Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Xuân Thái
Bài Viết Của
Xuân Thái
Tản mạn về Mùa Chay và nhịn ăn trị bệnh.
Đại lễ Giáng sinh – từ giã “tương tư thảo”
Cha đẻ của dối trá
Từ “Cỏ tương tư”, nghĩ về một câu Lời Chúa.
Cô lái đò và sự tỉnh thức về CÁI TÔI.
Từ bỏ mình hay từ bỏ người ?!
Đã có một nơi cai nghiện như thế
Tết - sám hối và xin lỗi để hưởng trọn ơn lành.
Giáng sinh và những bất ngờ kỳ diệu từ một ca khúc.
Năm thánh hóa Linh mục, đi nghe Cha Piô Hậu nói về những kinh nghiệm truyền giáo của Linh mục.
Bạn đã làm gì cho linh mục ?
Lễ Bà Bầu.
Điều ước cuối cùng.
Có một nơi Chúa không thể đến
XÉT ĐOÁN - ĐOÁN XÉT.
Học làm Người và học làm Con Chúa.
Hội thảo truyền giáo.
Bí tích Thánh thể, niềm vui và nỗi lo của một vị Giám Mục.
Tản mạn vui về hút thuốc lá.
Nước mắt chảy xuôi.
Dấu Thánh giá và cô Hoa hậu.
Kể chuyện xưa: Không bằng .
Quỷ ám, quỷ nhập và quyền lực của Satan.
Người môn đệ Hai lúa, và một lần gặp mặt, rất ngắn.
Từ Vatican II, nghĩ về quà tặng và Gánh nặng .
TẾT - SÁM HỐI VÀ XIN LỖI ĐỂ HƯỞNG TRỌN ƠN LÀNH.

 

Với cộng đồng Dân Chúa, Tết Nguyên đán năm nay là một cái tết hết sức đặc biệt, vì chính là năm khai mạc và sống năm Thánh 2010, quen gọi là Năm Thánh hồng ân, kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên, 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Trong dịp hiếm có này, Đức Giáo hoàng Bênêdic XVI, qua Sứ điệp gởi giáo dân Việt Nam, Ngài đã nhấn mạnh:

Năm Thánh là thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận lại những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo, với anh em đồng bào và xin được tha thứ”.

Từ chuyện khó và dễ ……

Tết Nguyên đán có rất nhiều tập tục rất dễ thương và đầy ý nghĩa, một trong các tập tục đó là, tống cựu nghinh tân: Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng. Đó là những gì nhìn thấy được vì hiện rõ ra bên ngoài.

Tống cựu, tiễn cái cũ. Nghinh tân, đón cái mới. Nhưng người tín hữu không chỉ dừng lại ở những gì hình thức bên ngoài như thế, ngày Tết đến cũng là ngày họ nhìn lại mình, xem lại cung cách sống đạo của mình trong một năm vừa qua.

Trong các thứ nhìn lại, nhìn lại mình luôn là cách nhìn khó khăn nhất, gian nan nhất và cũng luôn ít ỏi nhất. Điều này thật dễ hiểu và tự nhiên, vì những cái TÔI luôn hiện diện. Có cái TÔI cá nhân, có cái TÔI tập thể và cả cái TÔI của đất nước, quốc gia. TÔI thì luôn đúng, cộng đoàn tập thể, tôn giáo  của TÔI luôn là nhất, sắc tộc của TÔI phải là thượng đẳng ưu việt. Mọi người đều còn nhớ cách đây chưa lâu, chính cái TÔI sắc tộc này của phát xít Đức đã làm điêu đứng cả nhân loại một thời.

Chủ quan là thế, nhưng khách quan chính là mọi người đang sống trong một thời kỳ ồn ào nhất, náo động và quay cuồng nhất của bùng nổ thông tin, bùng nổ mọi thứ nên cơ hội nhìn lại mình ngày càng nhỏ lại và ít đi. Một ngày sống, mở mắt ra đọc một tờ báo, rồi truyền thanh, truyền hình là đã tràn ngập biết bao thông tin. Thời đại hôm nay quá nhiều thách đố cho việc nhìn lại mình, vốn luôn luôn và rất cần sự tĩnh lặng và ổn định nội tâm.

Thập giá Đức Kitô tuyệt vời vì đã cho ta sức mạnh, nhưng hai kẻ gian phi ở hai bên tả hữu Thập giá Chúa lúc ấy còn tuyệt vời hơn nữa, vì đã giúp ta xác tín hơn nữa về sức mạnh của sự sám hối. Kẻ gian phi bên hữu đã minh chứng sự kỳ diệu của lòng sám hối đó. Ông ta chẳng có gì nói được là công trạng, mà ngược lại, đời sống ông chỉ là một chuỗi những tệ hại và sai lầm gian ác, luật pháp con người xử án Thập hình cho ông là hoàn toàn xứng đáng và chính xác.

Trên Thập tự , ông thấy rõ điều ấy hơn ai, nên đã cam chịu một cách nhẫn nại, dũng cảm và sáng suốt. Ông nói với người đồng cảnh bên trái: “Chúng ta bị như vầy là đáng tội rồi”. Sự nhẫn nại, dũng cảm và sáng suốt đã giúp ông thay đổi hẳn nhận thức và có được câu nói để đời: “Ông Giêsu ơi! Khi nào ông về nước của ông, xin nhớ đến tôi cùng”. Ngay tức khắc, kẻ tử tội trên thập giá ở giữa đã trả lời: “Này tôi bảo thật, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi nơi mát mẻ vô cùng”. Lúc ấy, kẻ tử tội Giêsu đã tỏ rõ uy quyền của một vị Thiên Chúa.

Đây chính là một đoạn văn đẹp nhất của toàn bộ Kinh thánh Tân ước, rất ngắn, chỉ vài giòng, nhưng đã mở ra những nguồn hy vọng vô biên cho những kẻ tin về lòng sám hối.

Phật pháp trăm lần hữu lý khi nói về Luật Nhân quả gieo gì gặt nấy, nhưng Luật tình thương của Đấng từ bị nhân hậu đã vượt xa và ở trên tất cả. Luật này khác hẳn với luật công bằng mà con người có thể nghĩ ra, luật này đã trả tiền công cho kẻ đến làm vào giờ chót cũng ngang bằng với người đến làm vào giờ đầu tiên.

Luật tình thương là một thứ luật không bình thường, luật ấy đã gây vấp phạm và cả ngán ngẫm nữa, cho những kẻ chật hẹp tiểu tâm.

Từ đây, qua kẻ gian phi trên Thập giá bên hữu Chúa Giêsu, ai cũng thấy rất rõ, sám hối chính là chìa khóa mở ra tình thương vi diệu nơi Đấng Tối cao, nói cách khác, sám hối chính là được hưởng ơn lành cứu độ vậy.

Tôn giáo nào cũng nói về lòng sám hối, cách riêng, Công giáo luôn nhấn mạnh, tạo điều kiện và nhắc nhở tín hữu ngay mỗi khi bắt đầu Thánh lễ: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót….

Không còn lời nào có thể thiết tha và chân thành hơn được nữa, vì thế, sẽ bất hạnh cho tôi biết bao, nếu tôi chỉ đọc như một cái máy vô cảm, hoặc lẩm bẩm những lời ấy như một công thức cho qua lần chiếu lệ. Thiệt thòi nghiêm trọng sẽ là tôi, vì tôi sẽ chẳng nhận được ân điển gì với một thái độ như thế. Những nguy cơ và điều tồi tệ vẫn chính là tôi sẽ bị lãnh đủ, vì ảo tưởng về bản thân ngày càng lớn, đang khi nơi tôi, vẫn chẳng có chuyển biến và đổi thay nào đáng kể.

TÔI hôm nay, so với cái TÔI  2, 3, 40 năm “giữ đạo” ngày trước vẫn y nguyên như cũ, trừ việc mỗi ngày một thêm già đi trong mòn mỏi, với một lối sống đạo đóng khung công thức thiếu niềm vui. Song cũng phải nói cho đúng và công bằng rằng, đời sống đạo của tôi đã có rất nhiều niềm vui, nhưng là thứ niềm vui dễ dãi đầy phù phiếm, thường đến từ các bàn tiệc với bia rượu ê hề sau bao nhiêu lễ lạc mà tôi đã từng tham dự. Nhưng cũng thật đáng tiếc rằng, sự bình an sâu lắng nội tâm chính là niềm vui đích thực thì tôi luôn thiếu, vì chưa bao giờ tôi dám và biết sám hối cách chân thành can đảm.

Xem như thế, sám hối và nói lời xin lỗi luôn rất khó nhưng cũng thật dễ.

…đến những cái “hình như”

Tác phẩm nổi tiếng “Hình như là tình yêu” đã mô tả rất sinh động những ngộ nhận tưởng lầm về tình yêu, vì nó rất giống nhưng không phải, tất cả chỉ là những cái “hình như”. Trong ý nghĩa này, Đức Giám Mục Bùi Tuần cũng nói những lời nghe rất lạ tai:

Đến nhà thờ nhưng không gặp Chúa, đọc kinh mà không phải là cầu nguyện, rước sách um sùm nhưng thiếu tinh thần Tin Mừng”.

Lạ tai, nhưng không khó hiểu.

Sám hối cũng thế, cũng có thứ “hình như là sám hối” khi chỉ làm theo nghi thức một cách bất đắc dĩ. Tất nhiên thứ sám hối này, sẽ chẳng bao giờ có lời xin lỗi chân thành kèm theo, nếu có chăng cũng chỉ là một kiểu “hình như là xin lỗi”, và càng tất nhiên hơn, khi ấy sẽ chỉ nhận được một thứ “hình như là bình an”, nói đúng hơn, chính là một thứ bình an đầy giả tạo, vì làm sao có được hàng thật, khi đi tìm với những tâm tình giả và thiếu thành khẩn như thế ngay từ lúc khởi đầu? Điều đơn giản này ai cũng biết.

Tết và Năm Thánh 2010

Việc Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II xin lỗi toàn thế giới năm 2000 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho người Công Giáo, năm Thánh 2010 chính là nối tiếp Sứ điệp ấy một cách thật sống động.

Ngay tại Giáo phận nhà, vị cha chung cao nhất của chúng ta là Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, Ngài đã xin lỗi những vị lãnh đạo các tôn giáo bạn trong một bữa cơm chay thân mật với một thái độ hết sức chân thành cầu thị.

Khai mạc năm Thánh, đó đây, cũng đã có nhiều Giáo xứ thể hiện tinh thần này thật cảm động, xin ghi lại đây về Giáo xứ Hạnh thông Tây, mà ai được dự chắc hẳn vẫn còn nhớ rõ:

Xin lỗi Chúa

“Lạy Chúa! Giáo hội Chúa được thiết lập là Giáo hội duy nhất, nhưng chúng con đã làm rách tấm áo Hiệp nhất của Chúa. Giáo hội Chúa là giáo hội Thánh thiện, nhưng chúng con đã làm hoen ố dung nhan hiền thê của Đức Kitô. Giáo hội Chúa là Giáo hội Công giáo, nhưng chúng con đã biếng trễ, thoái thác công việc rao giảng Tin mừng. Giáo hội Chúa là giáo hội Tông truyền, nhưng chúng con chưa nhận ra hình ảnh Chúa nơi các Đấng bậc mà Chúa tuyển chọn. Chúng con xin lỗi Chúa và xin Chúa tha thứ cho chúng con.”

Xin lỗi nhau

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là chúng con hãy yêu thương nhau”. Đó là lời trăn trối của Chúa Giêsu. Dù chúng ta đã cố gắng thực hiện lời trăn trối ấy, nhưng chúng ta cũng đã biết bao lần vì vô ý hoặc cố tình xúc phạm nhau, gây tổn thương cho nhau, loại trừ nhau, kỳ thị nhau và không lắng nghe nhau như lời Chúa dạy. Chủ chiên xin lỗi con chiên, giáo dân xin lỗi linh mục, bề trên xin lỗi bề dưới, vợ chồng con cái và thành viên cộng đoàn xin lỗi nhau về những gì đã làm cho nhau buồn lòng.”

Xin lỗi anh chị em đồng bào

“Thưa bà con lương dân không cùng tôn giáo, Đức Giêsu, Đấng Sáng lập đạo Công giáo đã dậy chúng tôi yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, lẽ ra chúng tôi phải thực hiện tinh thần đó ở mọi nơi, mọi lúc và với mọi người, nhưng chúng tôi đã nhận thấy do vô tình hoặc cố ý, chúng tôi đã làm quý vị phiền lòng đến nhiều khi thất vọng, chúng tôi thấy mình thiếu sót nhiều trong nghĩa vụ yêu thương.

Chiều hôm nay, toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam muốn nói lời xin lỗi về tất cả những điều ấy, với tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh.

Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo, vì chúng tôi chưa đủ hòa mình và đồng hành. Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật đau khổ, vì chúng tôi chưa đủ quan tâm.”

Những lời xin lỗi trên, đã được tuyên đọc trong nghi thức Sám hối của buổi lễ đã làm nhiều cõi lòng xao xuyến thổn thức, và xin đừng quên rằng, Lễ Khai mạc năm Thánh của người Công giáo, nhưng vẫn có rất nhiều người không cùng Công giáo tham dự.

Lạy Chúa!

Tết đến, rồi Tết sẽ qua, như bao nhiêu cái Tết đã qua trong đời con.

Năm Thánh đến, rồi Năm Thánh cũng sẽ qua đi theo quy luật thời gian, chắc chắn vô số người sẽ được hưởng nhiều phước lành từ Năm đầy ân sủng này, xin đừng để con trở thành kẻ bất hạnh trong dòng chảy ơn Thánh ấy vì không biết sám hối.

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, xin đánh động và hướng dẫn chính con biết sám hối, trước khi con nhắc nhở bất cứ ai về điều sinh tử liên quan đến vận mệnh đời mình.

Amen.

Xuân Thái.

Tác giả: Xuân Thái

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!