Đề tài khôn ngoan : thế nào là khôn thế nào là dại; đề tài tỉnh thức: sẵn sàng dầu đèn, chờ chàng
rể đến… có lẽ đã là những đề tài cứ 3 năm một lần, cụ thể là đến chu kì năm A,
ta lại nghe đọc và nghe giảng.
Hôm nay, tôi muốn lấy một chi tiết trong
dụ ngôn để xây dựng đề tài suy niệm. Chi tiết này chắc đã có lần ta đặt dấu
hỏi. Năm cô khôn có phải chỉ khôn theo nghĩa vẫn thường được Kinh Thánh ca
tụng, hay là còn khôn và ranh nữa. Rõ
rệt hơn, ranh mãnh và ích kỷ. Xá gì
một chút dầu, sao lại không cho mượn hay xẻ chia với bạn đồng nghiệp phù dâu,
mà lại bắt bí họ đi mua ngoài tiệm, để rồi xôi hỏng bỏng không, họ bị ở ngoài
Phòng Tiệc muôn kiếp. Đề tài rút ra từ chi tiết này, là: cái gì không cho
mượn được, cái gì không thể đi vay được.
Trong dụ ngôn
là Dầu thắp đèn. Nhưng
1. Dầu chắc không phải là
-Lời cầu nguyện. Chắc chắn dầu không phải là lời cầu
nguyện như có thánh giáo phụ đã suy đoán. Bởi nếu dầu là lời cầu nguyện, thì ta
vẫn thường trao mua đổi chác lời cầu cho nhau. Ta cầu cho người này, người này
cầu cho người kia. Xin chị một lời kinh, xin cha một lời cầu… Kể cả dùng tiền
để xin cầu nguyện, để mua lời cầu. Vì thế dầu chắc chắn không phải là lời cầu,
nếu không, nó có thể cho mượn, cho vay, kể cả cho không. Đàng này, các cô khôn
không thể cho mượn
-Việc lành phúc đức. Dầu cũng không phải là việc lành phúc
đức. Nếu là việc lành phúc đức, càng có thể cho mượn cho vay hay là làm ơn
không đòi lại. Ta thường làm ơn làm phúc cho nhau. Nếu dầu chỉ là ơn phúc, thì
chắc chắn ta cho nhau mượn được, vay được, cho không biếu không được.
2. Dầu là gì mà không thể đi vay được?
Cái không thể vay được, mượn được, xẻ
bớt, chia phần, mua đi bán lại, đó chính là linh hồn. Gọi có vẻ thần học hơn:
đó là phần rỗi. Người ta chỉ có thể khuyên can, răn bảo, chứ không thể giữ giùm
phần rỗi của người khác, không thể giữ được linh hồn của người khác. Hồn ai,
người ấy phải lo giữ. Khôn ngoan là như vậy.
Có người định nghĩa khôn ngoan là biết
trước, tiên liệu những gì sẽ xảy ra. 5 cô khôn ngoan biết trước khi chàng rể đã
đến, gặp người nào không giữ chính hồn của mình, lại đi mua, đi mượn hồn của kẻ
khác, thì sẽ nghe lời : “Tôi bảo thật các
cô, tôi không biết các cô là ai cả.” Matthêu đã có những lời khá cay nghiệt
như thế ! Tại sao? Chúa không chấp nhận Hồn Trương Ba da Hàng Thịt, hoặc
ngược lại, da Trương Ba, Hồn hàng Thịt.
Một chỗ khác, Chúa Giêsu đã nói: được lời
lãi cả thế gian, mà mất linh
hồn nào được ích gì. Linh hồn đâu có dùng tiền bạc mà mua được, đâu có nhờ
ai giữ được, đâu có mượn tạm của ai được, nếu không phải là chính mình giữ lấy
hồn của mình. Thánh Phaolo, vị tông đồ Dân ngoại đã từng có lần thốt lên : “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục
tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr
9:27).
Một ví von ta nghe rất quen về một phú
gia kia cưới đến 4 bà vợ.
-Ông ta rất thương bà vợ thứ nhất, mỗi khi kiếm được tiền là ông liền mua sắm cho bà
đủ thứ áo quần sang trọng, dẫn bà đi ăn tại các nhà hàng trứ danh. Không những
thế, ông còn tung tiền mua sắm cho bà đủ thứ hột xoàn, trân châu. Bà muốn gì
ông cũng chiều chuộng. Ông cưng bà như cưng trứng, hứng bà như hứng hoa!
-Còn mỗi lần đi họp, hay đi kinh doanh,
ông đều sung sướng và hãnh diện mang theo bà
vợ thứ hai. Ông luôn khoe bà với bà con lối xóm, với đồng nghiệp, khách
hàng. Bà là niềm hãnh diện của ông !
-Mỗi khi gặp khó khăn, cho dù lớn hay
nhỏ, ông đều thủ thỉ, tâm sự với bà vợ
thứ ba. Ông tin tưởng bà lắm, vì bà luôn là người cố vấn cho ông, một người
cố vấn khôn ngoan, trung tín và đầy yêu thương. Bà thật là người bạn đời tri kỷ
có một không hai trên đời !
-Còn bà
vợ thứ tư lại rất thương ông, thương ông tha thiết, thương ông nồng nàn,
thương ông chứa chan. Nàng dành hết cả cuộc đời mình để lo cho cuộc sống của
ông, sự nghiệp của ông. Nàng không từ chối một hy sinh nào cho chồng cả. Ngay
cả những khi ông lầm lỗi, bà cũng can đảm thầm nhắc nhở, khuyên lơn, và rộng
lòng tha thứ. Thế nhưng! Ông lại chẳng mấy khi để ý đến nàng.
Rồi một ngày kia, ông phát bệnh. Bệnh
ung thư của ông đã đến thời cuối cùng, các bác sĩ đều bó tay. Biết mình chẳng
còn sống được bao lâu, ông bèn cho mời các bà vợ đến để nói lời cuối cùng.
Bà thứ nhất mặc xiêm y lộng lẫy, nữ
trang óng ánh, nước hoa lan tỏa khắp phòng, đến bên chồng đang hấp hối. Chồng
nói :
- Em, anh sắp chết rồi. Em là người anh yêu mến nhất,
chăm sóc cho em từng li từng tí. Em có muốn theo anh về bên kia thế giới để
chung sống, để lo lại cho anh không?
-
Không! Nàng lạnh lùng đáp, Anh đi đường anh, em đi đường em. Tình nghĩa đôi ta
có thế thôi.
Nói
xong, nàng ngoảnh mặt, vội vã bước ra khỏi phòng. Lời bà như một nhát dao đâm
thấu tim ông!
Người
phú gia vừa cố gắng nắm tay bà vợ thứ hai, vừa run run hỏi:
-Em, suốt đời anh, em là niềm hạnh phúc, là niềm kiêu
hãnh của anh. Giờ đây anh sắp chết, em có muốn theo anh về bên kia, như hào
quang chói sáng cho anh, như người tiến cử anh vào cuộc sống huy hoàng không?
-
Không! Anh chết rồi, tôi sẽ cưới người khác. Tôi phải thuộc về người khác chứ!
Ai lại theo kẻ chết xuống mồ bao giờ.
Nói
xong, nàng trở gót bỏ đi. Mỗi tiếng gót giày nàng nện xuống thềm nhà, là một
nhát búa đóng đinh xuyên qua tim chàng.
Đau
buốt, nát tim, người phú gia quay nhìn bà vợ thứ ba và ân cần hỏi:
-Em, trong suốt cuộc đời, em là người luôn sát cánh
cùng anh. Không có chuyện gì mà anh không chia sẻ cùng em. Em luôn bên cạnh
anh, lúc vui cũng như lúc buồn. Giờ đây, anh sắp chết, em có chịu theo anh
không?
-Anh
yêu, em biết anh yêu em lắm, và em cũng yêu anh. Nhưng cùng lắm, em chỉ có thể
theo anh ra nghĩa trang, nhìn anh đi vào lòng đất lạnh, rồi thắp cho anh những
nén hương lòng. Em sẽ nhớ anh thật nhiều, nhưng theo anh, em không thể nào làm
được.
Nói
xong, nước mắt nàng tuôn trào.
Bỗng
đâu, một giọng nói yếu ớt vang lên:
-Em sẽ theo anh về bên kia thế giới. Anh yêu, cho em
theo anh. Đừng bỏ em !
Chàng
phú gia lấy hết sức tàn ngồi chổm dậy, nhìn về phía phát xuất ra giọng nói. Và
kià! Người vợ thứ tư của chàng đang ôm mặt khóc nức nở. Thân hình nàng qúa mảnh
khảnh tựa hồ dễ bị cuốn theo chiều gió. Một người vợ yêu chàng tha thiết, nhưng
đã bị chàng bỏ bê cả cuộc đời.
Trước
cái chết, chàng phú gia mới chân nhận ra giá trị tình yêu. và nhận ra bốn bà vợ
của đời mình.
-Mình
đã quá yêu bà vợ thứ nhất -thân xác mình. Cho dù mình có mặc cho nó đủ
thứ lụa là gấm vóc, nuôi dưỡng bằng cao lương mỹ vị, mình cũng chẳng đem theo
được về bên kia thế giới.
-Mình
đã hãnh diện với chức tước, địa vị -bà vợ thứ hai- nhưng chức tước ấy sẽ
thuộc về người khác khi mình giã từ cõi thế.
-Họ
hàng, gia đình mình -bà vợ thư ba, sẽ theo mình ra tận nghĩa trang, sẽ
hằng năm kỵ giỗ cho mình, nhưng nào ai theo mình xuống huyệt.
-Còn
cái linh hồn của mình -bà vợ thứ tư-
mà mình đã vì quá chăm lo thể xác, chạy theo tiền tài danh vọng, bon chen chức
tước quyền cao, ít khi mình buồn nghĩ đến thì sẽ theo mình đi vào thiên thu.
Hãy
giữ hồn mình, chăm sóc hồn mình, nuôi
hồn bằng những việc lành phúc đức. Hồn không thể vay mượn hay mua bán đổi
chác được đâu, cho dẫu có trăm người cầu cho mình thì mình vẫn phải giữ. Được
lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn, nào được ích lợi chi.
Anphong
Nguyễn Công Minh, ofm