Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Xuân Thái
Bài Viết Của
Xuân Thái
Tản mạn về Mùa Chay và nhịn ăn trị bệnh.
Đại lễ Giáng sinh – từ giã “tương tư thảo”
Cha đẻ của dối trá
Từ “Cỏ tương tư”, nghĩ về một câu Lời Chúa.
Cô lái đò và sự tỉnh thức về CÁI TÔI.
Từ bỏ mình hay từ bỏ người ?!
Đã có một nơi cai nghiện như thế
Tết - sám hối và xin lỗi để hưởng trọn ơn lành.
Giáng sinh và những bất ngờ kỳ diệu từ một ca khúc.
Năm thánh hóa Linh mục, đi nghe Cha Piô Hậu nói về những kinh nghiệm truyền giáo của Linh mục.
Bạn đã làm gì cho linh mục ?
Lễ Bà Bầu.
Điều ước cuối cùng.
Có một nơi Chúa không thể đến
XÉT ĐOÁN - ĐOÁN XÉT.
Học làm Người và học làm Con Chúa.
Hội thảo truyền giáo.
Bí tích Thánh thể, niềm vui và nỗi lo của một vị Giám Mục.
Tản mạn vui về hút thuốc lá.
Nước mắt chảy xuôi.
Dấu Thánh giá và cô Hoa hậu.
Kể chuyện xưa: Không bằng .
Quỷ ám, quỷ nhập và quyền lực của Satan.
Người môn đệ Hai lúa, và một lần gặp mặt, rất ngắn.
Từ Vatican II, nghĩ về quà tặng và Gánh nặng .
LỄ BÀ BẦU.

Tin sinh hoạt :

Hạt Xóm mới: Giáo xứ Thái Bình

Hồi 15 giờ ngày Thứ bảy 13/6/2009, tại Giáo xứ Thái Bình, Hạt Xóm mới, Tổng giáo phận Thành phố Hồ chí minh, một Thánh lễ TẠ ƠN và XIN ƠN NHƯ Ý do Linh mục Giuse Phạm đức Tuấn chánh xứ là chủ tế, cùng với sự tham dự của hơn 1000 người, tuyệt đại đa số là các phụ nữ, trong đó có rất nhiều người không phải là Công giáo. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau.

Một Thánh lễ đã làm anh em trật tự của Giáo xứ rất vất vả vì phải lo điều hành, tiếp tân, hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi và giữ xe cho một lượng người và xe đông đảo ngoài dự kiến, dù vậy, vẫn không phải là một bất ngờ lớn lao, nên mọi chuyện đều hết sức tốt đẹp trong niềm vui và sự hân hoan của mọi người.

(Xin xem thêm chi tiết bài ký ghi nhanh bên dưới)

 MV / TT / TGP )

Lễ Bà Bầu.

Đó là tên mà mọi người đã gọi, để nói về Thánh lễ Tạ ơn và xin ơn như ý tại Giáo xứ Thái bình hôm nay. Một Thánh lễ rất độc đáo. Rất đặc trưng.

Quả thật, đúng là lễ của các phụ nữ đang mang bầu, hoặc mới sanh con. Họ đến để cùng nhau dâng những tâm tình biết ơn lên Thiên Chúa Tình yêu vì Ngài đã đáp lại lời cầu khấn của họ, để họ đã sinh được con hoặc đang diễm phúc được mang mầm sống thiêng liêng trong cung lòng mình, nhờ thế họ đang tuyệt vời hạnh phúc. Vì thế, họ đến để Tạ ơn.

 Họ còn là những người hiếm muộn đang trông đợi và rất mong mỏi có được một đứa con. Dù trong số họ, rất nhiều người chưa biết Thiên chúa là ai, nhưng họ vẫn tin có Trời Phật, tin có Thượng đế thần thông, tin các Ngài sẽ lắng nghe lời họ, như đã từng lắng nghe và đáp lời bao nhiêu người khác đã đi cùng với họ hoặc ở đang ngay bên cạnh họ lúc này. Do đó, họ cùng đến để xin ơn.

Đến từ khắp nơi :

Hơn hai giờ, trời đã xế chiều, nhưng cái nắng oi nồng mùa Hạ với gần 37độ C vẫn không làm bầu khí thêm dễ chịu, dù vậy, mọi người vẫn tuôn về Giáo xứ Thái Bình như đi trảy hội. Một bầu khí hân hoan kỳ diệu hiếm hoi ít gặp. Tranh thủ còn một chút thời gian ít ỏi (3 giờ bắt đầu Thánh lễ) tôi đã tìm dịp trao đổi để có những cuộc phỏng vấn tốc hành bỏ túi, về một buổi lễ đặc biệt nhiều cảm xúc mà lần đầu tiên mình được tham dự.

Phần lớn người đi dự lễ hôm nay đều đến từ các quận huyện Sài gòn, nhưng nhiều người khác lại đến từ các nơi Tây ninh, Vũng Tầu, Long An, Bến Tre ….Người ở xa nhất mà tôi được biết thì ở Kontum. Tự chuẩn bị cho mình vài câu hỏi mẫu, đại khái : Đến từ đâu ? Tôn giáo,? Lý do ? Nếu là người Công giáo, tại sao lại không dự lễ tại xứ mình mà đã đến đây ?...Tất nhiên câu hỏi sẽ phải tùy nghi sao cho phù hợp.

Người đầu tiên tôi gặp là chị Nguyễn thị Lan, 27 tuổi, ở Biên Hòa, chị đang bồng em bé khỏang 8 tháng tuổi, cùng với nụ cười rạng ngời chị đã hãnh diện nói :

- Ôi! Tôi phải là người Công giáo chứ ông! Lễ ở đâu thì cũng có Chúa, nhưng hôm nay tôi phải đến đây, vì lễ này đã dành riêng cho chúng tôi là những kẻ đang có các hoàn cảnh đặc biệt. Thánh lễ chỉ được thông báo một cách bình thường như mọi thông báo khác, nhưng vì có chung hoàn cảnh và tâm sự giống nhau, nên người này bảo người kia vậy thôi.

Tôi lấy chồng đã 6 năm nay, bây giờ mới có được “cục vàng” này đó bác. Không phải tự nhiên mà có được đâu bác ơi, nhưng đã nhờ nhiều người cầu nguyện rồi kêu khấn khắp nơi mới có được đấy bác. Vừa nói, chị vừa âu yếm nựng yêu em bé đang nhoẻn miệng cười trên tay chị.

Tôi ân cần cám ơn rồi chào từ biệt.

Bầu khí của một lễ hội đang ngập tràn xung quanh, đông đảo quá. Chị Trần mỹ Duyên, 32 tuổi, háo hức cho biết :

- Chúng tôi phải đi từ đêm hôm qua, vì tuyến xe của Đắc lắc kỳ này bất thường lắm nên phải đi sớm cho chắc ăn.

Ánh mắt nồng nàn của chồng chị đang đứng bên cạnh như thay lời xác nhận điều chị vừa nói. Tôi nhìn cái bụng sắp vượt mặt nơi chị, như hiểu ý, chồng chị chậm rãi bảo:

-          Chúng tôi không phải đạo Chúa đâu bác !  Tôi đạo ông bà mà.

Chúng tôi lấy nhau đã hơn 5 năm mà vẫn chẳng sanh được cháu. Không chỉ vợ chồng tôi lo, mà cả họ hàng nội ngoại 2 bên đều rất lo lắng, vì tôi là con một nên đã mong lắm có một đứa con để nối giõi tông đường. Mong mãi, mong mãi mà vẫn cũng không có, tất nhiên là trong suốt thời gian ấy, chúng tôi đã thuốc men, đã chạy chữa tứ phương, với đủ cả Đông và Tây Y nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Mãi đến khi, nhờ có người mách, chúng tôi đã được một ông cha đạo Chúa cầu nguyện nên bà xã tôi đã mang thai được 7 tháng rối.

Anh nói liền một hơi rồi hỏi :

- Mà sao thật kỳ bác ạ, ông cha đạo Chúa lại khuyên chúng tôi không nên siêu âm. Ông bảo, siêu âm sẽ có hại nhiều hơn là lợi, vì tia X quang ít nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Khi tôi muốn biết trước con tôi sẽ là trai hay gái thì ông ấy lại bảo :

- Trai hoặc gái đều quí, vì đều là con Chúa và đều là những bảo vật thánh thiêng mà Chúa đã gởi đến. Nếu là gái thì anh chị không nuôi hay sao ? Nghe vậy, tôi thấy ông cha đạo Chúa nói rất đúng, nhưng vẫn thấy là lạ, kỳ kỳ thế nào ấy bác ơi!

Hôm nay, chúng tôi đến đây để cùng cám ơn Đức Chúa của người Công giáo và cũng để xin cho người em gái của tôi cũng sẽ được như bà xã tôi, vì nó lấy chồng đã lâu mà không có con.

Vừa nói anh vừa chỉ tay về phía cô gái áo hồng đang đi thơ thẩn ngắm nhìn xung quanh gần đó.

Xin đừng lên rước lễ :

Thời gian luôn trôi nhanh hơn ta tưởng, nên không còn kịp để gặp nhiều người cần gặp, vì đã đến giờ lễ hồi nào không hay.

Nhà thờ tràn ngập người, ngồi chật ních trên các hàng ghế, trên gác đàn, hai bên cung thánh, cả hai bên hành lang phải trái, có bao nhiêu ghế thì đã được đem ra xử dụng bằng hết, dù vậy có rất nhiều người vẫn phải đứng. Tính theo số hàng ghế cả trong ngoài nhà thờ, cộng với số người phải đứng xung quanh, số tham dự chắc chắn phải hơn 1000 người.

Thánh lễ được cử hành trong bầu khí trang nghiêm đầy tính thánh thiêng.

Đặc biệt, trong phần giảng lễ, cha chủ tế đã nói nhiều về quyền năng của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa là chúa tể lịch sử của nhân loại và cũng làm chủ cuộc đời của từng người. Ngài thường làm những điều kỳ diệu ngoài sức mà con người có thể tưởng tượng được. Rất lạ lùng. Rất khác thường. Nhiều khi không thể hiểu được.

Để minh chứng, cha chủ tế đã trích dẫn nhiều bà mẹ hiếm muộn trong Thánh kinh, từ bà Sara vợ tổ phụ Abraham đến người mẹ của người ngôn sứ lừng danh Samuel.

Cha đang giảng, nhưng có lúc ngài lại nói thật vui giống như kể chuyện nên rất lôi cuốn và thu hút.

Cha cũng nói về Lộ Đức, nơi từ lâu đã rất nổi danh về các phép lạ chữa lành hoặc ban ơn. Cha nhấn nhủ rằng, không phải ai đến hành hương nơi đây cũng đều được khỏi bệnh và chữa lành. Tuy nhiên, tất cả đều được ơn bình an. Một ân phúc cao quý nhất, luôn rất cần cho cả người dù tin hoặc không tin Chúa.

Cha luôn nhấn mạnh : Cầu nguyện là nhiệm vụ của chúng ta, còn ban ơn là quyền của Chúa. Tuy nhiên, tất cả mọi điều đều sinh lợi cho người nào yêu mến Chúa. Trong bất cứ phép lạ nào Chúa cũng nói đến niềm tin, vì Kinh Thánh đã nói rõ : Niềm tin của con đã cứu con. Tin như thế nào thì sẽ được như vậy.

Sau cùng, cha xin Chúa chúc lành cho các gia đình. Ngài nói : Chúa đã tạo lập gia đình, xin mỗi người hãy sống theo mẫu gương gia đình Thánh gia. Cha cũng đặc biệt cầu nguyện cho các bà mẹ đang mang thai, sẽ sinh thêm đức tin đang khi sinh con.

Bầu khí trong nhà thờ như lắng hẳn xuống khi Ngài nói. Bài giảng 27 phút nhưng chẳng ai thấy là dài, mọi người như thấm từng lời Ngài nói. Đã hơn 4 giờ chiều, nhưng nắng vẫn còn gắt, trời đầy oi nồng. Trong nhà thờ không gian như đặc quánh hơi người vì quá đông, dù các cây quạt trần vẫn đang xoay tít, cha chủ tế vẫn phải nhiều lần rút khăn tay để lau mồ hôi trán.

Trước khi bước qua phần phục vụ Thánh thể, Ngài đã ân cần nhắc nhở : Xin các anh chị em, nếu không phải là người Công giáo thì đừng lên rước lễ, vì trong Thánh lễ đã có phần cầu nguyện chung rồi.

Đúng là một nhắc nhở vô cùng đúng đắn và hết sức cần thiết, nhưng nghe vẫn có vẻ lạ tai, khi chợt nhớ tới lời nhắc nhở thường xuyên của cha xứ mình năm nào xa lắm: Anh chị em phải luôn biết kính trọng, biết ước ao và hãy năng rước Thánh thể Chúa mỗi khi có dịp.

Hôm nay, những người không được phép lên rước mình Thánh Chúa không hề là ít .

Và những điều rất  khó hiểu :

Trong những lời cầu nguyện giáo dân, có nhiều cặp vợ chồng đã xin được hết đau bụng, xin được sạch kinh nguyệt khi đang mang thai.

Theo sự thường xưa nay, khi cấn thai thì kinh nguyệt sẽ không còn. Nhưng nơi nhiều người hiếm muộn, khi mang thai họ vẫn có kinh nguyệt. Mấy cặp vợ chồng đi với nhau đang ở trong tình trạng này. Vừa có thai mà vẫn còn kinh.

Có chị 19 năm. Có người 21 năm. Còn những người từ 5 đến 10 năm  thì nhiều lắm. Có thai nhưng vẫn còn kinh, là điều vô cùng khó hiểu, nhưng đó lại là những thực tế tại buổi lễ hôm nay.

Họ rất mừng vì đã có thai sau nhiều năm không sinh đẻ, nhưng họ cũng rất lo khi thường bị đau bụng cùng với kinh nguyệt.

Tất nhiên, tất cả đều đã đi khám phụ khoa ở các bệnh viện chuyên môn đủ cả, nhưng vẫn chưa có giải thích nào thỏa đáng, nên họ phải đến đây để tìm đến các quyền năng siêu nhiên và xin cứu giúp là vậy.

Nhiều người đã nói đến phép lạ, khi hiếm muộn hàng chục năm, chỉ nhờ cầu nguyện, nay bỗng nhiên lại mang bầu nhưng vẫn còn kinh nguyệt. Nhiều người khác lại coi đây như một dấu chỉ của Trời cao, như một dấu ấn, nhằm để phân biệt với những trường hợp bình thường , có thai thì phải hết kinh nguyệt.

Quả là những điều bất thường, vô cùng khó hiểu.

Nhiều người đã rất bức xúc và khó chịu khi kể lại cho tôi nghe về các bái báo mà họ đọc được trên các tờ Tuổi trẻ, Pháp luật …đã viết về vấn đề này, nhưng theo chiều hướng hoàn toàn tiêu cực của những kẻ không có đời sống tâm linh tôn giáo. Họ mong mỏi sẽ có một ai đó lên tiếng theo hướng ngược lại, và chính họ sẽ sẵn sàng đến bất cứ đâu, gặp bất cứ ai và vào bất cứ lúc nào để làm chứng về điều này. Họ cho tôi Số điện thoại, địa chỉ rất rõ ràng.

Tất cả những người này, đa phần không phải là người Công giáo.

Cùng với tâm trạng của nhiều người, từ rất lâu nay, mỗi khi bật Tivi hoặc xem báo nghe đài, tôi vẫn chỉ nghe có một tai, xem có một mắt, vì biết rõ, trên ấy chỉ toàn là những sự thật một nửa. Biết thì tốt, nhưng nhiều khi không biết thì còn tốt hơn vì những sự thật một nửa luôn tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy tai hại.

Vì vậy, tôi không ngạc nhiên thấy mình kém nhanh nhạy về thông tin hơn họ nhiều lần khi thiếu cập nhật vì đã lười đọc báo nghe đài. Nhưng làm sao để giúp họ được, tôi thấy mình nhỏ nhoi và bất lực trước yêu cầu của họ.

Nỗi ngán ngẩm thường ngày”, là tên một bài viết của nhà văn Phạm đình Trọng trên mạng lâu thực ra không phải là nỗi ngán ngẩm của riêng ông nữa, nhưng chính là nỗi ngán ngẩm chung của mọi người ở đây. Ông đã nói dùm mọi người, điều mọi người không nói được như một nhà văn.

         

                                   ***

Lễ đã xong, cha xứ vừa kịp thay áo lễ thì lại được mọi người mời ra chụp hình lưu niệm. Trên thềm cung thánh, bị vây kín bởi đám đông phụ nữ và các bà bầu, ngài lại liên tục phải rút khăn tay ra lau trán, lưng áo ướt đẫm mồ hôi.

Sau đó, nhiều bà bầu còn kéo nhau vào nhà xứ xin cha cầu nguyện, phòng khách của ngài đã trở nên quá tải. Ngài đón tiếp mọi người rất ân cần cởi mở, ngài hồn nhiên nói : Nhiều người đã xin tôi cầu nguyện, tôi luôn sẵn lòng, Chúa làm chứ tôi có làm được gì đâu.

Mọi người đang lần lượt ra về. Kẻ xa người gần đều đã lên xe. Tất cả đều hân hoan mãn nguyện và hớn hở vui mừng cùng biết bao cảm giác khó thể nói hết bằng lời.

Nắng đang nhạt dần để trả lại bầu trời trong xanh êm ả. Tôi nghe được nhiều làn gió nhẹ nhàng đang lướt qua tai theo những vòng quay bánh xe. Trên đường về, tôi chợt thấy mình rộn lên mơ ước :

Sẽ có một ngày, trên khắp thế gian, ai ai cũng yêu mến và khát khao được rước Thánh thể Chúa, để Thánh lễ, dù được cử hành ở bất cứ nơi đâu, sẽ không còn một vị chủ tế nào phải nói những điều chẳng bao giờ muốn nói : “Xin anh chị em đừng lên rước lễ.” .

Chiều nay, tôi nghe lòng mình thật ấm, vì biết rằng, những cảm xúc đặc biệt  và các ấn tượng tốt lành của buổi lễ này sẽ còn đọng lại trong tôi, lâu lắm.

Song dẫu sao, tôi cũng không muốn nói đến phép lạ, khi chưa có thẩm quyền Giáo hội chính thức lên tiếng, nhưng quả thật, đang có một điều gì đó xảy ra rất khó gọi tên, mà tôi đã được may mắn tham dự qua Lễ Bà Bầu hôm nay.

Làn gió mới của Thánh thần đã và đang đến. Rất rõ.

GB . Xuân Thái .

 

( Và đây, các bà bầu đang chụp hình kỷ niệm với cha Chủ tế )

 

 ( Và đây nữa, chính là 3 nhân chứng có bầu nhưng vẫn còn kinh, nay đã sinh nở mẹ tròn con vuông, nhờ cầu nguyện. Họ là những người hiếm muộn đã nhiều năm. Họ cùng có mặt trong Lễ Bà Bầu, cũng là  Lễ TẠ ƠN và XIN ƠN NHƯ Ý tại Giáo Xứ Thái Bình, chiều ngày 13/6/2009 )

Tác giả: Xuân Thái

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!