Phúc cho các con nếu người ta sỉ nhục các con, nếu người ta bắt bớ các con mọi cách vì Ta. Các con hãy ở trong sự vui mừng và hoan hỉ,
vì phần thưởng các con sẽ lớn trên trời. (Mt 5,11-12)
Các con là muối đất... (Mt 5,13)
Các con là ánh sáng thế gian. (Mt 65,14)
Vì thế ánh sáng của các con phải sáng lên trước mặt mọi người, để, khi thấy các việc làm tốt lành của các con, họ tôn vinh Cha các con Đấng ở trên trời. (Mt 5,16)
Tác giả Matthieu đã viết thành hai phần riêng về các mối phúc: tám mối phúc đầu dành cho mọi người, ở ngôi thứ ba số nhiều, và mối phúc thứ chín nầy nhằm chỉ riêng cho những kẻ đã biết đến Ngài và đi theo Ngài.
Ơn đặc biệt của Kitô-hữu khi họ nhận biết Nước Trời là Chúa Kitô, nhận biết Thiên Chúa là Cha của mình đi kèm những ân phúc sau đây:
Chịu bắt bớ vì công lý nơi Chúa Kitô.
Ở trong sự vui mừng và hoan hỉ.
Phần thưởng sẽ lớn trong Nước Trời.
Làm chứng chân lý Chúa Kitô bằng cả cuộc sống của mình.
Chịu bắt bớ vì Chúa kitô
Những điều ân phúc đó có khác gì với tám ân phúc cho mọi người?
Trước hết, ta xét đến tương quan của chúng qua hình thức hành văn của đoạn nầy :
- Tám mối phúc đầu là những phương cách biểu lộ của những kẻ “thuộc về Nước Trời”. Mối phúc thứ nhất và mối phúc thứ tám mở ra với “Nước Trời” và kết thúc với “Nước Trời”.
- Mối phúc thứ chín hầu như lặp lại mối phúc thứ tám: Có thể nói rằng, tác giả thay vì lặp lại từng mối phúc, đã dùng cách hành văn tóm gọn nầy.
- Và ngay ở mối phúc thứ chín, phần cuối nêu lên ý tưởng nầy: “người ta cũng đã ngược đãi các tiên tri, những kẻ đi trước các ngươi.” (Mt 5,12)
Như thế có sự song song: Nước Trời là Chúa Kitô, thì các mối phúc của con người nói chung cũng là các mối phúc của môn đệ Chúa Kitô. Đến đây ta hiểu được rõ ràng hơn nữa, nội dung những câu dẫn nhập của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, bản văn nền tảng của Công đồng Vaticanô II định nghĩa vai trò và tương quan giữa Kitô-hữu và cộng đồng con người.
Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Lời mở đầu 1)
Nhưng Nước Trời siêu việt, ẩn kín, cứu cánh mọi người trông chờ và hy vọng, thì nay được mặc khải cho môn đệ Chúa Kitô biết rằng: “Nước Trời là Ta, Đức Giêsu-Kitô đã làm người, chết và được sống lại trong lịch sử nhân loại nầy”. “Ta”, chữ Thiên Chúa siêu việt đã mặc khải cho Maisen và nhân loại trong Giao ước cũ: “Ta là Đấng Ta là Ta” (Xuất hành 3,14), nay mang thân xác con người phô bày sự hiện diện của mình, với mình và trước kẻ khác.
Nhưng tại sao nơi tâm thức mỗi người, nơi các nền văn hóa, chữ Ta lại trở thành vấn đề gai góc (xem Confessions của thánh Augustinô), và cũng là cớ cho mê lầm (nơi tư tưởng nhà Phật). Descartes, Kant, những triết gia nhân bản ngày nay, cũng đã am tường rằng tất cả nỗ lực văn hóa con người cũng khởi đầu từ thắc mắc về chính cái “tôi”. Giải đáp trả lời cho vấn nạn nầy rất là đa biệt, đẩy đưa lịch sử nhân loại phiêu lưu qua nhiều cảnh vực thế giới khác nhau: tôi trong suy tư, tôi trong lao động, tôi trong hưởng thụ vật chất, tôi trong quyền lực... Bên trên những cuộc phiêu lưu đó, vấn đề “cái tôi” như một thắc mắc nguyên sơ vẫn còn đó, gắn bó với nghiệp con người nơi trần thế.
Chữ “Ta”, khi Chúa Kitô dùng để nói với các môn đệ Ngài, không đơn giản chút nào. Tông đồ Gioan mô tả mầu nhiệm của chữ Ta đó qua cuộc đối thoại của Chúa Kitô và các tông đồ, trước khi Ngài chịu tử nạn.
Tôma nói với Ngài: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu. Làm sao chúng con biết đạo (= đường) của Thầy? Chúa nói với ông: Ta là Đạo (= Đường), là sự Thật và là sự Sống. Không ai đến với Cha mà không qua Ta. Nếu các con biết Ta, các con cũng sẽ biết Cha Ta. Ngay từ bây giờ các con biết Ngài và đã thấy Ngài. (Gioan 14, 5-7)
Nhưng, trước mặc khải ấy, dường như không ai trong các môn đệ hiểu thật sự Chúa Kitô muốn nói gì. Trước đó Chúa Kitô đã không nói về Ngài, đã không làm phép lạ, đã không gọi họ đi theo, và họ đã không theo Ngài hay sao ? Thế mà, ngay sau lời đó, Philiphê lại hỏi ngay:
Philiphê nói với Ngài: Lạy Thầy, xin Thầy hãy chỉ Cha cho chúng con, và như thế là đủ cho chúng con rồi. Chúa Giêsu nói với ông: Nầy, Ta ở với các con lâu như thế, mà con không biết Ta sao, hởi Philiphê? Ai đã thấy Ta là đã thấy Cha. Làm sao con có thể nói: Xin Thầy chỉ Cha cho chúng con? Con không tin là Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Các Lời Ta nói cho các con, Ta không tự Ta mà nói ra: Cha là Đấng ở trong Ta hoàn tất mọi việc. Các con hãy tin Ta về những lời ấy! (Gioan 14,8-11)
Cho đến ngày Chúa Kitô lại đến trong ngày tận thế, sẽ không ai hiểu được đầy đủ chữ “Ta” mà Chúa Kitô dùng. Ngài vẫn luôn nói với các môn đệ Ngài, đứng đối diện với Ngài,“Các con hãy tin!” .
“Ta” là đầu mối để có lời nói, để xưng hô và thiết lập tương quan với anh, chị... . Tương quan đó làm nên cộng đồng con người, vượt lên trên các sinh vật, cỏ cây trong vũ trụ. Các chữ ta, các anh, các chị... con người vẫn dùng, nhưng tại sao con người không những cảm thấy có một cái gì bất ổn, đôi lúc còn vì chữ nầy mà đâm giết nhau (như ta thường nói “bỉ ngã tương tranh” ). Lão Tử, Đức Phật và ngay cả Khổng Tử cũng cảm nhận một cái gì mê lầm, giả tạo nơi lời nói con người. Khổng Tử phải chăng đã dạy con ruột mình phải học Kinh Thi để có được lời nói, Kinh Thi vốn là hứng khởi đến từ bờ bên kia của thế sự. Nhưng bờ ẩn kín bên kia là nơi nào đây? Phật ngại ngùng khi nhắc đến “bỉ-ngã”, tôi và anh, vì tôi đã là giả tạo thì làm sao nhận ra có kẻ khác!
Phải chăng vì lời nói giả tạo nên đành câm nín để đạt chân lý? Văn hóa Hy lạp qua kịch phẩm Œdipe làm vua của Thi hào Sophocle cho hay rằng, Œdipe “sáng mắt”, “nói” nhưng thực ra không thấy sự thật, không biết được chữ “Ta” ông nói về mình là ai. Khi biết mình mê lầm, ông tự đâm mù hai mắt. Nhưng mù mắt hay câm nín thì ông không vì thế mà bước đi trên sự thật, tìm lại được lời nguyên sơ chân thật của mình. Trang Tử, chân nhận có Đạo, nhưng đồng thời chân nhận tình trạng bất lực của lời nói, tương quan giữa người với người trong Đạo:
Đạo không phải là cuộc đời, nhưng cuộc đời không phải là sự chối bỏ tận gốc về Đạo... Cái nhìn tối thượng của Đạo và mọi vật, lời nói cũng như thinh lặng không chứa nổi. Hãy vượt lên lời nói cũng như sự thinh lặng nó ở bên trên mọi cách diễn tả của con người.
Trong áng sáng đức tin, kitô hữu nhận ra Chân lý, Đạo, Công lý đó là Đức Kitô, Lời Thiên Chúa làm người. Từ Lời nầy, “Ta” chân thật xuất hiện trong thế giới con người. Con người ở ngôi thứ ba số nhiều như bao đồ vật khác trong tầm tay và sự hiểu biết, nay được gọi tên tôi, anh, chị …trọn nghĩa trong Lời nầy. “Bỉ-Ngã”, Tôi-Anh giả tạo của quyền lực muốn thống trị của “ngã chấp”, nay được trả lại sự công chính nguyên sơ của nó trong sự cứu độ của Chúa Kitô.
Phúc cho Kitô-hữu, vì trong đức tin họ biết được “Ta” chân thật đã xuất hiện trong nhân thế. Tuy nhiên “Ta” đó vẫn vượt lên mọi ngôn ngữ của con người, cũng như sự thinh lặng của nó. Cái biết của Kitô-hữu về “Ta” chân thật đó luôn là cái biết trong đức tin: “Các con hãy tin Ta về những lời nầy.”
Cuộc vật lộn với Thiên Chúa để biết tên Ngài nơi Giacop, nay là cuộc vật lộn với Chúa Kitô để thấy Thiên Chúa trong Lời Ngài là Đức Kitô. Kitô-hữu bị “bắt bớ” vì “Ta” chân thật nầy, vì “Ta” đó là hiện thân tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu đó hiến thân mình cho toàn nhân loại được Thiên Chúa yêu. Tình yêu đó là “Ta cứu độ”, tôn trọng kẻ khác trong nhân phẩm chân thực, không tơ vương muốn biến kẻ khác thành dụng cụ của ý muốn và quyền lực của mình. Con người chân thật Kitô không làm một việc gì theo ý mình, nhưng hoàn toàn vâng phục ý Cha Đấng ở trên trời.
Cảnh vực yêu thương, công lý mới nầy, Đức Kitô đã chinh phục bằng Thánh giá của Ngài. Kitô-hữu nay chịu bắt bớ vì công lý, khi tuyên xưng niềm tin về yêu thương của Thiên Chúa nơi Đức Kitô.
Vui mừng và hoan hỉ
Nơi đây, Mathieu không nhắc lại lời chúc phúc thứ ba: “Phúc cho những kẻ buồn khổ vì họ sẽ được ủi an.”, nhưng nói rõ thế nầy: Các con hãy ở trong vui mừng và hoan hỉ. Đức Kitô đã sống lại, niềm vui thực sự đã xuất hiện trên trái đất, giữa lịch sử nhân loại. Kitô-hữu làm chứng về Công lý-Tình yêu trong sự thông dự vào sức mạnh của niềm vui nầy.
Nhưng Matthieu còn ghi thêm “vì phần thưởng các con sẽ lớn ở trên trời.” Niềm vui sống lại của Chúa đã xuất hiện trong trần thế, nhưng không phải là niềm vui của trần thế. Làm chứng về sự toàn thắng của Chúa Kitô, không phải là thực hiện sự thống trị trên xã hội theo sự hiểu biết và hứng khởi của quyền lực con người. Khổng tử trong sách Luận ngữ nói: “trên không oán trời, dưới không hận người” để nói lên thái độ kẻ thực thi Đạo Nhân. Ở đây Chúa Kitô nói một cách tích cực về niềm vui của Đạo Nhân đã thực sự hoàn thành nơi Ngài.
Ngay trong đau khổ, chịu tra tấn, sỉ nhục, bỏ rơi bởi bạn bè, Đức Kitô nơi Phúc âm Mathieu không nói lên một lời oán trách. Và trước đó, Ngài đã từng dạy kẻ theo Ngài phải tha thứ bảy mươi bảy lần bảy về những xúc phạm của kẻ khác đã ngược đãi mình (xem Mt 18,22). Luca, nhắc lại lời Chúa Kitô khi chịu đóng đinh trên núi sọ: “Lạy Cha, xin tha cho họ; họ không biết việc họ làm.” (Luca 23, 34)
Ơn nhận biết Chúa Kitô là công lý của Thiên Chúa, chính là ơn nhưng không Kitô-hữu nhận được. Họ sẽ làm chứng niềm vui đó một cách nhưng không. Chúa Kitô không oán trách, trả thù, phê phán kẻ bắt bớ, tra tấn, giết hại Ngài. Phản ứng duy nhất của Ngài là xin Chúa Cha tha cho việc làm đó, vì kẻ làm không biết việc họ làm. Kitô-hữu làm chứng về Ngài cũng không thể có thái độ nào khác hơn.
Trong sự chết của Chúa Kitô, xem ra là sự thất bại, nỗi buồn cùng cực theo công lý con người, nhưng nơi sự thất bại bên ngoài đó, Thiên Chúa Cha đã vinh thăng Ngài trong Phục sinh. Kitô-hữu cũng chịu những bước thất bại bên ngoài như Ngài, chứng kiến những ngày tháng lịch sử của mình, của Giáo hội rất tang thương, nhưng chính đó là dấu chứng Thiên Chúa Cha đang phục sinh lại trần thế trong sự cứu độ của Chúa Kitô.
Vui mừng và hoan hỉ vì niềm vui sống lại của Chúa Kitô còn là niềm hy vọng họ sẽ được sống lại như Ngài, để cùng với cộng đồng nhân loại đến gặp Ngài, nơi Ngài đã hẹn, bên cạnh Thiên Chúa Cha.
Sống đạo : muối đất và ánh sáng thế gian
Muối, là chất làm cho sự sống bình thường của sinh vật ngưng lại. Nó nói lên hình ảnh tiêu cực về tình trạng triệt tiêu sự đổi thay, chóng qua, đồng thời cũng gợi lên sự trường sinh. Muối đất hay ánh sáng cũng là một nội dung với hai cách nói. Cuộc sống Kitô-hữu trong trần thế để làm chứng về Đức Kitô chủ yếu là làm cho sự chóng qua của lịch sử thấm nhập sự sống trường sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô. Ánh sáng họ nhận được cũng không phải thứ ánh sáng mê lầm do trí năng tự mãn của con người, nhưng là Chân lý đến từ Thiên Chúa nơi Chúa Kitô.
Làm chứng, theo Mathieu, không phải chủ yếu nơi việc thuyết giảng suông, nhưng trước hết do chính cuộc sống của mình, nơi việc làm ngay lành của mình. Vì Lời Thiên Chúa nói với nhân loại là Ngôi Hai làm người, hiến thân mình cứu độ.
Không ai làm chứng bằng sự cưỡng bức kẻ khác nhận chân sự thật bao giờ. Làm chứng là để sự thật hiện diện trong lời nói của mình, để người nghe tự do trước Chân lý.
Cộng đồng Kitô-hữu hay Giáo hội hữu hình cũng làm chứng Tin Mừng như thế. Cộng đồng đó khác với cộng đồng xã hội trần thế, vì không một yếu tố nào của trần thế ràng buộc, chế tài họ, buộc họ phải gia nhập vào thân thể của Chúa Kitô, ngoài sự tự do của mỗi người.
Làm chứng cho chân lý tình yêu là thực thi tình yêu của Chúa Kitô trong hành động của chính mình, thể hiện ra trong xã hội của mình.
Và như thế, ánh sáng của các con phải sáng lên trước mắt mọi người để, khi thấy việc làm tốt lành của con, họ thấy được vinh quang của Cha các con Đấng ở trên trời. (Mt 5,16)
Nói cách khác, làm chứng Công lý-Tình yêu không thể không chân nhận tự do của kẻ khác. Làm chứng cho Đấng đem lại tự do toàn vẹn cho con người khởi đầu từ việc tôn trọng tự do của kẻ khác cạnh mình. Vì Nước Trời của Chúa Kitô không có ai là tôi tớ của ai theo nghĩa trần thế, nhưng “Các con là bạn hữu của Ta” (Gioan 14,14)
Tóm lại phúc của Kitô-hữu là bạn Chúa Kitô, chia sẻ sự sống của Ngài, cộng tác với Ngài hoàn thành Nước của Thiên Chúa.Trong cuộc sống làm chứng nhân nầy, hơi thở Thiên Chúa, Thánh Thần là sự sống của Chúa Kitô sẽ chiến thắng yếu hèn của con người họ, để qua chính cuộc sống của họ, mọi người nhận ra phúc làm người trọn vẹn, tức là làm con Thiên Chúa, chia sẽ sự sống thần linh của Con Ngài. Sự sống đó là “yêu Thiên Chúa và yêu con người trong Đức Kitô.”
( Trích trong cuốn Bài Giảng Trên Núi )