Nguyễn Đăng Trúc
Reichstett, Pháp
Tin Mừng cho con người trần thế, Lời của Thiên Chúa nói với nhân loại, là chính Chúa Giêsu-Kitô đã nhập thể làm người, đã chịu khổ nạn và đã được Chúa Cha phục sinh.
Nước Trời là chính Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã thực hiện sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi trần thế.
Mang thân phận con người trần thế như chúng ta, Chúa Giêsu-Kitô loan báo Hạnh phúc của thân phận làm người ù là Kẻ Nghèo, người đói khát Thiên Chúa.
Thánh tông đồ Gioan đã viết:
Biết rằng mọi sự từ nay đã hoàn tất, Chúa Giêsu nói, để mọi lời Kinh thánh được thực hiện đầy đủ: Ta khát. (Gioan 19,28).
Con người sống trong lịch sử, trong thời gian, tưởng rằng mọi sự chỉ có « bánh » làm no đầy, chỉ được giải quyết theo sức lực con người theo tiêu chuẩn của « bánh » nầy. Và mỗi cuộc sống con người, cũng như vận mệnh của toàn nhân loại kỳ cùng rồi cũng rơi vào vòng vi của bánh đó.
Dừng lại nơi thời trần thế, tìm kiếm cứu cánh, ý nghĩa đời mình chỉ với chất liệu, phương tiện trần thế: quyền lực, tài trí, vật chất, tiền của... là đủ lắm rồi, đó là người “giàu”, là tự mãn mù quáng, và kiêu căng.
Chúa Giêsu-Kitô, Lời Thiên Chúa, đến để nói một chân lý khác: Ngài khát.
Cuộc đời con người, lịch sử nhân loại trong thời gian, là sự thèm muốn một cái gì Tuyệt đối vượt lên trên khung bây giờ và ở đây của trần thế.
Ngài không những chứng thực những khát vọng Tuyệt đối nơi con người từ ngày tạo dựng cho đến ngày tận thế, nhưng còn biểu lộ hạnh phúc của những kẻ nghèo trong thần trí. Ngài còn mặc khải thêm rằng tất cả những khát vọng đó phát xuất từ chính Ngài và sẽ được thỏa mãn do ơn cứu độ của Ngài: Kẻ khát trên thánh giá đã được no thỏa khi được Cha Ngài cho sống lại và vĩnh viễn ở bên Cha Ngài.
Tin Mừng về người nghèo trong trần thế được hoàn thành trong niềm vui sống lại nầy.
Sự sống lại của Chúa Giêsu-Kitô, cứu cánh của kẻ nghèo trong thân phận làm người nơi trần thế, nay là nguồn hy vọng cho mỗi một thành phần của nhân loại.
Khi Ngài sống lại, Ngài nói với các người phụ nữ thăm viếng mộ Ngài rằng :
Các con đừng sợ, các con hãy loan báo cho anh em Ta rằng họ phải đi về Galilêa và ở đó họ sẽ gặp Ta. (Mt 28,10)
Và các tông đồ đã nghe theo lời nầy :
Về phần mười một môn đệ, họ đã về Galilêa, nơi miền núi mà Chúa Kitô đã hẹn gặp. (Mt 28,16)
Giáo hội, cộng đồng Kitô-hữu được Chúa Kitô sống lại hẹn gặp ở núi vùng Galilêa. Matthieu đặt nổi vùng đất Galilêa nầy, trời mới, đất mới của cuộc sống Kitô-hữu:
Galilêa của các dân tộc, nơi ánh sáng mọc lên từ cỏi chết (xem Mt 4,2-10).
Galilêa nơi khởi phát Tin Mừng cứu độ: “Các ngươi hãy hoán cải, vì Nước Trời ở gần.” (Mt 4,17)
Galilêa nơi Thiên Chúa đi tìm con người, gọi họ làm môn đệ, cộng tác với Ngài. (xem Mt 4,19)
Galilêa nơi Chúa Kitô loan báo Tin Mừng Nước Trời và chữa lành con người. (xem Mt 23)
Galilêa trên núi, nơi Chúa Kitô mặc khải về Ngài là Kẻ Nghèo, là Phúc cho những ai chia sẻ cuộc sống của Ngài. (xem Mt 5,1-16)
Galilêa là Giao Ước mới giữa con người và Thiên Chúa, thể hiện nơi Đấng Kitô phục sinh. Galilêa, nơi môn đệ Chúa Kiô phải đến để gặp Đấng đã Phục Sinh (xem Mt 28,10); và là nơi các tông đồ, giáo hội « tông truyền » đã đến để gặp Chúa Kitô (xem Mt 28,16).
Nơi Galilêa, ánh sáng mọc lên
Trong đêm tối, Giacop đã vật lộn không ngơi nghỉ để “Kẻ Giấu Mặt” nói lên tên mình. Vì khao khát tìm Tuyệt-đối hết sức lực mình nên Giacop được đổi tên thành Israel :
Người ta sẽ không gọi ngươi là Giacop nữa, nhưng là Israel. Vì ngươi đã can cường trước Thiên Chúa, và ngươi sẽ thắng mọi người. (St 32, 29)
Giacop đã vẫn xin :
Xin Ngài mặc khải cho tôi tên Ngài. (St 32,30)
Và ở Galilêa, Thiên Chúa đã hoàn thành ước nguyện của toàn nhân loại khao khát tìm Ngài qua hiện thân của Giacop-Israel. Thiên Chúa nay đã đáp trả nỗi mong chờ: Giêsu-Kitô, Kẻ Nghèo là tên của Thiên Chúa làm người, để từ ánh sáng nầy mỗi người gọi Thiên Chúa là Cha mình.
Sau khi Chúa Kitô sống lại, Kitô-hữu, cộng đồng dân Thiên Chúa, là cộng đồng những con người lữ hành về núi Galilêa, nơi những con người nghèo được chúc phúc, nơi Kẻ Nghèo của Thiên Chúa là Chúa Kitô hẹn để gặp những người con Thiên Chúa.
Trong cuộc lữ hành đó, Chúa Kitô đi bên cạnh con người, như Ngài đã hứa :
Và Ta, Ta ở với các con mãi mãi cho đến ngày tận thế. (Mt 28,20)
Nơi Galilêa, Kẻ Nghèo Giêsu-Kitô mời gọi con cái Israel thống hối, canh tân
Giacop nghèo, kẻ suốt đời tìm kiếm Thiên Chúa không còn nhận ra hình ảnh mình nơi con cái “Israel”. “Israel” bấy giờ trở thành một dân tộc tìm vinh quang và quyền lực của mình dựa trên tiêu chuẩn trần thế.
Gioan Tẩy giả đã thức tỉnh họ :
Các ngươi hãy nảy sinh một quả xứng hợp với sự thống hội và đừng tự nghĩ rằng: Chúng tôi có Abraham là tổ phụ. Vì tôi nói cho các ngươi hay, Thiên Chúa có thể, từ những viên đá nầy đây, làm mọc lên những con cái thuộc về Abraham. (Mt 3,9)
Thống hối, trở về là vượt qua cuộc sống, công lý của Israel cũ :
Nếu công lý của các con không vượt lên công lý của người ký lục và biệt phái, các con chắc chắn sẽ không vào được Nước Trời. (Mt 5,20)
Không những thế, Chúa Kitô còn nêu lên rằng cuộc sống cũ của Israel đó đáng nhận bảy lần, nghĩa là vô số những lời chúc dữ:
Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi đã cản không cho những con người đến với Nước Trời...
Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi giống những mả tô vôi... (Mt 23,12; 27)
Ai là ký lục và biệt phái, nếu đó không phải là Kitô-hữu chúng ta hôm nay?
Hãy đối chiếu cuộc sống của Chúa Kitô trong trần thế với nếp sống của ký lục và biệt phái đương thời của Ngài, và hãy đối chiếu cuộc sống mỗi một chúng ta, của nếp sống đạo trong cộng đồng chúng ta với nội dung bài giảng trên núi, chúng ta sẽ thấy ngay cuộc sống chúng ta thực sự đang rập theo khuôn mẫu nào :
- Chúng ta bước đi theo Một Đức Kitô, chết trần truồng trên thánh giá, Đấng đã từng nói về vương quốc của mình: “Những con chồn có hang và chim trời có tổ, Con người lại không chỗ tựa đầu.” (Mt 8,22), Đấng đến để thực hiện lòng thương xót của Chúa Cha, gọi kẻ tội lỗi (xem Mt 9,13), Đấng đến để hầu hạ. (xem Mt 20,18)...
hay
đã từ lâu, chúng ta là hình ảnh của những con người cũ mà Chúa Kitô phiền trách :
Họ buộc những gánh nặng và đặt vào vai người ta, nhưng chính họ, họ không dám đụng đến đầu ngón tay. Trong mọi sự họ làm là để người ta lưu ý. Vì thế họ làm lớn cái hộp đựng Lề Luật buộc trên tay và nối dài tua áo ghi chép Lời Kinh Thánh. Họ thích chiếm chỗ cao trong các bữa tiệc, ngồi ghế đầu trong các nhà hội, sum soe trên các công trường và muốn người ta gọi mình là ‘Rabbi’. (Mt 23,4-7)
- Chúng ta sống trong sự sợ hãi của con người cũ
hay
chúng ta tin tưởng, an bình, hiên ngang trong ơn sống lại của Chúa Kitô: làm con Thiên Chúa và anh em với mọi người.
Các con đừng sợ gì những người giết thân xác nhưng không thể giết được linh hồn... Vì thế các con đừng sợ hãi. (Mt 10, 28; 31)
Phần các con, các con đừng để ai gọi mình là thầy; vì các con chỉ có Một Thầy, và tất cả chúng con đều là anh em. (Mt 23,8)
- Chúng ta tưởng sống đạo là chỉ xây cất những thánh đường nguy nga, tổ chức những ngày hội hè ngoạn mục, và bất chấp những người khốn khổ, tù đày, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học, thiếu tình thương vây quanh chúng ta.
Người nghèo của Thiên Chúa là Đức Kitô sẽ hô to bên tai chúng ta :
Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi xây mộ cho các tiên tri và trang trí các mộ phần của các kẻ công chính, và nói rằng: Nếu chúng tôi được sống trong thời tổ tiên chúng tôi, hẳn chúng tôi sẽ không hùa theo họ mà đổ máu các vị tiên tri. (Mt 23, 29-30)
Và :
Ta nói thật với các con điều nầy, khi các con làm việc đó (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách có áo mặc, thăm viếng kẻ đau yếu, tù đày...) cho một trong những kẻ bé mọn nầy trong anh em Ta, là các con đã làm cho chính Ta. (Mt 25,40)
- Chúng ta tưởng đỉnh cao của sống đạo là chiếm cho được một chút quyền nào đó trong Giáo hội theo như mẫu mực trần thế, là hô to lạy Chúa, lạy Chúa suốt ngày ngoài miệng, là làm đủ thủ tục lễ nghi tôn giáo, xem như đi xin một thẻ thông hành để cầu cho phần rỗi riêng cho mình trong tương lai.
Nhưng Kẻ Nghèo từ núi Galilêa cảnh tỉnh cho chúng ta hay rằng :
Không phải cứ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa mà người ta sẽ vào được Nước Trời, nhưng là làm theo ý Cha Ta Đấng ở trên trời. Nhiều người ngày đó sẽ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa, không phải chúng con đã không nhân danh Thầy mà nói tiên tri sao? Không phải chúng con đã không trừ quỉ nhân danh Thầy sao? Không phải chúng con đã không nhân danh Thầy để làm nhiều phép lạ sao? Bấy giờ Ta sẽ nói thẳng với họ: “Ta chưa bao giờ biết các ngươi, hãy đi xa Ta, các ngươi là những kẻ bất chính. » (Mt 7,21-23)
Kẻ nghèo, nước Thiên Chúa trong trần thế, Đấng Cứu độ Giêsu-Kitô đã tự hủy thân mình, tước vị Thần thánh của mình, vì yêu thương và thực hiện lòng nhân hậu của Chúa, đã mang hết tội kẻ khác, không tìm gì cho mình hơn là cho và cho đến cả mạng sống mình.
Và khi đã cho hết vì yêu thương, thì Chúa Cha ban cho Ngài sự sống lại.
Chúa Kitô, kẻ nghèo, kẻ yêu thương đến chết cả thân mình, đó chính là Thiên đàng nơi trần thế. Và trong Tình yêu Chúa Kitô, Phaolô đã thấy vinh quang cuộc sống đạo của tông đồ Chúa chính là người anh em mình.
Anh em rất yêu mến và lòng tôi ao ước, niềm hân hoan và triều thiên của tôi...(Phil 4,1)
Thiên đàng có thể ở đâu ngoài Thiên Chúa và người anh em mà ta thèm khát và yêu thương !
Trên bước đường lữ hành về Galilêa, nơi Chúa Kitô hẹn, mỗi Kitô-hữu cũng như toàn cộng đồng dân Chúa từng bước lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần để canh tân cuộc sống mình và thực hiện Nước Thiên Chúa nơi con người nghèo Giêsu-Kitô khát khao Thiên Chúa và con người:
Các ngươi hãy hoán cải, vì Nước Chúa ở thật gần. (Mt 4,17)
Phúc cho các người nghèo trong thần trí, vì Nước Trời thuộc về họ. (Mt 5,3)
( Trích trong cuốn Bài Giảng Trên Núi )