Đấy là động từ lấy ra từ câu hỏi của Chúa Giêsu: Ở đây, các con có
gì “ăn” không?
Ăn là chuyện của hằng ngày… để biết rằng mình vẫn đang sống… Hết ăn…
đồng nghĩa với chấm dứt sống… Và hết sống… đồng nghĩa với không còn
và không cần ăn nữa…
Và cũng để cho mấy ông môn đệ còn nhiều hốt hoảng, hoang mang về
chuyện Ngài sống lại, Chúa Giêsu hỏi: ở đây, các con có gì ăn không?
Thế rồi nhâm nha chút cá nướng, mẩu sáp ong… và trả lại cho các ông…
Ăn chỉ để cho các ông thấy: Ngài vẫn sống như trước đây: Ma đâu có
xương, có thịt… Còn Thầy: hãy đến mà sờ: rành rành xương thịt cùng
với mọi vết tích của cuộc Thương Khó Tử Nạn… Thế nhưng – cùng với
con người xương thịt này – Thầy có thể đi và đến bất cứ đâu… Không gì
ngăn cản Thầy được nữa…
Dân dã hay nói: có lễ… thì phải có lạc… Nghĩa là lễ mang lại niềm
vui và niềm vui được diễn tả rõ nhất qua chuyện tổ chức ăn uống… Lễ
– dù lớn mấy đi chăng nữa – mà không có chuyện ăn uống thì thấy nó
cũng sao sao ấy: tâm trạng chung chung là như vậy… Cho nên – trong lễ –
chuyện “ăn” cũng là một vấn đề…
Lõm bõm chút ý nghĩa của Lễ theo quan niệm của người xưa để suy nghĩ
về Lễ trong hôm nay…
Người ta nói Lễ trong Luận Ngữ: - lễ là một phương cách biểu tỏ hòa
khí; - Lễ là biểu hiện nền đạo đức, Lễ là nghi thức mà ta phải tuân
theo tùy nơi chốn, tùy địa vị tương quan giữa chúng ta với những người
ta gặp gỡ; - Lễ ( và nhạc) là nghi lễ, nghi thức, nghi pháp: từ đây
xuất hiện chuyện “lễ phép”… Tuy nhiên - với Khổng Tử (551-479 TCN) –
thì lễ là một lối sống toàn diện nhằm mục đích bảo tồn sự sống
và xã hội… Do đó, theo Lễ tức là theo lẽ phải, hợp lễ tức là hợp
với bản tính ta vốn có…
Có lẽ Mạnh Tử (372-289 TCN) là người đầu tiên gắn với Lễ với Nghĩa…
làm nên nền tảng của đạo đức Nho giáo: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… Khi
ghép Lễ và Nghĩa với nhau thì Lễ không còn chỉ là những phương thế
hay qui tắc mà còn như cái thước đo lường… Cái thước phát xuất từ
nội tâm nhưng có thể đo được con người nhờ ở những hình thức bên
ngoài… Do đó, Lễ hay những nghi thức bên ngoài được áp dụng sai hoặc
do những con người không xứng đáng thì sẽ mất hết ý nghĩa và không
phát huy hết được tinh thần của Lễ và của nghi thức…
Còn trong Lễ Ký, Lễ có những công năng như sau: - Lễ là phương thế đào
luyện tình cảm, khiến con người hòa nhã và từ đó trở thành người
đạo đức; - lễ là thước đo điều phải, điều trái: lễ xác định trật
tự trên dưới, trước sau và những quan hệ con người phải có giữa mọi
người; - Lễ là qui tắc của trung đạo, nghĩa là cái nền đạo lý luôn
đúng: tránh tối đa những quá khích, quá lố, cực đoan; - Lễ giúp con
người biết tiết dục…
Nhìn lại… thì Lễ đã biến đổi hầu như hoàn toàn nếu không nói là
biến đổi hẳn: người ta đã quên đi tinh thần mà chỉ còn giữ lại hình
thức của lễ mà thôi… Lễ phát xuất từ tấm lòng nhân ái chứ không
thuần chỉ là những nghi thức nhiều khi khách sáo và hời hợt… Đức
Khổng từng nhận định: một người nếu thiếu lòng nhân thì làm sao có
Lễ được!!!
Không biết có loanh quanh lắm không khi nói đến chuyện “ ăn” và vấn đề
Lễ Lạc trong hôm nay…
Chúa – trong Tin Mừng thánh sử Luca – Ngài “ăn” không phải do nhu cầu và
càng không do muốn thỏa mãn bản năng nhưng chỉ là để làm chứng: làm
chứng Ngài đã sống lại và vẫn đang sống… Cái ăn không là chính… vì
chỉ là chuyện nhâm nhi miếng cá, chút sáp có mật ong vậy thôi… Cái
chính là nguồn hoan lạc, niềm vui được gặp các môn đệ và có thể nói
với các ông rằng: Tất cả những gì Kinh Thánh nói đều đã ứng nghiệm…
Hãy nhân danh Ngài mà hòa giải mọi con người lại với Thiên Chúa và
với lẫn nhau…
Dĩ nhiên là sẽ khập khễnh nếu đem chuyện lễ của người xưa để trình
bày về Lễ trong Ky-tô giáo… nhưng ý nghĩa của Lễ người xưa cảm nhận
chắc chắn cũng giúp chúng ta sống sâu xa hơn Lễ của chúng ta trong hôm
nay…
Kinh Thánh không xa lạ lắm với chuyện tiệc tùng… và hình ảnh những
bữa tiệc dồi dào thức ăn thức uống vẫn được dùng để diễn tả bữa
tiệc Nước Trời trong thời cánh chung… Tuy nhiên vấn đề Kinh Thánh nhấn
mạnh thì không phải là chuyện ăn, chuyện uống… nhưng là niềm hoan lạc
và tình huynh đệ mà – qua gặp gỡ trong bàn ăn – người ta cố để đào
sâu và để đi sâu vào nhằm mục đích mang lại bình an cho lẫn nhau…
Với người Ky-tô hữu thì không bữa tiệc nào quan trọng cho bằng bữa
tiệc Thánh Thể… Xét trên phương diện con người thì chẳng có gì cả:
một tấm bánh không men nhỏ xíu và chút nước cốt nho trong chén… Thế
nhưng đấy là bữa tiệc huynh đệ mẫu: bữa tiệc hòa giải con người thụ
tạo nhưng đầy kiêu hãnh và kiêu sa với Đấng đã dựng nên mình mà mình
chối từ, phủ nhận… Sự chối từ, phủ nhận đó đày đọa con người trong
mê lộ trần thế… cho đến khi Đấng Cứu Thế đến, lấy chính bản thân
mình làm cái giá hòa giải… Rồi hằng ngày, cũng chính Thân Thể nhiệm
mầu – dưới hình bánh hình rượu – trở thành lương thực nuôi sống tình
nghĩa của con người với Trời và với nhau… Ở đây, chúng ta gặp được tư
tưởng và cảm nhận của cổ nhân: một người thiếu lòng nhân thì làm sao
có Lễ được!
Lòng nhân được diễn tả đến cực điểm: đấy là cái chết Thánh Giá và
sự trỗi dậy từ trong cõi chết… Lòng nhân ấy – trong bữa tiệc Thánh
Thể và nơi tất cả các bữa tiệc trần gian khác – cũng phải được
những người tin vào Thiên Chúa đem ra để thi thố với anh chị em mình…
Không có lòng nhân thì không có Lễ… Chính Chúa Giêsu từng dạy: nếu
dâng của Lễ mà chợt nhớ anh chị em mình có điều gì xúc phạm đến
mình và mình còn giận, còn buồn… thì để của lễ lại đó trước bàn
thờ, đi làm hòa với nhau đã… rồi trở lại dâng lễ tiếp (Mt 5, 23-24)…
Và Lễ ở chỗ dám hạ mình làm hòa như vị Thiên Chúa – làm – người hạ
mình chết trên Thánh Giá và ẩn mình cách rất khiêm tốn trong hình
Bánh và Rượu… Lễ trở thành cái thước đo lòng người… Xem có thật sự
biết phải / trái, đúng / sai… để mà sửa mình, nghĩa là hành xử cho
phải đạo: đạo làm người và đạo làm con Chúa…
Ý nghĩa và nội dung cốt lõi của Lạc cũng là như thế: qua Lễ, người
ta vui vì đụng được tới Tình Trời và Tình Người: chung nhau một bàn
tiệc, người ta có thể cười với nhau và nói với nhau những lời chân
thành nhất… trong tư cách là thụ tạo được Thiên Chúa yêu và dựng nên…
Những niềm vui trong ăn uống mà không đưa nhau đến được với yêu thương và
hòa giải, không nâng cao tình nghĩa anh em thì sẽ chỉ là hủy diệt:
xung đột lớn nhỏ, quốc tế hay quốc gia, gia đình hay xã hội… cũng là
ở chuyện ăn uống này…
Lạy Chúa – với tấm bánh không men nhỏ xíu và chút nước cốt nho không
đầy một ngụm – nhưng Chúa là tất cả ý nghĩa và tâm tình của chuyện
ăn và chuyện uống của chúng con… Chúng con cảm tạ và chia sẻ để mọi
người biết rằng: Chúa đang sống và chúng con sống trong Chúa, Chúa
trong chúng con… khi chúng con ăn và uống cho đúng Lễ và Nghĩa…
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp