Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Trần Đình Long sss
Bài Viết Của
Lm. Jos Trần Đình Long sss
MÙA CHAY- MÙA CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG
KHAI BÚT ĐẦU NĂM
CON ĐƯỜNG BỎ NGỎ- CON ĐƯỜNG TÍN THÁC
KINH MÂN CÔI SỐNG – SỐNG KINH MÂN CÔI
Nếu Linh Mục Không Có Lòng Thương Xót
MẸ SẦU BI - MẸ THƯƠNG XÓT
CHƯỚNG NGẠI CỦA THẬP GIÁ
SỢ PHẢI LÊN TRÊN TRỜI!
THƯ GỞI ĐỨC MẸ THÁNG HOA
CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ LÒNG THƯƠNG XÓT - NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN DÂNG HIẾN
HOÀ BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
THƯ GỞI CHÚA HÀI ĐỒNG
Mùa Vọng - Mùa Của Lòng Xót Thương
THƯ GỞI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
THÁNH THỂ - TIN MỪNG VÀ QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA CHO THẾ GIỚI
THÁNH THỂ VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ KẺ THẤP CỔ BÉ HỌNG
SỐNG ĐẠO LÀ TỬ ĐẠO
CHƯỚNG NGẠI CỦA THẬP GIÁ

  

“Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ…” (1Cr 1,22-23)

  • Đôi Giòng Lịch Sử

Lòng yêu mến và tôn kính Thánh Giá đã có từ lâu trong Kitô Giáo. Người Kitô hữu có thói quen làm dấu Thánh Giá trên người và vật như dấu chỉ sự chúc lành. Giáo Phụ Tertuliano cho biết : “Bất kỳ làm một việc gì có ý nghĩa, người Kitô hữu đều làm dấu Thánh Giá.” Trong Giáo Hội Chính Thống Giáo, việc làm dấu Thánh Giá được thực hiện bằng bàn tay phải với ba ngón tay: ngón trỏ, ngón chỉ và ngón giữa chụm lại, diễn tả niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa; còn hai ngón đeo nhẫn và ngón út thì sát vào nhau, để chỉ sự kết hợp của thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, ngày lễ dành để tôn vinh Thánh Giá mới có từ thế kỷ thứ 4.

Vào năm 326, sau khi tìm được di tích Thánh Giá, thánh Hélène, mẹ của Hoàng Đế Constantin, đã cho xây cất hai đền thờ, một tại Mộ Thánh ở Thánh Địa và một tại núi Calvario. Lễ khánh thành và cung hiến hai đền thờ này được tổ chức trọng thể vào hai ngày 13 và 14 tháng 9 tại Giêrusalem.

Vào thế kỷ thứ 6, Khosroès I (531-579) là vua Ba Tư đánh thắng quân của đế quốc Roma ở Phương Đông. Quân Ba Tư chiếm đóng, tàn phá Thánh Địa, và cướp đi cây Thánh Giá thực ở Giêrusalem.

Heraclius (575-641) là con của tổng trấn thành Carthage, là vị tướng tài giỏi mới 35 tuổi. Ngày 3-10-610, vị tướng trẻ này lật đổ bạo chúa Phocas, nắm quyền ở Constantinopoli, lên làm hoàng đế Byzantin, lấy hiệu là Heraclius I (610-641).

Ngày 12-12-627, vua Heraclius đã anh dũng điều khiển trận đánh rượt đuổi vua Khosroès I đến Ctésiphon. Tại đây, con trai của Khosroès là Siroes Shirva đã giết cha và giao nộp Thánh Giá thực lại cho vua Heraclius I.

Năm 629, Thánh Giá được kiệu về Constantino, rồi từ đó rước về Giêrusalem giữa muôn tiếng reo mừng của thần dân trong ánh đuốc sáng ngời và những cành Olive thơm ngát. Vua Héraclius muốn đích thân vác thánh giá thật vào đền thờ để tạ ơn Chúa. Ông mặc vương phục và đội mũ hoàng đế. Nhưng khi vác Thánh Giá lên vai, ông thấy quá nặng, không thể bước tiếp được nữa khiến toàn dân kinh ngạc, lo âu. Đức Zacharias, Giáo Chủ Giêrusalem, liền nói với vua: “Xin hoàng đế thận trọng vì với mũ miện và y phục vương quyền mà ngài đang mặc, ngài không hợp để vác Thập Giá giống như thân phận khó nghèo, khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô.”

Nghe lời Đức Giáo Chủ, nhà vua bỏ hết mũ miện, thay bộ áo sang trọng bằng một bộ đồ rách rưới nghèo nàn… Tức thì cây Thánh Giá trở nên nhẹ nhàng. Heraclius I vác Thánh Giá gỗ vào đền thờ. Để tỏ quyền năng, với gỗ Thánh Gía, Chúa đã làm nhiều phép lạ trong ngày hôm ấy.

Tại Giêrusalem, Đức Giám Mục đã cử hành trọng thể lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 9 năm 629, sau này trở thành Lễ Suy Tôn Thánh Giá mừng kính vào ngày 14 tháng 9 hàng năm.

Đức Giáo Hoàng Gregorio (590-604) đưa vào Phụng Vụ Roma nghi lễ tôn kính Thánh Giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Chính yếu là việc biểu dương “Gỗ thập giá”, với lời kêu mời long trọng : “Đây là gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian” Mọi người cùng đáp lại : “Chúng ta hãy đến thờ lạy”.

Trong thư Galat 5,11, Thánh Phaolô viết: “Thưa anh em, giả như tôi còn rao giảng phép cắt bì, thì tại sao tôi lại vẫn bị ngược đãi? Như thế, thập giá đâu còn là chướng ngại nữa!”. Khi thánh Phaolô viết những lời này, ngài đã từng bị công kích. Sứ điệp của ngài đang bị chỉ trích. Thánh Phaolô lý luận rằng sự chỉ trích có thể xảy ra. Ngài không rao giảng Tin Mừng về những điều chúng ta cần phải làm để được ơn cứu độ. Thay vào đó, ngài rao giảng rằng chúng ta chỉ có thể được cứu độ thông qua thập giá của Đức Kitô mà thôi. Phaolô nói là thế gian cho rằng sứ điệp này thật chướng ngại. Tại sao thế gian lại cho rằng sứ điệp này là chướng ngại ?

  • Thập Giá Là Chướng Ngại Chính Vì Tính Chất Dã Man Của Việc Đóng Đinh

Tại Florida, bà Judy Buenoano, 54 tuổi, được biết đến như là Góa Phụ Đen, bị hành quyết. Bà bị kết tội giết chồng và con trai vì số tiền bảo hiểm. Trên đài CNN, cuộc hành quyết bà Judy Buenoano được mô tả bằng những chi tiết sinh động. Đầu bà được cạo nhẵn và chân trái của bà được cạo từ đầu gối đến mắt cá chân để có thể gắn điện cực. Đầu bà được bôi dầu mỡ để hoạt động như một chất dẫn điện. Khi bà được đưa vào phòng và bị trói vào ghế dựa, lệnh được ban hành, và dòng điện 2300 volts, 9.5 ampe truyền vào cơ thể bà trong vòng 8 giây. Một nhân chứng nói rằng khi dòng điện truyền vào cơ thể bà, thì “bà ấy nắm chặt những ngón tay của mình, và cơ thể bà phần nào lảo đảo khi dòng điện gây choáng váng đánh trúng vào bà. Một làn khói trắng phát xuất từ mắt cá chân bên phải của bà”.

Cuộc hành quyết người Góa Phụ Đen bị hoãn lại, vì tòa án tranh luận về một vụ kiện cho rằng hình thức chết này là cách trừng phạt tàn nhẫn vô nhân đạo.

Một năm trước, Pedro Medino đã bị xử tử bằng điện với cùng trạng thái này. Khi ông ta bị xử tử bằng điện, có những ngọn lửa màu cam và xanh dương dài tới 30 phân bắn ra từ phía bên phải đầu ông ta, và bay qua bay lại từ 6 đến 10 giây, tỏa khói đầy căn phòng hành quyết.

Việc hành quyết này gây sốc đối với chúng ta vì tính cách thô bạo của nó. Ta cảm thấy khiếp sợ. Thật là một điều kinh khủng. Trái lại, thập giá Đức Kitô nghe rất quen thuộc đối với chúng ta, đến nỗi chúng ta có nguy cơ thực sự quên rằng thập giá này thật dễ sợ đến thế nào, khủng khiếp đến thế nào, chướng ngại đến thế nào. Chúng ta vẫn làm những cây thập giá bằng vàng như là đồ trang trí. Chúng ta đeo thánh giá như là nữ trang. Có lẽ chúng ta nên đeo một hình vẽ trên huy hiệu, như một cái ghế điện thu nhỏ, hoặc một chiếc thòng lọng của người bị treo cổ – vì đó chính là biểu tượng – của một cuộc hành quyết thật đáng xấu hổ. Không giống như cái ghế điện, việc đóng đinh vào thập giá là một trong những cách thức tra tấn tinh tế nhất mà con người đã từng nghĩ ra. Đó là cách trừng phạt dành cho loại tội phạm tồi tệ nhất. Nạn nhân hoàn toàn bị mất phẩm giá trong nỗi xấu hổ trần truồng ô nhục. Đó là một điều thật chướng ngại!

Thập giá Đức Kitô là một sự xỉ nhục khủng khiếp. Đấng Messia của Thiên Chúa phải mang lấy một sự xỉ nhục như vậy là điều không thể chấp nhận nổi. Đối với một số người, việc giảng dạy như vậy dường như mang tính cách báng bổ. Không bao giờ được để cho Đấng Messia phải chịu đựng nỗi đau khổ và bất xứng đến thế. Thiên Chúa sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Người chống lại bất cứ điều gì đưa đến nỗi đau khổ. Chắc hẳn Đấng Toàn Năng sẽ ngăn chặn những điều ấy, trước khi chúng có thể được thực hiện. Tất nhiên trừ phi đây chính là điều mà Chúa Cha đã dành cho Chúa Con.

  • Thập Giá Là Chướng Ngại Vì Thập Giá Cho Ta Thấy Rõ Con Người Thật Của Mình

Nguyên nhân thứ hai khiến thập giá là chướng ngại vì chúng ta không muốn nhận rằng chính tội lỗi đã làm cho cái chết của Đức Kitô trở nên cần thiết. Chúng ta chỉ muốn nghe nói đến sự tốt lành của con người. Chúng ta muốn nói về tiềm năng lớn lao chưa khai thác của mình. Khi nghĩ rằng chính tội lỗi của chúng ta chịu trách nhiệm về nỗi đau khổ của Đức Kitô, thì chúng ta lại ngoảnh mặt đi. Chúng ta không thể và sẽ không chịu đựng nổi trách nhiệm đó. Đây là một cái nhìn về tình trạng tội lỗi riêng của mình, mà chúng ta không muốn thấy.

Kinh Thánh vẽ ra một bức tranh rõ rệt. Chúng ta đã nổi loạn chống lại chính Thiên Chúa. Sự nổi loạn này mang tính cách xúc phạm nặng nề đến chính Thiên Chúa, Đấng chí thánh. Chúng ta đáng phải chịu “chiếc ghế điện” của Thiên Chúa. Không có lời khẩn khoản nào trước Thiên Chúa. Chúng ta bị kết án, trừ phi chính Đấng Phán Xét can thiệp.

Chúng ta có thể lý luận, đổ lỗi, tìm cách chối tội! Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không hề bị khuất phục. Thiên Chúa không chấp nhận tội lỗi. Tội lỗi thật khủng khiếp đối với Thiên Chúa, đến nỗi Người sẵn sàng để cho chính Con của Người chịu tra tấn, chịu hình phạt khổ giá ô nhục để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi đó.

Bất cứ khi nào chúng ta làm theo ý riêng mình thay vì ý của Thiên Chúa, thì chúng ta phạm tội. Bất cứ khi nào chúng ta thỏa hiệp với sự dữ, với điều sai trái, thì chúng ta phạm tội. Bất cứ khi nào ta ganh ghét, ghen tỵ, phê bình chỉ trích, đổ vạ cáo gian, tìm mọi cách trù dập người khác, hạ giá người khác, thì chúng ta phạm tội. Bất cứ khi nào chúng ta chỉ ngón tay xương xẩu vào một người khác để kết án, thay vì thương xót, thì chúng ta phạm tội…

Rõ ràng bản danh sách này còn dài dài. Tuy nhiên, chúng ta thường tự bào chữa rằng: “Ồ! Thì tất cả mọi người đều làm những điều đó mà. Có sao đâu?” Không ! Không phải thế ! Đây chính là những tội lỗi đã gây ra cái chết khủng khiếp cho Đức Kitô. Đây là những tội lỗi đã giết chết Đức Kitô! Bạo lực đã trở thành quá quen thuộc, đến nỗi chúng ta đang trở nên tê liệt đối với nó. Bạo lực nơi học đường, trong gia đình, ngoài đường phố, chỉ một xích mích nhỏ, va quẹt nhẹ, cũng có thể gây án mạng dễ dàng! Sự vô luân lan tràn khắp nơi, đến nỗi hầu như chúng ta không nhận ra. Và tội lỗi là một phần rất lớn trong những việc chúng ta làm và trong con người của chúng ta, đến nỗi hiếm khi chúng ta nhìn lại nó. Nhưng chính những tội lỗi mà chúng ta vẫn coi thường, lại là những tội lỗi mà Đức Giêsu đã chịu treo trên thập giá để cứu độ chúng ta.

Người ta nhận thấy thập giá là chướng ngại, vì thập giá cho họ nhìn thấy một bức tranh rất thật về bản thân họ, về con người thật của họ mà họ không muốn thấy.

Đó chính là nguyên nhân khiến thập giá mang tính cách chướng ngại đối với bản chất tự hào của con người. Vì điều này tuyên bố rằng cách thức duy nhất để được ơn cứu độ là hoàn toàn phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa. “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”


 
  • Thay Lời Kết

Cùng nhau nhìn lên Thánh Giá Chúa và đọc lại "Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi" của Thánh Nữ Faustina, để thấy được Lòng Thương Xót Chúa dành cho những người tội lỗi như thế nào, và để thấy Thập Giá không còn là một chướng ngại nữa nhưng là biểu tượng của lòng thương xót:

- "Khi một linh hồn nhìn thấy và nhận ra gánh nặng tội lỗi của họ, khi cả một vực thẳm khốn nạn mà họ đã tự  mình lao xuống hiện ra trước mắt, họ cũng đừng thất vọng, nhưng hãy tín thác gieo mình vào vòng tay đầy lân ái của Cha như một đứa trẻ trong tay mẹ hiền. Các linh hồn ấy được quyền ưu tiên đối với Trái Tim lân tuất của Cha. Họ được ưu tiên đến  với Lòng Thương Xót của Cha.

Con hãy cho họ biết rằng chưa từng có một linh hồn nào kêu cầu Lòng Thương Xót của Cha mà phải thất vọng hay bẽ bàng. Cha vui sướng thỏa thê nơi một linh hồn đặt trót niềm tín thác vào lòng nhân lành của Cha." (NK, 1541)

"Cha đã mở rộng Trái Tim Cha như một nguồn mạch xót thương sống động. Các linh hồn hãy kín múc sức sống từ nguồn mạch ấy. Họ hãy đến với biển cả xót thương ấy với niềm tín thác mạnh mẽ. Các tội nhân sẽ được nên công chính, và những người công chính sẽ được vững vàng trong đàng lành. Bất cứ ai đặt trọn niềm tín thác vào Lòng Thương Xót Cha sẽ được tràn ngập niềm an bình thánh thiện của Cha trong giờ lâm tử." (NK, 1520)

"Hỡi ái nữ của Cha, con đừng chán ngại loan truyền Lòng Thương Xót của Cha. Như vậy, con sẽ làm giãn khát Trái Tim hằng bừng cháy ngọn lửa thương xót các tội nhân của Cha.

Con hãy nói cho các linh mục của Cha rằng các tội nhân cứng lòng cũng sẽ hối cải khi nghe rao giảng về Lòng Thương Xót của Cha. Và linh mục nào rao giảng về Lòng Thương Xót của Cha sẽ được ân thưởng một thần lực kỳ diệu; Cha sẽ xức dầu những lời của các ngài và đánh động tâm hồn những ai nghe lời các ngài rao giảng." (NK, 1521) 

 

Lm. Trần Đình Long

chiều giờ kinh lòng thương xót




 

Tác giả: Lm. Jos Trần Đình Long sss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!