Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Trần Hiếu, San Jose
Bài Viết Của
Trần Hiếu, San Jose
Thương nhớ Cha Giuse Phạm Kim Hùng
Chúc Mừng Xuân Mậu Tuất 2018
CÔNG NGHỊ LÃNH ÐẠO CÔNG GIÁO HOA KỲ - SỰ HIỆN DIỆN SỐNG ÐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng ưu ái dân tộc Việt Nam
ĐÊM GIÁNG SINH CỦA NGƯỜI BẢO DƯỠNG
“PHẢI CHẤP NHẬN TRẢ GÍA” KHI RAO GIẢNG GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI
Biển Đông Dậy Sóng—“Viên Đạn Cần Bắn Là Sự Đoàn Kết Dân Tộc”
Đức Kitô đã sống lại
Chú bé vẽ mèo
Câu Chuyện Giáng Sinh: GIA PHẢ CHÚA GIÊSU
DÂNG LỜI CẢM TẠ
THĂNG TIẾN MỐI QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI
Điểm sách “Thiên Chúa và Trần Thế” Trao đổi giữa ký giả Peter Seewald và hồng y Joseph Ratzinger do Phạm Hồng Lam dịch
Thăng tiến các mối quan hệ con người qua lắng nghe
Lá thư gửi Chúa
Sống đạo qua thăng tiến các mối quan hệ gia đình
Giải quyết bất đồng gia đình trong tinh thần Phúc Âm hóa
Thương Nhớ Bác Bùi Đình Đạm
Nhớ Bố Ngày Hiền Phụ
Đối phó với nóng giận trong các mối quan hệ gia đình
ĐI TÌM MÔ THỨC GIẢI QUYẾT NHỮNG BẤT ĐỒNG
Hải Linh — Danh Tài Thánh Nhạc Việt Nam
NĂM MỚI, THĂNG TIẾN NIỀM TỰ QUÝ TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG
Làm gì khi người thân của bạn ghiền bài bạc?
NÓNG GIẬN TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG
Giải quyết các xung khắc gia đình
AN TÂM TRONG VIỆC DẠY CON
Ba vị ẩn tu: Một truyền thuyết được lưu hành ở thị trấn Volga
ĐIỂM SÁCH “THIÊN CHÚA VÀ TRẦN THẾ” TRAO ĐỔI GIỮA KÝ GIẢ PETER SEEWALD VÀ HỒNG Y JOSEPH RATZINGER DO PHẠM HỒNG LAM DỊCH

                                                           

Trần Hiếu 

“Thiên Chúa và Trần Thế” là câu chuyện tiếp nối của cuốn “Muối Cho Đời” do ký gỉa nổi tiếng Peter Seewald thực hiện vào năm 2000 với Hồng Y Joseph Ratzinger.  Hồng Y Ratzinger, vào năm 2005, đã trở thành Đức Giáo Hoàng Beneđictô thứ XVI.   

Lúc phỏng vấn cuốn “Muối Cho Đời”, Peter 41 tuổi, và vị hồng y, 70 tuổi.  Khi cùng ngồi trên chiếc xe cũ để đến địa điểm làm việc trong một căn biệt thự thuộc đại học Dòng Tên trên đồi Alban Hills, Peter nhìn ra ngoài về phía trái còn vị hồng y nhìn phía bên phải.  Họ ít nói với nhau.  Lúc nầy, Peter là một người đã bỏ đạo. 

Đó là một cuối tuần vào mùa Xuân năm 1996.  Trong bốn buổi làm việc, có lúc tạm nghỉ, đức hồng y đi vào một phòng bên cạnh.  Peter sau đó, với một giọng có vẻ mỉa mai, hỏi ngài có phải vào đó để chiêm niệm?  Ngài nói, “Đúng vậy, tôi đã cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp.”  Peter cảm nhận sự khiêm nhu nơi một con người thông thái.  Trong suốt cuộc phỏng vấn, một khi không biết, ngài nói không biết, và ngài không trả lời ra ngoài các câu hỏi.   

Là một người hoài nghi đức tin, Peter đặt câu hỏi “Có bao nhiêu con đường để dẫn đến Chúa?” và anh chờ đợi vị hồng y cho một công thức đi tìm đức tin.  Anh đã ngạc nhiên trước lời đáp của ngài, “Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu con đường”. Và anh đã hiểu ra, mỗi người đều có con đường riêng của mình để đến với đức tin. 

Mỗi ngày, trước khi làm việc, Peter tham dự thánh lễ với đức hồng y.  Tới phần rước lễ, dường như đức hồng y quên Peter là người đã bỏ đạo nên vẫn đưa Mình Thánh Chúa.  Anh ta đứng nghiêm như một người lính, miệng ngậm lại.  Lúc đó, ngài lùi lại một chút rồi quay đi. 

Kết thúc những ngày làm việc, Peter trở lại khách sạn, và tự hỏi không biết với chừng ấy dữ kiện anh có thể hoàn thành cuốn sách được hay không.  Nhưng một cảm giác khó diễn tả hiện ra trong tâm trí anh.  Tự nhiên, anh bật khóc, không phải vì vui, cũng không phải buồn, nhưng là cảm giác bị sốc mạnh trước những điều anh đã nghe.  Đêm đó, anh đi ra giữa quảng trường đền thánh Phêrô nhảy múa, đến rách cả áo quần. 

Sau khi đánh máy nội dung từ các cuộn băng, Peter đã mất hai tháng để sửa bản văn, rồi gửi qua Rôma cho đức hồng y duyệt lại.  Anh nghĩ, cuốn sách cần được ngài chuẩn y trước khi in.  Gần bốn tháng sau, đức hồng y gửi trả lại, với cái nốt ghi hàng chữ, “Theo ý tôi, cuốn sách có thể đem in như thế, không cần phải sữa chữa”. 

Khi cuốn “Muối Cho Đời” mới ra mắt, nó không được sự chú ý của dư luận.   Nhưng thình lình cuốn sách bán hết đợt đầu tiên; ấn bản thứ hai in không kịp; và tái bản đến lần thứ mười.  Trong một dịp đức hồng y tới Munich, Peter sắp xếp cho ngài một cuộc gặp gỡ với cả trăm ký giả, có người nêu câu hỏi, “Vậy Đức Giáo Hoàng có biết cuốn sách không?” Vào hôm sau, báo chí tường thuật rằng, “Đức John Paul II đã đọc “Muối Cho Đời” khi đang ở trong bệnh viện, và một thư ký của ngài muốn coi cuốn sách, thì Đức Giáo Hoàng nói, ‘Cha nên mua một cuốn mà đọc!’” 

Peter đã trở lại đạo.  Anh nói, “Khi Hồng Y Ratzinger, một trong những giáo phụ khôn ngoan thông thái của Giáo Hội, ngồi đối diện với tôi và kiên nhẫn nhắc lại cho tôi Kinh Thánh và niềm tin vào vương quốc Kitô từ tạo thiên lập địa cho đến tận cùng, những điều bí nhiệm của thế giới, tôi đã hiểu ra ý nghĩ của Thiên Chúa—và con đường ngay chính để sống.” 

Khi đã trở lại, anh muốn tìm hiểu sâu xa hơn về Thiên Chúa và Hội Thánh của Người.   

Vậy là, bốn năm sau, Peter lại ngồi với đức hồng y cũng trong chiếc xe Mercedes cũ đó, cũng người tài xế đó, để đến Đan Viện Beneđictô thuộc đồi Monte Cassino ở Ý.  Lần nầy, hai người không còn nhìn ra hai hướng khác nhau nữa, họ trở nên thân thiết với nhau rồi. 

Trong bốn ngày dài, ký gỉa Peter Seewald và Hồng Y Joseph Ratzinger, đã say sưa thảo luận các đề tài về Thiên Chúa, Chúa Giêsu, về Giáo Hội và các vấn nạn của đức tin.  Vị giáo hoàng tương lai đã đối đáp các câu hỏi trực diện với tất cả sự bộc trực, ngay thẳng và suy tư sâu xa.  Các câu trả lời của ngài thường tạo ngạc nhiên và luôn luôn gây động não.   

Thực hiện cuốn “Thiên Chúa và Trần Thế”, Peter gặp nhiều trở ngại.  Đầu tiên, nhà xuất bản đòi thay đổi đề sách và nội dung cuộc phỏng vấn.  Rồi cuộc hẹn lần đầu với đức hồng y bị hủy bỏ vì thì giờ của ngài không cho phép.  Nhưng Peter rất cương quyết, nên anh đã tìm mọi cách để phỏng vấn ngài.  Cuối cùng họ tìm được ngày hẹn.  Thế nhưng, một điều không may, là chỉ năm ngày trước đó, nhà xuất bản đã hủy bỏ hợp đồng. 

Anh Peter đau khổ, và tự hỏi vì sao mình lại cứ giữ nội dung cuốn “Thiên Chúa và Trần Thế” mà không chịu điều chỉnh theo yêu cầu của nhà xuất bản.  Suốt đêm anh trằn trọc, không ngủ được.  Lần hạt cũng không giúp anh lấy lại sự an tâm.  Anh cảm thấy an ủi đôi chút khi nhìn lên bức chân dung của thánh Beneđictô với bộ râu trắng dài treo trên tường. Tự nhiên anh cảm thấy nổi giận với Chúa. 

Vào buổi làm việc thứ hai, Peter đã đặt câu hỏi, “Nhiều người tìm đến đức tin để tìm sự trợ giúp lúc khó khăn, có khi họ được đáp ứng, nhưng có khi họ tự hỏi, ‘Chúa ở đâu?’ Tại sao Ngài không giúp ta khi ta cần?”  Đức hồng y đã nhìn anh, suy nghĩ một chút, rồi nhắc đến ông Job trong Kinh Thánh. Ngài nói, “Tiếng than trách muôn đời của con người trước khổ đau vì sự vắng bóng của Chúa tương tự như tiếng phàn nàn của tác giả Thánh Vịnh, ‘Tôi chỉ là con giun đất, chẳng phải là người’.  Anh cứ than trách, không sao.  Chúng ta cũng không được miễn trừ những đêm tăm tối của tâm hồn.  Rõ ràng điều đó cần thiết, nhờ vậy chúng ta học được sự đau khổ, và lớn lên từ đó.” 

Anh Peter tự thuật, đan viện nơi họ gặp gỡ nằm ở đồi cao, nhiều khi che phủ bởi mây, mà đức hồng y thì sợ lạnh, nhưng căn phòng của họ trong ngày trở nên ấm áp vì những vấn đề tranh luận nóng bỏng.  Đôi khi anh thấy bầu khí sôi sục.  Peter đã đặt nhiều câu hỏi sâu sắc và lý thú, nhưng càng lý thú hơn nữa là các câu trả lời.  Cả ngàn câu hỏi, cả trăm vấn nạn.  Cũng có những câu liên quan trực tiếp cá nhân người được hỏi.  Đức hồng y đã không ngần ngại trả lời trên bình diện cá nhân, cũng như với vai trò của người cầm đầu Bộ Tín Lý. 

Phản ánh đầu tiên của tôi sau khi đọc xong cuốn sách đó là thán phục một cách sâu xa trước sự khôn ngoan, thông thái, lỗi lạc của nhà thần học lừng danh và hiện là lãnh đạo tối cao của giáo hội.  Được đọc bản dịch Việt ngữ lại là một điều thú vị, vì lời văn rõ ràng trong sáng, rất hợp với độc giả người Việt.  Khi đối chiếu với ?n b?n Anh ng?, nhiều chỗ tôi thấy lời dịch Việt ngữ rất hay, rất lưu loát.  Cuốn sách là một công trình rất đáng tán dương, được Phạm Hồng Lam dịch từ nguyên bản Đức ngữ sang tiếng Việt. 

Khi nói đến đức tin, hy vọng, tình yêu, Peter hỏi: “Có khi nào Hồng Y cảm thấy sợ Chúa không, có khi nào ngài lầm lỗi không?”  Ngài đã trả lời, “Nói sợ thì không đúng vì qua Chúa Kitô chúng ta biết Thiên Chúa là ai rồi.  Ngài yêu ta.  Dĩ nhiên ngài cũng thấy ta có điều lầm lỗi, nhưng chuyện đó đã có bí tích hoà giải.” 

Đức Beneđictô có một đức tin rất mạnh mẽ, ngài nói chuyện với Chúa suốt ngày một cách tự nhiên.  Hai chuyện chính của ngài trong ngày là Thánh lễ và kinh nguyện.  Ngài thích nhất là đọc Thánh Vịnh, qua đó ngài nghe tiếng nói của các giáo phụ. 

Peter đã hỏi một câu trực diện, “Có khi nào ngay cả một giáo chủ cũng rơi vào hoài nghi hay không? Hoặc có ý định bỏ giáo hội không?”  Ngài kể câu chuyện khi làm phó xứ, một vị giáo sư tới thăm và nói, “Càng về già, người ta càng gặp khó khăn hơn với đức tin chứ không phải ngược lại”.  Ngài xác định, “Không tin thì không, nhưng phải khổ sở vì những câu hỏi đè nặng lên đức tin.  Chẳng bao giờ hết thử thách cả.  Bực mình thì có, bỏ giáo hội thì không.  Người ta không bỏ gia đình mình khi có chuyện bực lòng.” 

Peter nói đến việc tìm gặp Chúa bằng cách nêu lên một hình ảnh, nói rằng, vào buổi sáng trước giờ làm việc với đức hồng y, anh ta tìm đường tới nhà nguyện trong tu viện mà không tìm ra, rồi anh hỏi, “Có thể một mình tìm gặp Chúa được không?”  Ngài trả lời, “Nếu như ta chỉ nhờ đọc sách Thánh mà có thể tự nâng mình lên gặp được cái tối hậu, thì đó có lẽ là một chuyển động có tính triết học. Nếu tự một mình tìm gặp Chúa thì chắc chắn không gặp và đó chính là cái cơ bản của Kitô giáo—hàm chứa ý niệm giáo hội.”   

Một câu hỏi khác, “Tại sao Chúa dựng nên Satan? Tại sao Ngài lại dựng lên cho Ngài một đối thủ?”  Ngài đáp, “Không thể nói Chúa tạo ra thần dữ.  Chúa chỉ tạo ra thần lành… Ngài chẳng cần một Chúa đối lập nào đứng bên cạnh.  Điều Ngài đã tạo ra là sự tự do và nhiều khi chúng ta không thấy rõ sự tự do được xử dụng trong  hoàn cảnh đó như thế nào.” Ngài còn thêm,  “Không được nâng qủy lên thành một nghịch chúa…kì cùng nó không phải là đối thủ ngang hàng với Chúa.  Ta phải luôn biết rằng, chỉ có Chúa là Chúa, và ai bám vào Ngài, kẻ đó chẳng sợ gì mọi quyền lực Satan.” 

Trước câu hỏi, “Vì sao Chúa Jesus 30 tuổi mới ra giảng đạo công khai?” được ngài giải thích là thời đó ai muốn làm giáo trưởng (rabbi) phải qua một thời gian ít nhất là 30 tuổi.  Ngài còn nói, sứ điệp của Đức Giêsu có chiều sâu nội tâm nên cần nhiều thời gian để suy tư. 

Đây là một cuốn sách không nên đọc vội, nhưng phải đọc từ từ để được tiêu hoá.  Nhiều câu trả lời, đức hồng y dùng hình ảnh để dẫn giải, làm cho người đọc dễ sáng tỏ vấn đề. 

Ví dụ, khi nói đến phép lạ hóa bánh, với năm chiếc bánh và hai con cá, mà năm ngàn người được ăn no nê, còn dư 12 thúng đầy, ngài nói, câu chuyện có hai chiều kích vừa sự kiện vừa ý nghĩa biểu trưng.  Một chiều kích khác là phép Thánh Thể, Mình Thánh Chúa được phân chia mãi không bao giờ hết.   Và Ngài nhắc lại chuyện một linh mục già kể cho nghe về hai sự kiện lạ lùng xảy ra trong đời thánh Don Bosco.   

Một lần vì sơ suất người ta đã không làm phép đủ bánh thánh.  Khi cho rước lễ, chỉ còn cỡ mười tới hai mươi bánh thánh cho một khối vô cùng đông người trẻ, Don Bosco chẳng nao núng gì, ngài bảo cứ an tâm phân phát và cuối cùng ai cũng nhận được Mình Thánh.  Lần khác, sau một ngày làm việc mệt nhọc, ngài hứa cho trẻ con ăn hạt dẻ khô.  Ngài nhờ bà mẹ chuẩn bị hạt dẻ dùm.  Nhưng bà mẹ hiểu sai, chỉ rang đủ cho độ một chục đứa trẻ thôi.  Khi nhận ra sự lầm lẫn, người mẹ hốt hoảng, nhưng ngài bảo mẹ đừng lo, cứ phân phát cho chúng; kết quả, không những đủ mà còn dư đem về nữa.  Qủa là kỳ diệu. 

Nói đến các tiên tri giả, ngài nêu tên Hitler và các tay tổ cọng sản.  Ngài nói, người ta tưởng họ là các chú cừu ngoan, nhưng rốt cuộc là những tay phá hoại có tầm cỡ.  Các nơi khác, rải rác trong các câu trả lời, ngài nhắc đến Hitler, đến Các Mác, cọng sản.  Ngài chứng tỏ ngài có thẩm quyền  đối kháng với các thế lực nầy, mà họ cũng là người thuộc dân tộc Đức như ngài;  đồng thời ngài không ngần ngại tố cáo sự tha hoá cũng như phá hoại của nó. 

Về Đức Mẹ, ngài nói, cá nhân ngài trước đây bám chặt vào phụng vụ duy-Kitô, quan điểm đó càng được đẩy mạnh qua việc đối thoại với các bạn Tin Lành.  Nhưng càng ngày, qua việc sùng kính các lễ kính của Mẹ, các buổi chầu, chuỗi mân côi, Đức Mẹ càng có ý nghĩa đối với ngài.  Và càng về già, ngài càng cảm thấy gần gũi Mẹ Thiên Chúa hơn. 

Nói đến sứ mạng Giáo Hội, ngài nêu lên rằng Giáo Hội có nhiệm vụ giữ gìn và truyền bá chân lý của Chúa Kitô, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.  Và hẳn nhiên, sứ mạng đó đòi hỏi việc sẵn sàng phản đối và đối kháng.  Ngài nói, “Ngày nay chúng ta đau buồn thấy sự phản đối của Giáo Hội qúa yếu, không đủ kiên quyết cho thế giới nghe.  Nhưng cám ơn Chúa đã có những gương tử đạo.  Trong khi giáo triều vì tế nhị ngoại giao, thì các vị tử đạo đã trả gía bằng chính cuộc sống của mình.  Dĩ nhiên phản kháng không phải vì thích phản kháng, nhưng vì để mở ra cái thiện cho mọi thời.  Vì vậy phải chống lại những gì ngược lại với Thiên Chúa, cho dù vì thế mà mình phải can đảm chấp nhận tử đạo.” 

Ngài nói, muốn hiểu đúng Giáo Hội ta nên tiếp cận từ phụng vụ, một bình diện nói lên nhiều nhất về bản tính Giáo Hội, bởi vì đây là chỗ Chúa tiếp xúc và luôn đổi mới Giáo Hội.  Trong phụng vụ, chúng ta sống qua Kinh Thánh, qua các bí tích và lời kinh của tín hữu hoàn vũ, hiệp thông với các thánh, và với nguồn cội là đức Kitô.   

Về vấn đề truyền giáo, nhất là ở vùng đất Á Châu, ngài nói, như ở Trung Hoa và Ấn Độ có các đoàn truyền giáo vào từ thế kỷ thứ 5, thứ 6, mà chỉ để lại chút dấu vết rồi biến mất, tại sao?  Ngài tự đặt vấn đề, có thể là vì những nơi nầy đã có nền văn hóa cao rồi… từ triết lý, cơ cấu nhà nước, tổ chức xã hội đã hoàn chỉnh, nên họ đề kháng những cái từ ngoài vào.   

Nhưng với miền đất bao la còn thưa thớt Kitô hữu nầy, ngài dùng những từ như, “không nên đóng khung hy vọng”,  “lịch sử chưa chấm dứt ở miền đất nầy”, “đừng nên bực dọc bảo rằng miền đất nầy đã có chủ”, có nghĩa là việc truyền giáo vẫn cần phải tiếp tục ở Á Châu. 

Việt Nam cũng được ngài nhắc tới khi nói đến các cuộc bách hại tôn giáo.  Ngài nói, “Ta đã thấy ở Trung Hoa, ở Việt Nam, trên toàn vùng Đông Dương.  Sinh lộ của đức tin luôn được trả bằng giá máu”. 

Ký giả Peter kể, vào ngày 19/4/2005, khi anh đang đứng với cặp chân run lẩy bẩy ở Công Trường Thánh Phêrô, đức hồng y Ratzinger xuất hiện trên bao lơn bên ngoài đền thờ trên cương vị tân Giáo Chủ của Công Giáo hoàn vũ, anh đã tức khắc nhớ lại khung cảnh nhà dòng Thánh Beneđictô ở ngọn đồi Monte Cassino.  Nơi đó cuốn Thiên Chúa và Trần Thế, một tập sách giáo lý cao cấp cho những người muốn đào sâu đức tin, đã được anh và vị giáo hoàng tương lai thực hiện. 

Ngài đã chọn danh hiệu cho triều đại của ngài:  Beneđictô XVI.

 

Bạn đọc muốn đặt mua, xin liên lạc: Phong Trào Giáo Dân, P.O. Box  2228, Fallbrook, CA 92088; điện thoại (760) 451-9379; email: ptgdvn@gmail.com.  Các tác phẩm của ĐGH Beneđictô XVI  hiện có: “Muối cho đời”, $15; “Thiên Chuá và Trần Thế”, $20; và “Đức Tin Kitô Giáo”, $25.  Mua trọn bộ $60, miễn cước phí.

 

Tác giả: Trần Hiếu, San Jose

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!