CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM B
(Xh 20, 1-3.7-8.12-17; 1 Cr 1, 22-25; Ga 2, 13 – 25)
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông Việt Nam đặt vấn đề về một xu hướng tự khẳng định giá trị đẳng cấp của mình một cách phô trương hợm hĩnh đến phi lý.
Đầu tiên là cuộc chào đón rầm rộ diễn ra trước cổng nhà ga xe lửa ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào chiều 15/11/2011. Khoảng 20 chiếc xe sang trọng bao gồm BMW, Mercedes Benz, Audi, và một đội bảo vệ gồm 100 người tập trung để chào đón hai con chó ngao Tây Tạng. Được biết một chú chó ngao Tây Tạng đắt hiện nay giá 1,5 triệu USD.
09/2/2012, Con trai của một chủ tịch xã ở Trung Quốc tổ chức lễ cưới cho con, sử dụng tấm thảm lót chân bằng những cọc tiền mới cứng, được xếp bằng 15.000 tờ 100 Nhân dân tệ, tương đương với hơn 230.000 USD.
19/2/2012 báo chí đưa tin một đám cưới siêu khủng của con trai bà TGĐ. Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An với dàn xe rước dâu siêu sang, tốn kém hàng tỷ đồng, nhưng sau đó phải tuyên bố bán nhà máy để trả nợ lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
29/2/2012 một đám cưới siêu khủng khác diễn ra tại Hương Sơn, Hà Tĩnh với chi phí không dưới 50 tỷ. Riêng tiền rượu ngoại là 2 tỷ, loa kèn trống 60. 000 USD, với sự góp mặt của các siêu sao ca nhạc hàng đầu trong nước.
Những thông tin trên đem lại nhiều ý kiến bất đồng, có khi phản ứng gay gắt, … để lại một cảm giác buồn trong lòng độc giả. Đa phần đều cho rằng xu hướng phô trương, tìm kiếm giá trị con người nơi tiền tài vật chất là một “mốt” đang thịnh hành, đáng lên án và thật hợm hĩnh. Mặt khác, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam và Trung Quốc chỉ khoảng 1300 USD/năm, tức khoảng 100 USD/tháng mà xài phí như trên là phi lý và ngông cuồng.
Con người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, xuất phát từ Ngài và trở về với Ngài. Bởi thế giá trị đích thực của chúng ta chỉ tìm thấy nơi chính Thiên Chúa. Mọi giá trị do con người nghĩ ra để thỏa mãn lòng “dục” của mình như: tiền tài, địa vị, danh vọng, tiếng tăm, dục tình … đều là những giá trị ảo, sẽ chóng vánh qua đi, sẽ tan biến như bọt xà phòng. Đôi khi chúng dẫn ta đi vào ngõ cụt, vào sự đau khổ, bất an, hận thù, ghét ghen … cả cái chết đời đời.
Cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta phải lo kiến tạo và thanh tẩy “đền thờ tâm hồn”.
Bài đọc 1, sách Xuất Hành tường thuật lại biến cố Môsê công bố Mười Điều răn đã đón nhận từ Thiên Chúa để dân chúng tuân giữ và sống thánh thiện theo thánh ý Chúa chứ đừng sống theo ý mình, tôn thờ ngẫu tượng (x. Xh 20 // Xh 32-34)
Bài đọc 2, thánh Phaolô xác tín với giáo đoàn Côrintô rằng: Đức Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và là khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi thế, mang lấy thập giá để được vinh quang là con đường tất yếu của người kitô hữu.
Bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại biến cố Chúa Giêsu quyết liệt cách mạnh mẽ, đạp đổ và xua đuổi những người buôn bán trong đền thờ, cho dẫu đây cũng là nguyên nhân đưa đến án tử cho Ngài. “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Ngài sẵn sàng chấp nhận “thiệt thân” để loại bỏ những giá trị ảo đang đội lốt phụng tự. Từ đó Ngài mời gọi mọi người hướng đến đền thờ đích thực là thân thể Ngài có giá trị cứu độ, bằng cách “thanh tẩy đền thờ tâm hồn” mỗi ngày, hầu xứng đáng là của lễ, là nơi Thiên Chúa ngự trị.
Hiện nay, nhiều người lo dát vàng nhà cửa, dát vàng khuôn mặt, dát vàng danh vọng địa vị … mà quên “dát vàng” đền thờ tâm hồn bằng sự sám hối, canh tân chính mình và yêu thương quan tâm đến người khác. Chính Chúa Giêsu đã từng quở trách những người sống “vị hình thức” ấy là “Khốn cho các người …! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”. (Mt 23, 27)
Trang Tin Mừng hôm nay đã nối kết hai hình ảnh biểu trưng: đền thờ Giêrusalem và đền thờ Thân thể Đức Giêsu. Chúa Giêsu mạnh mẽ phá đổ kiểu phụng tự “buôn bán đổi chác” và thay bằng phụng chân thật, phụng tự bằng trái tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, phụng tự của sám hối và canh tân, phụng tự của thập giá và phục sinh mang lại ơn cứu độ đích thực.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết thức tỉnh nhận ra những giá trị ảo, chóng qua ở đời này, mà lo “thanh tẩy đền thờ tâm hồn” bằng sám hối, canh tân, quan tâm đến tha nhân; để tâm hồn chúng ta xứng đáng là đền thờ Chúa ngự, cuộc đời chúng ta luôn có Chúa ở cùng. Amen.
Thomas Nguyễn Văn Hiệp