QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật XXIII Thường
Niên, năm C
Lm Anphong Nguyễn Công Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3RCxWRq
Gần đây ở Việt Nam rộ lên phong trào “chất lượng cao”, từ
sản phẩm và dịch vụ trên thị trường nội địa cho đến các mặt hàng xuất khẩu, lan
qua cả các khu vực tinh thần là giáo dục và văn hoá. Nào là “xe chất lượng
cao”, “khách sạn chất lượng cao” “phở chất lượng cao”, “lớp
Anh ngữ chất lượng cao.” Loại bỏ ý
nghĩa dư luận đàm tiếu về chất lượng cao, nhất là xe chất lượng cao
(được đọc trệch là “xe chất thật cao,” “hàng chất thật cao”…), ta thấy cuộc
sống ngày càng đòi hỏi phải có chất lượng cao. Từ sản phẩm, văn hoá, nghệ
thuật, giáo dục… cho đến con người cần đạt chất lượng và có giá trị.
Xin dùng tạm cụm từ “chất lượng cao” để suy niệm bài Tin
mừng hôm nay. Thực ra phải nói là “phẩm chất cao” vì “lượng” thì cân đo đong đếm được. Không thể dùng
“lượng” để chỉ “phẩm” là cái không cân đo đong đếm được. “Chất lượng cao” là
kiểu nói thô thiển, nhưng vì quá quen, nên tạm dùng.
Chúa Giêsu tuyển chọn môn đệ “chất
lượng cao” với hai đòi hỏi: từ bỏ và vác thập giá,
trong đó đòi hỏi từ bỏ đến độ hết nước nói: “Ai
đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống
mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi
theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được”. Và cuối cùng, sau khi kể hai ví dụ về “người xây
tháp” và “vua gây chiến” (một người xây tháp trước
khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông
vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao
chiến hay không), Chúa lại kết bằng một câu: Vậy
ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, thì không đáng làm môn đệ Tôi, một người môn đệ
“chất lượng cao.”

Vậy là trong một đoạn ngắn, mà có tới ba lần điệp khúc “không thể làm môn đệ Tôi”: 2
lần cho từ bỏ, và 1 lần cho vác thánh giá.
Ta chỉ dừng lại điều kiện “từ bỏ,” vì
một nghĩa nào đó, từ bỏ cũng là một cách vác thập giá chứ chẳng chơi!
Ta đề cập tới “từ bỏ” để làm người môn
đệ chất lượng cao, là bởi vì những gì mà Chúa đòi từ bỏ quả là oái ăm, nếu
không nói là bất hiếu, vô lý, và vô nghĩa. “Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ
con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi
được.”
Chúng ta không nên hiểu Lời
Chúa Giêsu theo một nghĩa đen lạnh lùng, thiếu óc tưởng tượng. Ngôn ngữ Đông
Phương bao giờ cũng sinh động tới độ cao nhất của trí khôn loài người. Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ghét
những kẻ gần gũi và thân thiết với mình là Ngài
không có ý nói theo nghĩa đen. Ngài
chỉ muốn nói rằng không có tình yêu nào trên đời này
có thể so sánh với tình yêu mà chúng ta phải có đối với Ngài được. Có một chân lý nổi bật trong đoạn này:
Có thể là người theo Chúa Giêsu mà vẫn
không phải là môn đệ của Ngài; có thể là kẻ theo trại quân mà vẫn không phải
lính của vua; có thể là kẻ bám víu vào một đại sự mà vẫn không dấn thân gì cả.
Có người nói với một giáo sư về một chàng thanh niên rằng: "Anh ta nói với tôi rằng anh ta là học trò của ông." Vị
giáo sư thẳng thắn trả lời: "Anh ta có thể đã ngồi trong lớp học của tôi, nhưng
không phải là một trong số các học trò của tôi." Có sự khác biệt
giữa một người ngồi trong lớp và thực sự là học trò. Thật rất đáng
buồn vì dường như trong Hội Thánh cũng có những người theo Chúa cách xa xa mà chưa thực sự là môn đệ Chúa.
Những Lời Chúa phán thật đáng ngạc
nhiên, đến độ nghe chói tai nữa. Thế nhưng nó chỉ có ý diễn tả một điều: tình yêu Chúa phải chiếm chỗ nhất trong trái tim ta, và
ta phải gỡ bỏ tất cả những gì cản trở tình yêu ấy. Thánh Grêgoriô Cả
(mà ta mừng lễ hôm 3-9 mới đây) giải thích câu "khó nghe" này, ngài
viết : "Ở đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét
những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng
bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng
không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa." Dứt khoát là phải giữ bậc thang giá trị trong tình yêu:
Chúa trên hết.

Năm 1960, Gale Sayer là cầu thủ bóng chày
chạy nhanh nhất của đội banh Chicago Bear, nhưng trên cổ anh luôn mang một mề
đay ghi hàng chữ, “tôi ở hạng ba.” Đó
cũng là tựa đề cuốn tiểu sử của anh, bán khá chạy. Trong đó anh giải thích tại
sao anh chọn câu đó làm lẽ sống, vì đối với anh: Chúa
là hạng nhất, tha nhân hạng nhì, còn anh hạng ba. Và anh quyết định, hằng ngày anh cố sống câu đó.
Không hẳn lúc nào cũng thành công, nhưng nó giúp anh không đi trệch đường.
Chúa là trên hết, Chúa là hạng nhất, là
ưu tiên một, tha nhân là ưu tiên hai, bản thân là hạng ba. Nếu cả hạng hai và hạng ba trợ giúp tôi để tiến tới Chúa
là hạng nhất, thì có cớ gì phải bỏ. Nếu
nó là vật cản, sẵn sàng từ bỏ để theo tiếng gọi của Chúa: “Ai đến với Tôi mà không dứt
bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm
môn đệ Tôi được”.
Hẳn chúng ta cũng đã từng được nghe
chuyện các vị thánh, và cả các vị “thường” muốn theo Chúa, mà mẹ cha cản ngăn,
nên đã thà bất hiếu mà trở thành môn đệ chất lượng cao của Chúa. Chúa dùng
thẳng chữ “ghét.”
Nhưng cũng rất nhiều, và chắc chắn nhiều
hơn trường hợp trên, mẹ cha, anh em là đà đẩy, -chứ không phải kỳ đà cản mũi-
đà đẩy đưa mình đi theo tiếng Chúa gọi. Lúc đó cha mẹ anh em là trợ lực,
chứ chẳng phải trở lực. Những
trường hợp đó thì đâu cần ghét mẹ cha, mà là thương, vì mẹ cha, người
thân là bậc cho mình bước lên đi đến với Chúa với tư cách là người môn đệ chất
lượng cao.
Trong tác phẩm “Người nghèo của Thiên
Chúa,” Nikos Kazantzakis đã dệt nên mẩu chuyện này về Phanxicô:
Một bạn học từ thuở thanh xuân đi về
làng quê, tình cờ gặp lại Phanxicô trong vóc dáng bơ phờ tả tơi. Anh nhận mãi
mới ra bạn xưa, nên chạy tới ôm chồm Phanxicô và hỏi :
-Ai khiến anh ra nông nổi này?
-Chúa
đã làm giúp tôi
-Bao nhiêu đồ sang trọng của anh, bao
nhiêu áo quần đẹp đẽ của anh, cả cái lông chim đỏ gắn trên mũ của anh thuở nào,
sao mất hết rồi, cả cái nhẫn kim cương nữa, sao không thấy?
-Satan cho tôi, tôi trả lại nó rồi
Người bạn dang xa, nhìn kỹ Phanxicô hào
hoa xưa, nay như thế, mũ không, giày dép cũng không, nên rơi lệ hỏi:
-Bạn, bạn từ đâu đến vậy?
-Từ
một thế giới khác!
Môn đệ chất lượng cao phải vất bỏ hết
như thế đó. Nhưng nếu có ai sợ hãi trước tất cả những đòi hỏi ấy thì nên nhớ
rằng mình không phải chiến đấu cô đơn đâu, Đấng
đã kêu gọi chúng ta vào con đường hẹp, sẽ đi cùng chúng ta trên con đường đó,
và Ngài sẽ ở cùng cuối đường để đón tiếp chúng ta, nếu chúng ta muốn làm môn đệ
chất lượng cao của Chúa Tối Cao.
(theo
gợi ý từ Lm Ngọc Hàm và Lm Hữu An)
Lm Anphong Nguyễn Công Minh,
ofm –
Hẹn gặp lại