Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Trần Đình Long sss
Bài Viết Của
Lm. Jos Trần Đình Long sss
MÙA CHAY- MÙA CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG
KHAI BÚT ĐẦU NĂM
CON ĐƯỜNG BỎ NGỎ- CON ĐƯỜNG TÍN THÁC
KINH MÂN CÔI SỐNG – SỐNG KINH MÂN CÔI
Nếu Linh Mục Không Có Lòng Thương Xót
MẸ SẦU BI - MẸ THƯƠNG XÓT
CHƯỚNG NGẠI CỦA THẬP GIÁ
SỢ PHẢI LÊN TRÊN TRỜI!
THƯ GỞI ĐỨC MẸ THÁNG HOA
CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ LÒNG THƯƠNG XÓT - NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN DÂNG HIẾN
HOÀ BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
THƯ GỞI CHÚA HÀI ĐỒNG
Mùa Vọng - Mùa Của Lòng Xót Thương
THƯ GỞI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
THÁNH THỂ - TIN MỪNG VÀ QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA CHO THẾ GIỚI
THÁNH THỂ VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ KẺ THẤP CỔ BÉ HỌNG
SỐNG ĐẠO LÀ TỬ ĐẠO
THÁNH THỂ VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ KẺ THẤP CỔ BÉ HỌNG

 

·       Bánh Của Người Thấp Cổ Bé Họng

Với ngòi bút dí dỏm, Thomas More viết về các nhân đức của thánh nữ Uncumber – chứ không phải về những khó khăn của việc theo gương thánh nhân. Truyền thuyết kể rằng thánh nhân là một phụ nữ rất xinh đẹp, chỉ muốn sống đời độc thân nhưng lại bị nhiều chàng trai đeo đuổi luôn vây quanh quấy nhiễu. Vì thế thánh nhân cầu xin Chúa cho mình mọc râu – và lời cầu nguyện của bà được nhận lời.

Nhưng việc này vẫn không giải quyết được vấn đề. Những chàng trai trẻ vẫn bám theo bà. Có một anh chàng bực tức không thể chịu nổi bộ râu trên khuôn mặt xinh đẹp của người yêu đến độ anh ta ra tay sát hại thánh nhân. Bài học từ câu chuyện thánh nữ Uncumber dạy cho chúng ta điều này là phải biết chọn lọc rất kỹ những gì ta kêu xin Chúa trong kinh nguyện, bằng không lời kinh có thể đem lại cho ta những hậu quả đáng tiếc !

Về việc cầu nguyện xin ơn, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy xin những điều tốt lành : “Hãy nhìn hoa huệ ngoài đồng… Cha của anh em thừa biết những gì anh em cần” (Lc 12, 27 -30). Nếu không lo lắng về những nhu cầu vật chất cho ngày mai, thì thử  hỏi chúng ta cầu nguyện xin ơn mà làm gì?

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu nói : “Chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em ra đi và sinh được hoa trái để hoa trái anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy thì Người ban cho anh em” (Ga 15,16). Vậy thì xem ra chúng ta cầu xin không phải cho được các nhu cầu vật chất, nhưng được những gì là cần thiết để sinh hoa kết trái.

Trong một xã hội tiêu thụ như xã hội chúng ta ngày nay, người ta khao khát có được càng nhiều của cải vật chất càng tốt, thì cầu nguyện cho có đầy đủ nhu cầu vật chất để được hạnh phúc sung sướng xem ra thích hợp và dễ quan niệm hơn. Lời kinh xin ơn của chúng ta bao gồm nhiều thứ, nào là có được nhà thờ nhà xứ khang trang, được thăng quan tiến chức, xây ngôi nhà mới, vợ đẹp con khôn, du học nước ngoài, hoặc là để có một lối thoát dễ dàng ra khỏi những tình huống khó khăn. Nhưng, như câu chuyện thánh Incumber cho thấy, ước gì những điều nguyện ước của chúng ta không đẩy chúng ta vào một tình huống khó xử, dở khóc dở cười …

Cùng với lời nguyện cầu cho các nhu cầu hằng ngày, chúng ta cũng có thể cầu cho những người khổ đau vì nghèo túng, vì không cửa không nhà, vì thất nghiệp triền miên. Còn nữa, thật hiếm khi chúng ta cầu xin Chúa ban cho những ơn thiêng liêng, hiếm khi chúng ta thật sự quan tâm đến các nhu cầu cấp thiết của người nghèo, những nhu cầu khốc liệt về đời sống vật chất của họ.

Câu chuyện mọc râu của thánh nữ Uncumber khiến mỗi người phải suy nghĩ lại về nội dung của những lời nguyện xin ơn hằng ngày của mình. Không nhất thiết cầu xin Chúa cho chúng ta dễ dàng vượt thắng mọi khó khăn trong cuộc sống, nhưng xin Chúa ban cho sức mạnh ân sủng để giải quyết các khó khăn đó theo như ý Chúa muốn.

Và trong lúc cầu nguyện cho những ai bị chà đạp áp bức, bị những người ăn sung mặc sướng quên lãng, chúng ta chẳng những cầu nguyện cho họ, nhưng còn phải có những hành động phù hợp. Vì nếu kẻ nghèo khổ đói khát hiện diện mỗi ngày trong tâm trí chúng ta, thì các nhu cầu của họ là một phần quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Cầu nguyện cho họ như thế, sẽ biến đổi con người chúng ta, đem lại cho ta lòng can đảm để lên tiếng và hành động bênh vực cho người nghèo khổ thấp cổ bé họng. Khi đó kinh nguyện và tiếng nói chúng ta hoà hợp với tiếng gào thét đòi hỏi sự công bằng của họ.

Như vậy, lời cầu xin đúng cách, trở thành cái nôi cho xã hội thay đổi, vì tư tưởng dẫn đến lời nói, và lời nói dẫn đến việc làm. Quả thực lời cầu nguyện sẽ có sức biến đổi nếu trong việc đạo đức hằng ngày, chúng ta quan tâm thật sự đến người nghèo khổ, kêu xin cho họ, vì những lời cầu nguyện như thế là cách biểu hiện thiết thực nhất của chúng ta. Cầu nguyện hằng ngày cho xã hội, có thể dẫn đến “các hành động vì công bằng”, như nói lên nguyện vọng của nguời nghèo, như nhân danh người nghèo gửi những kiến nghị đến các cơ quan chính quyền. Những lời cầu nguyện như thế còn có thể phát động lòng nhân ái qua việc trợ giúp tiền bạc để yểm trợ cho những bữa ăn tình thương hoặc xây tổ ấm cho người cơ nhỡ. Chắc chắn một điều là việc cầu nguyện như thế làm cho chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện của những người ở chung quanh ta, và sẵn sàng giúp đỡ họ trong những lúc họ cần đến ta.

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta thấy quá rõ bao nỗi đau lòng do sự nghèo khổ bất công gây ra trong xã hội. Và lắm khi chúng ta thấy hoàn toàn bất lực không làm được một cái gì cho họ. Thậm chí chúng ta không biết phải bắt đầu từ đâu để phát động một sự thay đổi khi đứng trước những cơ cấu phiền toái, những nguyên tắc khắt khe tạo kẽ hỡ cho bất công luồn lách vào trong xã hội chúng ta. Nhưng chúng ta nên biết rằng có một nơi, một việc để bắt đầu, đó là cầu nguyện trước Thánh Thể.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Thánh Thể là sự hiện diện của một Thiên Chúa đang đón nhận tất cả mọi khổ đau của trần gian, đang thỏa mãn cơn đói khát của nhân loại như thế nào. “Quả thực anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào : Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9).

 

·       Bánh Của Người Khổ Đau Phiền Muộn

Thánh Thể được gọi là “Bánh của người khổ đau phiền muộn”. Quan niệm này vừa muốn nói đến tính hiến tế của sự chết của Đức Giêsu trên thập tự, vừa muốn phản ánh nguồn gốc của bánh không men Lễ Vượt Qua của dân Chúa trong thời bị áp bức lưu đày. Đối với dân Do Thái, bẻ và chia sẻ bánh không men là cách để họ tưởng nhớ cánh tay dũng mạnh của Thiên Chúa đã đem họ thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. Trong thời đại ngày nay, điều kiện sống khốn khổ của người bị cưỡng bức lao động, nạn thống trị và bách hại vẫn còn đeo đuổi cuộc sống của người nghèo khổ. Chúng ta hãy nghĩ đến tình trạng sống của người di dân phải bỏ quê hương làng mạc đến thành phố tìm công ăn việc làm, đến những người ướt đẫm mồ hôi đầu tắt mặt tối, ra sức làm tăng ca 14-16 tiếng một ngày trong các công ty nước ngoài, đến bao nhiêu người đang bị đưa vào cái bẫy của một nền kinh tế bất công không mảy may chú ý đến yếu tố con người. Khuôn mặt của các Pharaon xưa, ngày nay phản ánh trên những ông chủ của những tập đoàn đa quốc gia đang thu về những lợi nhuận kếch xù trong việc dựng xây những kim tự tháp hiện đại bằng mồ hôi xương máu của người nghèo. Mừng lễ Vượt Qua với bánh không men, bánh của kẻ khốn khổ ưu phiền, là để tưởng nhớ cái đêm mà Thiên Chúa giải thoát dân Người khỏi xiềng xích nô lệ, đem lại tự do cho họ.

Ngôn sứ Isaia nhắc nhủ dân Do Thái rằng Thiên Chúa chẳng ưa gì cái lối thờ phượng rỗng tuếch, những lời kinh sáo vẹt, gào lên trong những hành vi sám hối, và rồi kết thúc với những cuộc cãi cọ tranh dành ẩu đả nhau. “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi cùm gông? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, ruớc vào nhà những người nghèo không nơi cư ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ? …  Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở, gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58, 6-10).

Isaia kêu gọi dân thay lòng đổi dạ, thay đổi cách ăn nết ở. Thông điệp của ngôn sứ rất rõ ràng : Chúa chỉ quan tâm đến người nghèo, kẻ bị áp bức. Đức Chúa đem lại cho dân nguồn hy vọng và chỗ nương thân : “Những kẻ hèn mọn nhất sẽ được nuôi dưỡng, và những người nghèo khó sẽ được nghỉ ngơi an toàn” (Is 14, 30). Dưới con mắt đức tin của chúng ta, Thánh Thể là sự kiện toàn của những lời ngôn sứ xưa kia : “Lạy Đức Chúa, Ngài là Thiên Chúa của con, con suy tôn Ngài, con xưng tụng danh ngài, vì Ngài thực hiện những kỳ công, những chương trình tự ngàn xưa thật là bền vững … Quả thật Ngài là chốn dung thân lâu dài cho người hèn yếu, là nơi nương náu cho kẻ khó nghèo khi gặp bước gian truân … Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25, 1.4.6).

Từ lúc mới sinh, Giêsu đồng nhất mình với người nghèo và người đói khổ. Sinh ra tại Bethlehem, có nghĩa là “nhà chất đầy bánh”, và đặt nằm trong máng cỏ, trẻ sơ sinh này là “Bánh đích thực từ trời xuống đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6, 33).

Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Nước Chúa bằng những lời của ngôn sứ Isaia : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18).

Luca kể khi vừa trọn 40 ngày chay tịnh, Chúa Giêsu thấy đói. Người bị cám dỗ biến những hòn đá thành bánh để thỏa mãn cơn đói, dùng quyền năng và vinh quang để làm nhẹ bớt tình trạng yếu hèn của mình. Tin Mừng Chúa Giêsu công bố là tin mừng trực chỉ cho người nghèo, kẻ hèn mọn, người tàn tật, kẻ bị áp bức. Họ chính là dấu chỉ của thời Messia. Chúa Giêsu trả lời cho những người được Gioan Tẩy Giả sai đến : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 22).

Trình thuật Tin Mừng về việc hóa bánh và cá ra nhiều là bản tóm tắt sự hiểu biết của Giáo Hội sơ khai về Thánh Thể. Chúa Giêsu cầm lấy chiếc bánh có sẵn, ngước mắt lên, đọc lời chúc tụng, và phân phát cho mọi người hiện diện. Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong “Thảm kịch khốc liệt của nạn đói” (The Great Tragedy of Hunger) : “Từng đoàn lũ người đang chết đói, trẻ em có, phụ nữ có, người già cả, kẻ di dân, người tị nạn, người thất nghiệp. Họ đang hướng về chúng ta mà kêu la thảm thiết, trông mong chúng ta nghe được tiếng họ. Làm sao chúng ta có thể bịt tai, ngoảnh mặt làm ngơ, chẳng làm một cái gì với 5 chiếc bánh và 2 con cá mà Chúa đặt vào trong tay chúng ta? Nếu mỗi người góp một cái gì, tất cả chúng ta đều có thể làm một cái gì đó cho họ. Dĩ nhiên việc này đòi hỏi chúng ta phải có những hy sinh, phải có một sự quay về trong sâu thẳm tâm hồn.”

Nhằm chuẩn bị cho niên thiên kỷ thứ ba, Đức cố Gioan Phaolô II còn viết : “Năm 2000 sẽ là năm đặc biệt của Thánh Thể : trong bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu Đấng Cứu Chuộc đã nhận máu thịt từ cung lòng Đức Maria cách đây 20 thế kỷ, vẫn tiếp tục ban thân mình làm suối nguồn ban phát sự sống cho nhân loại.” Nhắc lại lời trong Tin Mừng Đức Giêsu đến để “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” (Mt 11, 5; Lc 7, 22), Đức Thánh Cha nêu lên câu hỏi : “Làm sao chúng ta không đặt tầm quan trọng hơn trên sự chọn lựa ưu tiên hàng đầu của Giáo Hội là cho người nghèo và người bị bỏ rơi bên lề xã hội ? Thực thế, phải nói rằng trong một xã hội đầy mâu thuẫn, bất công trong đời sống kinh tế và xã hội, như xã hội chúng ta đang sống, thì sự dấn thân cho công lý và hoà bình là điều kiện cần thiết cho việc chuẩn bị và cử hành năm toàn xá. Theo tinh thần của sách Lêvi (Lv 25, 8-12), người Ki-tô hữu sẽ lên tiếng nhân danh tất cả người nghèo khó trên trần gian. Công bố Năm Thánh là thời gian thuận tiện để giảm bớt hoặc xoá toàn bộ nợ nần giữa các quốc gia, số nợ này đang đe dọa trầm trọng tương lai của nhiều nước.” (Xem Trước Thềm Thiên Niên Kỷ III; Bức tông thư của Gioan Phaolô II).

Phương tiện truyền thông xã hội đã làm cho thế giới chúng ta thành nhỏ bé hơn. Không thể nào mà chúng ta không nghe được tiếng kêu la của hằng hà sa số con người đang sống trong cảnh cơ cực. Thế nhưng, sự ào ạt nhồi nhét thông tin cũng làm cho chúng ta thành tê cứng : những nỗi khổ đau do sự nghèo đói gây ra vẫn xa lạ đối với chúng ta. Đó chỉ là vấn đề của những người khác! Nó làm cho chúng ta thành những khán giả bàng quan trước những gì đọc được qua báo chí, thấy được trên những kênh truyền hình.

Làm sao chúng ta có thể sống chai lì trong bất công mà không cảm thấy có một chút trách nhiệm nào để đánh đổ nó? Sống trong tình trạng như thế, làm sao chúng ta có thể cử hành Thánh Thể, cử hành mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta, chứ chưa nói đến việc đáp ứng cho các nhu cầu của họ.

Thánh Thể hiệp nhất gia đình nhân loại, mời gọi mỗi người sống không rào cản, hưởng được sự phân phối hợp tình hợp lý của cải vật chất. Đức cố Gioan Phaolô II khẳng định : “Vậy, giáo huấn cũng như những việc làm đã có từ xưa của Giáo Hội đều nói lên xác tín rằng do bởi thiên chức của mình, Giáo Hội cùng với các thừa tác và mỗi một thánh viên của Giáo Hội, có trách nhiệm cất đi nỗi khổ đau của con người dù họ ở gần hoặc ở xa, không chỉ với những gì đầy dư mà còn với những gì chỉ vừa đủ cho mình” (Quan tâm về một trật tự xã hội, Gioan Phaolô II).

Cũng như Giáo Hội tiên khởi, Giáo Hội chúng ta ngày nay có nhiều thành kiến đối với người nghèo, người cơ cực. Thánh Phaolô lên án tình trạng này của giáo đoàn Côrintô : “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa ăn của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của?” (1Cr 11, 20-22).

Thư của thánh Giacôbê cũng lên án thiên kiến Giáo Hội dành cho người giàu có, và yêu cầu người tín hữu không được có một thiên kiến nào : “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng Vương Quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? Thế mà anh em, anh em lại khinh dể người nghèo!” (Gc 2, 5)

Từ gần 2000 năm, Lời Thiên Chúa đã trở thành nhục thể và ở lại giữa chúng ta cho đến ngày hôm nay. Sống giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta, Đức Giêsu đã tỏ hiện tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với người nghèo và những thành viên bị bỏ rơi trong gia đình nhân loại. Nhưng thế gian đã không nhìn nhận Người. Quyền lực thế gian đã xua đuổi Người, đã hành hạ và đóng đinh Người trên thập tự. Hơn thế nữa, bằng hy tế của Thịt và Máu đổ ra, Chúa Giêsu còn chứng tỏ cho chúng ta biết tình yêu Chúa đối với chúng ta thật kỳ vĩ lạ lùng.

Ngày nay, trên mặt đất này, Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta trong những mảnh đời khổ đau của những con người bị khước từ, bị bách hại, cũng như trong cuộc đời của những Kitô hữu trong Giáo Hội đang sống Tin Mừng được Chúa Giêsu công bố cho người nghèo khó. Người muốn chúng ta là cánh tay, là đôi mắt, là tiếng nói, là khuôn mặt, là con tim của Người để làm cho người nghèo và tất cả mọi người trên trần gian này biết là họ được Thiên Chúa vô cùng quý trọng yêu thương. Người ban quyền năng Chúa Thánh Thần và gửi chúng ta đến sống với người nghèo. Chúng ta không chỉ thỉnh thoảng đến thăm viếng họ, không chỉ đến để xem xét các vần đề của họ và giúp họ cải tiến điều kiện sinh sống của họ, không chỉ đến để bố thí cho họ, nhưng để sống với họ bằng một giao ước thực sự của tình liên đới.

Thánh Thể là nhiệm tích của những cách thức hiện diện này của Đức Kitô. Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa Toàn Năng và Hằng Hữu đang hiện thân trong người bé mọn, trong kẻ yếu đuối, trong người đang bị đọa đày khổ cực trên trần gian này, buộc chúng ta phải tin rằng sống với họ, tức là sống với Thiên Chúa.

Lạy Cha, chúng con xin tôn vinh Cha là Chúa cả muôn loài. Cha đã lấy lòng nhân ái của Cha đổ tràn mặt đất để thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng con. Cha đã dạy chúng con không cần phải lo sống cách nào, lấy gì mà ăn mà uống mà mặc. Xin Cha ban cho chúng con đức tin kiên vững vào tình yêu quan phòng của Cha mà tin chắc rằng Cha đã lo sẵn cho chúng con mọi điều cần thiết. Như người mẹ hằng chăm sóc nuôi dưỡng chúng con, Cha đã dạy chúng con trước hết lo cho sự sống trong Nước Cha, một sự sống công minh liêm chính, rồi tất cả sẽ được ban cho chúng con cách dư đầy.

Chúng con đến trước mặt Cha đây, đức tin còn quá yếu. Chính vì quá yếu trong đức tin, chúng con không đủ lòng quảng đại chia sẻ lương thực, tiền bạc để người đói khát, cơ cực có chút gì ăn đỡ dạ. Chúng con xin thú nhận mình là những con người ích kỷ chỉ biết mình, thường nghĩ rằng những người thiếu may mắn kia phải tự mình xoay xở theo cách của họ. Giống như các môn đệ ở Bethsaida, ngày nay chúng con chỉ lo những gì mình có thể làm, hoàn toàn chẳng thấm vào đâu trước cảnh gần 800 triệu người đang sống trong đói khổ, đang thiếu dinh dưỡng, những người đang vật lộn để được sống qua ngày.

Lazarô đang gõ cửa nhà chúng con, đang hiện thân nơi bao nhiêu người ước mong chỉ được ăn những mảnh vụn rơi từ bàn ăn của chúng con. Chúng con cần phải nhớ các ơn lành hứa ban cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp đón khách đỗ nhà và thăm viếng kẻ liệt lào bệnh hoạn hay tù đày. Bất cứ một điều nhỏ mọn nào chúng con làm cho một người hèn mọn nhất cũng đem lại vinh quang cho chúng con.

Trong lúc chia sẻ Bánh Thánh Thể, xin Cha mở mắt, mở tai, mở lòng chúng con để nghe thấu được tiếng Cha đang kêu mời trong tiếng khóc than của người nghèo khổ. Amen

(viết theo William Ficket, sss)

Lm. Giuse Trần Đình Long

Dòng Thánh Thể

Kỷ niệm 33 năm khấn dòng

(21/11/1980-21/11/2013)

Mùa mưa bão lũ lụt…

 

 

Tác giả: Lm. Jos Trần Đình Long sss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!