Nếu có
dịp được qua Anh Quốc, ghé vào bảo tàng viện Manchester, ta đi thẳng đến khu trưng bày các
đồng tiền cổ của đế quốc Roma, sẽ gặp ở đó một đồng tiền bằng bạc có niên hiệu
vào khoảng thời đại Chúa Giêsu. Đó chính là đồng bạc người Do Thái thời đó đã
dùng (tiếng chuyên môn gọi là đồng bạc Denarius nặng 3,8g).
Nếu được cầm đồng bạc đó trên tay, ta
nhớ đến dụ ngôn người Samaritano nhân lành mà thánh Luca kể, đã trao hai đồng
bạc đó cho người chủ quán để săn sóc người bị cướp đánh dọc đường.
Nếu được cầm đồng bạc đó trên tay, ta
cũng nhớ đến dụ ngôn những thợ làm vườn nho mà thánh Matthêu kể : Cuối ngày mỗi người ai nấy đều được một đồng,
dù là vào làm sớm tinh sương hay vào làm lúc chiều tà đã đến. Nhất là hôm nay nếu được cầm đồng bạc đó trên
tay, ta nhớ đến đồng bạc mà hai phe vốn kình địch nhau, phe Herode và phe
Pharisêu, nhưng đứng trước một đối thủ chung là Chúa Giêsu, thì đã tạm hợp lực
để giăng bẫy Chúa và trao cho Chúa cũng
chính đồng bạc đó.
Cầm đồng bạc đó trên tay, một mặt ta
thấy hình hoàng đế Tiberius Caesar. Hoàng đế này trị vì đế quốc Roma trong thời
gian hoạt động công khai của Chúa ; một mặt là hình bà Livia, mẹ của hoàng đế (hoàng
thái hậu). Bà xuất hiện trong tư thế ngồi, và tay cầm cành lá ôliu tượng trưng
cho hoà bình.
Đó là đồng tiền.
Và đây là bối cảnh. Có 3 hạng người trên
đất nước Israel
thời Chúa Giêsu : công dân Roma ; người tự do nhưng không có quốc tịch Roma ;
và người nô lệ. Chỉ có loại thứ hai mới phải đóng thuế, và đây là thuế thân, từ
14-65 tuổi là phải nộp. Phái Sađốc và bè Herode sẵn sàng nộp, vì chính quyền
Roma là chỗ dựa của họ. Bè Pharisêu thì miễn cưỡng nộp. Còn phái Nhiệt Thành mà một trong
12 tông đồ của Chúa Giêsu, ông Simon
Zelot thuộc phái này, nhất định không nộp. Kẻ nộp, người không, kẻ miễn cưỡng
nộp : vậy có nộp thuế thân, một dấu chỉ thần phục, hay không ?
Trả lời “nộp” : là kẻ bán nước, phản
quốc
Trả lời “không” : là người xúi loạn,
phản động.
Họ đặt bẫy, thế nào Chúa cũng bị, lại còn
cho dầu mỡ trơn tru để thế nào Chúa cũng tuột vào bằng một câu rào đón nịnh
hót : "Thầy là người chân thật,
dạy đường lối Thiên Chúa cách chân thật, không thiên tư vị nể ai, không đánh
giá người theo bề ngoài. Vậy Thầy hãy dạy chúng tôi, có được phép nộp thuế cho
Cesar không ?"
Chúa Giêsu đã không trơn tuột vào mà
dừng lại : “Hãy đưa cho ta xem đồng
tiền.” Họ đưa cho Chúa Giêsu đồng
Denarius như mô tả trên đây.
Kính thưa anh chị em,
Đồng tiền nào cũng có hai mặt. Huy
chương nào cũng có hai phía. Và câu trả lời của Chúa Giêsu khi người ta giăng
bẫy bằng câu hỏi “có được phép nộp thuế cho Cesar không”
cũng có hai vế : Của Cesar hãy trả cho Cesar; và Của Thiên Chúa
hãy trả cho Thiên Chúa.
Linh mục G. Bornkamin rất nhạy bén để
nhìn thấy chữ “hình ảnh” móc nối cho cả hai vế :
-Đồng tiền mang "hình"
của Cesar = hãy trả cho Cesar thuế "thân" đó. Chúng ta mang "hình"
ảnh của Thiên Chúa = hãy trả cho Thiên Chúa bản "thân"của mình.
Nhưng chúng ta mắt hướng về trời mà chân
vẫn còn đạp đất, vì thế chúng ta mang trong mình hai hình ảnh - hai bổn phận – hai quốc tịch. Là công dân
của hai nước : Nước Trời và nước Đất, phải sống sao tốt đời đẹp đạo. Bình
thường hai nước đó với hai bổn phận đi song song nhau, nhưng cũng có khi xung
đột. Lúc xung đột ta đã biết ta phải ưu tiên cho bổn phận nào rồi, nhưng hay
nhất là chẳng những đừng để xung đột tranh chấp mà lại biết trợ giúp nhau, như
Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn người quản lý bị đuổi việc. Hãy dùng tiền
bạc ở đời này mà mua lấy bạn hữu để họ đón anh em vào Nước Trời đời sau.
Câu nói : Đồng tiền có hai mặt. Theo
nghĩa chặt, nghĩa đen, cũng đúng như
đồng tiền Denarius thời Chúa Giêsu : một mặt hình hoàng đế Tiberius, vua chinh
chiến; một mặt hình bà
hoàng thái hậu Livia cầm nhành ô liu mang lại hòa bình. Mà đồng tiền có hai
mặt theo nghĩa bóng thì cũng dễ hiểu: có thể dùng đồng tiền mua
súng ống gây chiến tranh, mà cũng có thể dùng đồng tiền mua lúa gạo tạo an
lành. Có thể dùng đồng tiền thuê người tạt a-xít trả thù, nhưng cũng có thể
dùng đồng tiền tạo công ăn việc làm giúp đỡ kẻ nghèo người khổ. Có thể dùng
đồng tiền gian dối mà mua lấy vé vào Nước Trời đích thật (x. Lc 16,9).
Phải làm sao biết dùng hình của đồng
tiền để làm sáng, làm bóng cái hình (ảnh) của Thiên Chúa mà chúng ta
mang trong mình.
Hôm nay là Chúa nhật Truyền giáo. Truyền
giáo có nhiều nghĩa. Nhưng hôm nay ta hiểu theo nghĩa này: Truyền giáo là giới
thiệu khuôn mặt Chúa Giêsu cho người khác. Khuôn mặt đó, hình ảnh đó, ta mang
sẵn trong người mình, vì mình là con Chúa (Giêsu cũng là Con Chúa) khi lãnh
nhận Phép Rửa. Vậy truyền giáo là làm sáng lên khuôn mặt, hình ảnh Giêsu, Con
Chúa và cũng là hình ảnh Thiên Chúa có nơi mình, bằng những hành vi bác ái,
tức là dùng hình đồng tiền làm sáng
lên, làm bóng lên hình con Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta. Ước được như vậy.
Amen
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm