QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật thứ 6B Phục Sinh
Lm Anphong Nguyễn Công
Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3htU3uK
Tình yêu làm nên điều kỳ diệu,
đó là đề tài của bài giảng hôm nay, dựa trên những lời tâm tình của Chúa với
các môn đệ trong bữa tiệc ly, như được ghi trong Tin Mừng Gioan mà Giáo Hội cho
chúng ta nghe lại: Nếu các con tuân giữ các
lệnh truyền của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy;…Thầy không còn
gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là
bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các
con biết… (Ga 15, 10a.15)
Ta sẽ duyệt xét điều kỳ diệu của tình yêu trên hai điểm:
(1) Tình yêu biến người thành Chúa
(2) Tình yêu đổi “loài” người thành “đấng” người
1. Tình yêu biến người thành Chúa
Trong
Báo CG&DT số 1408 có đăng thắc mắc của ông Nguyễn Quang Hiền Gx Bắc Dũng,
hạt Xóm Mới: Ông nói rằng bài báo trước đó của linh mục Thiện Cẩm với tựa đề: “Chúa làm người để người làm Chúa - như Chúa
đã làm người” khiến nhiều người, nhất là ngoài
Công Giáo có thể hiểu lầm về cách nói lộng ngôn phạm thượng này. Quả vậy, nói “người làm Chúa” thì
thật lộng ngôn, có khi là rối đạo, lạc giáo, kiêu ngạo, tựa Satan xưa.
Nhưng
không lộng ngôn đâu! Chính tình yêu làm nên điều kỳ
diệu đó. Chúa là Tình Yêu đã giáng
thế chia sẻ thân phận con người, để con người được thông phần bản tính Chúa.
Nói huỵch toẹt ra như thánh Irênê xưa: “Chúa làm
người để người làm Chúa,” chẳng có chi là sai cả, nhờ hai chữ TÌNH YÊU. Câu nói này có hơi lạ tai một chút
so với câu quen tai hơn: “Con Chúa làm người để
người làm con Chúa” (thêm chữ con ở cả hai vế).
Lm
Thiện Cẩm có lý luận cũng hay. Con của con chó có được gọi là chó không? Được
quá đi chứ. Cũng vậy, con của con mèo cũng gọi là mèo, con của con người cũng được gọi là người, thì con của Chúa
cũng phải được gọi là Chúa chứ. Vì
thế làm con Chúa hay làm Chúa cũng đâu khác gì. Dĩ nhiên “Chúa” làm người,
khác với “Chúa” của “người làm ‘Chúa’,” giống như con khác với cha.
Nhưng dẫu sao người thành Chúa cũng là điều cực kỳ kỳ diệu, mà chỉ có
Đấng là Tình Yêu mới làm nên được. Một Thiên Chúa Toàn Năng, một Thiên Chúa
Phép Tắc không làm nên được, (dẫu toàn năng làm gì cũng được, nhưng Đấng Toàn
Năng ấy dại gì làm ra cái giống mình, dại gì sẻ chia địa vị mình). Chỉ Đấng Tình Yêu mới làm. Tình yêu làm nên điều cực kỳ kỳ
diệu.
Kể
từ khi Chúa Con nhập thể để bày tỏ tình yêu của Ngôi Cha dành cho con người,
thì mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại hoàn toàn thay đổi: Không còn là
Tạo Hóa và thụ tạo, không còn là Thượng Đế và phàm nhân, không còn là Chủ ông
và tôi tớ, nhưng chính là "Bạn hữu thân tình". Thầy không gọi các con
là tôi tớ. Thầy xem các con là bạn hữu ngang hàng. Thầy
là Chúa, các con cũng là Chúa. Tình yêu biến loại người thành bậc Chúa.
2. Tình yêu đổi “loài” người thành “đấng” người.
Nhà
văn nữ Harriet Beecher Stove có viết một quyển tiểu thuyết nhan đề "Túp
lều Bác Tôm" kể chuyện đời của một người nô lệ da đen tên là Tôm. Chủ của
bác Tôm là Senbi - một trong số rất ít những người chủ da trắng rất nhân hậu và
thương yêu những người nô lệ da đen của mình. Đáp lại Bác Tôm cũng rất yêu
thương chủ và tận tụy hết lòng phục vụ chủ. Nhưng ông chủ này vì làm ăn thua lỗ
nên đã nợ một món tiền rất lớn. Một người da trắng khác chuyên buôn bán nô lệ
đã tìm cách nắm được các giấy nợ và dùng giấy nợ để làm áp lực với ông Senbi. Hắn buộc ông phải bán bác Tôm cho hắn để trừ nợ.
Lúc đầu ông Senbi nhất định không chịu. Nhưng vì tên lái buôn hăm doạ sẽ tịch
thu tất cả tài sản của ông, nên cuối cùng ông đành phải bán bác Tôm. Người ta
đã xúi bác Tôm trốn đi trước khi bị tên lái buôn bắt đem đi. Nhưng Tôm đã từ
chối với lý lẽ: "Nếu ông chủ buộc lòng phải bán tôi để khỏi phải bán
tất cả những người khác và để khỏi phải phá sản thì thôi cũng được".
Sau đó cuộc đời bác Tôm đã phải lao đao lận đận chịu đủ thứ khổ sở và cuối cùng
phải chết thảm.
Ta
không nói về cuối cuộc đời của bác Tôm, nhưng gần như suốt cuộc sống trước đó,
bác đã được ông chủ da trắng Senbi tốt lành cư xử như người nhà, như bạn hữu. Hẳn ông chủ Senbi
Kitô hữu này đã thuộc nằm lòng Lời Chúa mà ta nghe hôm nay. Thầy không gọi các
con là tôi tớ, nô lệ, vì nô lệ tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy coi các con
là bạn hữu. Những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy cho các con biết. Tình
yêu biến đổi loài người thành đấng người.
Bởi lẽ sự thường người ta cư xử với người nô lệ như loài vật: mua bán
đổi chác như mua ngựa mua bò. Tình yêu và chỉ
tình yêu mới biến họ thành đấng người.
Chúng
ta có ngạc nhiên phẫn nộ không, chứ đã có thời người ta không xem người nữ là
người thật, mà chỉ “dưới”
người. Đến độ có lúc thần học thử xét xem người
nữ có linh hồn hay không! Điều răn thứ 10: ngươi chớ ham muốn nhà
cửa ruộng nương, của cải, vợ con của người khác. Xếp vợ con cùng một bậc với
nhà cửa ruộng vườn! Chế độ Taliban ở
Afghanistan trước đây là một ví dụ. Người nữ ra đường phải bịt mặt.
Không được đi học, không được đi làm. Ngày nay chẳng còn nữa, nhưng dấu vết của
nó vẫn còn: xem gia nhân, người ở, người phục vụ là tôi tớ.
Có
bao giờ gặp ông già lựu đạn này chưa?
Ông
già "Lựu Đạn" là một danh xưng mà Chị Nữ Tu Antoinette thường gọi
thế, khi nhắc đến ông lính già khó tính nhất trong bệnh viện Chị đang phục vụ.
Gặp ai ông cũng nhăn nhó, nạt nộ; có chuyện gì không vừa ý, ông la lối rùm
beng.
Ngày
kia, đang mải mê phục vụ, Chị Antoinette nghe tiếng cha già Lựu Đạn hét lớn: "Đem cho tôi vài quả trứng luộc".
Chị Antoinette vui vẻ đem đến.
-
Trứng chưa chín đủ mà cũng đem tới à?
Chị Antoinette tươi cười đem trứng đi luộc lại.
-
Trứng chín quá. Luộc gì mà kỹ quá vậy?
Chị Antoinette chẳng biết làm sao hơn được. Chị đi lấy một cái bếp đem đến kê ở
cạnh giường và trao cho ông cha già Lựu Đạn vài quả trứng để ông tự luộc lấy
cho vừa ý. Ông thấy thế, liền nổi cơn lôi đình, đạp đổ bếp, quăng xoong nước và
trứng xuống nền nhà, miệng quát lớn: "Sơ
không biết tôi là bệnh nhân sao! Bệnh nhân mà đi luộc trứng à?" Bệnh
nhân là thượng đế. (Sơ là người nữ, lại làm nhiệm vụ phục vụ, dĩ nhiên phải
phục vụ thôi. Tôi có tiền mà…)
Chị
Antoinette chẳng nói nửa lời, chỉ thinh lặng cúi xuống thu dọn, quét tước, lau chìu...
Một lát sau, Chị lại đem đến cho ông già vài quả trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử cái này, tôi luộc
vừa chín tới thôi"... Tỉnh ngộ, ông lính già tỏ vẻ cảm động vì khâm
phục trước tấm lòng bác ái, nhịn nhục của Chị Dòng khiêm nhu dễ thương, miệng
lắp bắp nghẹn ngào nói: "Cảm ơn Sơ, tôi ăn trái trứng mà cũng là ăn cả tấm
lòng tốt của Sơ nữa".
Ta có thể nói lời gì đây: chính TÌNH YÊU biến đổi
con người.
Ta
không thể kể cả ngàn trường hợp nhờ tình yêu mà một con người tàn tật phế thải,
một con người từ vũng sâu bùn lầy vươn lên thành người hữu ích. Mà người ta
thuật lại trong cuốn: Những phép lạ của
tình yêu. Tình yêu làm nên những điều kỳ diệu.
Tình
yêu cao quí nhất là tình yêu hy sinh tính mạng. Nhưng ta không dễ gì gặp những
trường hợp như vậy đâu. ĐGH Gioan Phaolô I (vị giáo hoàng 33 ngày) có lần viết:
“Tôi chưa bao giờ được dịp may nhảy
xuống dòng nước đang chảy cuồn cuộn để cứu một người chết đuối, nhưng thường
người ta chỉ xin tôi cho mượn một cái gì nhỏ nhặt hoặc viết một lá thư ngắn,
hay xin những chỉ dẫn rất đơn giản và dễ làm.
“Tôi chưa bao giờ gặp chó dại trên đường
đi mà chỉ thấy có ruồi muỗi. Tôi chưa bao giờ bị những kẻ bách hại đánh đập,
nhưng lại thường bị quấy rầy bởi những tiếng kêu la ngoài đường, âm thanh mở
quá lớn của máy truyền hình hay cách ăn súp ồn ào của người đồng bàn…”
Giúp đỡ trong mức độ mình có thể, giữ bình tĩnh và nụ cười yêu
thương tha nhân là thế đó: không cầu kỳ nhưng thực tế và đơn giản.
Nhưng đừng khinh thường, nó cũng có sức biến đổi. Vì tình yêu làm nên những điều
cực kỳ kỳ diệu. Bởi TÌNH YÊU đã biến ta thành
Chúa. Và chớ gì ta hãy dùng TÌNH YÊU mà biến những U-người (under - dưới -
người) thành người, và từ người thành Chúa. Amen.
biên tập từ nhiều nguồn
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Hẹn gặp lại