Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Trần Hiếu, San Jose
Bài Viết Của
Trần Hiếu, San Jose
Thương nhớ Cha Giuse Phạm Kim Hùng
Chúc Mừng Xuân Mậu Tuất 2018
CÔNG NGHỊ LÃNH ÐẠO CÔNG GIÁO HOA KỲ - SỰ HIỆN DIỆN SỐNG ÐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng ưu ái dân tộc Việt Nam
ĐÊM GIÁNG SINH CỦA NGƯỜI BẢO DƯỠNG
“PHẢI CHẤP NHẬN TRẢ GÍA” KHI RAO GIẢNG GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI
Biển Đông Dậy Sóng—“Viên Đạn Cần Bắn Là Sự Đoàn Kết Dân Tộc”
Đức Kitô đã sống lại
Chú bé vẽ mèo
Câu Chuyện Giáng Sinh: GIA PHẢ CHÚA GIÊSU
DÂNG LỜI CẢM TẠ
THĂNG TIẾN MỐI QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI
Điểm sách “Thiên Chúa và Trần Thế” Trao đổi giữa ký giả Peter Seewald và hồng y Joseph Ratzinger do Phạm Hồng Lam dịch
Thăng tiến các mối quan hệ con người qua lắng nghe
Lá thư gửi Chúa
Sống đạo qua thăng tiến các mối quan hệ gia đình
Giải quyết bất đồng gia đình trong tinh thần Phúc Âm hóa
Thương Nhớ Bác Bùi Đình Đạm
Nhớ Bố Ngày Hiền Phụ
Đối phó với nóng giận trong các mối quan hệ gia đình
ĐI TÌM MÔ THỨC GIẢI QUYẾT NHỮNG BẤT ĐỒNG
Hải Linh — Danh Tài Thánh Nhạc Việt Nam
NĂM MỚI, THĂNG TIẾN NIỀM TỰ QUÝ TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG
Làm gì khi người thân của bạn ghiền bài bạc?
NÓNG GIẬN TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG
Giải quyết các xung khắc gia đình
AN TÂM TRONG VIỆC DẠY CON
Ba vị ẩn tu: Một truyền thuyết được lưu hành ở thị trấn Volga
CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH: GIA PHẢ CHÚA GIÊSU

 

Trần Hiếu 

Biến cố Đức Giêsu giáng sinh mang một ý nghĩa đức tin sâu xa nhưng cũng rất thiết thân với con người, vì diễn tả một Thiên Chúa toàn năng trong hình thái hết sức đơn sơ: một trẻ thơ nằm trong máng cỏ.  Phúc Âm thánh Mátthêu gọi con trẻ đó là “Em-ma-nu-el” nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 

Trên khía cạnh nhân loại, Chúa Giêsu được sinh ra trong một gia đình. Thánh sử Mátthêu kể lai lịch Chúa từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít là mười bốn đời, từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đày đến Đức Kitô cũng là mười bốn đời (cf. Mt1:1-17). 

Trong suốt chiều dài lịch sử đó, chúng ta thấy Thiên Chúa có một cách thức đặc biệt tuyển chọn gia tộc cho Người.  

Tổ phụ Ápraham đã không chọn trưởng tử Isramel, sinh bởi bà vợ thứ Haga, mà chọn Isaác, con của lời hứa, sinh bởi bà vợ chánh Sarah.  Bà Sarah ghen dữ dội với Haga và đã ép chồng mình, ông Ápraham, nhằm đuổi hai mẹ con Haga ra đi nơi đồng hoang. Isramel về sau trở thành ông tổ của những người Hồi Giáo. 

Rồi đến lượt Isaác, đáng lẽ ông đã chúc lành cho Assau là con trưởng, nhưng bà mẹ lập mưu để Jacob là em được chúc lành.   

Jacob có mười hai người con trai.  Nhưng chính Jacob lại cũng không chọn trưởng nam Rưuvên nối dòng mà chọn người con thứ tư là Giuđa.  Ông Giuđa đã phạm tội cùng các anh em bán em là Giuse qua Ai-Cập.  Cuộc đời ông Giuse là một câu chuyện dài và cảm động, bị các anh bán nhưng rồi trở thành vị cứu tinh của họ.  Đó là một cách Thiên Chúa quan phòng để cứu cả đại gia đình Jacob khỏi chết đói. 

Giuđa, khi vợ qua đời và vừa mãn tang, trên đường đi đến cánh đồng để gặp các thợ xén lông chiên, ông nhìn thấy cô Tama—con dâu trưởng của mình bị goá chồng mà ông tưởng cô là một gái điếm—rồi ăn ở và có con với cô.  Tama sinh đôi, đứa đầu khi vừa lọt cánh tay khỏi lòng mẹ được thắt một sợi chỉ đỏ nhưng lại vội rút cánh tay vào.  Đứa sau liền lọt ra, được đặt tên là Perét, chính thức nối dòng.   

Tama, người xứ Canaan, là một trong bốn phụ nữ ngoại nhân được thánh Matthêu nhắc đến trong gia phả của Chúa Giêsu.  Ba vị khác là các bà Rakháp, Rút, và Bétsơva, vợ của Urigia.   

Rakháp, người dân thành Jêrichô, nhà ở cạnh tường thành, là một gái điếm đã đón tiếp các thám binh Do Thái.  Bà làm điều nầy vì bà tin Đức Chúa của họ.  Đến khi thành thất thủ vào tay người Do Thái, bà và gia đình đã được cứu sống trước khi thành bị thiêu hủy.  Rakháp kết hôn với Xanmôn, sinh ra Bôát, ông nội của vua Đavít.  Truyền thống Do Thái giáo nhìn nhận bà là tổ tiên của vua Đavít. 

Bà Rút, một người ngoại kiều thuộc dòng Moáp, là bà nội vị vua danh tiếng lẫy lừng Đavít.  Bà đã có một đời chồng, và khi chồng chết bà không chịu trở về bản quán mà đã theo mẹ chồng, là bà Naomi, về Bêlem.  Bà nói những lời làm mủi lòng bà mẹ chồng, và cũng làm chúng ta xúc động: 

“Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì

mẹ đi đâu, con đi đó,

mẹ ở đâu, con ở đó,

dân của mẹ là dân của con,

Thiên Chúa của mẹ

Là Thiên Chúa của con.

Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó,

Và nơi đó con sẽ được chôn cất” (Rút 1:16-17) 

Bà tái hôn với ông Bôát, rồi sanh Jiesê, cha của Đavít.  Kinh Thánh có một cuốn sách ngắn kể chuyện bà, gọi là Sách Rút.  

Lúc còn là vì vua trẻ, Đavít đã phạm tội ngoại tình với bà Bétsơva, một phụ nữ kiều diễm, vợ của tướng Urigia, người Khết.  Vào một buổi chiều xuân, khi đi bách bộ trên sân thượng đền vua, Đavít thấy Bétsơva đang tắm lộ thiên, vua bèn cho vời nàng về dinh và ăn ở với nàng.  Về sau, vua lập mưu để tướng Urigia tử trận, và lấy Bétsơva làm vợ. 

Hành động bất chính nầy của vua đã bị tiên tri Nathan trách móc nặng lời.  Đavít khiêm tốn nhận tội và chấp nhận các hậu qủa.  Trong suốt cuộc đời còn lại, ngài đã viết lên nhiều đoạn thi ca thống hối tội lỗi mình: 

“Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm…” (Thánh Vịnh 50:5). 

Nhờ lòng sám hối chân thành, Đức Chúa đã bỏ qua tội của ngài. 

Sau Đavít là Salômôn, một vì vua nổi tiếng khôn ngoan.  Khi Salômôn băng hà vương quốc bị phân chia và suy thoái, thành Giêrusalem cũng như đền thờ bị phá hủy và đi đến thảm trạng cả dân tộc bị lưu đày ở Babylon.  Trong thời nầy, và cả sau thời lưu đày, thánh sử Matthew tiếp tục nêu danh dòng dõi của Chúa trong gia phả nhưng họ đều không có gì nổi bật. 

Điều đáng được chúng ta ngưỡng mộ là khi viết lại lai lịch, dân Do Thái không hề dấu diếm tội lỗi của tổ tiên mình, cũng như các yếu kém của họ. 

Hình ảnh bốn phụ nữ được Kinh Thánh nói đến như là một tiên báo cách kín đáo về Đức Kitô, đấng sẽ đến để cứu độ những người tội lỗi, và đón nhận mọi dân mọi nước vào vương quốc của Người.  Việc tuyển chọn những nhân vật nầy cho dòng dõi Người gây xúc động cho chúng ta, vì lai lịch của họ không phải là điều đáng tự hào.  Nhưng tiêu chuẩn của Thiên Chúa khác với tiêu chuẩn của con người.  Người chọn sự yếu kém trong muôn vàn để nói lên lượng từ bi của Người.

Suốt chiều dài danh sách các vị tổ tiên trong gia phả của Đức Kitô, thánh Mátthêu thường dùng cụm từ “cha sinh con”, nhưng khi đến thánh Giuse, ngài không dùng từ đó nữa, mà viết, “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1:16).  Điều nầy để dẫn đến đoạn văn sau khi ngài nói đến gốc tích Chúa Giêsu được Đức Maria cưu mang “là do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20). Như vậy, thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, Người được thừa hưởng danh hiệu “con cháu của vua Đavít”. 

Kể từ đây một kỷ nguyên mới được mở ra, gọi là Tân Ước.  Lúc Đức Maria đáp lời sứ thần Chúa với hai chữ “Xin Vâng”, Thiên Chúa đã nhập thể và trở nên người phàm: 

“Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.  Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.  Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Ngưòi sẽ vô cùng vô tận” (Lc1:31-33). 

Gia phả của Chúa Giêsu, vì vậy, không chỉ nổi bật ở Ápraham hoặc vua Đavít nhưng nơi cả những con người ngoại tộc, mà qua họ về sau hình ảnh Giáo Hội Thiên Chúa Giáo được phản ảnh.  Giáo Hội, do đó, không chỉ bao gồm “Dân Riêng”, tức dân Do Thái, mà mở ra cho mọi dân tộc, thuộc mọi ngôn ngữ.  Gia phả của Người, nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Beneđíctô thứ XVI, là “gia phả của đức tin và ân sủng”.-

Tác giả: Trần Hiếu, San Jose

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!