Chị là “Oshin” – người giúp việc nhà cho một ông chủ
ngoại ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai
nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn..
Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan
khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo: Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn
không? Thưa được ạ, có điều đứa con trai tôi nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ
sợ hãi. Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.
Chị mang theo con trai đến. Đi đường chị nói với nó
rằng : Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm. Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết mẹ làm
Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt
của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2
chiếc xúc xích.
Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi
nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận
không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh
nó làm hỏng buổi lễ của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách : đưa nó
vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ… Đó
có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong suốt buổi tiệc đêm nay. Đặt 2 miếng
xúc xích vừa mua vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với con: Đây là
phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu! Chị dặn con cứ ngồi yên
trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch
sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà nó chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng,
ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ử hát… tự mừng cho mình.
Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị,
gặp chị đang trong bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng: Không biết nó đã chạy đi đằng
nào… Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm điều gì đấy
khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm… Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra,
ông mở cửa, ngây người: Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không
? Thằng bé hồ hởi : Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm,
mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!
Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt
chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp: Con hãy đợi ta nhé.
Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận
tiếp một người khách đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông lấy một ít thức ăn vào cái đĩa to, và mang xuống phòng
vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự… Thằng bé mở cửa… Ông bước vào: Nào chúng ta
cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé. Thằng bé vui sướng lắm. Hai
người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau
nghêu ngao hát nữa chứ… Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ
cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm
chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ… Tất cả
đều thật chân thành, ấm áp!
Nhiều năm tháng qua đi… Cậu bé đã rất thành đạt, trở
nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhưng anh không bao giờ
quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ…
Người viết đã có dịp đọc mẩu chuyện nghĩa
tình này từ khá lâu…và vẫn tự hỏi : có khi nào thật sự có được dăm ba ông chủ nhà
giàu ứng xử đẹp như thế không nhỉ ? Dĩ nhiên là sẽ có rất nhiều người
đọc lặng lẽ mỉm cười : chỉ là “chuyện” thôi mà ! Đúng, chỉ là “chuyện” thôi -
nghĩa là “sản phẩm của tưởng tượng” vậy thôi ! – Đâu mà tệ thế nhỉ ? Chẳng lẽ
lòng tốt thực sự không còn chỗ trên hành tinh trái đất dễ thương này của chúng ta nữa sao ? Người viết không nghĩ
vậy. Chỉ một cầu thủ gãy xương…thì đã nườm nượp khách thăm và quà tặng…Chẳng lẽ
những “bần cùng” không tên không tuổi lại chẳng được một ai để
tâm đến sao ?
Lẩn quẩn trong đầu óc già cỗi của lão niên
bát tuần những suy nghĩ, những câu hỏi vu vơ như thế mỗi khi ngồi trước Thánh
Thể năm mười phút cuối ngày sống lúc mà đầu óc cứ sểnh ra một chút là lang
thang đây đó từ những câu chuyện vui, câu chuyện buồn gặp được trong đời và
trên mạng…
Thôi thì cứ cho câu chuyện “Bữa Tiệc
Đêm Trong Nhà Vệ Sinh” là một mẩu chuyện nhằm ca tụng và khích lệ “lòng
tốt” của “nhân sinh” đi…
Nói đến nhân sinh, người viết liền nghĩ
tới cái quan niệm về cuộc nhân sinh của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim trong một
buổi nói chuyện từ xa xưa lắm rồi…Cụ bảo rằng:
“Người ta sinh ra ở đời, giả cứ như các
loài thú ở trong rừng, đói thì đi tìm ăn, no thì kiếm chỗ nằm nghỉ, chỉ cần có
một ít trí khôn để đi săn bắt các thú khác và để giữ mình trong khi có nguy
nan, rồi cứ sống theo lẽ tự nhiên, để mặc Tạo Hóa xoay vần biến đổi, được thế
nào hay thế , không nghĩ gì đến việc sống chết, không lo gì đến việc còn mất.
Cứ như thế, tôi tưởng cũng xong, mà có lẽ lại có nhiều thú vị hơn trong cuộc
đời này, thấy đầy những cảnh khổ não, làm cho ta phải nhiều nỗi âm thầm đau
đớn, gặp bao nhiêu những sự gian ác giả dối, khiến ta phải ngẩn ngơ, sinh ra
lòng hoài nghi, cho Tạo Hóa là một cuộc hí trường không có ý nghĩa gì cả.
Đó chẳng qua là bởi giống người có trí não,
dễ cảm xúc, hay suy nghĩ. Lúc đầu nhờ có cái TRÍ NÃO ấy mà được nhiều điều
thắng lợi, bắt các loài thú phải phục tùng mà làm việc cho mình, rồi dần dà bày
đặt ra cách nọ thứ kia để cho tiện việc làm ăn và sắp đặt thành đoàn-thể xã-
hội, có luật lệ, có luân lý, nghiễm nhiên chiếm giữ lấy cái địa vị chủ nhân ông
trong thế gian.. Nhưng Tạo-Hóa lại lừa lọc, đem cái ảo tưởng làm cho giống
người mê muội, khiến phải chầy- chật (trầy trật) trong cuộc nhân sinh. Ấy mới
thành ra bao nhiêu cái vấn đề bắt buộc người ta phải băn khoăn tìm tòi…Nhưng hễ
tìm ra được mối này thì lại mất mối nọ, tựa như mắc phải lưới, lẩn quẩn loanh
quanh, không sao gỡ ra được…
Song cuộc đời dù hay dù dở thế nào, ta
không thể tránh khỏi được. Ta chỉ biết cuộc đời đã có thì ta phải tìm lấy một
con đường để mà đi, mà hành động cho
đúng cái LẼ PHẢI và cho khỏi uổng mất sự sống của ta.
Trong những cái vấn đề nó bắt ta phải để ý
mà suy nghĩ, mà tìm tòi đó, có cái vấn đề NHÂN SINH là hệ trọng hơn cả. Nhân
sinh là người sống ở đời. Sống để làm gì ? Tại làm sao mà sống ? Sống thế nào
cho phải ? Sống rồi lại chết : chết thì đi đâu ? Đấy là mấy câu hỏi không bao
giờ người ta không nghĩ đến.Mà càng nghĩ, càng không tìm thấy câu trả lời…”
Còn cụ Nguyễn Công Trứ …thì lại ngân nga :
Ôi – nhân sinh là thế ấy.
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi,
như chiêm bao…
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
Vừa tỉnh giấc…nồi kê chửa chín !!!
Cụ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng diễn tả
nhân sinh rất thật :
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê
Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rõ kỳ khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh
Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương ( Cung Oán Ngâm Khúc)…
Còn trong Tin Mừng thì Chúa Giêsu dạy :
Có người trong đám đông nói với
Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho
tôi.” 14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay
người chia gia tài cho các anh ?”
15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ
mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được
bảo đảm nhờ của cải đâu.”
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú
hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây ? Vì còn
chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’
18 Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những
cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải
mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của
cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’
20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay,
người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’
21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm
giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12 , 13 -21)
Hay :
Khi ấy, Đức Giê-su nói với người
Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc,
ngày ngày yến tiệc linh đình.
20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt
đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống
mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem
vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước
mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng
tổ phụ.
24 Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin
thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi
con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’
25 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời
con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn
những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu
khốn khổ.
26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực
thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có
qua bên chúng ta đây cũng không được.’
27 “Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ
phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến
cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’
29 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ,
thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’
30 Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không
chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám
hối.’
31 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn
chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”(Lc 16 , 19 – 31)
Cái nhân sinh Kitô giáo khá là rõ ràng, không hề
“bóng đèn, mây nổi, gió thổi, chiêm bao” chút nào, và cũng không hề “ bọt
trong bể khổ, bèo đầu bến mê”, hoặc
“bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” chút nào, ngược lại rõ ràng,
rất rõ ràng là “ kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” thì thưa bạn, “đêm nay người
ta sẽ đòi mạng ngươi và những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ???”…
Cũng đừng
nghĩ đến chuyện xin Chúa cho người chết về “báo mộng” để cảnh giác anh
chị em mình, bởi “ Chúng đã có Môisen và các ngôn sứ…thì chúng cứ nghe lời
các vị ấy ” và “ Môisen và các ngôn sứ mà chúng không chịu nghe thì người chết có sống lại chúng cũng chẳng chịu tin !”…
Mặt đất
trần gian từ sau tiếng nổ Big Bang cho đến thời của Chúa Giêsu và… cho đến hôm
nay ngập ngụa những rác rến về mọi mặt…Càng phát triển, rác rến càng chất chồng:
rác rến do sinh hoạt buông thả, rác rến từ những đầu óc bệnh hoạn, rác rến trên
đất, rác rến dưới biển, thậm chí rác rến cả trong không gian…Chính vi vậy mà
cái nhân sinh trở thành một mớ bòng bong không
đường lần, không lối gỡ…
Giáo Hội
vâng lời Chúa mang lại cho nhân loại Năm
Hồng Ân – Năm Thánh 2025 – Năm
của “Những Người Hành Hương của
Hy Vọng” – với
ước mong con người “ôm” lấy nhau và cùng nhau bám víu vào
Niềm Hy Vọng nơi Đấng Cứu Thế để nỗ lực cho nhau có được một cuộc sống xanh –
sạch – đẹp cả trong lẫn ngoài, cả tinh thần lẫn thể xác, cả con tim lẫn hành
động...Phải chăng đấy chẳng là sự nỗ lực trong hôm nay từng ngày để có được một
hành tinh thuần khiết cho tương lai…Sứ điệp Kitô giáo gửi “Dear Future” là
vậy…Bởi Đấng Vô Cùng đã chấp nhận mặc lấy thân xác phàm nhân, đi vào cái cõi
trần ô trọc vốn chẳng thơm tho chi…và dĩ nhiên là kém xa cái nơi dọn “Bữa Tiệc Đêm” hi hữu cho chú nhóc trong câu
chuyện được mượn để đi vào những suy nghĩ hôm nay…
Năm Ất Tỵ
- 2025 này nhuận hai tháng sáu âm lịch – nghĩa là dài hơn bình thường, đồng
thời cũng hai lần đón tiết Lập Xuân : lần I vào ngày 3/2/2025 tức mùng 6 tháng
giêng Ất Tỵ và lần 2 vào ngày 4/2/2026 tức ngày 17 tháng chạp năm Ất Tỵ…Vậy là
con rắn hai đầu Ất Tỵ này – theo truyền thuyết – sẽ mang lại cho thế gian sự
hài hòa, cân bằng Trời và Đất, sự hòa hợp Âm và Dương : - một đầu tượng trưng
cho ánh sáng, mang theo niềm hy vọng và lòng dũng cảm; – một
đầu tượng trưng cho bóng tối, thử thách, khó khăn và cám dỗ cần phải vượt qua…
Sự trở
lại của “thần thú” này – theo Kinh Dịch – là sự nhắc nhớ chúng ta rằng
chỉ cần trong con tim chúng ta có ánh sáng và giữ ánh sáng thì khó khăn nào rồi
cũng vượt qua, bóng tối nào cũng bị xua tan…
Lạy Cha rất nhân từ,
Cảm tạ Cha đã ban cho chúng con Năm Mới
Ất Tỵ - Năm Thánh 2025 này…
Xin Cha xuống ơn bình an cho gia đình
nhân loại chúng con.
Chúng con nguyện trung tín với Lời của
Cha.
Chúng con nguyện chia cơm sẻ áo cho nhau
và cho những anh chị em thiếu thốn quanh chúng con.
Cùng với nhau và trong tình yêu mến, cậy
trông, chúng con thực hiện cuộc Hành Hương Năm Thánh trong tư thế của những
người Lữ Hành Hy Vọng ở từng ngày sống với Cha, với Đức Kitô, trong Chúa Thánh
Thần…và cùng nhau hướng về Mùa Xuân Vĩnh Cửu…Amen
Chúc mừng Năm Mới Ất Tỵ…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp