1) Có lẽ ai để ý một chút nhỏ
khi nghe bài Tin Mừng hôm nay sẽ thấy một ngạc nhiên lớn : Tại sao bài Phúc Âm
Thánh lễ Tiệc Ly lập Bí tích Thánh Thể mà lại không đọc lại bài Phúc Âm tường
thuật về việc Chúa lập bí tích Thánh thể. Có tới 3 bài tường thuật trong 3 Sách
Phúc Âm chứ đâu phải ít : Mt, Mc, Lc… và 1 trong thư Phaolô gửi giáo đoàn
Corintô. Nhưng lại không cho đọc Phúc Âm tường thuật “Này là Mình Thầy, Này là
Máu Ta” trong bài Tin mừng ta vừa nghe, mà lại cho đọc Tin Mừng Gioan là TM duy
nhất không tường thuật về lập Thánh Thể mà chỉ nói về phản bội, về rửa chân,
những việc rất phụ đối với ngày kỷ niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể này.
Lý do
cũng tạm được giải như sau, dù chưa làm ta hết ngạc nhiên.
Lý do
là : có 4 bài tường thuật việc Chúa lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly, là
3 trong 3 TM : Mt, Mc, Lc và 1 trong thư 1 Corintô. Trong các bài tường thuật
này, thì bài cổ nhất, sớm nhất, chính là bài 1Cor được viết khoảng năm 57, còn
TM sớm nhất là Mc cũng 8 năm sau, năm 65, và Tin Mừng Matthêu, Luca thì hơn 20
năm sau 1Cr, tức khoảng năm 80. Cái gì được thuật lại sớm nhất thì thường chính
xác hơn, truyền thống hơn, cho nên Phụng vụ cho đọc bài tường thuật về việc lập
BT Thánh Thể trong bài đọc I, bài 1Cr, mà chính thánh Phaolô cũng nói :
“Thật vậy, điều tôi đã lãnh
nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su
cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : "Anh em cầm lấy
mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em ; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để
tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói :
"Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới ; mỗi khi uống, anh
em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn
Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của
Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. (1Cr 11, 23-27)
Vậy đã chọn bài tường thuật
lập Thánh Thể cổ nhất, trung thực nhất qua bài đọc I, nên không lập lại trong
bài Tin Mừng nữa. Dẫu sao cũng gây ngạc nhiên. Đó là ngạc nhiên thứ nhất.
2) Ngạc
nhiên thứ hai là : nhiều nhà thờ, và trong các gia đình, thường cho dựng bức
phù điêu Bữa Tiệc Ly sau cung thánh hoặc dưới gầm bàn thờ, của Leonardo Da
Vinci, và xem như bức tranh ấy ghi lại việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Không
phải vậy đâu ! Tranh vẽ cũng giống như hình chụp, tức hình tĩnh, không chuyển
động. Khi ta chụp một tấm hình : 1, 2,3 cười, là hình ghi ta cười. 1,2,3 mà ta
nhắm mắt, thì hình rửa ra không thể là ta mở mắt được. Nếu ta khóc lúc đó, hình
ta khóc. Không phải video để ta có lúc khóc lúc cười, lúc nhắm lúc mở. Vậy
Leonardo Da Vincy vẽ bức tranh lớn này cuối thế kỷ 15 tại nhà nguyện dòng
Đaminh bên Ý, là vẽ giây nào của bữa tiệc ly. 1,2,3 : Không phải là giây lúc
Chúa cầm bánh “Này là mình Thầy,” mà cũng chẳng phải giây “Này là Máu Ta.” Giây
mà Da Vincy muốn ghi lại đó là khi Chúa Giêsu vừa nói xong câu : “Một trong các
con sẽ nộp thầy !” Tức giây phút báo sự phản bội. Lúc đó ta thấy sự lộn xộn, kẻ
này hỏi kẻ kia, “ai phản bội vậy”… Cho nên đó là bức tranh về sự phản bội, chứ
không phải tranh lập bí tích Thánh thể đâu. Sau này, người ta mới vẽ thêm vào
chén rượu, tấm bánh để như ra vẻ là Chúa lập Bt Thánh Thể để gắn vào cung thánh
hay dưới gầm bàn thờ.
Có lẽ vì vậy mà Toà Thánh
không ủng hộ việc gắn phù điêu này nơi cung thánh. Tôi nhớ khoảng năm 1980 sau
khi các giám mục Việt Nam đi Ad Limina về, Gm Nha Trang nói với một cha xứ tại
Nhatrang ý kiến của Toà Thánh, cha xứ này hơi buồn, vì ngài cho làm một phù
điêu lớn sau bàn thờ, tạc lại bức tranh của da Vinci này.
Vậy là ta có 2 ngạc nhiên, hai
tưởng là, liên quan một một đề tài :
-tưởng bài Phúc Âm phải nói
tới việc lập phép Thánh Thể trong thánh lễ kỷ niệm Chúa lập Thánh thể, mà hoá
ra bài Tin mừng thuật lại việc loan báo phản bội và việc rửa chân.
-tưởng bức tranh Tiệc ly ghi
lại việc Chúa lập phép Thánh Thể mà hoá ra chụp lại giây báo bội phản của Giu-dà.
Trong phần trả lời ứng xử của
cuộc thi hoa hậu áo dài duy nhất 1989 do Báo Phụ Nữ TpHCM tổ chức, Kiều Khanh
đã trả lời câu hỏi yêu gì nhất : “hoà bình”, còn “ghét gì nhất”, ai cũng tưởng : “chiến tranh,” nhưng Kiều
Khanh đã trả lời : “Phản bội.” Ghét phản bội nhất. Có lẽ câu trả lời đó rất
đạt, nên cô chiến thắng thành hoa hậu áo dài 1989.
Phản bội, ai cũng ghét. Phản
bội trong làm ăn, trong tình bạn và dĩ nhiên trong tình yêu thì càng đáng ghét
hơn.
Trong ngày đầu tiên của tam
nhật thánh : tam nhật “yêu cho đến cùng” này, ta thử xét xem có lúc nào ta đã phản
bội lại tình yêu cho đến cùng của Chúa chưa. Mỗi khi ta phạm tội trong, là ta phản bội. Mỗi khi ta
nghĩ xấu cho người anh em là ta phản bội. Mỗi khi ta kết án bạn của Chúa là ta
phản bội Chúa. Mỗi khi vợ chồng anh em trong nhà phản bội nhau là chúng ta phản
bội Chúa.
Một
trong những phương thế để ta không phản bội nhau là phục vụ nhau, hay nói theo
ngôn từ hôm nay rửa chân cho nhau. Giờ đây ta hãy sống lại bữa tiệc ly xưa qua
việc cha bề trên tu viện, người mà Phanxicô gọi là kẻ được đặt làm bề trên chẳng
khác nào như «kẻ rửa chân cho anh em», sẽ rửa và cả hôn chân anh em.
Anphong
Nguyễn Công Minh, ofm