Hc 4, 12-22 (Hl 11-19); Mc 9, 37-39 (Hl 38-40)
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Lời phản ứng của
Gioan ở đây là một phản ứng dành quyền thống trị, thích quyền năng và lo giữ độc
quyền. Ông muốn giữ quyền lực của Đức Giêsu cho riêng mình và cho nhóm Mười Hai.
Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm
phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.”
Gioan là người đến kể lại cho Thầy về trường hợp người trừ quỷ lạ mặt đó. Ông
Gioan này, một con người hiền dịu như thế, lại rất có thể nổi nóng, tàn bạo. Ta
còn nhớ, một ngày nào đó, ông đã xin Chúa Giêsu cho lửa trời và sấm sét xuống
tiêu diệt một làng của người Samari, vì họ đã không chịu tiếp rước các ngài. Ông
không gớm cả những biện pháp mạnh. Ở đây, ông lại bực tức với một người ngoại
nhập lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ và được thành công. Thật là xì-căng-đan hết
chỗ!
Vì “người ấy không theo chúng ta.” Người ấy không phải là người thuộc nhóm chúng
ta và kìa anh ta tiếm quyền của chúng ta, dẫm chân lên những mảnh vườn của chúng
ta. Đó là một sự lộn xộn mà anh ta xin Chúa Giêsu sửa sai. Vả lại các tông đồ
cũng đã bắt đầu xen vào. Các ông đã ngăn cản anh lấy danh nghĩa Chúa mà hành
đông và các ông đòi Chúa công nhận hành đông của các ông. Còn Gioan một phần nào
như muốn nói: “Khỏi cần đi theo Thầy nữa, làm môn đệ Thầy mà làm chi, khi mà kẻ
tới trước đều có thể hành động nhân danh Thầy.”
Ta thấy ông Gioan tưởng mình có độc quyền sở hữu “thương hiệu” Thầy mình trong
việc trừ quỷ. Nhân việc đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải có một cái nhìn bao
dung hơn, bởi vì loan báo về Chúa Giêsu tức là việc truyền giáo không phải là
độc quyền của một ai hay một nhóm người nào, trái lại đó là bổn phận của mọi
người tin Chúa Kitô, những người đã lãnh bí tích Rửa Tội, bất kể họ có chức vụ
gì trong Hội Thánh hay kiến thức của họ tới đâu. Không ai có quyền cản ngăn họ
vì họ làm việc truyền giáo dưới tác động của Chúa Thánh Thần, thi hành cách mau
mắn mà không chờ thời cơ, hoặc thời gian chuẩn bị. Nói như thế không phải là
chẳng màng gì đến việc đào tạo giáo lý đức tin hay việc hiệp thông với các phần
tử Hội Thánh trong việc truyền giáo; những việc đó không được là lý do để thoái
thác hoặc ngăn cản việc truyền giáo, mà trái lại phải làm cho công cuộc đó được
phong phú và hữu hiệu hơn.
Ông đinh ninh Thầy sẽ ủng hộ lập trường của mình. Thế nhưng, Đức Giê-su cho ông
thấy người môn đệ Chúa phải có tinh thần bao dung, chấp nhận đồng lòng chung sức
với những con người thiện chí – dù khác quan điểm, tôn giáo – để xây dựng thế
giới. “Ai không chống lại là ủng hộ chúng ta” vì ủng hộ sự thiện, sự sống, các
thiện ích của con người là cùng mục đích như ta. Ai đứng về phía chân lý để
chống lại sự dữ, dù không biết Chúa, thì vẫn có tương quan với Ngài. Đức Giê-su
mời gọi ta ra khỏi ranh giới hẹp hòi của phe nhóm, tôn giáo, địa phương, đoàn
thể, hội dòng… để cùng nhau góp phần làm cho cuộc sống này nhân bản hơn, tốt đẹp
hơn.
Chúa Giêsu bảo các môn đệ không được làm như vậy, vì ai đã nhân danh Chúa mà làm
phép lạ thì đó là do ơn Chúa ban. Vì những người đó dù không chung sống với nhóm
các môn đệ thì cũng là bạn đồng chí của các ông. Việc Đức Giêsu ngăn cấm các môn
đệ không được hẹp hòi, kỳ thị đối với những người không cùng trong nhóm với các
ông, đã cho các ông một bài học: không nên nhìn con người theo vẻ bên ngoài
nhưng phải thấy ý hướng bên trong của họ. Nếu không, vô tình các ông đã dập tắt
thiện ý của họ.
Giêsu không chấp nhận thái độ cấm đoán ấy (c. 39). Thầy bao dung và cởi mở hơn
nhiều. Thầy có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Hẳn
người ấy có niềm tin nào đó vào Thầy, vào quyền năng của Danh Thầy. Như thế anh
ấy đã có tương quan ít nhiều với Thầy, dù không theo Thầy làm môn đệ chính thức
trong nhóm. “Ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40). Nguyên tắc này
của Đức Giêsu khiến chúng ta có thêm nhiều bạn, và bớt số người mà ta nghĩ là kẻ
thù. Nó khiến chúng ta ra khỏi sự lo sợ vì quyền lợi mình bị đe dọa, và tránh
được những tranh chấp không đáng có.
Ta thấy Chúa dạy bài học về bao dung và sự hợp tác. Người đời thường có óc bè
phái, ích kỷ. Chỉ lo bảo vệ quyền lợi, danh dự của nhóm mình. Và đố kỵ ganh ghét
với những nhóm khác. Phương châm của họ là “ai không theo ta tức là nghịch với
ta”. Chúng ta cũng thường nhìn người khác với một cái nhìn nghi ngờ và khắt khe
“họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”. Do cái nhìn ấy, nếp sống ấy nên
chúng ta trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay Chúa dạy chúng ta một cái nhìn rất
bao dung và rất lạc quan “ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Chắc
chắn với cái nhìn này đời sống của chúng ta sẽ vui tươi hơn và sẽ thoải mái hơn
trong công việc.
Chúa Giêsu khi thấy thái độ kỳ thị của các ông, Ngài đã dạy cho họ bài học về sự
hiệp nhất trong đa dạng khi nói: “Đừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không
chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn dạy các
ông bài học về sự đa dạng trong Vương Quốc của Đức Giêsu. Đồng thời cũng mời gọi
các ông biết đón nhận những sự khác biệt đó như là một cơ hội để học hỏi và cùng
nhau chung tay xây dựng Nước Trời.
Nhận ra tài năng của người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng thành thật
nhìn nhận tài năng và cùng cộng tác với người khác là điều không dễ thực hiện.
Ðó cũng đã là tâm trạng của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ khám phá có người nhân
danh Chúa để trừ quỷ, nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ
ngăn cấm người ấy, Chúa Giêsu trả lời: "Ðừng ngăn cấm người ta... Quả thật, ai
không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".