Chuyên đề:
SỨC MẠNH TÌNH YÊU
do Linh Mục Tiến Sĩ Tâm Lý
Peter Lê Văn Quảng phụ trách
(bài viết được trích từ cuốn
MỘT TÌNH YÊU TUYỆT VỜI)
HAI CUỐN SÁCH:
MỘT TÌNH YÊU TUYỆT VỜI
VÀ
NHỮNG NÉT ĐẸP CỦA NGƯỜI MỤC TỬ


ĐÃ ĐƯỢC PHÁT HÀNH Ở NHÀ SÁCH ĐỨC
BÀ
HÒA BÌNH, BÊN CẠNH NHÀ THỜ ĐỨC BÀ
SÀIGÒN.
Kính mời
theo dõi video tại đây:
https://youtu.be/GjdOmJiWpzs
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày sinh nhật của
mẹ, Minh Đức 4 tuổi rất muốn tặng mẹ một món quà ý nghĩa. Thế nhưng, nghĩ mãi,
nghĩ mãi, cậu vẫn chưa có được ý tưởng nào. Minh Đức thất vọng, ủ rũ nói cùng bạn
cún con của mình: "Mình buồn lắm, mình chẳng làm được việc gì. Mình muốn tặng
mẹ quà nhưng nghĩ mãi không ra hơn nữa cũng không có tiền".
Ngày sinh nhật mẹ, mẹ đi làm về. Bữa cơm tối
hôm ấy thật vui nhộn và đầm ấm. Chị Mỹ Dung tặng quà cho mẹ chiếc áo lạnh màu hồng
trông rất đẹp mắt. Anh Huy Tân tặng cho mẹ chiếc khăn quàng màu đỏ thắm trông
thật dễ thương. Mẹ ôm anh Huy Tân và chị Mỹ Dung nghẹn ngào, nói lời cảm ơn hai
anh chị. Minh Đức cảm thấy xấu hổ, rụt rè nói với mẹ: "Mẹ ơi, con xin lỗi. Con không có quà tặng mẹ...
nhưng con có thể ôm mẹ và tặng mẹ hàng chục nụ hôn được không ạ?".
Mẹ Minh Đức liền ôm chầm lấy cậu con trai nhỏ
yêu quí vào lòng và nói với giọng đầy cảm động trong ánh mắt nghẹn ngào: "Con út của mẹ, đây là món quà sinh nhật ý nghĩa nhất
mà mẹ được nhận. Mẹ cảm ơn con, và rồi bà ôm hôn nó".

Còn gì sung sướng hơn khi bố mẹ nhận được những
vòng tay yêu thương cùng với những nụ hôn nồng ấm từ những đứa con yêu của
mình. Nụ hôn biểu lộ sự yêu thương đầy ắp trong tâm hồn nhưng không biết làm
cách nào để diễn tả nên cậu bé chỉ biết dùng cái hôn để cho bố mẹ biết sự yêu
thương ngọt ngào của bé muốn dành cho bố mẹ. Nụ hôn cũng muốn bày tỏ lòng biết
ơn đối với những công ơn vô bờ mà bố mẹ đã phải hy sinh một cuộc đời vất vả để
lo lắng cho đàn con có ngày tương lai. Nụ hôn cũng muốn thay cho lời cảm ơn của
chúng ta trước những hồng ân bố mẹ dành cho chúng ta.
Tình yêu thì trừu tượng mà con
người thì cần những hình ảnh, những cảm giác cụ thể để nói lên tình yêu, tình cảm
con người. Chính vì thế, Thiên Chúa muốn đến với con người trong một kiếp người để
chúng ta có thể hiểu được tình yêu Thiên Chúa dành cho con người,
như một người bố mẹ luôn nâng niu, ấp ủ, vỗ về chúng ta chẳng khác gì gà mẹ ấp ủ
con dưới cánh để con cái mình có được sự an bình và hạnh phúc trong vòng tay
yêu thương của bố mẹ.
Hầu như theo bản năng, trong cơn
khủng hoảng, chúng ta ôm lấy nhau. Tại sao vậy? Vì sự đụng chạm thân thể là cách truyền đạt yêu
thương thật mạnh mẽ. Trong cơn khủng hoảng,
chúng ta cần cảm thấy được yêu, hơn bất cứ thứ gì khác. Chúng ta không thể luôn luôn thay đổi việc gì đã
xảy ra, nhưng chúng ta có thể sống còn để vượt qua khi còn cảm thấy được yêu
thương.
Mọi hôn nhân đều trải qua những cơn
khủng hoảng. Tai nạn xe cộ gây tàn phế và giết hại hàng
ngàn người mỗi năm. Bệnh tật chẳng kiêng cữ ai. Thất
vọng là điều không phải lúc nào ta cũng tránh được trong cuộc sống. Nhưng điều
quan trọng nhất bạn có thể làm được cho người mình yêu trong cơn khủng hoảng là
tỏ ra yêu thương họ. Nếu ngôn ngữ yêu thương chính của họ là cảm xúc thì
không gì quan trọng hơn là ôm lấy họ khi họ
khóc. Lời nói của bạn có thể chẳng
có ý nghĩa bao nhiêu, nhưng việc bạn truyền cảm bằng xúc giác có thể nói lên rằng
bạn đang quan tâm đến người mình yêu. Khi gặp khủng
hoảng, đó cũng là cơ hội đặc biệt để biểu lộ tình yêu. Những cái ôm bảo vệ của
bạn sẽ được họ nhớ đến dài lâu sau khi cơn khủng hoảng đã qua.

Từ lâu chúng ta đã biết, đụng chạm thân thể là
một cách truyền đạt tình cảm yêu thương. Nhiều dự án khảo cứu trong lãnh vực
phát triển nhi đồng đã kết luận: trẻ em được
nâng niu, ôm ấp và nựng nịu sẽ triển khai một đời sống lành mạnh hơn những trẻ
bị bỏ bê suốt một thời gian dài không được truyền cảm bằng xúc giác.
Tầm quan trọng của việc vuốt ve trẻ em không phải là một ý kiến mới mẻ gì.
Trong thế kỷ đầu tiên, người Do Thái, vì nhận biết Chúa Jesus là một thầy giáo
lỗi lạc, nên đã đem con họ đến cho Ngài “đặt tay và
chúc lành”. Có thể bạn cũng nhớ lại
Kinh Thánh kể rằng môn đồ của Chúa Jesus đã quở trách cha mẹ chúng, vì nghĩ rằng
Chúa Jesus quá bận rộn, không thể làm một việc hoang phí thời giờ như vậy.
Nhưng Kinh Thánh cũng cho biết Chúa Jesus đã giận môn đồ và bảo rằng: “Hãy để con trẻ đến cùng Ta, đừng cấm chúng vì Thiên Đàng
là của chúng. Quả thật Ta nói cùng các con, nếu các con không trở nên giống như
con trẻ, thì các con chẳng được vào đó bao giờ”. Ngài lại bồng những
đứa trẻ ấy vào lòng rồi đặt tay chúc phước cho chúng. Các bậc cha mẹ khôn ngoan, dẫu trong bất cứ bối cảnh văn
hóa nào, cũng thường là những cha mẹ hay vỗ về, âu yếm con cái mình.
Truyền cảm bằng xúc giác cũng là phương tiện hữu
hiệu để truyền đạt tình cảm giữa những người lớn. Một cái bắt tay nồng nhiệt, một
cái ôm thân thiện cũng có thể biểu lộ một sự liên hệ, một tình người nồng ấm giữa
họ.
Nếu đi vào Phúc Âm, chúng ta thấy gì khi người
con hoang đàng trở về nhà? Chúng ta thấy rõ hình ảnh một người cha từ đàng xa
đã vội vàng chạy ra ôm chầm lấy đứa con rất đỗi mừng
rỡ. Ông đã ôm lấy nó trong niềm hân
hoan sung sướng, tưởng chừng như đã tìm lại được một cái gì đã mất. Không những
ông đã ôm nó mà còn ôm chặt lấy nó như muốn bảo
vệ nó, như muốn nói với nó rằng: Con hãy ở lại với cha, đừng lìa bỏ cha nữa,
cha không muốn mất con một lần nữa.

Tại sao người cha đã làm thế? Vì người cha biết
rằng đứa con trở về là một quyết định rất can đảm. Trong tim nó vẫn lo sợ rằng
khi mình trở về, người cha mình sẽ đối xử thế nào? Ông có sẵn sàng đón nhận
mình không? Ông có bỏ qua tất cả những lỗi lầm của mình, cho mình cơ hội thứ
hai để làm lại cuộc đời mình không? Nhiều người
tiếc nuối của cải mà nó đã phung phí nên đã không tiếc lời chửi mắng, xua đuổi
nó, hơn là nghĩ đến đứa con của mình đã mất mà nay đã tìm được, đã chết mà nay
đã sống lại.
Người cha già đã biết được tâm trạng lo âu của
nó, biết được mặc cảm tội lỗi của nó, nên từ đàng xa ông đã vội vàng chạy ra
đón nó, và với vòng tay giang rộng ông đã ôm chầm lấy nó như muốn nói với nó rằng
con trở về với cha là đủ rồi, con không cần phải
nói gì nữa, dẫu đó là một lời xin lỗi, một lời thú tội hay một lời hứa sẽ làm lại
cuộc đời. Với ông, sự trở về của con
đủ để nói lên tất cả, và vòng tay ấp ủ của cha như muốn nhắn nhủ với con rằng
cha hiểu tất cả nỗi lòng của con, con hãy an tâm sống trong tình yêu của cha,
không có gì phải sợ sệt, không có gì phải lo lắng. Đây cũng chính là thiên đàng
mà con đi tìm.
Người cha già trong Phúc Âm đại diện Thiên
Chúa, biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa biết con người chúng ta yếu
đuối. Thiên Chúa cũng biết con người chúng ta mang nhiều mặc cảm tội lỗi nên Thiên Chúa đã vẽ một bức tranh người cha nhân lành để con
người không phải lo sợ, không phải ngại ngùng khi chúng ta là những người lầm lỗi
trở về.
Hình ảnh người cha già nhân hậu yêu thương ôm
chầm lấy đứa con khi nó trở về giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao Thiên Chúa muốn xuống trần gian làm một người như
chúng ta, vì nếu Thiên Chúa không xuống làm người, chúng ta không thể có được một
hình ảnh người cha tuyệt vời như vậy, và chúng ta cũng khó có khái niệm một
Thiên Chúa có một tình yêu tuyệt vời như thế.
CHUYỆN MẸ TÔI VÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG
NGHÈO BÊN GÓC PHỐ
Trong suốt thời thơ ấu, tôi không bao giờ quên
được một người vô gia cư thường nằm ở một góc phố gần nhà. Mỗi ngày lễ Tạ Ơn và
Giáng Sinh, mẹ tôi không bao giờ quên nấu thêm đồ ăn để đem đến cho ông, đồng
thời không bao giờ quên gửi đến ông một cái ôm ấm áp như để nhắn nhủ tới ông rằng:
ông cũng xứng đáng có được một ngày lễ an lành như bao người khác.
Hành động nhân hậu của mẹ không chỉ là một
nghĩa cử bác ái mà còn hơn thế nữa, nó đã mang lại cho ông có thêm nghị lực để
sống, mang lại cho ông một sự quan tâm, một sự kính trọng, một tình người ấm
áp, và đó cũng là một trong những thứ truyền cảm
hứng nhiều nhất đến tôi trong suốt thời thơ ấu và cả những năm sau này nữa. Đó
cũng chính là động cơ đã thúc đẩy tôi tham gia vào các công tác xã hội một cách
nhiệt tình sau khi ra trường.
Thật vậy, là một con người chúng ta cần những
điều đó: một cái bắt tay thân thiện, một nụ cười
tươi có thể mang lại cho con người một sự khích lệ lớn lao. Một cái
ôm nồng ấm có thể chuyển tải một sức sống dồi
dào cho những con người xem ra bất hạnh. Một cái hôn chân tình có thể mang lại cho những người thân một cuộc đời tươi trẻ tưởng chừng như sắp chết bởi cuộc đời
đã bị người người quên lãng với thời gian.
Một hôm, khi Mẹ Têrêsa đi bộ trên đường phố
London, Mẹ thấy một người ngồi một mình, trông rất cô đơn. Mẹ bước tới và giơ
tay bắt tay ông ta. Tay mẹ ấm áp, ông kêu lên:
“Ồ, sau bao nhiêu năm, nay tôi mới
cảm thấy được sự ấm áp của tình người".
Rồi mặt ông ta sáng lên. Ông ta không còn giống
như lúc trước nữa. Cái nồng ấm của bàn tay con người là chuyện nhỏ, nhưng qua
cái đó, ông ta cảm thấy có một sự ấm áp tình người, có ai đó thực sự quan tâm tới
ông, có ai đó thực sự yêu mến ông. Mẹ chia sẻ: từ
trước đến giờ, mẹ chưa bao giờ để ý rằng: một việc nho nhỏ có thể đem lại niềm
vui lớn cho một người nào đó.
Trong cơn khủng hoảng hay trong
lúc cô đơn buồn tủi, nếu có một sự quan tâm, một lời an ủi, một cái bắt tay, một
nụ hôn, một cái ôm của những người thân yêu thì đó là một sự an ủi lớn lao cho
con người giữa dòng đời bất hạnh.
Lm. Peter Lê Văn Quảng
Hẹn gặp lại