Câu chuyện Thầy Lang
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Muối ăn (NaCl) là những hạt mầu trắng, vị mặn, tách
ra từ nước biển hoặc khai thác từ mỏ di tích của biển. Đây là một chất cần
thiết cho mọi sinh vật nhưng cũng có nguy cơ gây bệnh nếu dùng quá nhiều.
Muối ăn được dùng từ thuở rất sớm trong lịch sử loài
người. Trước đây, vì khan hiếm, nên muối là nguồn lợi mà nhiều lãnh chúa tranh
giành. Ngày nay, nhờ kỹ thuật tinh chế tân tiến, muối được sản xuất dễ dàng,
nhiều hơn và rẻ hơn.
Về cấu tạo hóa chất, muối ăn gồm hai phần tử là natri (40%)
và chlor (60% ). Natri có trong nhiều
thực phẩm, nhất là trong thực phẩm chế biến và các loại nước uống.
Nhiều người cho là muối biển tốt hơn nhưng thực ra muối từ biển
và muối từ mỏ có cùng lượng natri như nhau. Có thể là ở một
vài mỏ, muối ít mặn vì nước biển xưa kia cũng nhạt hơn nước biển ngày nay
Vai trò muối trong cơ thể
Trong cơ thể, muối nằm trong các dung môi lỏng (50%), dự trữ
trong xương (40%) và 10% trong các tế bào.
Vai trò chính yếu của muối, nhất là natri, giúp giữ cân bằng
dung dịch chất lỏng ra vào các tế bào. Ngoài ra, muối còn có các vai trò khác
như:
-Kiểm soát khối lượng máu, điều hòa huyết áp;
-Duy trì nồng độ acid/kiềm của cơ thể;
-Dẫn truyền tín hiệu thần kinh;
-Giúp cơ thể tăng trưởng;
-Giúp bắp thịt co duỗi;
-Giúp mạch máu co bóp khi được kích thích hoặc dưới tác dụng của
kích thích tố;
-Hổ trợ việc hấp thụ đường glucose và các chất
dinh dưỡng khác ở trong ruột.
Công dụng dinh dưỡng
-Muối tạo ra một vị mặn đặc biệt cho thực phẩm.
-Muối làm tăng mùi vị của món ăn. Chỉ với một chút muối có thể
làm sự thơm ngon của miếng thịt lợn nướng chả dậy mùi. Một vài món thực
phẩm ngọt mà chêm tý muối
cũng đậm đà hơn.
-Muối được dùng để cất giữ thực phẩm, chống lại tác dụng của vi
khuẩn, nấm mốc. Với thịt chế biến, muối làm các thành phần của thịt kết liên
với nhau. Nhờ muối mà thực phẩm có thể để dành lâu ngày cũng như chuyên trở tới
các địa phương xa.
-Muối ngăn sự lên men của thực phẩm. Lên men làm thay đổi hóa
chất, hương vị, hình dạng, vẻ ngoài của món ăn.
Về dinh dưỡng, muối có trong thực phẩm tự nhiên và nước uống
(20-40%), được cho thêm khi nấu nướng hoặc khi ăn. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là
trong thực phẩm chế biến (40-50%). Vì thế, khi mua các loại thực phẩm chế biến,
ta cần đọc kỹ nhãn hiệu thực phẩm để biết hàm lượng muối trong đó. Nước
tương tầu, nước mắm, các loại nước chấm xì dầu, mù tạc, ketchup, salad
dressing... cũng có nhiều muối.
Nhu cầu
Nhu cầu muối ở người bình thường tùy thuộc vào khí hậu thời
tiết, mức độ hoạt động của cơ thể. Mỗi ngày cơ thể mất đi khoảng 120 mg muối
qua phân, nước tiểu, mồ hôi...
Các chuyên viên y tế dinh dưỡng đều khuyên là mỗi ngày ta không
nên dùng quá 2500mg natri, tương dương với một thìa cà phê
muối. Thực ra, cơ thể chỉ cần khoảng 500 mg natri là đủ để duy trì sức
khỏe. Số lượng này có sẵn trong các bữa ăn đa dạng và cân bằng các chất dinh
dưỡng.
Nhiều người ăn tới 5000- 6000mg natri
một ngày. Họ không thấy ngon miệng đối với món ăn ít muối vì thế mỗi khi ăn lại
phải thêm muối vào thực phẩm để tăng khẩu vị. Họ rất thích ăn thực phẩm làm sẵn
như khoai mỏng chiên, đậu phọng, hột điều rang trong đó có khá nhiều muối.
Dùng muối nhiều hay ít, mặn hay nhạt là một thói
quen, giống như khi ta ăn các món cay, chua, ngọt. Người quen ăn nhạt, độ
250 mg muối mỗi ngày, rất nhạy cảm đối với muối, và nếu trong thức ăn có
thêm một chút muối, họ cũng phân biệt được ngay. Trái lại những người quen ăn
mặn, từ 10 đến 20 gr mỗi ngày, thì có cái lưỡi như chai lì với muối, và nếu
thức ăn có thêm muối họ cũng không thấy mặn hơn.
Khi có thói quen ăn nhạt thì thưởng thức được hương vị nguyên
thủy của nhiều thực phẩm không thêm muối.
Tác dụng trên sức khỏe
Mối quan tâm thứ nhất của nhiều người là sự liên hệ
giữa quá nhiều muối với cao huyết áp. Liên hệ này thực ra đã
được để ý tới từ hàng ngàn năm nay.
Người Nhật ở Miền Bắc ăn 28 g muối (khoảng 6 thìa cà phê) mỗi
ngày cho nên tỷ số người mắc bệnh cao huyết áp cao hơn dân miền Nam ít ăn muối
tới 38%.
Thổ dân Alaska ăn ít muối nên ít bị bệnh cao huyết
áp.
Người Mỹ ăn từ 10 đến 15 g muối mỗi ngày, tức là gấp đôi hay gấp
ba số lượng vừa phải, cho nên tỷ lệ dân chúng bị bệnh cao huyết áp lên tới
25%. Cao huyết áp là một trong nhiều nguyên cơ đưa tới tai biến mạch
máu não, nhồi máu cơ tim và suy thận.
Khi ăn nhiều muối thì sự thăng bằng giữa kali và natri trong
cơ thể bị đảo lộn vì natri cao sẽ làm giảm kali trong
các mô. Khi cho thêm muối vào các loại rau, đậu thì sự thăng bằng giữa natri
và kali trong rau đậu cũng thay đổi.
Ví dụ trong 100 g đậu tươi có 300 mg kali và 2
mg natri. Khi thêm muối vào đậu để đóng hộp thì natri lên
đến 236 mg và kali giảm xuống còn 160 mg.
Khi mức thăng bằng giữa natri và kali trong cơ
thể bị đảo lộn thì cơ thể bị chứng phù nước. Đây là sự tích lũy bất thường của
nước trong khoảng trống giữa các tế bào. Hậu quả là các mô thiếu dưỡng khí và
là nguy cơ gây ra nhiều chứng bệnh trầm kha như bệnh suy tim. Đồng thời tim
cũng phải làm việc mạnh hơn để đẩy máu vào mạch máu, và huyết áp lên cao.
Người nhậy cảm với muối thì chỉ ăn một phân lượng nhỏ, huyết áp
cũng lên quá mức trung bình.
Để biết có nhậy cảm hay không, có thể thử bằng cách sau
đây: Khi huyết áp cao, không ăn muối trong một tháng rồi đo huyết áp đều
đặn. Nếu huyết áp giảm thì có nhiều phần là nhậy cảm với muối và nên giảm tiêu
thụ hoặc dùng muối thay thế.
Kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có chất natri
trong muối ăn natri chlorid mới gây chứng cao huyết áp còn các
loại natri khác như natri bicarbonat trong bột nướng
bánh, natri citrat trong trái cây chua, natri artrat trong
rượu vang đều không có liên hệ gì với bệnh cao huyết áp.
Một người Đức tên là Sebastian Kneipp, sống vào đầu thế kỷ
20, đã làm một cuộc thí nghiệm hi hữu về muối để thỏa óc tò mò.
Ông ta pha thêm muối vào thực phẩm của bò và quan sát phản ứng
của con vật này. Kết quả là khi ăn nhiều muối, bò chết sớm. Khi ngưng muối thì
bò sống lâu hơn, và cũng không còn đẻ non.
Gần đây có người lại thí nghiệm cho chuột ăn thêm muối. Kết quả
là chuột ăn nhiều muối chết trước chuột ăn ít muối vài tháng.
Giảm muối
Thực ra ta không nên và không được loại bỏ muối khỏi món ăn vì
cơ thể cần một số lượng tối thiểu. Hơn nữa, dù muốn bỏ cũng chẳng được vì
muối có tự nhiên trong nhiều thực phẩm. Nếu vì lý do sức khỏe mà phải hạn chế
thì sau đây là vài gợi ý để giảm muối trong thức ăn:
-Nên dùng thực phẩm tươi, giới hạn thực phẩm biến chế, đóng hộp;
-Không cho thêm muối khi ăn;
-Không cho nhiều muối khi nấu thực phẩm. Khi ăn, thấy nhạt thì
dùng thêm. Cho muối khi món ăn nấu đã gần chín, như vậy nước xúp sẽ cho cảm
giác mặn hơn.
-Các loại thực phẩm ướp muối cần được rửa nhiều lần với nuớc lã
để loại bỏ bớt muối trước khi ăn;
-Không để lọ muối trên bàn ăn, tránh bị quyến rũ .
-Đừng cho muối vào rau luộc, vì muối hút nước từ rau ra, rau sẽ
cứng;
Phụ nữ có thai không nên quá tiết giảm sodium để tránh phù nước,
vì có thai cũng cần một số sodium có trong món ăn hàng ngày.
Các vận động viên hoặc người làm việc lao động ngoài nắng,
đổ mồ hôi nhiều và mất bớt muối cũng không cần uống thêm natri, vì thực phẩm
dùng sau khi vận động đều cung cấp số muối đã mất.
Một số dược phẩm bán tự do cũng có natri: thuốc làm bớt chứng
khó tiêu bao tử (loại alkalizer), thuốc ho, thuốc xổ táo bón, thuốc kháng
sinh... Do đó, trước khi dùng các loại thuốc này, xin coi kỹ nhãn hiệu và hỏi ý
kiến bác sĩ.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên cẩn thận khi dùng những món như mù
tạt, nước sốt cà chua, dầu giấm, nước chấm thịt nướng, nước tương, xì dầu, bột
ngọt và ngay cả món quốc hồn quốc túy nước mắm của mình, vì chúng có khá nhiều
natri. Một muổng canh nước mắm có tới 2000 mg natri.
Kết luận
Ăn nhạt mặn là một thói quen có thể thay đổi được nếu ta muốn.
Nói như vậy không có nghĩa là ta phải ăn hoàn toàn nhạt, trừ khi
có khuyến cáo của thầy thuốc. Nhưng giảm thói quen ăn mặn, chỉ dùng một lượng
muối vừa phải có thể giúp ta thưởng thức thực phẩm tốt hơn, vì thực phẩm
thêm nhiều muối sẽ mất đi hương vị tự nhiên của nó.
Và sức khỏe cũng được bảo đảm an toàn, không dễ dàng bị Cao
Huyết Áp rồi Heart attack, Stroke…xe lăn.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
www.bsnguyenyduc.com