Khi nhắc đến mẹ, người ta luôn nghĩ đến những hình ảnh suốt ngày “dãi nắng dầm
sương”, hy sinh, tần tảo vì đàn con. Đó là hình ảnh người mẹ mộc mạc chất phác,
đơn sơ và giản dị nhưng luôn ấp ủ tình thương chứa chan. Tình mẹ dành cho con
luôn thật cao đẹp và chẳng bao giờ ngưng. Tình yêu đó của người mẹ được ví “như
nước trong nguồn chảy ra”.
Người mẹ trần thế luôn gắn liền với những hy sinh trải rộng suốt cuộc đời. Đó là
những giọt mồ hôi tưới mát đời con. Đó là những đêm thức trắng với lời ru đưa
con vào đời. Đó là những chịu đựng để nuôi con khôn lớn từng ngày. Đó là những
âm thầm, im lặng để con được hưởng trọn niềm vui… Cuộc đời người mẹ trần gian là
thế, còn người Mẹ thiên quốc – Mẹ Maria, Mẹ của mỗi chúng ta thì sao?
Thật khó để có thể nhận ra những cay đắng mà Mẹ Maria đã gánh chịu trong đời,
bởi ngày nay chúng ta thấy quá nhiều ân sủng mà Chúa ban cho Mẹ, khi chúng ta
mừng kính trong năm. Tuy nhiên, chính lời thưa “xin vâng” ngay những giây phút
đầu khi Con Một Chúa nhập thể đã đưa Mẹ đến những ngày tháng hy sinh và đau khổ,
như thánh ông Simêon đã nói: “về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn
bà”(Lc 2,35). Lời thưa “xin vâng” ấy đã đưa Mẹ đi trọn con đường trong thánh ý
của Chúa. Và cũng chính lời thưa “xin vâng” ấy đã đem lại cho Mẹ được diễm phúc
như ngày hôm nay.
Mẹ đã đi trọn con đường “xin vâng” bằng một đời sống luôn nở hoa trong tình yêu
thương, luôn âm thầm hy sinh, khiêm nhường và bác ái. Đặc biệt, Mẹ luôn tin
tưởng phó thác với một đời sống không ngừng cầu nguyện. Nhờ đó, Mẹ được gọi là
“Đấng đầy ơn phúc”.
Thật vậy, Mẹ đầy ơn phúc khi cho chính Con Một Chúa ngự trị nơi cung lòng thanh
khiết không vấn vương tội lỗi của Mẹ.
Mẹ đầy ơn phúc khi Mẹ đã phó thác trọn cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa. Mẹ từ
bỏ con đường riêng của mình để thưa xin vâng cho thánh ý Chúa được thực hiện.
Mẹ đầy ân phúc vì luôn ấp ủ tình yêu thương với tha thân: Mẹ vội vã vượt đèo lội
suối, thăm viếng và phục vụ bà chị họ, Mẹ hiểu thấu và giúp đỡ cảnh hết rượu ở
tiệc cưới Cana…
Mẹ đầy ân phúc khi tiếp tục xin vâng trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn cùng cực và
bi đát nhất nhất: sinh con trong nghèo khó, chốn chạy qua Ai Cập, trở về
Nazareth…
Mẹ đầy ân phúc khi Mẹ đồng công thưa xin vâng với thánh ý Chúa Cha qua cái chết
cứu độ của Chúa Giêsu con Mẹ, để rồi chính Mẹ đã đứng nhìn con mình chết thê
thảm, nhục nhã trên thập giá.
Vâng, Mẹ Maria với tư cách là người mẹ trần thế, cũng trải qua những gian truân,
vất vả để nuôi con khôn lớn như bao bà mẹ khác. Mẹ Maria cũng trải qua những
tháng ngày tần tảo một nắng hai sương để gồng gánh gia đình đi qua những thăng
trầm của dòng đời. Mẹ Maria còn đau khổ hơn bao bà mẹ khác vì con của Mẹ luôn
phải đối đầu với nghi nan, có những lúc đến “ngàn cân treo sợi tóc”. Trên hết,
Mẹ đã đối điện một nỗi đau khổ tột cùng, khi Mẹ ôm thân xác tả tơi, đẫm máu của
Con yêu quý vào lòng khi hạ xuống từ cây thập giá.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Mẹ được Chúa đưa cả hồn lẫn xác về trời. Đây là
phần thưởng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ, nhưng cũng là lời nhắc nhở mỗi
người chúng ta: hãy nỗ lực sống theo thánh ý Chúa; bước tiếp hành trình dương
thế trong sự lắng nghe và xin vâng; hãy thực thi Lời Chúa bằng việc sẻ chia tình
thương với những người xung quanh; biết hy sinh quảng đại để phục vụ tha nhân…
và sống một đời sống cầu nguyện chuyên chăm. Đó sẽ là những dấu chỉ cho vinh
quang mà chúng ta sẽ được thông phần với Mẹ ở đời sau trên Nước Trời.
Lễ Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác cũng là dịp nhắc nhở chúng ta hãy noi gương bắt
chước Mẹ trên con đường tìm kiếm và thực thi ý Chúa. Mừng Mẹ về trời để giúp
chúng ta hiểu rằng, những khốn khó, gian truân đời này chẳng là gì so với hạnh
phúc vĩnh cửu trên Quê Trời.
J.B Lê Đình Nam