gặp đôi vợ chồng duy nhất vốn vẫn đến tham dự một cách đều đặn và sốt sắng. Trong cuộc trao đổi ấy, người vợ đã kể cho tôi nghe câu chuyện riêng của chị. Hồi còn là một thiếu nữ, chị từng có ý định trở thành một nữ tu, nhưng rồi chị gặp Robert và phải lòng anh ấy. Bị giằng co trong lòng, chị gặp cha giải tội và thố lộ nỗi băn khoăn: “Thưa cha, giữa hai đàng: trở thành một nữ tu và chinh phục một người đàn ông về với đức tin, đàng nào sẽ đẹp lòng Chúa hơn?” Chị tin chắc rằng mình sẽ thuyết phục được Robert một cách khá dễ dàng, vì anh ta là một chàng trai thật sự tuyệt diệu. Quả vậy, chị đã hoàn toàn thành công trong việc đó.

Chính nhờ những cố gắng của người chồng rất có khả năng và giàu nhiệt tâm của chị mà chúng tôi đã có thể lôi kéo được hầu như tất cả nam giới Công Giáo của thị trấn ấy đến với tuần đại phúc. Người vợ tuyệt vời của anh đã bắt đầu bằng một cú liều lớn, và chị đã gặt hái được gấp trăm. Điều tương tự cũng đúng đối với nhiều người trẻ cảm thấy viễn tượng sống độc thân suốt đời là một cú liều. Nếu các linh mục thật sự yêu mến Thiên Chúa và đoàn dân của Ngài, trong đó gồm cả những con người khó khăn và khốn khổ nhất, tại sao họ không dám liều và – trong ý thức về những giới hạn của con người mình – mạnh dạn xin được giải chức trong trường hợp họ nhận ra rằng mình không thể sống độc thân được nữa?

Một số người trẻ rất nhiệt thành với Thiên Chúa và rất say mê việc chinh phục người ta cho Thiên Chúa, nhưng họ không thích thú với đời độc thân, nhất là nếu họ sợ sự nguyền rủa của những kẻ khác và lo ngại khả năng mình có thể bị đối xử tệ hại trong trường hợp mình không sống cuộc đời độc thân một cách trung thành. Những người trẻ này phải có đủ can đảm để tự mình mạnh dạn chọn lựa. Không ai có thể nói cho ai khác biết sự  chọn lựa ấy liều lĩnh như thế nào.

Tuy nhiên, cần ghi nhận một điều ở đây. Trong một số trường hợp cha giải tội hay người tư vấn có thể phải vạch rõ rằng cú liều ấy có thể quá không cân xứng. Mặt khác, người ta sẽ dễ dàng hơn và yên tâm hơn để quyết định chọn lựa cú liều ấy nếu những người cầm quyền trong Giáo Hội có cái nhìn cảm thông hơn khi xảy ra trường hợp có những linh mục – ở mọi độ tuổi - dù nỗ lực hết sức mình nhưng vẫn đến lúc nhận ra rằng mình không thể luôn luôn sống đời độc thân cách trọn vẹn.

Từ kinh nghiệm giảng dạy và giúp tĩnh tâm cho hàng ngàn linh mục trên khắp thế giới, tôi được biết rất nhiều linh mục là những người sau một thất bại ban đầu đã có thể sống đời độc thân linh mục một cách khiêm tốn và nhiệt thành thực sự. Cũng như trong hôn nhân, sự dấn thân sống đời độc thân thường sẽ mãnh liệt hơn, hạnh phúc hơn và đích thực hơn sau một cơn khủng hoảng.

Có nhiều linh mục thực sự rút ra được hạnh phúc từ cuộc sống độc thân (chứ không phải họ vẫn hạnh phúc được dù họ sống độc thân!) Cũng có nhiều linh mục rất hạnh phúc trong đời độc thân song họ có thể còn hạnh phúc hơn nữa và rực sáng hơn nữa nếu như họ được phép kết hôn hoặc nếu như họ đã được truyền chức trong tư cách là những người kết hôn. Có những linh mục có những phẩm chất nhân bản và tôn giáo tuyệt vời song lại gặp rắc rối về những vấn đề tính dục, chẳng hạn chuyện thủ dâm – một khó khăn mà họ không thể vượt qua, bất chấp bao nỗ lực lớn lao mình đã thực hiện; những linh mục này càng khốn đốn hơn nữa do bởi thái độ bi thảm hóa một cách quá quắt của Giáo Hội đối với vấn đề thủ dâm. Thường thì thủ dâm không phải là một vấn đề luân lý chút nào cả, mà đúng hơn đó là một vấn đề tâm lý và có liên quan đến hoóc-môn.

Nếu các linh mục được giúp đỡ một cách thuyết phục để bớt bi kịch hóa những khó khăn của họ, họ có thể ngạc nhiên nhận ra rằng mình dần dần trở nên được tự do trọn vẹn. Ngay cả dù điều đó không xảy ra, họ vẫn có thể trở thành những linh mục tuyệt vời. Một số linh mục thực sự trở thành những linh mục và những nhà chữa trị tuyệt vời chính nhờ các vấn đề mà họ phải đương đầu và đang cố gắng vượt qua. Trong sự hiểu biết và chấp nhận hoàn toàn những yếu đuối của mình, họ trở nên khiêm tốn hơn, cảm thông hơn và nhân hậu hơn đối với những người yếu đuối khác. Tôi cho rằng nhiều người trẻ rất có thể sẽ sẵn sàng hơn để chọn lựa đời linh mục độc thân nếu như vấn đề thủ dâm không bị thổi phồng và hiểu sai một cách quá đáng.

Trái lại, một linh mục sống thành công đời độc thân của mình và có tài năng về giảng dạy, tư vấn ... vẫn có thể bị cám dỗ nếu không bởi tính kiêu hãnh thì cũng bởi lòng tự tôn. Khi lòng tự tôn này phát triển ngày càng lồ lộ hơn, vấn đề của ông thậm chí có thể trở thành nghiêm trọng hơn nữa: ông dễ dàng tiến tới chỗ tự mãn.

Một linh mục vui tính và cởi mở nọ có lần kể cho tôi nghe cách mà anh ta giải quyết được tính tự tôn nơi mình. Anh giải thích cho giáo dân của mình rằng việc phê bình một cách trung thực thẳng thắn là một nhân đức, và anh cho họ biết rằng lúc nào họ cũng có quyền – thậm chí có bổn phận – phê bình chủ chăn của họ, đó chính là một hành vi bác ái. Một giáo dân, thấm nhuần những lời đó của anh, đã gặp anh vào Chúa Nhật sau đó và nói: “Thưa Cha, nghe bài giảng của Cha, con cứ tưởng như mình đang nghe chú gà trống của Thánh Phê-rô đang gáy bài ca tự khoe khoang mình bằng những ngôn từ hoa mỹ.” Anh bạn của tôi nói rằng anh bị sốc kinh khủng bởi câu nói ấy, song anh cho biết cũng chính nhờ đó mà anh đã bước xuống khỏi đỉnh núi cao ngạo của mình. Trong câu chuyện này và trong những câu chuyện tương tự khác, tôi tin rằng điều mà nhiều linh mục có thể rút ra là rằng dù gì đi nữa thì mọi sự cũng đã diễn tiến tốt đẹp.

độc thân trong

so sánh với

một cuộc hôn nhân vô hiệu

Chỉ trong vài thập niên gần đây các chuyên viên giáo luật và luân lý mới khám phá thấy và chấp nhận sự kiện rằng rất nhiều cuộc hôn nhân trong Giáo Hội có thể được tuyên bố là vô hiệu bởi vì, ngay từ đầu, những mối kết hợp này tự bộc lộ cho thấy là quá yếu ớt và bệnh hoạn đến nỗi chẳng có mấy cơ hội thành công, ngay cả khi một trong hai hoặc cả hai bên đều có ý hướng ngay lành. Mặc dù những đôi bạn này được thấy cũng bình thường thôi, song trong tính tình, cảm nghĩ và những khía cạnh quan trọng khác, họ quá khác biệt nhau đến độ hoàn toàn lạ lẫm, và rõ ràng họ không thể nào vượt qua được những phản ứng “dị ứng” đối với nhau. Đành rằng chúng ta không phủ nhận những khác biệt thường là yếu tố giúp cho người ta nên phong phú, song chúng ta cũng phải thừa nhận rằng một số khác biệt quá lớn đến nỗi việc sống chung với nhau suốt đời chỉ làm cho đôi bạn thành bệnh hoạn kinh niên. Từ lâu rồi, Giáo Hội Chính Thống đã nhận ra rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra, và rằng những cuộc hôn nhân ấy có thể không những được coi như đã chết mà thậm chí có thể được coi là không thành sự ngay từ đầu.

Cũng vậy, điều tương tự có thể xảy ra - và đã rất thường xảy ra - trong đời sống độc thân không xì-căng-đan hoặc ít nhất là không có xì-căng-đan nghiêm trọng. Làm sao một chàng trai hai mươi ba tuổi có thể thấy trước được hết mọi vấn đề khó khăn thực tế xung quanh đời sống độc thân của một ông cha sở? Vấn đề càng khó hơn nữa khi chàng trai này vốn được niêm kín trong hàng rào của tiểu chủng viện và đại chủng viện, hoàn toàn cách ly khỏi cuộc sống bên ngoài.

Tất cả chúng ta đều từng biết những câu chuyện đại loại như một linh mục tốt lành đáng kính nào đó bỗng dưng làm mọi người phải ngạc nhiên khi ông xin được giải chức – tức ‘hồi tục’, theo cách nói vẫn còn rất phổ biến ngày nay. Trong một số trường hợp, đây không phải là vấn đề độc thân mà đúng hơn đây là một kinh nghiệm thương tổn thâm sâu mà tôi xin đặt cái tên là “tưởng vậy nhưng không phải là vậy”. Xin kể ở đây một trường hợp – chắc hẳn không phải là một trường hợp hi hữu.

Tại bữa ăn chung vào ngày Lễ Giáng Sinh, ông cha sở độc đoán nọ mắng xối xả anh linh mục phụ tá hai mươi chín tuổi của mình vì linh mục trẻ này duỗi thẳng hai cánh tay khi đọc lời nguyện - (anh bắt chước điều này nơi một vị hồng đáng kính). Cha sở nói: “Anh sẽ biết tay tôi nếu anh còn tiếp tục làm gương xấu qua việc bất tuân phục các qui luật thánh của phụng vụ.” Một cách từ tốn, anh linh mục trẻ lên tiếng: “Bất tuân phục như đức hồng y, giám mục giáo phận chúng ta, phải không thưa cha?” Câu nói đó quá đủ để cho cha sở lồng lộn lên, ông phồng mang trợn mắt quát: “Bổn phận của anh là phải tuân phục luật lệ của Giáo Hội, chứ không phải là bắt chước một hồng y. Anh chỉ là một linh mục phụ tá quèn. Anh không là cái thá gì cả, anh hiểu không?”

Chiều tối hôm ấy, gặp lại nhau chỗ chân cầu thang, cha sở lại xả cơn hằn học của mình lên cha phụ tá một lần nữa. Vài năm sau, anh linh mục trẻ này cho tôi biết rằng đó chính là buổi tối mà anh thủ dâm lần đầu tiên – không phải để tìm khoái cảm mà chỉ như một cách bày tỏ nỗi chán nản tột cùng. Rồi, vì anh còn tiếp tục sống ở đó nên những cuộc ‘đụng độ’ với cha sở vẫn còn tiếp tục - thế là, anh tiếp tục thủ dâm theo với đà leo thang của nỗi chán nản trong lòng mình. Anh tìm sự giúp đỡ của một nhà tâm lý trị liệu; qua trao đổi, vị y sĩ này xác quyết rằng anh cần được giải phóng khỏi môi trường ngột ngạt và độc hại ấy. Vị y sĩ khuyên anh xin giải chức, giải thích rằng đó là điều kiện tiên quyết để mong có cơ hội chữa trị vấn đề của anh.

Nhiều năm sau đó nữa, tôi gặp lại anh. Lúc này anh đã kết hôn với một phụ nữ duyên dáng và đã có những đứa con kháu khỉnh. Hơn nữa, anh kể rằng anh đang tham gia tích cực vào giáo xứ trong tư cách một giảng viên giáo lý. Quả thật, cả gia đình anh toát ra một tinh thần nhiệt tâm truyền giáo, và cả nhà đều hạnh phúc. Thế nhưng, tôi vẫn trằn trọc băn khoăn rằng biết đâu chức linh mục và đời độc thân của anh đã không bị đánh mất, nếu như anh không vướng phải những kinh nghiệm nghiệt ngã ấy. Điều gì sẽ xảy ra nếu như anh đã được trao cho cơ hội sống với những linh mục tốt lành, những linh mục biết giúp nhau nên phong phú bằng cách chấp nhận tính cách riêng của mỗi người? Vô số người xung quanh chúng ta, kết hôn hay độc thân, đã từng là nạn nhân của những thương tổn tương tự – duy chỉ vì những dị ứng đối với sự khác biệt trong cá tính.

Luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo Rôma qui định rằng độc thân là cửa ngõ duy nhất để bước vào chức linh mục thừa tác. Một luật như thế thật độc hại cho nhiều người do bởi kinh nghiệm của họ về một “Giáo Hội khác”, cắm rễ trong những cơ cấu độc đoán và in đậm dấu những thái độ tiêu cực, những phán xét và những pháp chế từ trên cao ban xuống. Ở đây tôi không thể không nói lên quan điểm của mình đối với cách giải quyết trong trường hợp các linh mục xin được giải chức – một cách giải quyết rất giống với (đôi khi còn căng hơn) cách giải quyết được áp dụng cho những người li dị. Nói tắt, đó là cách giải quyết quá hà khắc!

Tôi đã có dịp trao đổi với Giáo Hoàng Phao-lô VI về vấn đề này; và tôi nhận ra rằng ngài hết sức nhạy cảm đối với vấn đề. Thậm chí ngài đã gửi các linh mục có chuyện rắc rối đến gặp tôi để được tư vấn. Hơn nữa, ngài hứa sẽ xướng xuất những thay đổi. Cho tới lúc bấy giờ, thỏa ước giữa Tòa Thánh với chính phủ Ý qui định rằng những linh mục hồi tục để kết hôn sẽ không được chính phủ cung cấp việc làm. Theo quan điểm của Giáo Hội, một linh mục đã kết hôn và có con cái chỉ có thể được nhận vào hiệp thông với Giáo Hội khi đương sự cung cấp được bằng chứng rằng mình tiết dục hoàn toàn, sống chung với vợ chỉ như anh em thôi. Nếu vị linh mục này ‘xé rào’ dù chỉ một lần, đương sự sẽ mắc vạ và phải được thẩm quyền Tòa Thánh Rôma giải quyết. Giáo Hoàng Phao-lô VI đã có những thay đổi dứt khoát về vấn đề này.

Ngay đầu triều đại của mình, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã áp dụng một biện pháp nghiêm ngặt hơn nhiều so với vị tiền nhiệm. Theo chỗ tôi ghi nhận, các kết quả chỉ có bi đát hơn chứ không khích lệ chút nào. Thật vậy, người ta nhận thấy nhiều cựu linh mục kết hôn theo thủ tục dân sự hay thậm chí chỉ sống chung với người ‘bạn’ của họ mà không hề có hôn thú theo pháp luật. Một sự kiện khác cũng nghiêm trọng không kém, đó là tôi nghe một số bạn trẻ nói rằng họ không còn có đủ can đảm để lãnh chức thánh và sống đời độc thân linh mục bởi vì họ sợ sẽ gặp lôi thôi lớn  nếu chẳng may sau này họ khám phá ra rằng mình thực sự không thể sống độc thân được.

hai nẻo đường

khác biệt

Về mối ràng buộc vĩnh viễn của hôn nhân, của độc thân, và – quả thật - của toàn bộ đời sống Kitôhữu, có hai cách nhận hiểu và thực hành rất khác biệt. Một là nẻo đường của Tin Mừng, từ lăng kính này Thánh Phao-lô nhìn thấy mọi sự trong nhãn giới của ân sủng Thiên Chúa. Nẻo đường thứ hai là nẻo đường thiên lệch về luật, về sự giữ luật và sự kiểm soát bởi luật.

Hôn nhân, như được hiểu từ viễn tượng ân sủng, có nghĩa là tín thác rằng Thiên Chúa sẽ ban ơn giúp sức cho người ta để họ dám dấn thân vào giao ước hôn nhân trong viễn tượng trung thành suốt đời với giao ước ấy. Ngay cả trong trường hợp gặp những khó khăn và trắc trở, người ở trong giao ước hôn nhân vẫn không bỏ cuộc. Nói đúng hơn, cũng như Thiên Chúa tiếp tục không ngừng tín nhiệm trước đối với đôi bạn, đôi bạn được mời gọi thể hiện cùng một sự quảng đại và lòng tín nhiệm như thế. Sự tha thứ của Thiên Chúa được thực hiện bởi việc người ta kêu xin và sẵn sàng cung ứng sự tha thứ về những lỗi lầm và những vấp ngã của nhau. Chỉ khi một cuộc hôn nhân trở nên rõ ràng không còn là một con đường cho hai người chia sẻ ơn cứu độ nữa và trở thành mối nguy hại lớn cho tính thống nhất và sự lành mạnh của cá nhân thì lúc ấy hai người mới có thể chia tay – dĩ nhiên vẫn không bao giờ đánh mất niềm hy vọng rằng rồi sẽ đạt được sự tha thứ lẫn nhau.

Trong khi đôi bạn không nên bước vào giao ước hôn nhân một cách nông nổi hay một cách tùy tiện, thì sự thành công vẫn không hoàn toàn được bảo đảm ngay cả trong trường hợp họ đã quyết định một cách đầy cân nhắc. Bất chấp ý hướng ngay lành vào ban đầu, có thể rồi đến một ngày đôi bạn khám phá ra rằng mối kết hiệp giữa họ đã đổ vỡ không thể hàn gắn được. Ngay cả lúc ấy, hay phải nói đặc biệt là lúc ấy, cả hai người cần biết tín thác hơn nữa vào Thiên Chúa, Đấng luôn rộng ban cho họ khả năng bắt đầu lại và khích lệ họ xem xét lại toàn cục vấn đề để tìm ra giải pháp tốt nhất có thể.

Từ nhãn giới nệ luật, hôn nhân được đặt nền trên một cái nhìn có tính khế ước rằng đó là một bí tích ràng buộc vĩnh viễn, và sự ràng buộc vĩnh viễn này được tất định chiếu theo luật. Ngay cả khi rõ ràng một cuộc hôn nhân đã đổ vỡ và hoàn toàn không thể sửa chữa gì được, “bí tích” có tính khế ước ấy vẫn treo trên đầu hai người như thanh gươm của Damocles. Cách diễn giải này về bí tích đã đến lúc cần phải được dứt khoát loại bỏ. 

Sự độc thân, như được hiểu từ viễn tượng nệ luật, có thể dẫn đến hiện tượng đối xử với một linh mục vấp ngã như thể anh ta là một kẻ phản bội hay là một kẻ cùi hủi, thế nhưng vẫn cương quyết buộc anh ta tiếp tục làm một linh mục chiếu theo luật – ngay cả khi sự việc cho thấy rành rành rằng luật không hề cứu anh ta. Trái lại, luật ấy không chỉ làm thương tổn anh ta, mà còn có thể hủy diệt anh ta nữa.

Tuy nhiên, nếu theo quan điểm đích thực của Thánh Phao-lô, chúng ta nhận thức đúng đắn rằng mọi Kitôhữu không còn ở dưới chế độ Lề Luật nữa, nhưng là thuộc về ân sủng, thì một người cảm thấy mình được mời gọi sống đời linh mục độc thân sẽ đặt trọn niềm tín thác vào ân sủng Thiên Chúa, sẽ sống đời sống thấm đẫm cầu nguyện, sẽ bước đi một cách sáng suốt, sẽ không ngừng tỉnh thức. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại bỏ khả năng rằng rồi một ngày nào đó, rõ ràng độc thân được thấy không phải là ơn gọi của đương sự. Trong trường hợp này, đương sự nên được ân cần khích lệ xin giải chức mà không chút lo sợ bị Giáo Hội trù dập hay khinh miệt.

Một thoáng nhìn qua hàng ngàn năm truyền thống Phật giáo sẽ có thể hữu ích cho chúng ta trong vấn đề này. Trong khi các phật tử rất đề cao đời sống độc thân, họ cũng hiểu rằng trừ một số trường hợp đặc biệt ngoại lệ, người ta sẽ không bao giờ đưa ra một lời cam kết không thể rút lại. Theo một truyền thống Phật giáo, sự độc thân được sống tạm thời trong một giai đoạn được coi như là một chuẩn bị tốt cho cuộc sống hôn nhân sau này. Đành rằng tôi không hề đề xuất việc bắt chước cách thực hành này, tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta nên có một cái nhìn mới mẻ hơn và nhân văn hơn về truyền thống của chúng ta, nhất là khi các hoàn cảnh lịch sử đang thay đổi một cách rất thâm sâu và nhanh chóng.

độc thân trong

bối cảnh lịch sử

Nhà khoa học lừng danh Marcel Légaut, một trong nhiều người tự nguyện chọn sống đời độc thân, đã hùng hồn nhắc cho Giáo Hội ấy rõ giá trị và hoa quả của sự độc thân vì Nước Trời. Những hoa quả này càng được gặt hái rõ rệt hơn nếu người ta lưu ý đầy đủ đến toàn bộ bối cảnh trong đó cuộc sống độc thân được thực hiện. Tuy nhiên, ông cũng xác nhận – và tôi đồng ý - rằng không bao giờ được phép hiểu những luật liên quan đến các đặc sủng đặc biệt như là cái gì có tính vượt thời gian, cơ hồ như chúng là một thực tại trên trời, nằm ngoài cảnh vực lịch sử không ngừng thay đổi.

độc thân linh mục

như một biển báo trên đường

Sự độc thân linh mục – được sống một cách trung thành và vui tươi – có thể là một sự giúp đỡ và là một biển báo trên đường cho những ai, vì hoàn cảnh nào đó của cuộc sống, bị buộc phải sống độc thân, ngay cả dù họ không tự nguyện chọn lựa như thế. Tôi nghĩ đến những người li dị và rất nhiều người, nam cũng như nữ, sống đời sống độc thân hoặc bởi vì không có cơ hội để kết hôn hoặc vì những khó khăn về sức khỏe không cho phép họ lập gia đình. Cảm thông với những người không thể kết hôn – đó có thể là một cách giúp củng cố niềm khao khát nhận hiểu sâu sắc hơn tiếng gọi độc thân của chính chúng ta. Hơn nữa, chúng ta có thể học được nhiều điều từ những người độc thân đã biết chấp nhận cuộc sống không do mình chọn lựa, và những người đã khám phá ra không chỉ cách tạo ý nghĩa cho đời độc thân của mình mà cả cách để sống đời độc thân của mình một cách đầy hiệu quả.

Trong cuộc chiến tranh trước đây ở Nga, một linh mục đứng tuổi thuộc Giáo Hội Chính Thống Nga đến gặp tôi để xin giúp đỡ - vì ông bị bệnh. Sau khi chào ông, tôi hỏi ông câu hỏi xã giao: “Ngài và bà nhà vẫn khỏe chứ?” Ông trả lời: “Vợ tôi đang ở trên trời; và tất cả các con tôi cũng không còn. Bây giờ tôi sống hoàn toàn một mình – một mình với Chúa và cho Chúa.” Khuôn mặt ông rạng rỡ khi ông thốt lên những lời đó, một cách hết sức đơn sơ chân thành đến nỗi tôi không nén được niềm cảm kích sâu sắc. Tôi nghĩ rằng đó là bài giảng ngắn nhất và tuyệt vời nhất trong tất cả những bài giảng mà mình nghe được về ơn gọi độc thân của mình.

Nếu các linh mục chúng ta, với ơn Chúa, có thể sống đích thực đời độc thân của mình, thì tự thân điều đó có thể là một sứ điệp không lời song đầy sức tác động đối với nhiều người phải sống độc thân vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Thế nhưng, việc suy tư về ý hướng này và về giá trị của sự độc thân mà thôi thì không đủ. Sự độc thân phải đẩy ta tới nhiệt tình cao hơn và sáng kiến mới mẻ hơn để nâng đỡ những con người độc thân, nam cũng như nữ, bằng hết sức mình. Ít nhất, chúng ta cũng phải khích lệ họ sống cuộc sống của họ một cách hiệu quả hơn - bằng cách giúp họ cảm nghiệm được sự nâng đỡ của cộng đoàn, nhất là bằng cách tạo các cơ hội cho họ phát triển những tình bạn vững bền và đầy ý nghĩa.

 

độc thân và

các vấn đề dân số

Có một mối nối kết rõ rệt giữa sự độc thân và vấn đề dân số. Tôi sẽ đề cập đến hai khía cạnh có liên hệ đến luật độc thân linh mục. Vào thời mà việc thực hành độc thân và luật độc thân được thấy là điều rất tự nhiên và phổ biến, thì tình trạng đông dân số chưa phải là một vấn đề. Con số gia đình thời đó cũng không nhiều, và con số ấy không dễ tăng lên như trong thời đại công nghiệp và đô thị hóa. Các gia đình quí tộc, trung lưu và nhất là các gia đình thuộc tầng lớp nghèo cảm thấy sung sướng khi con cái họ chọn đời sống trong cộng đoàn tu trì có lời khấn hay chọn trở thành linh mục triều hoặc dòng. Mặc dù đông dân số không phải là một vấn đề, nhưng các điều kiện kinh tế lại khiến cho một số người không thể cưới vợ. Thường đây là tình trạng của đại đa số các gia đình lớn. Kết quả là, một đời sống độc thân trong các gia đình lớn được chấp nhận như chuyện bình thường trong xã hội, và chắc hẳn rằng đời sống độc thân linh mục đã đóng góp tích cực vào chiều hướng chấp nhận ấy.

Trong thế giới ngày nay, tình trạng đông dân số rõ ràng là một vấn đề ngày càng gay cấn. Trước hết, đây là vấn đề bảo toàn các điều kiện trên hành tinh chúng ta để sự sống có thể tiếp tục. Nói cho ngay, cái đang lâm nguy nhất là chính trái đất này; và sự sống còn của trái đất này là điều kiện cần trước hết để nâng đỡ mọi dạng sự sống. Những ai tự nguyện đảm nhận đời sống độc thân vì Nước Trời thì cũng đồng thời đang đóng góp một cái gì đó cho thiện ích chung.

Các vấn đề dân số có thể có một ảnh hưởng rất lớn đối với việc tuyển người vào đời sống độc thân linh mục hoặc tu sĩ. Trong những điều kiện hiện nay của xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp Tây phương, quyền kết hôn được xem như một trong những quyền căn bản nhất của con người. Tuy nhiên, nền văn hóa hiện đại, nhận thức được các vấn đề gắn liền với tình trạng đông dân số, có khuynh hướng ủng hộ mô hình gia đình chỉ với một hay hai con. Trong một xã hội với những gia đình nhỏ như vậy thì hẳn nhiên việc tuyển người vào chức linh mục sẽ gay go hơn rất nhiều so với trong quá khứ.

Trong bối cảnh những khó khăn về dân số hiện nay, ta thấy rất đáng ghi nhận một số kiểu sắp xếp của thời trước. Một mô hình đã từng có thời rất quen thuộc, đó là ông cha sở sống với bà mẹ góa bụa và một vài chị em gái của ông trong nhà xứ – không chỉ đơn thuần là để họ giúp việc nội trợ, mà nhất là để cha sở có bầu bạn, có một bầu khí gia đình. Cũng không nên nghĩ rằng những chị em gái này tự nguyện từ khước đời sống hôn nhân để phụ giúp cho người anh (hay em trai) linh mục của mình. Thường thì đấy chỉ là vấn đề hoặc chọn đi tu hoặc chọn phụ giúp các linh mục bởi vì đương sự không có cơ hội để kết hôn. Ngày nay, dĩ nhiên, hiếm khi người ta còn gặp thấy một mô hình như thế.

Hơn hai mươi năm cách đây, khi tôi giảng dạy cho các giáo sĩ ở Malta, tôi nhận ra rằng ở đó có một truyền thống các linh mục sống tại gia đình cha mẹ mình. Họ vô cùng thoải mái và “tự nhiên như ở nhà”! Mô hình này có một hiệu ứng phụ, đó là các linh mục cảm thấy nỗi mất mát lớn lao khi phải rời bỏ gia đình để đi phục vụ Tin Mừng tại một nước khác.

Lần nọ tôi ghé thăm một giám mục ở Ý, tôi rất ngạc nhiên nhận thấy vị giám mục này không có một người giúp việc nào cả. Chính ngài phải tự sửa soạn bữa điểm tâm. Tôi hỏi tại sao như thế; vị giám mục trả lời rằng mặc dù ngài có đủ khả năng để thuê mướn một người giúp việc, nhưng ngài quyết định không làm thế, vì đa số các linh mục của ngài không có khả năng này. Rồi, tiếp tục khen ngợi các linh mục của mình, ngài nói rằng nhiều người trong họ sống rất cô độc và dành vô số thời giờ ngồi trước ti-vi.

Một chuyển biến văn hóa khác có liên hệ đến sự độc thân là một chuyển biến về triết học. Dưới ảnh hưởng các trường phái triết học khắc kỷ và Platon cổ xưa, đời sống kết hôn được xem như một cái gì hạ cấp, trong khi đó việc tiết dục được đánh giá là cao trọng. Một cách lệch lạc, truyền thống Augustin hậu thuẫn cho quan điểm này, về sau trở thành giáo huấn luân lý. Ngày nay, rất may là tất cả thế giới Kitô giáo và đa số các nền văn hóa khác có một cái nhìn đúng đắn và lành mạnh hơn về tính dục của con người, xuất phát từ nhãn quan tôn giáo hay những nhãn quan nhân văn khác.

Một triết học hay một khoa tâm lý một chiều nhấn mạnh đến sự thành toàn cá nhân thì hầu như không tìm thấy ý nghĩa trong việc tiết dục. Dĩ nhiên, độc thân được hiểu trong ánh sáng đức tin thì rõ ràng không chỉ là vấn đề tiết dục. Trước hết, đó là niềm vui trong Chúa, cùng với lòng quảng đại phục vụ Tin Mừng vì ích lợi của dân Thiên Chúa, điều này sẽ trao ý nghĩa thâm sâu hơn cho sự tiết dục, qua đó làm cho nó trở thành một kinh nghiệm tích cực. Tuy nhiên, chỉ những người có đức tin sâu xa mới nhận ra được điều này.

tìm kiếm

các giải pháp

Không có giải pháp đơn giản nào cho những vấn đề phức tạp, nhưng người ta có thể vạch ra một số con đường để cố gắng vượt qua chúng. Một con đường như thế có liên quan đến vấn đề thời sự về tình bạn giữa các linh mục ở các giáo xứ gần nhau. Tôi biết một số linh mục tham gia những nhóm linh đạo như phong trào Focolare, một phong trào theo mẫu thức của Bartholomew Holzhauser. Những linh mục này chọn sống trong những cộng đoàn nhỏ gồm ba hay bốn người, và thậm chí họ được khích lệ bởi các giám mục vốn ủng hộ mô hình này bằng cách sắp xếp cho họ làm mục vụ tại các giáo xứ gần nhau.

Cách đây ít lâu, tôi giảng tĩnh tâm cho hai mươi linh mục vào dịp lễ ngân khánh của họ và tôi nhận ra rằng tình bạn giữa họ thật tuyệt vời. Tôi rất phấn khởi khi nghe rằng từ khi thụ phong linh mục, năm nào họ cũng tổ chức một tuần đi nghỉ hè và cầu nguyện với nhau.

một linh đạo

xây dựng cộng đoàn

Đối sách tốt nhất cho mối nguy hiểm của sự cô độc là một linh đạo hướng nội dựa trên giáo huấn vững chắc của Thánh Gioan Tác Giả Tin Mừng và Thánh Phao-lô – “Đức Kitô ở trong chúng ta, chúng ta ở trong Đức Kitô.” Nếu hiểu đúng, nhãn quan linh đạo này không dính dáng gì tới chủ nghĩa thoát ly thực tế. Cảm nghiệm Đức Kitô ở trong mình một cách sâu sắc, điều đó sẽ mở ra một chân trời kỳ diệu cho một tình bạn mở rộng ra với tất cả. Đức Kitô, Đấng ở trong tôi, yêu tôi và được tôi yêu, sẽ giúp tôi có thể tháp nhập với Ngài trong tình yêu của Ngài đối với tất cả anh chị em tôi. Tình yêu và lòng quan tâm của tôi dành cho họ chính là tình yêu của Đức Kitô trong và xuyên qua tôi. Và đến lượt họ, sự đáp trả đầy yêu thương của họ là một phần của chính tình yêu Đức Kitô đối với tôi và đối với họ.

Thật rõ, mầu nhiệm thâm sâu này là một cái gì lớn lao ngàn trùng - chứ đây không duy chỉ là vấn đề liệu pháp chống lại nỗi cô độc. Tuy nhiên, mối nguy hiểm thật sự của cô độc tự nó cũng đủ giúp chúng ta khám phá ra và nếm cảm những tinh túy của một linh đạo Thánh Thể. Các vị chủ tọa tại các buổi cử hành Thánh Thể cần phải thực hiện được cuộc khám phá và cảm nếm này. Cũng rất cần thiết việc họ phải mời gọi những người tham dự tự khám phá ra ý nghĩa ấy trong linh đạo xây dựng cộng đoàn, một linh đạo luôn luôn tiên vàn được thúc đẩy bởi Thánh Thần, Đấng đưa dẫn ta vào mầu nhiệm Thánh Thể kỳ diệu. Như thế, độc thân không được cảm nhận như một hình thức tách ly khỏi các tín hữu. Trái lại, độc thân - được thể hiện như “sự sống trong Đức Kitô” và “tình yêu trong Đức Kitô” - chính là chóp đỉnh và trung tâm của đời sống độc thân linh mục.

Sự mật thiết tuyệt diệu này của sự sống trong Đức Kitô là phản đề hoàn toàn đối với tinh thần cá nhân chủ nghĩa. Ở đây không chỉ những gọng cùm của cá nhân chủ nghĩa bị tiêu diệt, mà mọi khả năng phát triển các mối quan hệ phong phú, như được diễn tả trong lời nguyện Abba tại bữa Tiệc Ly, sẽ được thiết lập lại. Sự sống mật thiết ngày càng hơn trong lời nguyện Abba là một kinh nghiệm về Ba Ngôi Thiên Chúa và là một kinh nghiệm có sức xây dựng những nhịp cầu trong nhân loại đã được cứu độ. Chính Đức Giêsu, Đấng Cứu Chuộc của thế giới và là Con Thiên Chúa, Đấng nhờ quyền năng của Thánh Thần, đang thưa lên lời Abba nơi chúng ta – lời Abba ấy sẽ đồng thời vang âm thành Abbuni (Lạy Cha chúng con). Vâng, Cha là Cha của Chúa Giêsu, và là Cha của chúng ta hết thảy.

Cảm nghiệm về sự mật thiết theo mẫu thức Ba Ngôi này sẽ khai phá mọi chân trời của sự liên đới có sức cứu độ, của cộng đoàn ơn cứu độ, của tình huynh đệ, và của tất cả. Trong sự mật thiết đó, chúng ta sẽ biết nhìn nhận và kính trọng nhau như là các con trai con gái của một Cha chung. Chúng ta cũng nhận ra và trân trọng tiếng gọi mời chúng ta cùng chia sẻ và cùng trách nhiệm đối với mọi sự sống thụ tạo. Sức mạnh của mối liên đới này tùy thuộc vào chiều sâu của sự mật thiết giữa chúng ta. Từ nhận thức đó, chúng ta thấy rõ ràng các tín hữu được ủy thác cho mình săn sóc mục vụ không bao giờ là đối tượng (object) của sứ vụ linh mục. Đúng hơn, chúng ta là một người ở giữa dân chúng, đón nhận từ họ nhiều không kém chi trao tặng cho họ. Như vậy, ở đây không có chỗ cho sự tách biệt “ta” và “họ”. Cùng với nhau, trong tư cách là những chủ thể, tất cả đồng hành trên con đường với, trong, và hướng về Đức Kitô, Đấng là xuất phát điểm và là kết điểm của hành trình chúng ta.

Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức (Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!