Chị là Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thùy Vân Thảo, Giảng viên Trường Ðại học Y
Dược TP.HCM, người có nhiều năm gắn bó với công việc dạy Giáo lý. Đến nay, sau
10 năm quàng trên vai chiếc khăn Huynh trưởng, chị đang
đứng lớp ngành Nghĩa sĩ (Bao đồng 2) tại Giáo xứ Bàn Cờ, quận 3. "Với
tôi, Khoa Học là chứng thực của Đức Tin", chị khẳng định.
Chị Vân Thảo đều đặn làm công việc của một Huynh trưởng - Giáo lý viên vào
các Chúa Nhật như thường lệ. Còn lịch làm việc hằng ngày của chị là sáng khám
chữa bệnh tại Khoa Nhi, Bệnh viện Nhi đồng I, chiều đứng lớp trên giảng đường
Đại học, tham gia các sự kiện, hội nghị quốc tế. Chị còn hoạt động tích cực
trong giới Bác sĩ Công giáo và thường xuất hiện trong những clip về Sức khỏe
Gia đình của Tổng Giáo phận.
Dù bận rộn với bao công việc như vậy, chị vẫn luôn duy trì những buổi dạy
Giáo lý vì cho rằng, một người làm khoa học có nhiều lợi thế khi dạy Giáo lý.
"Tôi nhận thức rõ về giới hạn của con người. Hằng ngày cận kề nhiều hoàn
cảnh trong bệnh viện, nơi chứng kiến lằn ranh giữa sự sống và cái chết, những
ơn lành cùng "phép lạ nhãn tiền" càng giúp tôi có những bằng chứng
sống động để chia sẻ với các em ở lớp Giáo lý."
Vừa là Bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhi, Giảng viên truyền thụ kiến thức
cho các bác sĩ tương lai, vừa là Giáo lý viên gieo mầm Đức Tin cho các em thiếu
nhi, với chị Vân Thảo là một trách nhiệm không hề nhẹ nhàng, dễ dàng cùng lúc
gánh vác. Nhưng chị xác tín một niềm tin, rằng "Tôi được kêu gọi làm công
việc chữa lành và giảng dạy về cả Khoa Học và Đức Tin. Chắc chắn Chúa sẽ không
để tôi bị thử thách quá sức, nên tôi vẫn luôn cố gắng."
Từng có thời gian, chị Thảo tạm ngưng sinh hoạt Giáo xứ để lo hoàn thành
chương trình nghiên cứu sinh và lấy học vị Tiến sĩ Y khoa, nhưng vừa xong là
chị trở lại Xứ đoàn với các em thiếu nhi liền. Vì là Bác sĩ Nhi khoa nên chị
cũng hiểu rõ tâm lý trẻ em và tham gia khám chữa bệnh mỗi khi Xứ đoàn tổ chức
trại hè, dã ngoại cho các em. Giáo xứ đang có kế hoạch tổ chức lớp học sơ cứu
do Bác sĩ - Giáo lý viên Vân Thảo hướng dẫn, nhằm trang bị cho thiếu nhi kỹ
năng cần thiết bảo vệ sức khỏe bản thân và mọi người xung quanh.
Có nhiều lúc, áp lực công việc quá cao, khiến chị Thảo từng có ý định tạm
dừng làm Giảng viên Đại học, nhưng chị chưa bao giờ nghĩ là "sẽ bỏ việc
dạy Giáo lý". Chị chân tình: "Dạy Giáo lý không phải mất quá nhiều
thời gian, vì với tôi, đó là những buổi lắng nghe, trò chuyện và chia sẻ những
trải nghiệm về Đức Tin. Tôi cũng không truyền đạt một chiều mà trước hết cần
làm gương. Và trên hết, đó là tinh thần trách nhiệm - một trong những nhân đức
cơ bản cần có để có thể làm bất cứ công việc gì."
Người viết nghĩ rằng trong thế giới những người tin Chúa…thì hiện nay, trên
đất nước này , không ít những người học hành tới nơi tới chốn, không ít những
người có chuyên môn vững và khá là chuyên sâu trong nhiều nhiều những lãnh vực,
không ít người có những bằng cấp cao, có giá trị về nhiều lãnh vực…Người viết
không muốn nói đến những lãnh vực chuyên môn trong tôn giáo, bởi hàng giáo sĩ,
các tu sĩ nam nữ - thời gian sau này – đã được gửi đi nhiều nơi để học hỏi, để
nghiên cứu rất tốt…Người viết chỉ muốn chia sẻ sự ngưỡng mộ của mình với người
bạn trẻ - Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thùy Vân Thảo – về sự chọn lựa tuyệt vời của
bạn, nhất là khi thấy bạn ung dung trong bộ đồng phục Thiếu Nhi Thánh Thể với
nếp khăn quàng Huynh Trưởng để đứng lớp cho các em cách bình thản và bình
thường…Ngưới viết rất tin tưởng ở những chia sẻ của bạn : “Tôi nhận thức rõ
về giới hạn của con người . Hằng ngày cận kề nhiều hoàn cảnh trong bệnh viện,
nơi chứng kiến lằn ranh giữa sự sống và cái chết…Những ơn lành cùng những “phép
lạ nhãn tiền” càng giúp tôi có những bằng chứng sống động để chia sẻ với các em
ở lớp Giáo lý”… Người viết có quyền để tin rằng lớp Giáo lý bạn phụ trách
chắc chắn là hấp dẫn lắm với những chia sẻ trải nghiệm sống của bạn…Người viết
cũng không biết là bạn đã có gia đình chưa ? Nếu chưa…thì cũng tạ ơn Chúa, bởi
bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho sứ vụ tông đồ giáo dân bạn quyết tâm dấn
thân…Và nếu đã có rồi…thì xin cho người viết được nghiêng mình trân trọng sự hy
sinh và cảm thông của những người thân thương trong gia đình chung cũng như
riêng đã hy sinh nhiều vì trân trọng ý muốn phục vụ của bạn…
Người viết có 40 năm làm việc tại các giáo xứ được Bề Trên sai đến…Có lẽ
khoảng hai mươi năm đầu – từ 1975 đến
1995 – việc hình thành lớp lang và giảng dạy giáo lý là chuyện không thể…Thế
nhưng ngay khi hoàn cảnh rộng rãi hơn một chút thì Giáo xứ đã nghĩ và có thể
nói là đặt ưu tiên cho việc huấn luyện các giáo lý viên và mở các lớp giáo
lý…Lớp giáo lý viên đầu tiên, ngoài thời gian huấn luyện theo chương trình
chung của Giáo Phận, mỗi tuần Giáo xứ trực tiếp giúp các bạn hai giờ về kỹ năng
đứng lớp và về nhân bản…Sau này các bạn ấy – khi thành nhân – mặc dù việc học
hành trường lớp không bao nhiêu, nhưng vẫn đủ tự tin để tiếp tục đóng góp công
sức của mình trong các Hội Đoàn Tông Đồ Giáo Dân, đặc biệt là Hội Đồng Mục Vụ
của Giáo xứ…Thế nhưng rồi qua các Giáo xứ khác, công việc không được thuận lợi
bao nhiêu…Lý do là vì việc huấn luyện giáo lý viên không được quan tâm…Phần lớn
chỉ là nhắm xem anh chị nào có vẻ siêng năng lễ lạy…thì mời vào…Những người có
trách nhiệm cũng không còn nghĩ đến chuyện chăm sóc họ kỹ hơn, không tạo điều
kiện để họ có kiến thức và vốn liếng sống cũng như những kỹ năng cần thiết
trong việc giảng dạy về Chúa cho các em…Dần dần con số học viên ngày càng lèo
tèo làm nản lòng cả người dạy lẫn người học…Đơn giản vì người dạy chỉ gói ghém
việc giảng dạy trong khuôn khổ bài giảng từ những trang viết khô cứng của sách
vở, và người học thì cả tuần đã quá ư mệt mỏi với cặp sách nặng nề mỗi ngày vác
đến trường, còn lại ngày Chúa Nhật vui vẻ…mà vẫn không thoát được những trang
sách…thì quả thực là quá ư tội nghiệp…Chính vì thế mà cả thầy lẫn trò ná thở
với nhau để cùng nhau qua cầu nhằm mục
đích nhận lãnh các bí ích rồi lơ dần cho đến khi bộn bề công việc và mất hứng
trong đời sống dức tin…Đấy phải chăng không là nguyên nhân của các Thánh Lễ
Chúa Nhật gốc cây, Thánh Lễ ôm khá là phổ biến ở đây/đó…Hiện nay thì nơi nơi
đang có “cái thú” thi nhau xây dựng Trung Tâm Mục Vụ : cấp Giáo
Phận thì so sánh mình với tầm cỡ Đông Nam Á, cấp Giáo Xứ thì ngang ngửa nơi
này/nơi khác…Mới đây có dịp đọc mẩu chuyện của một vị Hiệp Sĩ Giáo Hoàng gốc
An-nam cho biết con số kinh khủng 18, 20 tỷ dollars từ bên ngoài gửi về cho
chuyện xây dựng Giáo Hội tại quê
hương…Tuyệt vời và tốt thôi, nhưng những công trình ấy có đáp ứng được các nhu
cầu thiết thực trong các Giáo Phận, Giáo Xứ hay chỉ là để “khoe”…và
sau đó hư hỏng dần theo thời gian??? Có Giáo Phận kia – nghèo thôi và cách đây
cũng đã khá nhiều năm rồi – học đòi để xây dựng Tòa Giám Mục vài trăm phòng…rồi
treo cái bảng Trung Tâm Mục Vụ để che mắt Bề Trên…Vài trăm phòng ấy nay chắc
chắn đã xuống cấp, bởi một năm chỉ sử dụng vài dịp cho việc tĩnh tâm Linh mục
Giáo phận hay các khóa Thần Học dành cho Nữ tu dịp hè…Các khóa huấn luyện, tĩnh
tâm hay sinh hoạt của Hội Đồng Giáo Xứ,
Giáo Lý viên, Ca Trưởng…bị từ chối, lý do sợ hư hỏng !!! Người viết cũng nghe
phong phanh một Giáo Phận khác sắp sửa khánh thành Trung Tâm Mục Vụ tầm cỡ Đông
Nam Á trong khi con số giáo dân trong Giáo Phận - thập niên 80/90 – nhiều Giáo
xứ vỏn vẹn vài chục người đến độ có Cha xứ nói đùa là ngay cả những đứa trẻ còn
bú mẹ cũng chễm chệ trên ghế…mà vẫn dư
ghế ngồi…Thống kê năm 2019 cho thấy cả Giáo Phận 9.773 cây số vuông mà chỉ có
khoảng 63.070 giáo dân – nghĩa là khoảng 3,29% : một trong sáu Giáo Phận ít
giáo dân nhất…Mong rằng nếu có cái Trung Tâm tầm cỡ Đông Nam Á thật…thì xin tìm
cách dùng cho hết công sức…kẻo tội nghiệp mồ hôi nước mắt của bà con năm châu…và
lại bị ông nọ/bà kia…nêu tên để kể công !!!
Thật ra thì ai ai cũng thấy việc giảng dạy Giáo lý cho các lứa tuổi là sự
cần thiết sống còn cho sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội Chúa và là bổn
phận cốt yếu của hàng Giáo sĩ làm mục vụ tại các Giáo xứ…Tuy nhiên CÔNG
và SỨC bỏ ra cho công việc tối quan trọng ấy thì chưa bao nhiêu và vẫn
chưa đúng mức, chưa hết sức…như Chúa muốn…Rất nhiều lý do được đưa ra, nhưng lý
do duy nhất là chúng ta - mọi tầng lớp con cái Chúa – chúng ta vẫn chưa hết
mình…Ước mong sao hình ảnh người Huynh Trưởng
Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thùy Vân Thảo trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều
nhiều những dấn thân loan báo Tin Mừng có hiệu năng và hiệu lực nơi phố thị
cũng như tại các thôn làng…Tuy nhiên quý Cha Sở và Cha Phó vẫn luôn luôn là bệ
phóng…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp