Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể
Chúa Hài Đồng yêu quý của con,
Sắp đến Lễ Giáng Sinh rồi đáng lẽ mọi người rộn rã lắm, vui vẻ lắm, háo hức lắm.
Thế nhưng năm nay mùa Bình An gần kề mà sao trần gian còn lắm thương đau quá,
còn nhiều bất an quá. Khi nào con người mới có bình an đích thật đây hả Chúa?
Chúng con sống bên bờ đại dương được ví von “bao la như biển Thái Bình” nhưng
dường như chưa bao giờ bình yên trong giông bão. Tên là Thái Bình mà có được
bình yên đâu! Cơn siêu bão Haiyan ngày 9-11 quét qua Philippines như một cơn
sóng thần. Hơn 10.000 người có thể đã chết và khoảng 500.000 người trở thành vô
gia cư. Nước triều dâng 5-6 m khi bão càn quét đã biến thành phố Tacloban thành
nghĩa địa. Người ta trở nên hung hãn hơn, đi hôi của, cướp phá để tìm thực phẩm.
Họ bước đi như những thây ma di động trên những con đường đầy những xác người,
tìm kiếm đồ ăn nước uống : “Những người đói khát đang rất giận dữ trong tuyệt
vọng”!
Thế nhưng không phải ai cũng hung hãn ích kỷ lo cho bản thân mình trong cơn bão
dữ. Vẫn còn hình ảnh rất đẹp của Chúa Hài Đồng nơi cô bé 6 tuổi hy sinh bản thân
mình để cho mẹ được sống.
Cô giáo Bernadet Tenegra, 44 tuổi, vẫn còn nhớ mãi những lời cuối cùng của cô
con gái 6 tuổi nói với mình: "Mẹ,
mẹ hãy buông con ra. Mẹ hãy tự cứu lấy mình."
Lúc ấy cả gia đình cô giáo Tenegra đang túm tụm trong túp lều tại làng Barangay.
Khi bão Haiyan đến, nước bất ngờ dâng lên cuốn trôi cả nhà trong đó có người
chồng và một đứa con gái khác của cô. Người mẹ kể lại trong nước mắt:
"Tôi đã cố gắng giữ lấy con và luôn miệng nói với con rằng hãy bám chặt vào để
mẹ kéo con lên. Nhưng con bé đã buông tay và bị những thanh gỗ đâm vào người.
Con bé còn nói: "Mẹ, mẹ hãy buông con ra. Mẹ hãy tự cứu lấy mình".
Giữa những tang thương đổ nát, vẫn có hình ảnh thật đẹp như ánh sao soi chiếu
đêm đông giá lạnh tình người phải không Chúa? Niềm tin của con vào con người
ngày nay được hâm nóng bởi những con người nghèo khổ hoạn nạn, bởi những em bé
biết quên thân mình nghĩ đến người khác chứ không bởi những người lớn, những
người giầu có quyền cao chức trọng nhưng dửng dưng vô cảm trước đau khổ của tha
nhân.
Con chỉ cho Chúa thấy một hình đẹp nữa của Chúa nè.
Trong khi Việt Nam chào mừng công dân thứ 90 triệu ra đời, thì Bea Joy con gái
của cô Sagalis 21 tuổi, chào đời ngày 8-11-13 tại một sân bay đã bị tàn phá và
đang được trưng dụng làm trung tâm y tế tạm thời ở Tacloban. Bé được đặt nằm
trên một miếng gỗ bẩn thỉu, xung quanh là kính vỡ, mảnh kim loại, rác rưởi chất
chồng như xưa Chúa sinh ra trong máng cỏ bò lừa hôi tanh. Thật lạ lùng, trong
tình cảnh bi đát như vậy, Bé Bea Joy vẫn chào đời. Một người con được sinh ra.
Người mẹ trẻ nghẹn ngào : "Con bé là phép nhiệm màu Chúa dành cho tôi. Tôi nghĩ
mình sẽ chết cùng với đứa con còn ở trong bụng này khi cơn đại hồng thủy ập đến
cuốn tất cả chúng tôi đi."
Người cha là Jobert, ôm chặt đứa con gái bé bỏng mới sinh, mắt đỏ hoe chia sẻ
nỗi niềm buồn vui: "Chúng tôi mừng con gái chào đời hôm nay, nhưng chúng tôi
cũng tưởng niệm những người đã ra đi. Chính Chúa đã giúp tôi tìm thấy vợ đang
trôi giữa biển rác mênh mông, xác người và động vật nằm lẫn lộn!”
Một mầm sống được nẩy sinh giữa hàng chục ngàn xác chết. Sự sống vẫn không bị
dập tắt trong đổ vỡ hoang tàn. Quyền năng và lòng thương xót của Chúa vẫn thể
hiện trong tình cảnh thất vọng nhất. Chúa vẫn có đó. Chúa vẫn giáng sinh trong
những hang Belem tăm tối nhất của cuộc đời chúng con để thắp lên niềm tin cho
chúng con.
Chúa ơi,
Con thấy người dân Philippines thật dễ thương. Ngay khi Philippines đón nhận hậu
quả thảm khốc của cơn bão mạnh nhất, và dự báo sẽ đánh thẳng vào miền Trung Việt
Nam với mức độ tàn phá vô cùng khủng khiếp, con đọc thấy trên trang mạng xã hội
những lời cầu nguyện bình an đầy lòng nhân ái của các bạn Philippines : “Cầu
nguyện cho các bạn Việt Nam… Chúng tôi là nạn nhân của cơn siêu cuồng phong vừa
quét qua Philippines, hãy bảo trọng nhé các bạn Việt Nam”…
Thật đúng như dân ca xứ Nghệ có câu hát : “qua cơn lận đận, mới hiểu tận lòng
nhau”. Thánh Faustina cũng cảm nghiệm : “Chính qua đau khổ mới biết ai là bạn
thật” Giữa những hoang tàn đổ nát, ngổn ngang xác chết và đói khát rình chờ mà
các bạn Philippines còn biết nghĩ đến đất nước sắp hứng chịu đau khổ như mình và
dâng lời cầu nguyện. Chính điều ấy làm con thêm niềm tin yêu vào cuộc đời vào
con người. Vì thói đời chỉ tìm phò những người đang “thịnh” đang lên, có mấy ai
phò người đang “suy” đang xuống. Nhưng chính những con người đang suy sụp ấy mới
cần ta vực dậy chứ người đang “thịnh” thì cần ta phò làm gì nữa ? Nếu có chỉ là
vụ lợi và cầu danh mà thôi.
Có lẽ chính nhờ những lời nguyện cầu chân thành ấy và Chúa thấy miền Trung vừa
gánh chịu mấy cơn bão liên tiếp nên cho bão Haiyan chuyển hướng đi và giảm dần.
Tuy nhiên những tỉnh miền Bắc cũng vẫn phải oằn mình gánh cơn bão Haiyan này.
Nhiều người chết, mất tích và nhà cửa, tài sản, mùa màng thiệt hại nặng nề. Oái
oăm nhất là có 14 người chết và 81 người bị thương không phải do bão mà từ trước
khi bão đến vì tai nạn khi leo lên chằng nhà cửa chống bão!
Trong tình hiệp thông “vui với người vui, khóc với người khóc”, ngày 10-11-13,
hơn 60.000 người Công Giáo tập trung trước quảng trường thánh Phêrô cùng với ĐTC
Phanxicô cầu nguyện cho những người dân Philippines bị nạn sau siêu bão Haiyan.
ĐTC nói : “Thật đáng buồn khi có rất nhiều người dân gặp nạn và thiệt hại rất
lớn. Hãy cố giúp họ bằng những hành động thực tiễn”. ĐTC tỏ ra rất đau buồn
trước sự tàn phá và những mất mát do siêu bão gây ra và khẳng định ngài luôn ở
bên cạnh tất cả người dân bị nạn.
Cầu nguyện và hành động, ĐTC không hô hào xuông, nhưng kêu gọi người tín hữu hãy
cố giúp nạn nhân bão lụt bằng những hành động thực tiễn. Chúa không ở tít trên
trời cao nhỏ lệ xót thương con người đang trầm luân trong bể khổ, nhưng đã “hoàn
toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như
người trần thế…” (Pl 2,7). Thử hỏi sự đóng góp cho những nạn nhân thiên tai bão
lụt của chúng con được bao nhiêu? Có sánh bằng với việc quyên góp xây cất các cơ
sở tôn giáo không? Phải chăng vì không có bằng ân nhân hay không được rao tên
trong công việc từ thiện này nên sự đóng góp còn rất khiêm tốn?
Chính vì thế mà trong hội nghị thường niên các Bề Trên Thượng Cấp (từ ngày 05
đến 07-11-2013), Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam, Phó Tổng Giám Mục GP Sài Gòn, nhấn mạnh : “Giáo hội do Chúa Giêsu Kitô
thiết lập, xuất thân từ những nguời nghèo, bao gồm phần lớn là những người
nghèo, thì trong Giáo hội, người nghèo phải có chỗ đứng, có tiếng nói. Người
nghèo không thể mãi là những người thấp cổ bé miệng. Nghèo vật chất, nghèo văn
hóa, nghèo tâm linh, nghèo giá trị, những người bị khinh thường, bị ức hiếp,
những người tật bệnh đói khổ, người già yếu cô đơn. Giáo hội phải lưu tâm nhiều
hơn đến những hạng người này, chăm sóc đặc biệt hơn, đồng hành với họ, chia sẻ
nếp sống của họ, chia sẻ của cải cho họ, trợ giúp thực tế khi họ cần. Những hệ
luận thực tế là: nếp sống khó nghèo của các thành viên có ơn gọi đặc biệt như
giáo sĩ và tu sĩ, các giáo phận và giáo xứ, các Dòng Tu, “bớt
xây dựng các cơ sở có quy mô quá lớn và tốn kém quá nhiều”.
Chúa Hài Đồng ơi,
Chúa còn kiên nhẫn để nghe con nói chuyện thế gian nữa không?
Hết chuyện “thiên tai” đến chuyện “nhân tai”. Những tai hại về vật chất lẫn tinh
thần do con người gây ra cũng nặng nề chẳng kém gì động đất sóng thần. Dư chấn
của những “nhân tai” đó là sự sói mòn lòng tin nơi con người. Nhìn đâu cũng thấy
giả hình, giả tạo, giả nhân, giả nghĩa, nên rốt cuộc chúng con chẳng còn biết
tin vào ai nữa.
Mỗi ngày Chúa có theo dõi báo chí và thời sự trên tivi không? Con nghĩ là Chúa
phải đọc phải coi để biết tình hình trong và ngoài nước. Không những thế, Chúa
còn bỏ trời cao nhập thể làm người để chia sẻ thân phận con người của chúng con.
Chúa hiểu con người hơn cả chúng con hiểu mình nữa. Chúa thấy rõ tấm lòng con
người chúng con “sớm nắng chiều mưa”, thay đổi như chong chóng, ấy vậy mà Chúa
vẫn tin tưởng con người, yêu thương con người. Thế nhưng chính con người lại
không tin tưởng nhau, không chấp nhận nhau, nghi ngờ nhau và loại trừ nhau.
“Chúng ta thấy rằng ở đâu đó đã có khủng hoảng niềm tin trong thế hệ trẻ” Phó
chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu trước Quốc hội ngày
7-11-13, và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm
và bất ổn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt còn nhấn mạnh hơn : “Khủng hoảng kinh tế sẽ vượt qua
được nếu niềm tin vẫn còn, nhưng nếu để mất niềm tin là mất hết”
Phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thêm vào mảng tối đó : “Tin sao được và làm
sao tránh khỏi khủng hoảng lòng tin, khi cử tri nói rằng đi khám chữa bệnh bằng
thẻ bảo hiểm y tế thì bị chích đau hơn nếu không có tiền!”
Chúa ơi, thật là đau lòng “Khi y đức không còn thì nói gì đến chữa bệnh” phó chủ
tịch UB Văn Hóa Giáo Dục Lê Như Tiến bình luận về vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường,
giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội, mang thi thể nạn nhân là chị Lê Thị
Thanh Huyền chết tại thẩm mỹ viện của mình đến cầu Thanh Trì ném xác xuống sông
Hồng để phi tang.
Về mặt giáo dục cũng chẳng hơn gì : “Một nền giáo dục với chất lượng thấp đã
khiến bao nhiêu bậc phụ huynh phải ráng kiếm tiền cho con em đi nước ngòai học -
tình trạng mà không ít người đã chua xót gọi là “tỵ nạn giáo dục”.
Đại biểu Trần Du Lịch khi thấy một nền kinh tế trồi sụt với những chính sách
luôn bị thay đổi nên đã đề nghị quốc hội phải làm sao đó “để doanh nghiệp có
niềm tin vào thị trường”.
Bước qua lãnh vực tôn giáo, niềm tin của người dân cũng bị lung lay khi thấy
nhiều người đến khu phố 2, phường Bình Đa, TP Biên Hòa thuê nhà trọ, rồi giả
dạng nhà sư đi bán nhang. Khoác lên người chiếc áo thầy tu mầu nâu, cộng với tài
khua môi múa mép, họ đã thuyết phục nhiều người mua nhang giá chừng 5000 ngàn
đồng thành 30000 ngàn đồng. Các cơ quan chức năng biết mà chẳng làm gì được
(Tuổi Trẻ 21-10-13).
Những người lừa đảo còn trục lợi cả trên những người đã khuất nữa. Ngày
28-10-13, công an tỉnh Quảng Trị đã bắt “Cậu Thủy” tự xưng là “nhà ngoại cảm” vì
tội làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn cất liệt sĩ để lừa đảo tiền của thân nhân
liệt sĩ.
Cán cân công lý cũng bị sai lệch. Bao nhiêu người bị kết án oan ức. Biết tìm lẽ
công bằng ở đâu? Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, người bị án oan chung thân,
phải thụ án đến 10 năm mới được trả tự do ngày 4-11-2013 nhờ nghi can vụ giết
người là Lý Nguyên Chung ra đầu thú. Ông đã kể câu chuyện oan trái tù tội của
mình bắt nguồn từ những lời khai bị ép cung, bức cung nhục hình trong thời gian
ông bị giam giữ : “Họ làm mọi cách để tôi phải nhận tội”.
Trong lãnh vực ngoại giao giữa các nước cũng chỉ “bằng mặt mà chưa bằng lòng”.
Các cường quốc trên thế giới vẫn đâu có tin tưởng nhau hòan toàn, vẫn đặt máy
nghe lén tin tức của nhau. Trong cuộc tiếp kiến hơn hai giờ với ông John Kerry
ngoại trưởng Mỹ vào tháng 11-2013, vua Abdullah người đứng đầu hoàng gia Saudi
Arabia thẳng thắn nói : “Mối quan hệ thật sự giữa bạn bè là dựa trên sự chân
thành, thành thật và thẳng thắn, hơn là chỉ bằng những hành động xã giao…”
Thánh Faustina viết : “Tôi rất ngạc nhiên vì sao người ta có thể ganh tỵ đến
thế. Khi thấy điều lành của ai, tôi vui mừng như điều lành của chính mình. Niềm
vui của người khác là niềm vui của tôi, và đau khổ của tha nhân cũng là khổ đau
của tôi, nếu không làm sao tôi dám kết nghĩa thân tình với Chúa Giêsu. Tinh thần
của Chúa Giêsu luôn luôn là đơn sơ, hiền lành, chân thành; mọi xấu xa ghen tỵ,
và gian tà đội lốt nụ cười thân thiện chỉ là những con quỷ nhỏ ranh mãnh mà
thôi…” (NK, 633)
Chúa Hài Đồng quý mến,
Chúng con vừa cử hành nghi lễ bế mạc Năm Đức Tin rất hoành tráng. Năm Đức Tin
khép lại không có nghĩa là đức tin của chúng con đã “ngon rồi”, không cần phải
quan tâm đến nữa, để đó đi làm chuyện khác. Đức tin không phải là phong trào nổi
lên rầm rộ với đầy đủ nghi lễ, diễn văn, báo cáo thành tích, quay phim chụp ảnh
đưa lên trang web, rồi sau đó “Amen, tắt đèn đi ngủ”, chuẩn bị cho chủ đề của
năm kế tiếp. Nếu làm như thế thì rõ ràng trong việc đạo, chúng con cũng chỉ chạy
theo phong trào như ở ngoài đời.
Trong bài thời sự và suy gẫm “Phong Trào Đừng Nên Làm Ào” đăng trên báo Tuổi Trẻ
(30-7-13), Phạm Xuân Nguyên nhận xét : “Có những phong trào chỉ nặng tính hình
thức, khoa trương, phát động mà không thực hiện, thực hiện mà không hiệu quả,
hiệu quả mà không tương xứng tầm vóc, ý nghĩa phong trào. Bây giờ ở ta dễ có
bệnh phong trào. Làm một việc gì cũng gọi là phát động phong trào, cũng ra quân,
cũng trống gióng cờ mở, báo đài quay hình đưa tin, làm ào ạt. Nhưng rồi sau một
thời gian phong trào xẹp xuống, việc đâu vẫn hoàn đấy, như các phong trào “đường
thông hè thoáng”, an toàn giao thông, thực là như dân gian nói “bắt cóc bỏ dĩa”,
đường vẫn tắc, lề đường vẫn bị chiếm dụng, xe cộ đi lại vẫn mất an toàn, luật
giao thông vẫn bị vi phạm. Lại có những phong trào hô hào đông người chỉ để làm
những việc hình thức, không đáng phải tốn sức như vậy, như đem 1000 thanh niên
ra thi công 700m đường giao thông nông thôn ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà
Nội…người đứng chen chúc, cựa quậy đã khó nói chi đến việc vận chuyển vật liệu.
Nhìn cảnh đó thì thấy thật là phô trương, hình thức, không cần thiết…Vậy xin có
câu vè thế này : phong trào đừng nên làm ào. Cốt là hiệu quả chớ hao sức người.”
Chúa thấy nhà báo đó nhận xét sâu sắc đó chứ : “phong trào đừng nên làm ào”. Mỗi
năm Giáo hội đưa ra một chủ đề để những người tín hữu sống và làm việc chứ không
phải là xướng lên dấy lên một phong trào cho có tụ! Đức tin không có việc làm là
đức tin chết. Mà một trong những điểm rất quan trọng của việc thực hành đức tin
chính là cầu nguyện.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ ngày 17-10-2013 tại nhà nguyện Thánh Mácta
đã giải thích : “Khi không cầu nguyện là bạn luôn luôn đóng cửa. Chìa khóa mở
cửa đức tin chính là việc cầu nguyện. Một Kitô hữu không cầu nguyện biểu hiệu
cho một chứng nhân “kiêu ngạo, cao kỳ, tự tin nơi mình. Người này không khiêm
tốn và chỉ tìm cách tự đề cao mình mà thôi.”
ĐTC lưu ý những ai “không cầu nguyện, thì bỏ rơi đức tin và biến đổi đức tin
thành một ý thức hệ có tính cách luân lý và không có Chúa Giêsu…Sự hiểu biết
Chúa Giêsu đã biến thành một kiến thức về một ý thức hệ có tính cách luân lý, và
khép kín tất cả các cánh cửa…”
Đức tin được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện phải thúc đẩy người tín hữa mở
toang các cánh cửa. Cửa lòng và cửa nhà thờ. Mặc dù chúng con viện lý do an ninh
hay bất tiện để chỉ mở cửa có giờ giấc, nhưng ĐTC nhắc nhở “Một nhà thờ đóng cửa
không thể chấp nhận được”, vì “mọi người đi ngang không thể bước vào” và “Chúa
Kitô đang ngự bên trong, không thể bước ra ngoài.”
Nếu đức tin của con không thể hiện bằng hành động thì con cũng nhốt Chúa ở bên
trong rồi. Không ai tin tưởng con. Không ai có thể bước qua cánh cửa lòng con để
tương giao cảm thông chia sẻ. Con cũng chẳng muốn mở lòng để đến với ai vì con
chẳng tin ai. Con khép kín tất cả các cánh cửa. Con là một hang đá Belem lạnh
lùng quanh năm mùa đông tuyết phủ băng giá.
Hơn hai ngàn năm trước Chúa giáng sinh trong hang đá Bêlem đâu có cánh cửa hay
hàng rào bảo vệ nào đâu. Ai muốn đến với Chúa cũng được. Chính vì thế mà những
chú mục đồng khố rách áo ôm mới có cơ hội được đến kính viếng Chúa trong Đêm Cực
Thánh đó. Nếu như bây giờ thì làm gì có cửa, phải không Chúa?
Để Năm Đức Tin không là một phong trào “chợt đến chợt đi”, trong ngày Thánh Mẫu
13/10/2013, ĐTC mời gọi con tự vấn : “Tôi là một Kitô hữu cầm chừng (a Christian
by fits and starts), hay là một Kitô hữu toàn thời (a Christain full time) ?”
Quả thật như ĐTC nhận xét thứ văn hóa phù du đang chi phối đến cách thức sống
đức tin của chúng con. Chúa đòi chúng con phải trung thành với Chúa. Cho dù đôi
khi chúng con có bất trung bất tín thì Chúa vẫn trung thành với chúng con. Ngay
cả những lúc yếu đuối, sa ngã phạm tội, Chúa luôn nâng đỡ, khuyến khích chúng
con trở lại mà nói về nỗi yếu hèn của chúng con để Chúa ban sức mạnh cho chúng
con đi hết cuộc hành trình. Chỉ cần chúng con tín thác vào Chúa.
Nếu là phong trào thì con chỉ cho Chúa “giáng thế” trong đêm Noel thôi, còn
những ngày khác con cho Chúa “xuất thế”. Con mời Chúa đi chỗ khác chơi hay cứ
nằm yên trong hang đá Bêlem để con muốn làm gì thì làm theo ý con cho thoải mái.
Rồi mỗi năm con sẽ cho Chúa “xuống thế” một lần với hang đá ngôi sao lấp lánh
bên tiệc tùng linh đình. Mỗi năm con đến bái thờ Chúa một lần như vậy là “phải
đạo” rồi!
Cách hiểu và sống thứ văn hóa phù du ấy đã được ĐTC chấn chỉnh trong bài giáo lý
12/10/2013 tại quảng trường Thánh Phêrô. Việc nhập thể của Chúa Giêsu không phải
là một biến cố của quá khứ để kỷ niệm không có liên hệ gì tới bản thân của chúng
con. Việc tin tưởng vào Chúa Giêsu chính là việc con cống hiến cho Chúa xác thịt
của con để nhờ đó Chúa có thể tiếp tục ngự giữa chúng con. Sống mầu nhiệm nhập
thể là cống hiến cho Chúa đôi tay để chăm sóc những người nghèo hèn đói khổ;
đôi chân để bước đến gặp gỡ tha nhân; đôi tay để ôm ấp thành phần hèn yếu và làm
việc trong vườn nho của Chúa; trí óc để suy tư và sống theo ánh sáng Tin Mừng;
và nhất là cống hiến trái tim của con để yêu thương và chọn lựa theo ý muốn của
Thiên Chúa.
Chúa ơi,
Con mong có ngày được như chị Thánh Faustina cảm nghiệm mầu nhiệm nhập thể là
như thế nào. “Trong giờ thánh, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu Hài Đồng. Vẻ oai
nghi của Người xuyên thấu đến độ tôi phải thưa lên : ‘Lạy Chúa Giêsu, Chúa còn
quá bé nhỏ, nhưng con biết Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Thiên Chúa của con!’ Chúa
Giêsu đáp lại : ‘Cha đúng là như vậy, và Cha vẫn đồng hành bên con như một con
trẻ, cốt để dạy con bài học khiêm nhường và đơn sơ’.” (NK, 184)
Khép lại năm Đức Tin, thư Chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân
Chúa ngày 10 tháng 10 năm 2013 đề cập đến nỗ lực “Tân
Phúc-Âm-hóa”
trong ba năm kế tiếp :
“Công
cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi hỏi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi
bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định
hướng và phương pháp khi làm mục vụ”
(số 4)
Con rất tâm đắc khi Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc triển khai việc “Tân
Phúc-Âm-hóa”
một cách rất cụ thể, thẳng thắn, với các Bề Trên Thượng Cấp trong hội nghị
thường niên tháng 11-2013:
“Giáo hội tại Việt Nam trong thời hiện đại, chưa chu toàn đầy đủ sứ vụ loan báo
Tin mừng. Có những cố gắng còn rời rạc, chưa được nối kết và hướng dẫn. Cần phải
có một sự “chuyển
mình thật mạnh dạn”,
thật can đảm. Chuyển từ một loại “mục
vụ bảo trì”
(pastorale de maintien), gìn giữ và bảo vệ cơ chế, cơ sở, sang một “mục
vụ truyền giáo”
đích thực (pastorale missionnaire).
“Giáo hội là Giáo hội cho tất cả những ai cần “ơn
cứu rỗi”,
mà mọi người đều cần, dù ý thức hay không: những người chưa là Kitô hữu cũng như
những người đang là. Chính vì thế mà có việc Phúc-Âm-hóa và việc Tân
Phúc-Âm-hóa. Cần có một nhiệt tình mới, một phương pháp hay đường hướng mới, một
cách diễn đạt mới trong việc loan báo Tin mừng. Cần phải Phúc-Âm-hóa mọi lãnh
vực; những nơi nào chưa có đầy đủ ánh sáng, phải có ánh sáng (Ánh sáng Chúa
Kitô), như những “vùng
ven”,
hiểu theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng; mọi “ngóc
ngách của hữu thể”,
mọi bình diện của cuộc sống.
“Mục vụ của Giáo hội phải là mục vụ của tình
thương dịu dàng (pastorale
de la tendresse), làm chứng cho sự dịu dàng của Thiên Chúa, một cách đặc biệt
đối với các tội nhân. Cần đề cao và thi thành “mục
vụ của lòng thương xót của Thiên Chúa (pastorale
de la miséricorde). Mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các mục tử, cần phải là
những “Đấng
an ủi khác”
(alter Paraclitus): Hãy ủi an Dân Chúa và mọi người. Hãy mang niềm vui và hạnh
phúc đến cho mọi người.
“Cần mạnh dạn triệt để canh tân nếp sống và cách làm việc của mọi thành phần Dân
Chúa, đặc biệt là của các thừa tác viên trong Hội thánh; cần chú trọng tới chất
lượng của việc đào tạo nhiều hơn là số lượng. Phải củng cố và tăng cường “đời
sống cầu nguyện”
nơi mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt là nơi các giáo sĩ và tu sĩ, vì ngày nay
ảnh hưởng xấu của khuynh hướng “duy
thế tục”
quá nặng nề, ngay cả trong tu viện, chủng viện, trong đời sống gia đình cũng như
giáo xứ.
“Quan trọng hơn cả vẫn là sự cần thiết phải có gương sáng trong lòng Hội thánh,
nhất là gương sáng của các mục tử, các nhà đào tạo, các bề trên trong cộng đoàn,
các phụ huynh trong gia đình.”
Gương sáng ấy chính là muối cho đời.
Trong bài giảng sáng ngày 23-5-13 tại nguyện đường Thánh Marta, ĐTC Phanxicô mời
gọi các Kitô hữu hãy là "muối
cho đời".
Đời người Kitô hữu phải là một cuộc sống sinh động với 'hương
vị'
phản ánh đức tin, đức cậy, đức mến. Kitô hữu đừng trở thành những vật trưng bày
trong bảo tàng viện :
"Căn tính Kitô không thuần nhất, nhưng thể hiện trên mỗi người chúng ta tùy theo
cá tính, đặc điểm và văn hóa riêng của mỗi người. Ta cần bảo vệ căn tính Kitô vì
đó là một kho tàng quý báu. Tuy nhiên, căn tính này còn mang đến thêm cho mỗi
người một điều nữa: đó chính là
hương vị!
“Đặc tính Kitô giáo mà chúng ta có được thật tuyệt đẹp. Nếu anh chị em tìm kiếm
sự thuần nhất, và mọi người trở thành 'muối’
trong cùng một cách thức, thì mọi thứ sẽ giống như người nội trợ nấu nướng nêm
quá nhiều muối, người ta chỉ nếm được vị mặn của muối thay vì thưởng thức bữa ăn.
“Đặc tính Kitô giáo chính là: mỗi người là chính mình, với những hồng ân mà
Thiên Chúa đã ban tặng.
“'Muối
cho đời'
này phải được chia sẻ với tha nhân. Nếu chúng ta cất giữ, nó sẽ trở nên nhạt
nhẽo và ẩm ướt.”
Vâng, cảm ơn Chúa Hài Đồng,
Con phải là chính con, với hương vị riêng của con, với đặc sủng Chúa ban cho
con, và con sẽ đem những ân huệ ấy chia sẻ với mọi người cho cuộc đời thêm đậm
đà, cho tình người thêm nồng ấm và cho lòng tin còn mãi trên trái đất này.
Trong đêm Giáng Sinh, các Thiên Thần hát vang lời chúc;
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”
Chúa yêu thương tất cả mọi người, không loại trừ ai. Chúa muốn ban bình an cho
mọi người, mọi thời, mọi nơi.
Tuy nhiên chỉ khi nào con có từ tâm, thiện tâm, thành tâm thì con mới lãnh nhận
được bình an từ trời cao.
Khi lòng con đầy ác tâm, tà tâm, tà ý thì chính con khép tất cả các cánh cửa
lại, làm sao nhận được bình an.
“Bình an dưới thế cho người thiện tâm…”