Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Xuân Thái
Bài Viết Của
Xuân Thái
Tản mạn về Mùa Chay và nhịn ăn trị bệnh.
Đại lễ Giáng sinh – từ giã “tương tư thảo”
Cha đẻ của dối trá
Từ “Cỏ tương tư”, nghĩ về một câu Lời Chúa.
Cô lái đò và sự tỉnh thức về CÁI TÔI.
Từ bỏ mình hay từ bỏ người ?!
Đã có một nơi cai nghiện như thế
Tết - sám hối và xin lỗi để hưởng trọn ơn lành.
Giáng sinh và những bất ngờ kỳ diệu từ một ca khúc.
Năm thánh hóa Linh mục, đi nghe Cha Piô Hậu nói về những kinh nghiệm truyền giáo của Linh mục.
Bạn đã làm gì cho linh mục ?
Lễ Bà Bầu.
Điều ước cuối cùng.
Có một nơi Chúa không thể đến
XÉT ĐOÁN - ĐOÁN XÉT.
Học làm Người và học làm Con Chúa.
Hội thảo truyền giáo.
Bí tích Thánh thể, niềm vui và nỗi lo của một vị Giám Mục.
Tản mạn vui về hút thuốc lá.
Nước mắt chảy xuôi.
Dấu Thánh giá và cô Hoa hậu.
Kể chuyện xưa: Không bằng .
Quỷ ám, quỷ nhập và quyền lực của Satan.
Người môn đệ Hai lúa, và một lần gặp mặt, rất ngắn.
Từ Vatican II, nghĩ về quà tặng và Gánh nặng .
KỂ CHUYỆN XƯA: KHÔNG BẰNG .

Kho tàng văn hoá cổ của Trung Hoa có nhiều tuyệt phẩm trứ danh. Chỉ tính riêng trong lãnh vực lịch sử, những bộ sách như Tam quốc chí, Hán Sở tranh hùng, Đông Chu liệt quốc ….từ rất lâu, đã vượt ranh giới quốc gia để trở thành những kiệt tác của toàn thể nhân loại. Riêng về lịch sử, mỗi bộ đều có những cái hay rất riêng, và vì là sách lịch sử nên ở đó đã chép lại nhiều sự kiện, với những con người cụ thề trong nhiều tình huống khác nhau khi thì thi vị, lúc thì độc ác tàn nhẫn, lúc lại gây cảm động sâu sa. Nghĩa là, người đọc sẽ có dịp trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc qua các bộ sách này. Và từ đó, mỗi người có thể sẽ rút ra những bài học bổ ích tuỳ theo nhận thức và hiểu biết riêng của từng người. Cũng nhờ như thế, lịch sử sẽ càng trở nên hấp dẫn và tăng thêm phần bổ ích khi có được nhiều người chia sẻ và cùng quan tâm.

Từ một tình bạn hiếm có…. :

Từ ngày lập quốc, dân tộc khổng lồ Trung quốc chỉ có 2 lần thống nhất, đó là vào thời Tần và thời hiện đại từ năm 1949 đến nay. Nhà Chu khi dời đô về Đông đô nên được gọi là thời Đông Chu, gồm gần 20 nước lớn nhỏ cùng tồn tại nên được gọi là Đông Chu liệt quốc. Vua nhà Chu là thiên tử lớn nhất, các nước còn lại sẽ tuỳ theo lớn nhỏ mạnh yếu mà xưng vương, xưng bá hay chỉ là chư hầu.

Quản di Ngô, tên chữ là Trọng, một người tướng mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, học rộng, mưu cao đủ tài kinh bang tế thế. Thưở hàn vi, làm bạn với Bảo thúc Nha. Hai người thường đi buôn chung. Nhưng mỗi khi kiếm được lời, Quản di Ngô bao giờ cũng nhận phần hơn, chỉ chia cho Bảo thúc Nha phần ít mà thôi. Tuy nhiên, Bảo thúc Nha chẳng lấy thế mà phàn nàn. Người ngoài thấy như vậy, mới nói với Bảo thúc Nha :

-         Cùng công cán như nhau, sao ông lại để cho Quản di Ngô hiếp mình như thế ?

Bảo thúc Nha đáp :

-         Quản di Ngô đâu phải là người tham lam, chỉ vì nhà nghèo nên ta nhường cho va đó.

Sau đến lúc ra phò Tề tương Công, giúp việc quân vụ, mỗi lần ra trận, Quản di Ngô luôn đi sau, nhưng đến lúc lui binh về, Quản di Ngô lại thường đi trước. Ai nấy đều cho là nhát gan . Nhưng Bảo thúc Nha nói :

-         Không phải Quản di Ngô nhát gan đâu, chỉ vì còn mẹ già nên muốn giữ lấy thân để phụng dưỡng mẹ .

Việc làm của Quản di Ngô phần nhiều là thất bại, ai cũng cho là bất trí. Nhưng Bảo thúc Nha lại nói :

-         Đó là con người chưa gặp thời, khi gặp thời, con người ấy sẽ làm được những điều vĩ đại mà không mấy ai làm được.

Quản di Ngô nghe Bảo thúc Nha nhận xét về mình như thế, lòng rất cảm kích, nhủ thầm trong bụng :

-         Sinh ra ta ấy là cha mẹ, mà hiểu biết ta, thì trong đời chỉ có một mình Bảo thúc Nha mà thôi.

        ***

đến những điều không bằng :

Nhận ra thời thế sẽ có nhiều thay đổi, Quản Trọng nói với Bảo thúc Nha :

-                                 - Tề tương Công có 2 người con, người lớn là công tử  Củ, người nhỏ là công tử Tiểu Bạch. Bây giờ chúng ta lãnh mỗi đứa một người mà dạy dỗ, sau này, nếu người nào được nối ngôi thì chúng ta sẽ tiến cử lẫn nhau để được trọng dụng. Quản Trọng dạy công tử Củ. Bảo thúc Nha dạy công tử Tiểu Bạch .

             Quả nhiên, chẳng bau lâu sau, Tề tương Công bị giết. Công tử Vô Tri đoạt ngôi. Hai người phò 2 công tử  Củ và công Tử Tiểu Bạch chạy đến 2 nước khác nhau để tị nạn và lo chuyện phục nghiệp. Sau nhiều biến động, 2 người phục vụ trong 2 thế lực đối nghịch, nhưng tình bạn giữa họ vẫn rất keo sơn. Tiểu Bạch thành công, lên ngôi, Bảo thúc Nha được hết sức trọng dụng, làm quan to trong triều. Đang khi đó, Quản trọng lại thuộc về phe đối địch và hơn thế nữa, còn là kẻ thù lớn của Tiểu Bạch, vì đã có lần bắn tên khiến Tiểu Bạch suýt bị mất mạng. Tình huống thật phức tạp và hoàn cảnh đầy khó khăn về nhiều mặt, tuy nhiên, cuối cùng nhờ tấm lòng và mưu trí, Bảo thúc Nha đã đưa được Quản Trọng về với triều đình để cùng chung lo nghiệp lớn.

          Là một người tài, nên Bảo thúc Nha được Tiểu Bạch một hai muốn uỷ thác hết mọi chính sự cho ông. Và cũng vì là người thực tài, nên luôn biết rõ một người tài hơn, vì thế, ông đã từ chối không dám nhận, nhưng lại hết lòng tiến cử Quản Trọng. Ôâng nói về Quản Trọng với công tử Tiểu Bạch như sau :

          - Có 5 điều tôi không thể bằng Quản Trọng. Thứ nhất : rộng rãi mềm mỏng, ra ơn với mọi người, tôi không bằng được. Thứ hai : lấy trung tín mà mua lòng bá tánh, tôi không bằng được. Thứ ba : trị nước không sai, tôi không bằng được. Thứ tư : chế lễ nghĩa ra bốn phương, tôi không bằng được. Thứ năm : cầm dùi trống đứng giữa ba quân, dục lòng quân sĩ, tôi không bằng được.

               Sau khi tiếp xúc với nhiều thử thách và trắc nghiệm, vua Tề hoàn Công (Tiểu Bạch ) quyết định trao mọi quyền hành cho Quản Trọng để cùng với mình thực hiện chí lớn, xây dựng đất nước và cùng nhau dựng lên cơ nghiệp vương bá. Nhưng thật là bất ngờ, Quản Trọng đã từ chối không dám nhận, nếu không có được những cộng sự mà ông tiến cử. Một lần nữa, ta lại có dịp nghe về những điều không bằng, nhưng lần này là của chính ông , so với những người mà ông tiến cử , ông nói với Tề hoàn Công rằng :

-         Không phải sức một cây gỗ có thể làm nên một nhà lớn. Không phải sức một giòng nước có thể tạo ra một bể cả.

               Có tài giao thiệp, biết giữ lễ phép, tôi không bằng Thấp Bằng, xin cho Thấp Bằng làm Đại tư hành. Có tài khai khẩn, biết cách trồng trọt, tôi không bằng Ninh Việt, xin cho Ninh Việt làm Đại tư điền. Có tài luyện tập quân sĩ, khiến cho người ta quên chết, tôi không bằng Thành Phủ, xin cho Thành Phủ làm Đại Tư Mã. Có tài xử đoán, khiến cho không ai có thể bị hàm oan, tôi không bằng Tân tu Vô, xin cho Tân tu Vô làm Đại tư lý. Có tính cương trực, thấy điều ngang tai trái mắt phải nói ngay, tôi không bằng Đông quách Nha, xin cho Đông quách Nha làm Đại Giám quan.

                 Ông đã nói về 5 điều không bằng của mình so với 5 vị kiệt sĩ mà ông tiến dẫn, cũng như Bảo thúc Nha nói về 5 điều không bằng của chính bản thân so với người được tiến cử là Quản Trọng. Hai trường hợp khác hẳn nhau về chi tiết, hoàn cảnh và nội dung, nhưng đều giống nhau ở một điểm rất quan trọng đó là biết mình, biết người. Một yếu tố then chốt luôn mang tính quyết định của các loại thành công, trong mọi lãnh vực và các thời đại.

Và những điều không bằng khác :

             Các vị trung thần và hào kiệt luôn thấy những điều không bằng của mình so với người khác, nhưng các nịnh thần, loạn thần cũng thường có những hành vi và nhân cách rất hiếm có và thật hy hữu, mà nhiều người khác không thể làm nên không thể bằng được. Do đó, không nói về họ thì thật là một thiếu sót lớn và vì thế câu chuyện sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa.

              Vua Tề hoàn Công vì có Quản Trọng, Bảo thúc Nha và nhiều trung thần hào kiệt giúp sức nên đã dựng lên cơ nghiệp bá vương, xứ sở cường thịnh, dân chúng ấm no. Quản Trọng được mọi người rất biết ơn, Tề hoàn Công đã coi ông như một người cha và luôn gọi ông là Trọng Phụ, và không cho phép mọi người gọi tên huý hoặc tên thật của Quản Trọng. Cùng tồn tại trong triều đình, còn có các nịnh thần là Thụ Điêu, Dịch Nha và Khai Phương. Họ là những người ít ai bằng được, vì đã có những hành vi thật hiếm có, không mấy ai làm được.

          Thụ Điêu thì tự thiến mình để xin vào cung hầu hạ, vì thế vua rất cảm động và thương yêu cách đặc biệt.

          Dịch Nha có tài nấu ăn và là người nấu ăn riêng của vua. Một hôm vua nói, các món sơn hào hải vị và trân châu bát bửu ta đều đã dùng qua, có món đã làm ta thật chán. Chỉ duy có món thịt người là ta chưa được nếm thử bao giờ. Ngay ngày hôm sau, Dịch Nha liền dâng lên vua một món thịt chế biến rất hấp dẫn. Ăn xong, nhà vua hết lời khen ngon và hỏi thịt gì. Dịch Nha nói, đó là thịt đứa con 3 tuổi của mình. Quá đỗi kinh ngạc và xúc động sâu sa vì lòng trung thành của người bề tôi hiền thảo, đến nỗi, đã hy sinh ngay cả con ruột của mình  cho ý muốn của Đấng quân vương. Và nhờ như thếù, Dịch Nha đã có một chỗ đứng rất riêng, rất đặc biệt đối với nhà vua.

          Khai Phương thì bỏ cả ngôi nước Vệ, lại có công hầu hạ nhà vua vô cùng tận tuỵ chu đáo, đến ngay khi cha mẹ chết mà cũng không về chịu tang. Quả thật, ông này đã yêu vua hơn yêu cha mẹ. Thật là một trung thần hiếm có, vì vậy vua hết sức yêu mến.

                                                     ****

          Khi thấy Quản Trọng bệnh nặng, khó bề qua khỏi, nhà vua rất đau lòng, đến hỏi ý kiến về những việc sau cùng nếu ông qua đời. Thật bất ngờ, vì lời trước hết mà Quản Trọng nói là, xin nhà vua hãy xa lánh ngay và chớ nên gần gũi 3 người kia. Ta hãy nghe những lời đối đáp của họ, giữa nhà vua và Quản Trọng, trong những giây phút cuối cùng :

-         Dịch Nha làm thịt con dâng cho ta ăn, quý trọng ta đến như thế, còn nghi gì nữa ? Tề hoàn Công nói.

-         Trời đã sinh ra loài người, không gì quí bằng tình máu mủ. Nếu tình máu mủ mà còn nỡ lòng dứt bỏ, con người ấy sẽ không thể thương ai đâu. Quản Trọng đáp.

-         Thụ Điêu đã tự thiến mình để được gần gũi ta, ta tưởng tình quyến luyến ấy không còn gì để nghi ngờ ? Vua lại hỏi. Quản Trọng liền thưa lại :

-         Không một kẻ nào có thể quý người khác hơn cơ thể mình. Cơ thể mình mà còn chưa quí, thì kẻ ấy còn biết thực lòng quí ai ?

-         Khai Phương đã bỏ cả ngôi nước Vệ, theo hầu ta tận tuỵ, cha mẹ chết cũng không về chịu tang, vậy còn nghi gì nữa ?

-         Cha mẹ mà bỏ đi để theo hầu người khác, kẻ ấy là kẻ hám lợi tham danh rồi. Sở dĩ kẻ này bỏ ngôi cũ, chỉ là đang nhắm đến một ngôi vị cao hơn hẳn mà thôi. Xin Chúa công chớ tin.

-         Ba người ấy theo hầu ta đã lâu, sao bây giờ Trọng Phụ mới nói ?

-         Tôi không nói ra, vì trước đây tôi có đủ sức để chế ngự. Nay tôi chết đi, cũng như bờ đê bị vỡ, nếu Chúa công dùng họ, sẽ bị họ lung lạc và có thể gây nên nhiều tai biến.

                                                        ****

Quản Trọng được vua Tề hoàn Công coi là một bậc Thánh, vì Quản Trọng đã biết rõ và thu xếp chu đáo mọi việc, ngay cả khi đã chết. Còn ba người kể trên, mới đầu, họ chỉ là những nịnh thần có vẻ đầy ích lợi vì đã được lòng và thoả mãn các nhu cầu của bề trên, nhưng dần dà, họ biến thành những loạn thần và cuối cùng, họ đã hiện nguyên hình là các phản thần đầy tai hoạ.

Tề hoàn Công đã bị cô lập hoàn toàn trên giường bệnh, cô đơn cùng cực rồi bị chết đói, chết khát đầy đau khổ ngay trong tay và trước mắt của họ.

Ánh sáng và bống tối luôn khác nhau như đêm và ngày, nhưng ranh giới của đêm và ngày là hoàng hôn hoặc bình minh, đôi khi, lại thường không dễ phân biệt. Giữa tỉnh thức và mê ngủ cũng vậy, tự mình nhiều khi rất khó nhận ra.

Có khi nào, tôi cũng như Tề hoàn Công, luôn mê mải và ngủ quên trên quyền lực, để chẳng muốn nghe ai và, ai cũng thấy nhưng chỉ mình tôi không thấy, những hiểm nguy chết người đang tiềm ẩn và rình rập xung quanh ?

Có khi nào khác, tôi cũng giống như Bảo thúc Nha và Quản Trọng, cũng thấy những điều  tôi không bằng so với người khác, để trở thành những người thực lòng khiêm tốn, vì khiêm tốn chính là nhận biết những sự thật về mình. Một điều cực kỳ khó khăn, nên vô cùng quí giá.?

Và có khi nào khác nữa, tôi lại giống như Thụ Điêu và Dịch Nha, vẫn thường đội trên đạp dưới để chỉ chăm lo quyền lợi riêng mình và đánh mất  bản thân một cách tội nghiệp ?

                                                                            

                                                                                  Trần hồng Ân .

Tác giả: Xuân Thái

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!