Thánh lễ là trung tâm đời sống đức tin của người Công giáo, mà nơi đó, công bố Lời Chúa và phụng vụ Thánh thể là những đỉnh cao không thể thiếu. Riêng mầu nhiệm Thánh thể còn được gọi là Bí tích Tình yêu hoặc mầu nhiệm vượt qua. Phải gọi là mầu nhiệm vì nó quá đỗi lạ lùng và hết sức vi diệu, vượt qua mọi cách hiểu thông thường hoặc giải thích theo quy luật của vật lý tự nhiên.
1.- Giáo lý dạy rằng, bí tích là những dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu về những thực tại vô hình. Từ 2000 năm nay, Đức Giêsu đã trở nên vô hình. Rất cần phải học biết về một Giêsu tử nạn, để từ đó, mỗi ngày một thêm yêu thương hơn, gắn bó và hy vọng hơn, nơi một Đức Giêsu đã sống lại, dù là vô hình, nhưng vẫn luôn hiện diện qua bí tích Thánh thể mà chúng ta vẫn gặp gỡ và lãnh nhận hàng ngày.
Cách đây không lâu, trong một lần nói chuyện tại Trung Tâm mục vụ Sàigòn, Đức Giám mục Phaolô Bùi văn Đọc thuộc Giáo phận Mỹ Tho, đã có một buổi thuyết trình về Bí tích Thánh thể rất sinh động và thú vị. Ngài không chỉ phụ trách Giáo phận Mỹ Tho, nhưng còn là Chủ tịch Ủy ban Giáo lý và Đức Tin thuộc Hội đồng Giám mục Việt nam, nên buổi nói chuyện trở nên hết sức bổ ích và rất cần thiết cho mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng với đề tài Bí tích Thánh thể.
Với cái duyên trời cho, cộng thêm cách nói mạnh mẽ vui tươi nhưng không kém phần khôi hài dí dỏm, buổi nói chuyện của Ngài đã bị gián đoạn nhiều lần vì những tràng pháo tay tán thưởng của cộng đoàn. Buổi nói chuyện của một học giả uyên bác và cũng là một diễn giả đầy hấp dẫn này đã để lại rất nhiều ấn tượng thật tốt đẹp.
Ngài thuật lại lần tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới cách đây nhiều năm cùng với Giám mục Trần đình Tứ, là 2 thành viên của GH Việt Nam được cử đi tham dự. Dưới sự chủ tọa của Đức Giáo hoàng Benedicto 16, hơn 200 giám mục của GH hoàn vũ đến từ khắp nơi, đã làm việc và thảo luận về nhiều vấn đề trọng yếu của Giáo hội; đặc biệt về bí tích Thánh thể. Ngài đã nhắc đến các Tông huấn, Tông thư, Tông sắc …liên quan đến Bí tích Tình yêu của Đức GH Gioan Phaolo II, những văn kiện mà Ngài đọc không hết (nguyên văn).
Sau phần tham luận và báo cáo của 2 vị Giám mục Việt Nam về đời sống đạo của Giáo Hội tại địa phương mình, đại hội đã rất vui mừng và đặc biệt phấn khích, khi được biết tại Việt Nam, các giáo dân đều rất mến mộ Bí tích Thánh thể, Thánh lễ nào cũng rất đông, nhiều nhà thờ không đủ chỗ ngồi, người tham dự phải đứng tràn ra cả bên ngoài. Tinh thần sống đạo của giáo dân Việt nam, Đức Hồng Y Sepe đã có nhiều dịp được chứng kiến tận mắt khi ngài đến thăm, nên Ngài đã hết lời ca ngợi cùng với rất nhiều hy vọng.
Tuy nhiên, sau niềm vui là những nỗi lo khi Ngài đề cập đến tình trạng suy thoái của các Giáo hội ở nhiều nước phương Tây. Ở Pháp, một giáo hội mà trước đây vẫn được xem là Trưởng nữ của Giáo hội, lúc này nhiều nhà thờ đã biến thành bãi xe hoặc nhà kho. Ở Mỹ cũng không khác; thêm nữa, với chuyện tai tiếng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ vừa mới đây; Giáo hội Mỹ vẫn còn đang gượng dậy và cố gắng chấn chỉnh để phục hồi. Riêng ở Brasil là một nước đông người Công giáo nhất cũng đang mỗi ngày một sụt giảm rõ ràng. Đặc biệt, ở Iceland, một nước trước đây là toàn tòng Công giáo và có truyền thống Công giáo rất vững chắc, thì nay chỉ còn 1% người đi lễ. Họ đã bỏ Công giáo để theo Tin lành hoặc các giáo phái khác.
Không một nhận xét tiêu cực nào về các giáo phái, cũng chẳng có lời nào chê bai những giáo hội khác, nhưng ngài đã chỉ ra một số trong nhiều nguyên nhân đã khiến người ta rời bỏ nhà thờ. Đó là, Thánh lễ thiếu tính gắn bó, vui tươi và gần gũi của một gia đình. Thánh lễ cũng thiếu sự thân tình, và chan hòa ấm áp của một cộng đoàn yêu thương. Vì quá đông người, chẳng ai biết ai, nên nghi thức Chúc bình an trong Thánh lễ chỉ là thực hiện những hành vi (thân ái kia) một cách rất máy móc, rất vô hồn, đôi khi lại không cảm xúc với những gượng gạo miễn cưỡng.
Chính vì thế, Thánh lễ chỉ là sự tập hợp của một cộng đoàn theo thói quen, theo luật buộc, hơn là những tự nguyện với đầy đủ ý thức của những kẻ đã yêu và tin rằng mình cũng đang được yêu, bởi một tình yêu từ trời cao vô hình bao phủ. Dù là từ trời cao và dù là từ một Chúa Giêsu chẳng nhìn thấy được bằng mắt thường, nhưng tình yêu ấy vẫn được thể hiện một cách sinh động nơi người đang ngồi bên cạnh tôi và ngay trong Thánh lễ này, dù chỉ là qua một cái bắt tay. Một cái bắt tay ấm áp nhiệt tình không giống với cái bắt tay thờ ơ gượng gạo, một cái bắt tay cho có.
Tính đơn sơ, vui vẻ của những tín hữu thời sơ khai khi gặp nhau như sách Tông đồ Công vụ thuật lại, đến nay đã không còn nữa. Cùng với Thượng hội đồng Giám Mục thế giới, Ngài đã nói đến chuyện về nguồn. Rất cần thiết phải tìm về nguồn, tìm về với tính đơn sơ vui vẻ của thời Giáo hội thời tiên khởi.
2.- Ngài chỉ xét mình trước khi xét người khi đối diện với tình trạng xa nhà thờ, quên Thánh lễ và xem nhẹ Thánh thể đang phổ biến hiện nay để chạy sang các Giáo phái.
Ngài cũng không nói về những tiêu cực (có thể là nhiều) của các giáo phái, một điều không ít người vẫn thường hay nói.
Nhưng Ngài đã nhìn lại căn nhà Giáo hội của mình, để trông người mà nghĩ đến ta. Vì tình trạng đáng buồn kia đã và đang xảy ra ở nhiều Giáo hội khác hôm nay, sẽ chẳng có gì để bảo đảm rằng, nhất định sẽ không xảy ra với Giáo hội Việt Nam vào một ngày mai nào đó. Ngài nói về những ưu tư ấy với một cách nói nhẹ như gió thoảng, mà nếu chỉ phớt nghe sẽ khó lòng nhận ra. Đang khi đây chính là sự phó thác và tin tưởng của những cơn gió nhẹ đầy Thánh thần nơi Ngài..
Ngài đã nhấn mạnh về Đức tin, về phụng vụ Thánh thể và sống với mầu nhiệm của bí tích Thánh thể. Tuy bí tích Thánh thể là đỉnh cao, nhưng vẫn chỉ là điều kiện Cần, chưa là điều kiện Đủ của một mệnh đề hoàn chỉnh. Để thực sự trở thành Bí tích yêu thương, nhất định không thể thiếu những hy sinh, những chia sẻ và sự hiệp nhất. Nói cách khác, mỗi cá nhân phải là một tấm bánh để chia sẻ cho người khác, sau khi nhận lãnh tấm bánh là chính Mình và Máu của Chúa Giêsu từ nơi bàn thánh trong nhà thờ.
Sức khỏe và khả năng. Thời giờ và bạc tiền. Thiện chí và tình cảm ….những thứ mà kẻ ít người nhiều, ai cũng có. Vấn đề chỉ là, ta có sẵn sàng trở nên tấm bánh cho người khác, để chia sẻ những gì ta sở hữu và đang quản lý hay không mà thôi.
Chẳng có ai chỉ nhờ đọc Kinh thánh vài lần mà biến ngay thành một đấng Thánh. Cũng không có ai chỉ cần rước lễ hàng ngày mà được cứu độ và lên Thiên Đàng. Nhưng tất cả đều phải thi hành giới răn cao trọng nhất là giới răn Yêu Thương, mà Bí tích Thánh Thể phải là một biểu tượng sống động của những kẻ tin.
Chúa yêu thương con người, vì thế, Ngài cũng hết sức tôn trọng con người, nên Ngài không thể biến con người thành những cỗ máy vô cảm được lập trình sẵn, chỉ cần bấm nút hay nhắp chuột là hành động. Vì thế, Bánh Thánh khi rước lễ không phải là tấm bùa của ma thuật hay phù thủy để khi ăn vào, sẽ lập tức biến người ăn từ đen hóa ra trắng, từ xấu trở thành tốt và dễ được gần Chúa hơn.
Nhưng với nhiều chứng nghiệm thực tế của những ai yêu mến Thánh thể, bánh Thánh qua bí tích Thánh thể đã giúp người ăn được có thêm sức mạnh thần linh là chính Chúa Giêsu, để từ đó, cõi lòng sẽ dần được mở ra một cách dễ dàng hơn trong yêu thương và tha thứ. Cõi lòng sẽ dần được mở ra cùng với những bao dung trong xả kỷ và hy sinh quên mình.
Nhờ thế, ngay lúc đó, cánh cửa Nước Trời sẽ liền mở ra.
Và đó cũng chính là điều tuyệt vời của Bí tích Tình yêu vậy.
3.- Trở lại với chủ đề niềm vui và nỗi lo của người Giám mục, ai cũng dễ dàng nhận ra rằng, niềm vui ấy là rất chính đáng và nỗi lo kia cũng hoàn toàn là có cơ sở. Nhửng điều ấy không có gì mới lại, nhưng lúc này, vì được nói ra từ một vị Giám mục, là người thày dạy đức tin, nên phải được quan tâm một cách đặc biệt.
Những thực tế đang diễn ra ở nhiều Giáo hội Tây Phương, không có gì để đảm bảo rằng, sẽ chẳng xảy ra cho Giáo hội Việt Nam. Những ghi nhận ấy của vị Giám Mục khả kính không còn là các tâm tình riêng tư, nhưng chính là lời cảnh báo người ngôn sứ của thời đại hôm nay.
Xin gởi những tâm tình này, đến tất cả những tấm lòng biết thao thức và thiết tha yêu mến Giáo Hội đang có rất nhiều và hiện diện ở khắp nơi, vì Giáo hội không phải là của riêng giới nào hoặc người nào, nhưng là người Mẹ chung của tất cả những kẻ tin.
Xuân Thái.