Hôm nay là CN I Mùa Chay, năm nào cũng vậy, năm A,B hay
C, ta đều gặp bài Tin Mừng thuật lại việc chính Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong
hoang địa theo 3 Sách Tin Mừng khác nhau. Nikos Kazanzakis, nhà văn Hi-lạp, đã
khéo tưởng tượng để cho Chúa Giê-su chịu thêm một cuộc cám dỗ khác, khi ông
viết cuốn sách “Cơn cám dỗ cuối cùng của CGS" và đã được Hollywood dàn
dựng thành phim cùng tên "The Last Temptation of Jesus Christ." Cuốn
phim bị GH Công Giáo kết án, vì muốn mô tả Đức Giêsu bị cám dỗ hướng chiều về dục vọng.
Đọc Tin Mừng CN
I Mùa Chay hôm nay, ta thấy vang lên 2 từ : cám dỗ. Cám dỗ đến từ
đâu và cám dỗ đi về đâu.
1. Cám dỗ đến từ đâu.
Câu trả lời rất
dễ nếu ai đó rành Kinh Thánh, hoặc không rành Kinh Thánh lắm, nhưng lắng nghe
bài TM hôm nay kỹ hơn, thì sẽ thấy vang lên chữ quỷ đúng năm lần, “ngũ quỉ” ấy là chưa kể những đại từ chỉ về
quỷ, như khi thuật về quỷ, thì nói: đại
từ nó ; quỷ tự xưng thì : ta, tôi “mọi sự thuộc quyền ta, ta muốn cho ai tuỳ ý”, “ta
sẽ cho ông tất cả, nếu ông bái lạy
ta...” thì đại từ chỉ quỷ còn xúc được cả rổ !
Quỷ, chính quỷ
đã cám dỗ Đức Giêsu. Cám dỗ do quỷ mà
ra, bởi chính quỷ còn có danh hiệu khác rõ ràng hơn : “Tên cám dỗ” (l Tx 3, 5)
Đọc các chỗ khác
trong Kinh Thánh, thì thấy nào là quỷ cám dỗ nguyên tổ loài người, quỷ cám dỗ
Ca-in giết em, quỷ cám dỗ loài người xây tháp Babel, quỷ cám dỗ vua Đavit phạm
tội, quỷ cám dỗ Phê-rô chối Chúa, và quỷ nhập vào Juđa để Juđa bán Chúa 30 đồng
bạc. vv....Nhưng nếu ta trả lời cách thuộc lòng : cám dỗ bởi quỉ mà ra, do quỷ
mà đến, vì quỷ đích thị là "Tên Cám Dỗ…,
tắt lại, là đổ hết mọi tội cho quỷ thì hoá ra hơi đơn giản. Vì đối
với những kẻ không tin có quỷ, thì đổ cho ai.
Người ta thường
kể ba kẻ thù của con người: "chốn ba
thù nhiều phen nguy biến": là ma
quỷ, xác thịt, thế gian: đây là 3 kẻ lôi cuốn, 3 thế lực thù địch cám dỗ ta.
Không tin quỷ, thì còn hai thế lực kia. Nhưng nên nhớ, 2 thế lực đó cũng bị quỉ
chỉ huy. Bởi vậy, cái tai hại lớn nhất của con người, nhất là con người thời
khoa học kỹ thuật tin học công nghệ này, là không tin có quỉ. “Làm gì có quỉ cơ
chứ. Chuyện bà già ông cả.” Chắc quỉ sẽ sướng rên lên khi ai đó không tin nó
có, không tin nó hiện hữu, như vậy nó dễ bề thao túng hơn.
Chúa Giê-su cũng
không ngoài vòng cương toả của nó, nó cám dỗ cả Chúa nữa, và khi nó thua keo
này nó chờ keo khác : Lc 4,13 ghi: sau
khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ dịp khác. (dịp khác là
CGS chịu cám dỗ khi muốn khỏi uống chén đắng). Nhưng chi tiết “chờ dịp
khác” này đã gợi ý cho Nikos Kazanzakis viết cuốn : “Cơn cám dỗ cuối cùng của
CGS,” tức là cám dỗ khi Ngài đã bị treo trên thập giá, Ngài nghĩ, tại sao mình
lại phải là “Chúa”, sao không xuống
khỏi thập giá, trở thành một “người”
bình thường, lấy Maria Madalena, kẻ vẫn đi hầu mình, làm vợ, sinh con đẻ cháu,
sống ba bốn đời... và an nghỉ ra đi
trong tay vợ thương con mến cháu yêu. Nikos đã tưởng tượng ra cơn cám dỗ cuối
cùng như thế đó, và Hollywood đã lên phim với đạo diễn nổi tiếng Scorcese. Đó
là tưởng tượng thôi, nhưng câu chuyện
tưởng tượng sau đây thì lại “thật”
hơn bao giờ hết :
Quỷ rao bán các
dụng cụ của nó. Đến ngày bán, nó bày la liệt đủ
thứ, mỗi thứ đều có ghi giá tiền. Dụng cụ có nhiều loại : nào là ghen
ghét, giận hờn, lười biếng, dối trá, cáo
gian ; nào là xu nịnh, kiêu ngạo, dâm ô,
nói hành, hà tiện, mê ăn tham uống... và đủ mọi tật xấu trên đời (tật
xấu, nhưng hình thù rất đẹp). Có một
dụng cụ, không ghi giá, không đề tên, đã
mòn nhiều, giống hình chiếc búa. Có khách hàng tò mò hỏi vật dụng này
tên gì và giá bao nhiêu. Quỷ trả lời : Vô
giá ! Bởi nó chỉ dành cho tôi dùng,
và tôi đã dùng nhiều đến nỗi đã mòn, nhưng vẫn hiệu quả. Nơi lòng người nào mà
các dụng cụ khác không đến được, tôi đem nó đến. Nó vào lòng ai rồi, thì tôi có
thể dùng nó mà chỉ huy con người đó. Tên nó là thất vọng. (GN Arthur 93)
Khi con người
thất vọng, hay nói kiểu giáo lý xưa : ngã lòng trông cậy không tin vào Thiên Chúa từ bi, nhân hậu
sẵn sàng tha thứ, thì ấy là lúc tệ hại nhất đó. Xin chớ để chúng con sa chước
cám dỗ, nhất là cám dỗ này (ngã lòng trông cậy). Nhưng cứu chúng con cho khỏi
quỉ dữ...
Cám dỗ bởi đâu
mà đến. Mọi cám dỗ đều bởi quỉ dữ mà ra.
2. Cám dỗ đi về đâu.
Chúa không cám
dỗ, nhưng Chúa cho phép cám dỗ diễn ra, lúc đó cám dỗ có thể mang tên mới : thử thách. Và đó là điểm thứ hai : cám
dỗ về đâu, tức là mục đích, tiêu điểm của cám dỗ, của thử thách.
Lý giải cũng
không khó bởi Chúa thử thách kẻ Người yêu mến. Và Ngài không thử thách ai quá
sức chịu đựng đâu.
Ta thường nói, lửa thử vàng, gian nan thử đức. Nếu
không có thử thách, gian nan, làm sao biết ai là tôi trung, ai là con hiền.
Nguyễn Công Trứ ví : Ví phỏng đường đời
bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai. Còn Chúa Giêsu nói, “Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ,
Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh,
ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 12). Kể cả “Con đường thơ bé” của Terexa cũng phải mạnh sức lắm mới đi được. Ta
nhớ Terexa rất quá quắt kiêu kỳ, mà khuôn mình vào con đường thơ bé phó thác,
phải mạnh mẽ lắm chứ chả chơi !
Vậy mục tiêu 1
của cám dỗ, thử thách là để “lập công
phúc” khi chiến thắng nó. Mục tiêu 2
của cám dỗ, thử thách là để giúp ta “khiêm
tốn”. Bởi thắng chước cám dỗ, vượt
qua thử thách, nếu chỉ cậy sức ta, ta khó lòng lắm. Phải khiêm tốn, trông cậy
ơn Chúa. Chính Chúa Giêsu phải nhờ Lời Kinh Thánh để chống lại cám dỗ của quỉ,
thì huống lọ là ta, sao không cậy nhờ đến Đức Ki tô là Lời.
Người ta còn kể
nhiều điểm đến của cám dỗ, của thừ thách
nữa, như để con người cảm thông với nhau hơn, biết cách để hỗ trợ nhau hơn...
vì ai cũng kinh qua thử thách cám dỗ.
Bạn trẻ có cám
dỗ của bạn trẻ muốn hút thuốc, muốn chích xi ke cho nó phê ; muốn thử... thử đủ
thứ cho biết sự đời.
Người có gia
đình có cám dỗ của kẻ chung giường chung chiếu, như người ta nói : đồng sàng dị mộng. Vợ thì nằm chung với
chồng đó mà thấy sao ông hàng xóm lịch sự, nhã nhặn, hay giúp đỡ, thương người
thế..., hơn ông chồng của mình xa : cộc cằn gắt gỏng.
Ông chồng thì mơ
đến cô bán hàng, đến bạn gái cùng sở, sao họ mặt sạch hơn, duyên dáng hơn mặt
của vợ mình.
Có những cám dỗ
thử thách lớn, phải đổ mồ hôi, sôi nước
mắt mới chống lại được ; mà cũng không
thiếu những thử thách, cám đỗ nhỏ, gồng mình một cái là lướt được ngay. Nhưng
có một chân lý này, là nếu ta khinh thường, chào thua cám dỗ nhỏ, thử thách bé,
thì nó sẽ dẫn ta đến chỗ bị khuất phục ngay khi cám dỗ lớn xuất hiện. Nói hình
ảnh hơn, nếu ta quen chịu thua mấy thằng quỉ con, quỉ nhỏ thì khi quỷ cha quỉ
bố quỉ vương đến ta giơ hai hay ngay lập tức để ... đầu hàng !
Thương-Trụ dùng
ngà voi làm đũa. Cơ Tử thấy vậy sinh lòng lo lắng. Bởi vì nếu đũa ngà, thì chén
bát phải bằng ngọc, bằng vàng mới xứng. Mà khi dùng đũa ngà chén ngọc, tất của
ăn không thể rau muống luộc, mắm nêm đen, mà là đuôi voi, thịt báo, tổ yến,
thanh xà, rắn Chúa. Khi của ăn là cao
lương mĩ vị, thì áo quần không thể vải thô mà là lụa là châu báu. Nơi ăn chốn ở
lúc đó không thể là nhà tranh vách lá, mà phải cung điện nguy nga. Vì thế, Cơ Tử chỉ thấy Thương Trụ dùng đũa
ngà liền nghĩ ngay đến việc thần dân của Thương Trụ ắt sẽ lâm cảnh cùng cực, vì
sưu cao thuế nặng cho sự xa xỉ của cung điện Vua. (Góp Nhặt 6, tr 54)
Một thiếu nữ
công giáo, khi được hỏi quỉ có cám dỗ nàng làm điều xấu không và làm thế nào để nàng tránh được,
đã trả lời như sau: “Tôi biết ma quỉ rất
muốn tôi thuộc về nó, nên khi nó gõ cửa linh hồn tôi, tôi nói ngay: 'Lạy Chúa
GS, có phải Chúa gõ cửa nhà con đó không ?' Nghe đến tên Giê-su, quỉ chạy mất
tiêu.” Ta thường hát: khi nghe danh thánh CGS, các tầng trời bừng sáng, các
tà thần chạy trốn. khắp trái đất khiếp run...
Tại sao ta không kêu cầu tên cực trọng Giê-su đến giúp sức để chống lại
cám dỗ. CGS sẽ đến ngay vì Chúa cũng đã
kinh qua cám dỗ như ta, Ngài biết ta cần gì.
Cứ thử mà xem, gặp cám dỗ, (td. bị cám dỗ hút điếu thuốc) ta làm dấu
thánh giá đi, công khai càng tốt đừng ngại gì cả, quỉ sẽ cút ngay; hoặc kêu tên
Ngài ; hoặc đọc kinh Lạy Cha “đừng để con
sa chước cám dỗ,” hay đọc kinh Kính Mừng “và Giêsu con lòng bà gồm phúc
lạ,” sẽ thấy hiệu quả tức thời vậy. Amen
Anphong Nguyễn
Công Minh
__________________
(1) l Tx 3, 5
: “Chính vì vậy mà không chịu nổi
nữa, tôi đã sai người đi hỏi cho biết
lòng tin của anh em ra sao. sợ rằng tên cám dỗ đã cám dỗ anh em, và công lao khó nhọc của chúng tôi trở nên vô ích”.