QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật VII Thường Niên năm C
Lm Anphong Nguyễn Công
Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/36gXvFi
Những
ai phải dọn bài giảng, gặp được đoạn Tin Mừng
hôm nay thì đúng là tin mừng, mừng lắm luôn bởi vì có quá nhiều điều có
thể rút ra, có quá nhiều đề tài có thể nói đến, chứ không như một số đoạn Phúc
Âm, đọc mãi mà vẫn không giải được một ý gì cả để lên đề tài. Trong khi các đề
tài của đoạn Tin Mừng hôm nay thì nhiều vô kể, như:
-Hãy
yêu kẻ thù: kẻ thù là ai? Yêu họ thế nào?
-Hãy
tha thứ; tha thứ cái gì, có khó không?
-Hãy
nhân từ như Cha các con là Đấng Nhân Từ
-Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.
Ba
cái HÃY và một cái ĐỪNG. Tôi xin dừng ở cái Đừng đó với câu hỏi: Tại sao Chúa nói “Đừng xét đoán.” Tại sao Chúa cấm xét
đoán?
Trả
lời cho câu hỏi này cũng không khó lắm, nhưng chúng ta có thể chuyển đề tài
bằng cách trả lời một câu hỏi khác mà vẫn không đi xa đề: Tại sao Chúa cấm
xét đoán à
chuyển thành: Khi
nào ta được phép xét đoán?
Theo thánh Tôma, tiến sĩ vĩ đại của Giáo Hội, ta được phép xét
đoán khi có đủ 3 điều kiện này:
- khi được trao
quyền xét đoán
- khi biết
rành mạch sự việc phải xét đoán
- khi hoàn
toàn thanh sạch mọi thành kiến.
Cả
3 điều kiện này: được uỷ quyền, biết rành
mạch, sạch
thành kiến ít ai có thể đạt được cả 3 nên tốt nhất là đừng xét đoán.
Ta có thể nghe Chúa Giêsu sẽ nói như sau: Các con đừng xét đoán vì các con không hội đủ điều
kiện khắt khe của người xét đoán đâu.
1. Được trao quyền xét đoán.
Thánh
Giacôbê trong thư của ngài đã nói một câu nghe giật mình: Chỉ có một mình
Thiên Chúa đặt ra lề luật và có quyền xét xử.
Còn ngươi là ai mà dám xét đoán tha nhân. (Gc 4,12)
Chỉ một mình Chúa mới có quyền xét đoán. Nhưng Chúa cũng thông quyền
này cho các Tông Đồ, Giám Mục, Linh Mục. Chúng ta đừng ham quyền
này! Khổ lắm! “Honor, Onus: vinh
quang quàng nặng”.
Các
Linh Mục khi ngồi toà Giải tội là đóng vai trò xét xử. Thử hỏi các Linh Mục,
nhất là những vị lớn tuổi: khổ nhất là gì. Các Cha Xứ: khi người này người kia
vào trình bày sự việc, xin cha: ý cha thế nào, kiến cha làm sao? Lại phải xét, phải đoán. Chẳng sung sướng gì
đâu. Cha mẹ trong gia đình cũng được chia quyền này. Khổ.
Vì
thế những ai chẳng được giao phó cho quyền này,
hãy vui lên tạ ơn Chúa chứ đừng nhận vào mà lãnh đủ.
Rồi
khi hội đủ điều kiện 1, phải có điều kiện 2 nữa :
2. Phải biết rành mạch sự việc:
Một
Linh Mục ngồi toà phải trải qua muôn vàn luân lý dài và rắc rối, mới có thể xét
định được đâu là tội, đâu là không. Nếu không rành, rất nguy hiểm cho người đi
xưng tội: tội giải được không giải, tội không giải được lại giải, có tội thì
nói không sao, không sao thì bảo là nặng lắm… Một
trong những điều kiện để chọn lựa ơn gọi tu trì, nhất là ơn gọi Linh Mục là óc
phán đoán, óc phân biệt. Nếu thiếu,
nếu yếu, thường được khuyên rút lui. Còn khi đã là Linh Mục, gặp tai nạn chấn
thương phần não, trở nên mát mát, hâm hâm, thì có thể làm lễ, nhưng không được
ngồi toà… xét xử.
Điều
này cho ta thấy để xét đoán, ngoài quyền được trao, còn phải rành sự việc mà
sự việc ở đây đâu phải là chiếc búa, cái đinh, mà là con người có dáng vẻ bề ngoài nhưng cũng có phần tâm linh bí ẩn, ai dò
cho thấu.
Kinh
Thánh đã nói người ta chỉ xem xét được bên ngoài, chỉ có Chúa mới là đấng thấu
suốt tâm can. Một việc bề ngoài ta coi là lỗi,
nhưng biết đâu lại chẳng trở thành nhân đức… nhờ thiện chí, nhờ ý tốt.
Ta sẽ nói thêm khi kết luận.
Có
quyền xét xử rồi lại phải am tường sự việc con người nữa. Nhưng để xét đoán tốt
như vậy vẫn chưa đủ, còn phải:
3. Sạch mọi thành kiến nữa
Einstein
nói: Phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nhân nguyên tử! Do đó, ta thực là khó để loại sạch mọi thành
kiến được: không ưa thì dưa có giòi.
Đã thích ai thì thích cả lối đi. Đã ghét ai thì ghét cả tông chi họ hàng. Có
thiện cảm với ai thì dễ gì nhìn thấy lỗi họ được. Có ác cảm, yên trí với ai
rồi, khó xử tốt. Ngôn ngữ bình dân gọi yên trí
là tật. Tật là khó chữa. Tật yên trí. Có
cả trăm câu chuyện để làm ví dụ cho tật yên trí này. mỗi người trong chúng ta
chắc ai cũng đã có hơn một lần kinh nghiệm.
Tại
sao Chúa nói: Đừng
xét đoán. Ta đã trả lời gián tiếp: vì 3 điều kiện
để được xét đoán quá khắt khe ít ai đạt được: quyền xét đoán, biết rành mạch, sạch thành kiến.
Nên ta đừng xét đoán. Đây không chỉ là một lời
khuyên, nhưng còn là một lời hứa, mà Chúa nói rõ, đừng xét đoán sẽ
không bị Chúa xét đoán. Ta không khai thác điểm này, mà sẽ trở về với điều
kiện 2, để xét đoán phải rành sự việc. Số là:
Khổng
Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Ngày đầu tiên đến đất Tề, đói khát,
may có người đem biếu ít gạo. Khổng Tử phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào
rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi là đệ tử Khổng Tử cưng nhất, ở nhà thổi cơm. Khổng Tử
là thầy, nằm đọc sách. Đang đọc, nghe tiếng “lọc cọc” từ bếp vọng lên. Liếc
nhìn xuống bếp thấy Nhan Hồi lấy đũa xới cơm cho vào tay vắt lại, rồi liếc mắt
nhìn quanh, không thấy ai, Nhan Hồi đưa cơm vào miệng. Khổng Tử thấy hết, nên
ngửa mặt lên trời than: người học trò ta tin tưởng nhất, lại ăn vụng thầy, ăn
vụng bạn, đốn mạt đến thế là cùng. Chao ôi, bao kỳ vọng đặt vào Nhan Hồi, thế
là trôi theo mây khói.
Sau
đó, Tử Lộ và nhóm hái rau từ rừng về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử nằm im
đau khổ. Rồi cơm rau dọn lên, môn sinh chắp tay mời thầy. Khổng Tử ngồi dậy
nói:
-Các
con ơi, ta đi từ Lỗ sang Tề, đường xa vạn dặm. Hôm nay, ngày đầu tiên trên đất
Tề, thầy nhớ quê hương đất Lỗ, nhớ đến tổ tiên, thầy muốn dâng bát cơm đầu tiên
nhớ đến cha mẹ thầy. Các con nghĩ có nên không?
Trừ
Nhan Hồi, các đệ tử đều đáp, thưa thầy nên. Khổng Tử nói: Nhưng không biết
nồi cơm này có sạch không?
Học
trò ngơ ngác không hiểu ý thầy, chỉ trừ Nhan Hồi chắp tay nói: thưa thầy nồi
cơm này không được sạch.
Khổng Tử hỏi tại sao? Nhan Hồi đáp :
-Khi
cơm chín, con mở vung xem cơm đã thực chín đều chưa, thì một cơn gió tràn vào,
bồ hóng và bụi từ trên rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con cũng nhanh tay đậy
vung, nhưng không kịp. Sau đó, xới cơm bẩn định vất đi… thì con chợt nghĩ,
cơm thì ít, anh em thì đông, bỏ lớp cơm bẩn đi, vô tình bỏ mất một xuất cơm,
anh em phải ăn ít lại, nên con ngưng vất đi và đã mạn phép thầy và anh em con
ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn cơm sạch xin để phần thầy và anh em. Như vậy con
đã ăn phần cơm, bây giờ chỉ xin ăn phần rau nữa thôi. Và thưa thầy, vì nồi cơm
con đã ăn trước rồi, nên không nên dùng để cúng nữa ạ!
Nghe
Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngửa mặt lên trời mà than: “Chao ôi, thế ra trên đời có nhiều việc chính mắt ta
trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu đúng sự thật. Chao ôi, suýt nữa Khổng Tử
này trở thành kẻ hồ đồ.”
Vậy
ta còn ham xét đoán nữa không?
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm –
Hẹn gặp lại