Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
Bài Viết Của
Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
67. NHỮNG VÒNG TAY THÂN ÁI.
66. KHỦNG HOẢNG CỦA NHỮNG HÔN NHÂN KHÁC CHỦNG TỘC VÀ KHÁC TÔN GIÁO
65. CHÚA ƠI! CHÚA Ở ĐÂU RỒI?
NGƯỜI CON ÚT RA ĐI
ĐỨC KYTÔ PHỤC SINH
CHUYỆN MỘT NÀNG CÔNG NHÂN VIỆT NAM
NGƯỜI CHA ĐÍCH THẬT CÓ NGHĨA LÀ NHÂN HẬU VÀ QUẢNG ĐẠI
LẮNG NGHE
KHÔNG AI THÍCH NHẬN LỆNH
ĐỪNG LÀM MẤT MẶT NGƯỜI KHÁC
LẮNG NGHE NHIỀU, PHÀN NÀN ÍT (2)
LẮNG NGHE NHIỀU, PHÀN NÀN ÍT (1) - Bài 1
ĐỪNG PHÊ BÌNH, LÊN ÁN ĐỂ KHỎI BỊ LÊN ÁN (MT. 7,1-2)
TÌNH YÊU, MỘT NHU CẦU CĂN BẢN
CHÍNH NGÀI ĐÃ DẪN CON ĐI
HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
TIN LÀ THẦN DƯỢC
ANH HÙNG NGÃ NGỰA VÀ KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI
MỤC VỤ CHO BỆNH NHÂN
KHÍCH LỆ : BÍ QUYẾT GIÁO DỤC CON TRẺ THÀNH CÔNG
QUÀ GIÁNG SINH NĂM NAY
SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT
PHÚC CHO NGƯỜI ĐAU KHỔ
Tình Yêu và Phục Vụ
MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT. TA VỚI MÌNH TUY MỘT MÀ HAI
Giới Thiệu Bộ sách Tâm Lý Giáo Dục gồm 4 cuốn của Lm. Tiến sĩ Lê Văn Quảng.
NẾU TÔI KHÔNG THẤYTÔI KHÔNG TIN
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ - VÀ CON NGƯỜI NGÀY MAI (1)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (6)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (5)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (4)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (3) - NHỮNG PHƯƠNG CÁCH THÍCH HỢP ĐỂ ĐIỀU KHIỂN CON CÁI
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (2)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (1)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (4)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (3)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (2)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (7)
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (6).
66. KHỦNG HOẢNG CỦA NHỮNG HÔN NHÂN KHÁC CHỦNG TỘC VÀ KHÁC TÔN GIÁO

 

Chuyên đề:

SỨC MẠNH TÌNH YÊU

do Linh Mục Tiến Sĩ Tâm Lý

Peter Lê Văn Quảng phụ trách

  

Kính mời theo dõi video tại đây:

https://youtu.be/43SRalBVdkE

 

 Mối tình cô gái Ukraine (Leyna) và chàng trai Việt (Hà)

Tôi và anh quen nhau tại KF. Chúng tôi lấy nhau và sinh được 2 con tuyệt vời. Con trai là Andray và con gái là Maya. Lúc đầu mẹ tôi phản đối kịch liệt việc lấy chồng Việt của tôi, lý do vì chồng tôi Hà là người Việt Nam bán hàng ngoài chợ, và anh hơn tôi đến 16 tuổi. Nhưng mặc cho sự phản đối của mẹ, chúng tôi vẫn lấy nhau và cùng chung sống với nhau suốt 8 năm trời trong hạnh phúc. Chồng tôi rất yêu lũ trẻ và sẵn sàng giúp tôi làm mọi việc trong nhà. Cuộc sống xem ra rất an bình và hạnh phúc. Bỗng một ngày kia Hà nhận được tin bố ốm nặng, có thể không qua khỏi, nên anh lập tức bay về Việt Nam. Một thời gian sau, anh gọi điện sang và bảo mẹ con tôi sang Việt Nam với anh. Thật ra, tôi không muốn đi cho lắm vì đường xa mà hai con còn quá nhỏ. Con trai tôi 6 tuổi, còn con gái mới có 1 năm 4 tháng tuổi. Nhưng Hà động viên tôi rất nhiều và nói chỉ ở Việt Nam vài tháng thôi, chủ yếu là anh muốn giới thiệu mẹ con tôi với gia đình và họ hàng bên nội. Thế là tôi quyết định lên đường mang theo 2 con mà lòng không hề nghĩ đến những gì đang chờ đợi mình phía trước. Ngày tôi đến Việt Nam thì bố chồng đã mồ yên mả đẹp. Ngày đầu ở nhà chồng, chúng tôi đã đưa 2 con đi thăm mộ ông nội. Nghĩa địa nằm ngay gần nhà, nhưng thực sự mà nói nó khác xa với những hình ảnh quen thuộc của những nghĩa trang ở Ukraine.

Quê chồng tôi là một ngôi làng gồm khoảng 400 nóc nhà, nằm không xa thủ đo Hà Nội. Tuy nhiên ở đó không có đường ống dẫn khí đốt. Mọi người nấu ăn bằng bếp rạ, chỉ có một số gia đình khá giả mới nấu ăn bằng bình gas.

Làng mạc ở Việt Nam cũng có nhiều điểm giống làng quê ở Ukraine, chỉ có điều đường sá không trải nhựa mà đổ bằng bêtông, có lẽ bêtông chịu nắng tốt hơn so với nhựa đường. Chung quanh mỗi ngôi nhà đều có rãnh thoát nước. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao phải làm như vậy. Sau đó tôi đã hiểu vì vào mùa mưa dù có rãnh thoát nước, nhưng nhiều lúc vẫn phải lội nước đến tận đầu gối, và khó chịu nhất là áo quần giặt xong phải phơi cả tuần cũng chẳng khô. Ngày thứ hai ở nhà chồng, Hà đột ngột tuyên bố rằng chúng tôi sẽ ở lại Việt Nam vĩnh viễn. Hành động của anh làm tôi hết sức ngỡ ngàng vì anh tự quyết định mà không hề bàn với tôi một tiếng. Tôi không thể ngờ rằng người chồng đã từng chung sống suốt 8 năm trời lại có thể xử sự với tôi như vậy. Ở Việt Nam, anh đã trở thành một con người khác hẳn. Anh hầu như không còn thân thiết trò chuyện với tôi như xưa, và thường tự quyết định mọi thứ kể cả những việc có liên quan trực tiếp đến tôi và các con tôi. Dù rất buồn trước sự thay đổi của Hà, nhưng trong một giai đoạn nào đó, tôi đã buộc mình phải chấp nhận điều đó, vì dù không muốn, tôi cũng không còn con đường nào khác vì không còn tiền để quay về. Dù sao, trong thâm tâm tôi vẫn còn hy vọng sẽ thuyết phục được Hà cho mẹ con tôi trở lại Ukraine.

Thật ra, không thể nói rằng mọi người không tốt với tôi, nhưng có quá nhiều khác biệt trong cách sống giữa người Việt Nam và người Ukraine, chẳng hạn tôi không thể hiểu: tại sao người Việt Nam có thể sống được mà không cần đến các sản phẩm như sữa, bơ. Bò ở Việt Nam nuôi để chỉ lấy thịt, vì vậy thâm chí người Việt Nam chẳng hề có khái niệm về bơ, sữa hay phó mát. Con gái Maya của tôi vẫn quen ăn cháo sữa, vì vậy tôi đã phải mua sữa đặc có đường hoặc mua sữa đậu nành để nấu cháo cho con. Mẹ chồng tôi không thể hiểu nổi khi thấy tôi cho sữa vào cháo.

Với nhà trẻ ở Việt Nam cũng là một vấn đề khó hiểu với tôi: mới 5 giờ sáng đã phải đưa con trẻ đi, và trước khi đưa đi phải cho con trẻ ăn sáng ở nhà. Lúc 10 giờ phải đón trẻ về cho ăn và cho ngủ trưa ở nhà. Các lớp được phân chia không theo lứa tuổi mà theo nguyên tắc ai ghi danh trước vào trước. Vì vậy, trong một lớp có cả những đứa trẻ mới sinh cùng với những đứa trẻ 5 tuổi. Cửa sổ các phòng không đóng bao giờ. Cánh cửa ra vào cũng không có luôn. Trẻ sơ sinh thì nằm trên chiếu được trải xuống sàn nhà, còn lũ lớn hơn thì chạy lăng quăng chung quanh. Nói chung có người trông hộ con trẻ để bố mẹ đi làm ngoài đồng là tốt lắm rồi.

Thời gian đầu, mọi người định dạy tôi đi làm ruộng, nhưng tôi phải thú thật rằng chẳng hề có khái niệm gì về công việc nầy. Tôi cũng đã từng cùng mọi người trong gia đình nhà chồng ra đồng cấy lúa, nhưng đến khi biết rằng dưới làn nước bùn đỏ, còn có cả những con đĩa nữa thì tôi phát hoảng. Mọi người thông cảm không bắt tôi xuống ruộng nữa mà bảo tôi học xử dụng máy suốt lúa, nhưng khi thấy tôi làm chẳng ra hồn khiến mọi người phát chán. Mọi người trong gia đình cũng như họ hàng nhà chồng tỏ rõ vẻ thất vọng vì sự vụng về trong công việc đồng áng của tôi. Bù lại thì sự hiện diện của tôi cũng phần nào làm phong phú đời sống dân làng, nhất là trong công việc bếp núc. Người Việt Nam chỉ quen ăn khoai tây nấu canh, vì vậy mọi người rất ngạc nhiên trước món ăn khoai tây nghiền do tôi làm ra, khi nếm thử ai cũng khen ngon. Món bánh xèo truyền thống của người Ukraine cũng được đón nhận nhiệt tình. Mọi người gọi đó là món bánh mì ngọt. Tôi cũng đã dạy cho mọi người làm một số món ăn như món beefsteak, thịt băm viên, món bánh xèo nhân xoài do tôi sáng tạo xem ra ngon miệng nên ai cũng thích ăn.

 

Ước muốn trở về Ukraine.

Hà tìm được việc làm ở Hà Nội. Anh bỗng dưng sinh chứng nghiện cờ bạc. Bao nhiêu tiền làm ra đều nướng hết cho trò chơi nầy. Khi còn ở Ukraine tôi chưa bao giờ thấy anh như vậy. Mẹ chồng tôi không biết điều nầy nên nghĩ rằng tôi giữ hết tiền luơng của anh. Từ đó bà bắt đầu khó chịu với tôi. Càng ngày cuộc sống càng nên tồi tệ đến mức ngột ngạt. Con trai của tôi dù mới 6 tuổi nhưng cũng phần nào hiểu được những gì đang xảy ra. Có lần nó bảo mẹ để dành tiền để về lại Ukraine. Tôi chỉ còn biết thở dài thương con vì vé may bay quay về cho 3 mẹ con ít nhất cũng phải 2 ngàn đô trong khi trong tay không có nổi 1 trăm đô. Con trai tôi hứa sẽ kiếm tiền cho mẹ. Những ngày sau đó, nó tự động đi câu cá, hái trái cây, nhặt vỏ chai ve đem đi bán để mong kiếm được chút ít tiền mang về cho mẹ. Tôi không đủ can đảm để tâm sự hoàn cảnh thật của mình cho mẹ tôi. Nhưng có một lần khi không còn có thể chịu nổi nữa, tôi đã viết một bức thư cho người bạn gái Tania của tôi, và cô nầy đã kể lại mọi sự cho mẹ tôi. Người nhà và bạn bè tôi bắt đầu tìm mọi biện pháp để giúp mẹ con tôi trở về, thậm chí đã phải nhờ bộ ngoại giao can thiệp qua đại sứ quán Việt Nam ở KF. Vào một ngày kia, có một công an đến nhà muốn điều tra hoàn cảnh mẹ con tôi. Vì anh nầy không biết tiếng Nga, còn tôi thì không biết tiếng Việt, nên chồng tôi chỉ nói những gì có lợi cho anh. Có một lần, tôi đã bỏ trốn nhà mang theo 2 đứa con và một ít quần áo, nhưng rồi không biết đi về đâu. Giữa lúc bơ vơ, tôi gặp một người đàn ông tốt bụng, sau khi hỏi han tình cảnh, biết tôi là người Ukraine, ông đã cho 3 mẹ con tôi ăn, sau đó đưa 3 mẹ con tôi đến đồn công an trình báo nhờ can thiệp. Chồng tôi buộc phải đến đón chúng tôi về, kèm với lời cảnh báo của công an: sẽ không để chồng tôi yên nếu còn xảy ra sự việc như thế. Sau lần đó, Hà không chỉ lạnh nhạt với tôi mà còn cả với các con tôi nữa. Có lúc cả nhà ăn cơm mà chẳng thèm gọi mẹ con tôi, một người chị trong nhà thấy thương tâm, nên mang đồ ăn đến cho chúng tôi.

Cuối cùng thì dịp may cũng đến, ông trưởng phòng đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội đã đến tận nhà thăm mẹ con tôi. Được dịp tôi đã kể hết cho ông nghe về tình cảnh của mình, kể cả những hiểu lầm và những đối xử tệ bạc của nhà chồng đối với 3 mẹ con chúng tôi. Ông nói: đại sứ quán hiện không có tiền để giúp đỡ chúng tôi, nhưng hứa sẽ giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Lần sau đó, khi ông đến, ông mang theo rất nhiều thứ như bột giặt, xe đạp cho con trai tôi, các loại đồ chơi, kẹo bánh, nước ngọt, thậm chí ông còn cho tôi tiền nữa để tạm chi tiêu, chỉ có một điều: sau khi ông về, tôi lại cảm thấy cay đắng hơn bao giờ hết: tôi không phải là một đứa ăn mày vậy mà đã phải ngửa tay nhận từ một người tôi chưa từng quen biết những thứ nhỏ nhặt cần dùng.

 

Cuộc trở về của Maya.

Những ngày sau đó, ông trưởng phòng đại sứ quán đã mở một chiến dịch vận động quyên tiền trong cộng đồng người Ukraine đang ở Việt Nam để giúp đỡ 3 mẹ con tôi. Ở Ukraine gia đình tôi cũng tìm mọi cách để góp tiền gởi sang cho tôi. Cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của mọi người, chúng tôi đã có đủ tiền mua vé may bay về Ukraine. Gia đình chồng tôi tỏ ra khá hờ hững với việc mẹ con chúng tôi quay trở về. Có thể nói họ còn thậm chí đã mừng vui vì thoát được một cô con dâu vô dụng như tôi. Sau 11 tháng trời sinh sống ở quê chồng, tôi và con trai tôi bay về Ukraine, còn con gái Maya phải để lại cho chồng nuôi theo quyết định của tòa án ly dị ở Việt Nam. Điều đó làm cho tôi, một người mẹ còn quá trẻ chưa có kinh nghiệm nhiều phải đau khổ không nguôi vì không biết đến bao giờ mới gặp lại đứa con gái bé bỏng của mình. Sự dằn vặt đeo đuổi tôi suốt 3 năm trời, dù tôi biết gia đình chồng sẽ không ngược đãi cháu, nhưng dầu sao con còn quá nhỏ mà sống xa mẹ cũng là một điều bất hạnh.

Bỗng một ngày kia, Hà gọi phone cho tôi báo tin: anh ta sắp cuới vợ mới và vợ sắp cuới của anh ta đang mang thai. Anh ta nói cho phép tôi đón Maya về nhưng với một điều kiện phải đưa cho anh ta 3 ngàn đô. Mặc dù đã từ lâu tôi không còn chút tình cảm nào vớ Hà nữa, nhưng vẫn hết sức bất ngờ vì không bao giờ nghĩ anh ta có thể trở nên ích kỷ đến như vậy. Thế là tôi lại phải đi xin tiền khắp họ hàng, bạn bè một lần nữa. Mỗi người cho tôi một ít với khả năng của họ. Gia đình tôi thuộc dạng nhà nghèo nhưng mỗi người một ít, kết quả tôi cũng đủ số tiền để mua vé máy bay đi và về. Tuy nhiên tôi không hề tiết lộ với Hà về điều nầy, mà vẫn hứa là sẽ nộp đủ 3 ngàn đô như anh ta đòi hỏi. Khi tôi vừa bước vào nhà, mẹ chồng tôi bị sốc và ngã gục dưới chân tôi. Bà có lời xin lỗi, nước mắt bà chảy đầm đìa trên khuôn mặt già nua, vì sau khi tôi rời Việt Nam bà đã hiểu ra rằng người có lỗi không là tôi mà là Hà. Người con dâu mới không giúp gì được mẹ chồng, thậm chí bà còn phải san sẻ số tiền lương ít ỏi của bà cho con trai và con dâu. Mọi việc trong nhà bà vẫn phải tự mình làm hết dù bà đã 90 tuổi. Mẹ chồng tôi đã hiểu ra rằng giữa tôi và bà chỉ có những khác biệt về văn hóa. Giả như không có sự thay đổi của chồng tôi, biết đâu tôi và bà đã trở thành những người thân thiện trong gia đình.

Hà có hỏi tôi số tiền như tôi đã hứa, nhưng tôi buộc phải nói dối với anh ta rằng tôi sẽ giao cho anh khi tôi đến sân bay khi đã chắc chắn rằng con gái tôi sẽ cùng tôi 100% được quay về lại Ukraine. Sau khi 2 mẹ con tôi đã làm đủ mọi thủ tục và được vào bên trong an toàn, tôi vẫy tay chào anh từ biệt, Hà còn réo gọi hỏi tôi: Leyna tiền đâu?

Bây giờ tôi đã thật sự hạnh phúc bên 2 đứa con mình. Andray đứa con trai rất ham học, còn Maya đứa con gái đã quen với nhà trẻ mới. Chẳng mấy người biết rằng tôi đã từng trải qua một cuộc hôn nhân đầy những nước mắt và cay đắng chỉ vì những khác biệt quá nhiều về văn hóa và chủng tộc.

 

Trẻ cậy cha, già cậy con.

Câu tục ngữ nầy cho thấy nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam chúng ta. Khi còn trẻ, con cái sống dựa vào bố mẹ, vì thế bố mẹ trong thời gian nầy luôn muốn con cái phải ngoan ngoãn nghe lời chỉ giáo của bố mẹ. Bố mẹ Việt Nam nào, dù giàu hay nghèo cũng muốn con cái mình chịu khó học đến nơi đến chốn. Điều đó có nghĩa là bố mẹ sẵn sàng chấp nhận gian khổ để con cái mình có cơ hội học thành tài. Bố mẹ nào cũng mong ước con cái mình trở thành những bác sĩ, luật sư hay kỹ sư. Đó cũng là lý do đã khiến bố mẹ tìm mọi cách để đi vượt biên dẫu phải gặp biết bao nguy hiểm với hy vọng: nếu được may mắn con cái mình sẽ có dịp học hành tiến thân như bao nhiêu gia đình khác. Vì thế, bố mẹ Việt Nam nào khi mới sang định cư ở đất nước thứ ba, cũng sẵn sàng chấp nhận làm việc vất vả có khi phải cày cả 2 công việc, để có thể lo cho con mình có tạm đủ mọi phương tiện cần thiết cho công việc học hành của chúng. Không gì khiến bố mẹ Việt Nam cảm thấy hạnh phúc và vinh dự hơn là thấy con mình chịu khó học hành đến nơi đến chốn, dẫu cho chính mình phải lam lũ vất vả nhiều. Những giọt nước mắt vui mừng của bố mẹ hiện rõ trên nét mặt khi nhìn thấy con mình ra trường lần lượt với những văn bằng cử nhân, thạc sĩ, và có khi còn có cả tiến sĩ nữa. Nhìn thấy sự hy sinh vất vả của bố mẹ, nhiều sinh viên Việt Nam dù khó nhọc cũng luôn cố gắng để mang lại cho bố mẹ một niềm an ủi lớn lao, với hy vọng đáp lại phần nào những hy sinh cực khổ mà bố mẹ đã dành cho con cái. Và một khi con cái đã thành tài rồi thì dĩ nhiên với nền giáo dục và văn hóa của người Việt Nam, con cái ước mong được đáp đền những ân tình lớn lao mà bố mẹ đã dành cả một đời hy sinh cho mình.  Chính vì thế, khi về già, bố mẹ cảm thấy còn gì hạnh phúc hơn là sống bên cạnh con cái và cháu chắt mà suốt một đời mình đã giáo dục, gầy dựng và lo lắng cho chúng để chúng có được mọi sự như ngày hôm nay.

Người già rất sợ cô đơn. Dĩ nhiên, người Việt Nam chúng ta cũng không tránh khỏi cảm giác sợ hãi nầy. Hơn nữa, với văn hóa chú trọng đến chữ HIẾU của người Việt chúng ta, khi về già, bố mẹ ước mong có con cái phụng dưỡng cũng như ngày xưa bố mẹ đã vất vả lo lắng cho con mình thế nào, thì bây giờ bố mẹ cũng muốn con cái lo lắng cho mình như vậy. Chính vì thế, chúng ta mới có câu tục ngữ: TRẺ CẬY CHA, GIÀ CẬY CON. Với bố mẹ Việt Nam, không gì đau buồn hơn là khi về già bị con cái đem bỏ mình vào viện dưỡng lão. Tuy không nói ra, nhưng từ thâm tâm họ cảm thấy rất đau buồn vì sự cô đơn trong viện dưỡng lão, nhưng điều đau buồn hơn là họ cảm thấy con cái phụ bạc, bất hiếu với bố mẹ, mà ngay cả với nền văn hóa tây phương, họ cũng cảm thấy đó là một điều đáng buồn.

Sau đây, tôi muốn ghi lại một câu chuyện mà mẹ thánh Thérésa thành Calcutta đã kể lại khi mẹ đi đến nước Anh:

 Một hôm tôi được dẫn đi thăm nhà thương tư dành cho người già ở Anh quốc. Các phòng ở đây rất sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, máy móc tối tân vào loại nhất. Các y tá được huấn luyện chu đáo và rất lịch sự với các người già, nhưng có một điều làm tôi ngạc nhiên không ít, và tôi hỏi bác sĩ giám đốc:

-      Thưa bác sĩ, tại sao tất cả những người già này đều quay nhìn ra cổng, mỗi khi có người bước vào nhà thương vậy?

Nghe câu hỏi này, vẻ lúng túng hiện rõ trên khuôn mặt bác sĩ giám đốc.

Ông đáp:

-      Thưa, tại vì bao giờ họ cũng mong đợi một người thân, một người bà con đến thăm viếng họ, nhưng mà hầu như chẳng có ai đến.

Đối với những người tây phương mà chúng ta còn thấy rõ nét mặt buồn trên khuôn mặt của những người già sống trong viện dưỡng lão, mặc dù họ được chu cấp đầy đủ mọi thứ cần dùng, nhưng trong thâm tâm họ vẫn còn thấy thiếu một cái gì mà họ vẫn luôn trông ngóng. Đó phải chăng là họ mong đợi tình cảm gia đình, một tình cảm thiêng liêng mà con người không thể thiếu vắng cho dẫu chung quanh họ vốn có nhiều người khác. Riêng đối với nền văn hóa và giàu tình người của người Việt Nam, con cái cần phải chú trọng đặc biệt đến bố mẹ lúc về già. Tuy không nói ra, nhưng bố mẹ Việt Nam nào cũng mong con cái thảo hiếu và phụng dưỡng bố mẹ theo phong tục tập quán của người Việt Nam, nghĩa là ước mong cùng con cái chung sống trong niềm an vui và hạnh phúc ở tuổi về già.

Khi tôi còn học ở Minnesota, USA, trong số giáo dân của tôi, có một cặp vợ chồng đang ở tuổi trung niên. Hai anh chị nầy có 2 đứa con: một trai và một gái. Khi hai đứa con lớn lên, con trai lấy vợ tàu, con gái lấy chồng tây. Vì hai vợ chồng còn trẻ và rất gắn bó với nhau nên con cái muốn lấy tàu hay tây không thành vấn đề gì với bố mẹ. Bỗng một ngày kia, đùng một cái, bà vợ lăn ra chết cách đột ngột. Ông chồng hụt hẫng, không quen sống với cảnh cô đơn như vậy. Ông sinh bệnh trầm cảm, ngày càng ủ rũ, nhưng không thể về sống chung với con cái được, vì với văn hóa của tây hoặc tàu, sống chung với bố mẹ một thời gian dài hạn là một vấn đề khó chấp nhận được. Ông đau buồn, căn bệnh ngày càng thêm trầm trọng, mọi người nhìn ông mà đau lòng.

 

Hôn nhân khác biệt tôn giáo.

Chúng ta vừa chia sẻ những khủng hoảng trong hôn nhân khác biệt chủng tộc, và bây giờ chúng ta đi đến những khủng hoảng trong hôn nhân khác biệt tôn giáo.

Hôn nhân là một vấn đề quan trọng đối với con người chúng ta, vì thế bố mẹ nào cũng rất quan tâm đến vấn đề hôn nhân của con cái. Ai cũng muốn cho hôn nhân của con cái mình có được hạnh phúc và rất đau buồn khi thấy hôn nhân của con cái mình đổ vỡ. Một trong những lo lắng lớn nhất của bố mẹ là sợ con cái mình kết hôn với người không cùng tôn giáo. Lý do là vì người công giáo không được phép ly hôn. Giáo luật và giáo lý của người công giáo không cho phép ly dị. Có thể giáo lý của những tôn giáo khác không giống như vậy. Chính vì thế, nếu bố mẹ là người công giáo, họ rất lưu ý con cái mình trong vấn đề nầy, và luôn nhắc nhở con cái mình rất cẩn thận trong vấn đề hôn nhân, vì chỉ có một lần lựa chọn mà không được thay đổi. Đó chính là lý do cha mẹ người công giáo thường khuyên con cái mình nên kết hôn với những người cùng tôn giáo vì họ muốn cả hai bên bảo đảm vấn đề nầy. Và đây chính là lý do đã khiến nhiều người hiểu lầm rằng người công giáo thường ép người ta phải cải đạo trước khi kết hôn.

Thật ra, không ai có thể ép ai được. Tôi không thể ép anh và anh cũng không thể ép tôi được nếu chính họ không muốn. Chỉ có tình yêu của họ mới có thể hướng dẫn, mới có thể buộc họ cùng nhau đi về một hướng để xây dựng hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho nhau. Tình yêu luôn có một sức mạnh phi thường có thể làm nên những phép lạ mà một con người bình thường không thể làm được. Để hiểu rõ lý do tại sao bố mẹ người công giáo luôn mong muốn con mình khi kết hôn nên lấy những người cùng tôn giáo, tôi xin chia sẻ với các bạn câu chuyện tâm tình sau đây:

Vào năm 2010 tôi được chuyển về nhà thờ thánh Phaolô nằm trong thành phố Tân Trúc (Hsinchu) Đài Loan. Sau một tháng trời quan sát, tôi thấy giáo xứ nầy ngoài Đạo Binh Đức Mẹ không có một sinh hoạt hội đoàn nào khác. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một vài hội đoàn để mang lại bầu khí sinh động cho giáo xứ. Đây là một hòn đảo truyền giáo, số người đi lễ Chúa Nhật không đông, nên thường ít có những sinh hoạt hội đoàn trong giáo xứ ngoại trừ Đạo Binh Đức Mẹ. Để có một thánh lễ rộn ràng, trang nghiêm, sốt sắng, tôi nghĩ ngay đến việc thành lập một ca đoàn và sau thánh lễ tôi phụ trách tập hát. Ngay ngày đầu tiên, ca đoàn tôi qui tụ được 13 người. Họ là những thành phần trung niên và có trình độ. Hầu hết họ xuất thân từ đại học ra nên vấn đề ca hát với họ tương đối dễ dàng. Chính vì thế họ hát rất hay. Một ngày kia, có một người từ một giáo xứ khác đến thăm cộng đoàn chúng tôi, và họ nghe thấy ca đoàn hát rất hay nên họ đề nghị tôi lập một liên ca đoàn cho thành phố nầy. Thành phố nầy có tất cả 10 nhà thờ công giáo, và nếu qui tụ được cũng có một con số ca viên rất lớn. Tôi đồng ý ngay vì đó cũng là ước muốn từ lâu của tôi. Ngày đầu tiên ra mắt, con số ca viên đếm được là 79 người, ngồi chật cả nhà thờ của tôi. Mọi người vui vẻ được gặp nhau và cùng sinh hoạt với nhau. Ngay ngày đầu tiên, chúng tôi cho bầu ra một ca trưởng phụ trách công việc chọn bài và tập hát, một ca đoàn trưởng phụ trách những sinh hoạt ca đoàn, một thư ký và một thủ quỹ. Tôi là người làm linh hướng cho họ. Đây là những thành phần nòng cốt để khi về các giáo xứ, họ có thể giúp giáo xứ họ củng cố lại ca đoàn và tạo ra một bầu không khí thánh lể tươi trẻ và sốt sắng với hy vọng lôi kéo được giới trẻ, vì hầu hết giới trẻ ở Đài Loan đều cảm thấy ngày Chúa Nhật đi tham gia sinh hoạt ở các nhà thờ tin lành thì hấp dẫn hơn là đi lễ ở các nhà thờ công giáo. Sinh hoạt của liên ca đoàn là: vào mỗi chiều Chúa Nhật từ 2:00pm- 4:00pm. Ngày nào ca trưởng bận việc, không đến được thì tôi phụ trách.

Sau gần một năm sinh hoạt thì anh ca trưởng xin nghỉ vì lý do sức khoẻ. Rất may mắn, không bao lâu sau đó, tôi tìm được một cô ca trưởng mới vừa đi du học âm nhạc ở Roma về. Từ khi có cô nầy, bầu không khí trở nên khác hẳn, ca đoàn trở nên hăng hái hơn, tươi trẻ hơn và cũng hát hay hơn trước. Mỗi năm họ trình diễn một lần, thường là dịp Phục Sinh hoặc Giáng Sinh. Ngoài ra họ cũng phụ trách hát ở nhà thờ chính toà vào những dịp lễ đặc biệt mà Đức Cha nhờ đến. Hàng năm họ cũng tổ chức đi chơi xa 2 ngày một đêm. Thường thì đêm hôm đó, họ ngồi lại với nhau, cùng cầu nguyện và cùng chia sẻ kinh nghiệm về cuộc sống cho nhau. Một lần kia, cô ca trưởng chia sẻ nỗi niềm tâm sự của cô về những khó khăn cô gặp phải trong đời sống hôn nhân của cô, đặc biệt là riêng vấn đề ca trưởng như một lời nhắn nhủ cho đàn em của cô, những người còn đang độc thân để tiếp tục công việc học hành. Cô nói: cái khó khăn lớn nhất trong đời sống hôn nhân không phải là sự cách biệt về nghề nghiệp, về địa vị hay giàu nghèo mà là sự khác biệt về tôn giáo. Chính vì sự khác biệt nầy mà quan niệm về nhân sinh, về hạnh phúc và về cách sống là một khủng hoảng trầm trọng thật khó vượt qua. Cô tiếp tục nói: những khủng hoảng khác, với trình độ cao và khả năng nhiều như chúng ta đang có, chúng ta có thể thắng vượt một cách dễ dàng, vì cuộc sống chúng ta hoàn toàn không phải lệ thuộc kinh tế vào một ai khác. Chúng ta có thể tự lập và chúng ta có thể mang lại cho cuộc sống chúng ta một đời sống hạnh phúc cho chính chúng ta và gia đình chúng ta. Nhưng sự khác biệt về tôn giáo là một vấn đề nan giải thật khó giải quyết. Cô lấy chính cái kinh nghiệm về hôn nhân của cô ra nói: chồng cô là một người không là công giáo, vì thế quan niệm về cuộc sống hôn nhân và gia đình khác hẳn với cô. Chồng cô đi làm 6 ngày một tuần, chỉ được nghỉ vào ngày Chúa Nhật, nên chồng cô yêu cầu cô: ngày Chúa Nhật phải ở nhà để gần gũi với chồng con, và yêu cầu đó xem là hợp lý và chính đáng với những người không là công giáo. Nhưng với cô, ngày Chúa Nhật cô muốn đi lễ để giúp ca đoàn hát trong thánh lễ, hơn nữa vì ngày thứ bảy không có thánh lễ Chúa Nhật. Sau thánh lễ cô muốn giúp tập hát cho ca đoàn giáo xứ. Sau đó về chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình, và buổi chiều cô đi tập hát cho liên ca đoàn. Cô cảm thấy đó là niềm vui và hạnh phúc của cô. Nếu người chồng của cô là người công giáo thì không có gì trục trặc vì cả 2 cùng đi lễ, cùng đi tập hát phục vụ cộng đoàn, và sau đó là đi ra ngoài cùng thưởng thức bữa ăn tối với nhau thì thật là lý tưởng. Và đó không phải là hạnh phúc cho những đôi vợ chồng có cùng tôn giáo sao? Nhưng ở đây vì 2 người không cùng một tôn giáo, nên cả 2 tính toán theo quan điểm cá biệt của mình. Chính vì thế đây là một vấn đề nan giải với họ, mà đã từ lâu họ không thể giải quyết được. Và theo cô chia sẻ: có những đêm buồn quá, để khỏi kình cãi, cô đã phải ra khỏi nhà đi lang thang trong các công viên đến 10 giờ tối mà vẫn chưa muôn về nhà vì không muốn có những tranh cãi vô bổ. Từ những kinh nghiêm đó, cô muốn có lời nhắn nhủ gởi đến cho đàn em của mình: khi kết hôn điều trước tiên phải chú ý là hãy tìm cho mình một người có cùng chí hướng, cùng một tôn giáo. Mọi khó khăn khác, với trình độ chúng ta, chúng ta có thể vượt qua một cách dễ dàng, nhưng sự khác biệt về tôn giáo là một khó khăn rất khó vượt qua vì nó ảnh hưởng đến nhân sinh quan của họ, và cũng từ đó rất dễ khiến chúng ta mất đi sự bình an và hạnh phúc trong cuộc đời hôn nhân chúng ta.

 

 

Lm. Peter Lê Văn Quảng Psy.D.

HẸN GẶP LẠI.

 

     

 

Tác giả: Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!