.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Tựa

Lời nói đầu

CHƯƠNG 1

CHƯƠNG 2

CHƯƠNG 3

CHƯƠNG 4

CHƯƠNG 5

CHƯƠNG 6

CHƯƠNG 7

CHƯƠNG 8

CHƯƠNG 9

THAY LỜI KẾT

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo dục hôm nay cho ngày mai
Tác giả: Lm. Xavier Thévenot, SDB
dịch, Gs. Trần Thái Đỉnh
CHƯƠNG 5

 KHÔNG CÓ THÂN TÌNH KHÔNG CÓ TIN TƯỞNG

KHÔNG CÓ TIN TƯỞNG KHÔNG CÓ GIÁO DỤC

    

Bây giờ tôi xin bàn về điều mà tôi coi là chủ yếu.

Có thể bị một số nhà chuyên môn tranh cãi, nhưng tôi vẫn sẽ mạnh mẽ lên tiếng, sau mười hai năm sống với các thiếu niên gặp khó khăn : đó là tôi xác tín, - và tất cả các bậc phụ huynh chẳng xác tín như tôi sao ? – tôi xác tín rằng người ta không thể giáo dục bằng nguyên tắc, bằng chương trình, nhưng chỉ bằng tình thương, thứ tình thương mà thánh Phaolô đã dạy chúng ta :

‘Tình thương thì nhẫn nại, phục vụ, không ghen tuông, không lên mặt, không tự kiêu, không làm điều gì xấu, không tìm tư lợi, không nổi sùng, không để bụng thù hằn, không vui vì điều bất chính, nhưng tìm thấy niềm vui nơi sự thật : tình thương tha thứ tất cả, tin tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả’ (1 Cr 13, 4–7).

THÂN ÁI VÀ TIN TƯỞNG   

Em thiếu niên phải cảm thấy người lớn có tình thân đối với em, thì mới có đủ nghị lực để dấn thân vào cuộc đối thoại, và để phó thác mà không sợ gặp rủ ro. Và để các em cảm thấy điều đó, cần thiết nhà giáo dục phải biết bày tỏ sự thân tình này bằng lời nói và bằng những cử chỉ mà các em hiểu được.

‘Thiếu thân tình thì tình thương không được chứng minh, và thiếu sự chứng minh này thì không thể có sự tin tưởng’, Don Bosco đã viết như thế[1] trong lá thư  năm 1884 gửi cho các đệ tử của ngài, vì họ có vẻ như đã bắt đầu không quan tâm đến những tiền đề của nền giáo dục của ngài, nền giáo dục xây nền trên tình thương.

Đúng thế, trong một nền giáo dục được quan niệm như một sự cộng tác với các thiếu niên, sự tin tưởng là yếu tố hàng đầu.

Và tin tưởng không thể là đơn phương : nó luôn có tính hổ tương. Muốn chiếm được niềm tin tưởng của các em, chúng ta phải khơi sự tin tưởng trong các em. Điều này chỉ có thể làm được bằng thân tình … Tuy nhiên, nhà giáo dục phải coi chừng đừng để em thiếu niên cảm thấy ái ngại vì phải đảm nhận một sự tin tưởng quá to cho hai vai bé nhỏ của em: chúng ta phải lưu ý đến sự yêu mến của các em.

MỘT SỰ THÂN TÌNH ĐÍCH THỰC VÀ ĐƯỢC BÀY TỎ

Đây không phải là một kỹ thuật của giáo dục, nhưng đây chính là cuộc sống của những người công giáo lo việc giáo dục. Mối thân tình này phải trung thực. Rất cần phải nhấn mạnh về tính trung thực của mối thân tình này, nếu không nó sẽ vô nghĩa …, tệ hơn nữa , nó sẽ trở thành giả dối.

Sự thân tình này, ta không nên giữ nó trong lòng, nhưng phải bày tỏ cho các em thấy. Trong bức thư năm 1884 của Don Bosco mà chúng tôi vừa nhắc tới trên đây, ngài đã nhấn mạnh : ‘Vẫn còn thiếu một điều quan trọng hơn : đó là không những các em phải được yêu thương, Nhưng các em còn phải biết mình được yêu thương’. Không thể có tình thương mà không có dấu hiệu, không có chứng cớ.

Biết bao khó khăn đã nảy sinh nơi những trẻ em và thanh thiếu niên, chỉ vì mấy em không nhận thấy dấu hiệu tỏ tường nào của tình thương ; các em vẫn tưởng mình không được yêu thương gì cả. Trong cuốn sách kể lại việc khám phá ra cậu Alexandre, con của ông, nghiền ma túy, Jean Bothrel đã than rằng : ‘Dầu sao, nếu phải đánh giá tình thương của tôi đối với Alexandre, thì phải nói đó là một tình thương trừu tượng. Tôi đã vụng về, không ngay thẳng, không có khả năng diễn đạt các xúc động tâm tình ở trong tôi bằng những cử chỉ và những lời nói’.

Không những nhà giáo dục phải yêu thương, nhưng còn phải tỏ cho thấy mình yêu thương.

Điều này đòi hỏi nhà giáo dục phải hoàn toàn làm chủ được tình cảm của mình.

MỘT TÌNH THƯƠNG THANH KHIẾT

Muốn trung thực, tình thương của chúng ta đối với các em thiếu nhi và thiếu niên phải là tình thương thanh khiết.

Danh từ, ‘thanh khiết’ rất xưa này được tôi hiểu là một cách quản lý tình cảm của mình, để không chiếm lấy các em làm đối tượng cho một sự thèm khát của nhà giáo dục, không biến các em thành ‘đối tượng âu yếm’, nhưng nhằm giúp các em tự chủ được tâm tình của mình.

Giáo dục là làm cho tha nhân càng ngày càng độc lập đối với ta, giúp tha nhân giữ vững tư thế của một người đối thoại, với cách ăn nói riêng, chớ không biến tha nhân thành một đồ vật để thực hiện những dự tính của nhà giáo dục.

Điều quan trọng là nhà giáo dục đừng coi các em như  của riêng mình. Chúng ta nên nhớ những lời tuyệt diệu sau đây của Khabil Gibram, những lời thường được đọc lên khi cử hành lễ nghi hôn nhân, nhưng rất khó sống trong thực tế hằng ngày.

‘Các con của anh chị không phải là con của anh chị. Chúng là con trai và con gái của Tiếng gọi sự sống. Chúng nhờ anh chị. Và mặc dầu chúng ở với anh chị, chúng không thuộc về anh chị’.

Dầu sao thì tình thương của nhà giáo dục đối với các em, cũng sẽ có ngày chịu sự thử thách của chia ly !

MỘT TÌNH THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN

Tình thương của nhà giáo dục đối với các em không được có vết tích một sự ‘mặc cả’ nào hết về tâm tình, vì như thế sẽ gây xáo trộn trầm trọng cho quan hệ giáo dục.

Dù em nhỏ có thiếu sót và lầm lỡ đến đâu mặc lòng, nhà giáo dục vẫn phải luôn sẵn sàng tỏ tình thương và giữ niềm tin tưởng đối với em.

Nhà giáo dục phải tin chắc rằng, dù em nhỏ có thái độ ngu xuẩn và bất xứng đến đâu mặc lòng, em vẫn có những lý do ‘của em’ : em nghĩ đó là cách giải quyết tốt nhất của vấn đề được đặt ra cho em lúc đó.

Bởi vậy ta phải giữ vững niềm tin tưởng đối với các em, mặc dù các em phạm phải những lầm lỡ đó : chỉ tình thương  trung thực và vô điều kiện mới có thể giúp nhà giáo dục có được sức mạnh  trong những giờ phút đó. Bất cứ công việc giáo dục nào cũng cần phải có thời gian, không thể nào có ngay được thành quả, cho nên nhà giáo dục phải có đủ khả năng chạm trán với chán nản và thất bại, chấp nhận những giới hạn của hành động của mình và bất chấp mọi sự để cứ tiếp tục hy sinh cho các em. Bởi vì đôi khi, ở những lúc không ngờ nhất, các em lại cần đến nhà giáo dục hơn hết. Trong lãnh vực giáo dục, phải luôn luôn biết ‘nắm lấy những cơ hội’.

Tính vô điều kiện của tình thương này cũng phải được tỏ rõ trong khi cần phải áp dụng những hình thức sửa phạt. Những sự sửa phạt này không bao giờ được mang tính chất hạ nhục, nhưng chỉ có tính sửa sai. Và khi sửa phạt các em, ta phải lo sao để nhân phẩm của các em vẫn được tôn trọng. 

MỘT TÌNH THƯƠNG KHÔNG THIẾU CƯƠNG NGHỊ

Các bậc cha mẹ quá biết rằng yêu con không phải là chiều ý con trong tất cả thị hiếu của chúng. Nhà giáo dục cũng phải cư xử như thế với các em thiếu niên. Phải biết chống đối, từ chối. Phải biết ấn định các giới hạn, và cương quyết vững tay. Với sự dễ dàng nghĩ là làm của các em, những thái độ của các em thiếu niên thường là triệu chứng không tốt đối với pháp luật. Thường hùa nhau đi vào lập trường ‘tất cả, làm ngay’, các em sẽ không trông thoát khỏi đường lối này, nếu trên đường đời các em chỉ gặp toàn những người chịu thua sức ép và những thủ đoạn của các em. Trái lại, các em rất cần chạm trán với những người lớn không sợ các em, dám đối lập với các em và không dung thứ những sự bừa bãi của các em.

Những thái độ cương quyết như thế có thể khó giữ đối với nhà giáo dục. Nhưng cương quyết không bao giờ có nghĩa là nghiêm khắc : cương quyết không được gián đoạn sự đối thoại, nhưng nhằm thiết lập cuộc đối thoại (thật ra, chính những thái độ ‘bắt chẹt’ mới thường ngăn cản diễn ra cuộc đối thoại). Những thái độ cương quyết không bao giờ nghịch với sự tỏ bay tình thương.

Như linh mục Pierre đã nhấn mạnh một cách rất đúng[1]: không những không mâu thuẫn với tình thương, nóng giận là một cách tỏ bày tình thương. ‘Nóng giận là một trong những cách tỏ bày cao trọng, một trong những sức mạnh của tình thương. Sử dụng sự nóng giận cho đúng là một trong những bổn phận, một trong những điều kiện của một tình thương đích thực’.

MỘT TÌNH THƯƠNG PHÚC  ÂM

‘Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em’ (Ga  13,34 ). Đối với nhà giáo dục Kitô giáo, tất cả ý nghĩa của tình thương nằm ở chữ  ‘như’  vì đó là tính độc đáo của đường lối Kitô giáo. Và  tôi muốn kết thúc chương này bằng vài suy nghĩ bản thân về ý nghĩa hôm nay của câu nói ‘yêu thương như Chúa Giêsu’.

Yêu thương như chúa Giêsu không phải là tuyên bố những lời cao trọng về tình thương, không phải thế. Nhưng đó là thực hành những cử chỉ cụ thể đối với những người mà ta gặp mỗi ngày. Chúa đã không chỉ nói thôi. Ngài đã rảo bước trên các nẻo đường Palestina, đi gặp những người điên khùng, những phụ nữ ăn sương, những người mang tiếng xấu, những trẻ em : Ngài đón nhận tất cả những ai tới gặp Ngài.

Yêu thương như Chúa Giêsu, trước hết đó là biết đón nhận tha nhân. Sách vở không dạy ta cách đón nhận : Đó là thái độ cởi mở từ trong lòng và biết chia sẻ. Để có đón nhận, thì người được đón nhận có thể chia sớt những gì người đó mang tới, và nhận cái phần mà người ta hiến cho anh ta. Đón nhận không phải là bước tới, nhưng là để cho người khác bước tới. Bởi vậy, đón nhận luôn luôn là một cuộc phiêu lưu …

Yêu thương như Chúa Giêsu còn có nghĩa là chấp nhận tha nhân với tất cả những khác biệt của tha nhân, chấp nhận một cái gì khác ta, một người khác với ta. Yêu thương không phải là hủy bỏ, từ chối cái vẻ khác biệt, nhưng là chấp nhận sự khác biệt đó, chấp nhận sự người ta khác với ta, và chấp nhận luôn hình ảnh mà ta có về người đó. Như lời ca của ca sĩ Jean Jacqes Goldman, ca sĩ rất được giới trẻ mến chuộng, yêu thương là ‘đem tất cả những nét khác của mình, những nét xấu của mình, cũng là bấy nhiêu sự  may mắn’.

Yêu mến vẻ khác biệt, chính là chấp nhận người khác một cách chân tình, như Chúa Giêsu đã biết thương yêu người phụ nữ đất Samaria, người đàn bà đất Canaan, những người thu thuế, viên bách quân người la mã. Trước hết đó là quyết tâm vượt qua những bức tường ngăn cách mà chúng ta thường dễ dựng nên giữa chúng ta[1], ngay từ khi gặp lần đầu, đã phân chia những người chúng ta gặp làm hai loại : những người có thiện cảm và những người có ác cảm ... Bởi vậy, vấn đề không phải là yêu thương những người yêu thương ta (điều này quá dễ và còn có lợi nữa), nhưng là yêu thương cả những người mà đúng hay sai, ta coi là kẻ thù của mình. Điều này không có nghĩa là biến những kẻ thù của ta thành những người bạn hữu ta : như thế sẽ là hiểu sai vấn đề và giải quyết một cách sai lầm. vấn đề là chúng ta phải tôn trọng những ý kiến và con người của những người không chia sẻ những niềm tin sâu xa nhất của chúng ta.

Yêu thương như Chúa Giêsu là tập cho và tập nhận. Người ta thường nghĩ rằng yêu thương ai là mang đến cho người đó tất cả những gì mình có thể cho người đó, và người ta quên rằng đôi khi tặng phẩm lớn nhất mà chúng ta có thể cho người khác, là để cho người đó có cơ hội mang cho ta cái gì. Đúng như tôi vẫn lặp đi lặp lại, điều quan trọng trong tình yêu không phải là cái người ta có, nhưng là cái mà người ta trao đổi .

Sau cùng, yêu thương như Chúa Giêsu là đi tới cùng trong tình thương, dù có gặp khó khăn đến mấy trên đường đi. Đối với Chúa Kitô, điều đó đã có nghĩa là ban mạng sống của Ngài. Đó là tiếng gọi đang vang lên trong lòng nhà giáo dục Kitô giáo : ‘Như Cha Thầy đã yêu thương Thầy, Thầy cũng đã yêu thương anh em : hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (…) không ai có tình yêu nào lớn hơn là người thí mạng sống mình vì người mình yêu’ (Ga 15,9 và13).    

Tác giả: Lm. Xavier Thévenot, SDB (dịch, Gs. Trần Thái Đỉnh)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!