Người viết – nhân ý muốn nói về câu chuyện
“quét sân” – nên lướt lui lướt tới để tìm cho ra hình ảnh một Linh mục quét
sân, nhưng vô phương…Ngược lại, các vị tu sĩ Nhà Chùa thì lại có được những
hình ảnh như thế…Chứng tỏ hàng giáo sĩ chúng ta hình như không có và không nghĩ
mình có “bổn phận” phải quét sân – quét phòng mình ở thì có lẽ là có – nhưng
quét cái sân “nhà chung” thì…
Thế rồi chợt nhìn thấy cái hình họa dễ thương,
mộc mạc trên đây…và người viết “mê”, vì nó quá phù hợp với công việc hôm nay
người viết vẫn làm là : sau khi dâng Thánh Lễ đầu ngày với các Đấng các Bậc
trong Nhà Hưu…thì – thay vì ngồi lại bên Chúa Thánh Thể để “trầm tư mặc tưởng”
một cách rất nghiêm túc và kiểu cách – người viết đi quét sân…và đã có đôi ba
suy nghĩ muốn chia sẻ trong tuần này nhằm có chút thay đổi bầu khí quá ư “lạnh
lùng” của các nhà truyền giáo Hội Thừa Sai Paris…Chỉ có điều khi chọn hình họa
này, người viết thấy kèm theo một ghi chú “Có thể có bản quyền – xin nghiên cứu
!” …Vì thế cho nên mong tác giả họa hình cho phép mượn để giãi bày…Hơn nữa nó lại
là họa hình của một bài thơ của tác giả Khuyết Danh…mà người viết rất thích bốn câu kết :
Đời
giờ bình bát, lá y -
Mốt
mai về núi thèm chi nợ đời…
Sư
thầm niệm Phật trên môi -
Đài
cao Phật tượng mỉm cười vô ngôn…
Riêng người viết mượn hình họa để nói chuyện
“quét sân”…
Thật ra và đương nhiên là chuyện “quét sân”…thì
không phải và không hề là chuyện “to”…To tát gì đâu cái chuyện ngày ngày gom lá
trên khoảnh sân trên dưới một trăm mét vuông…rồi hốt vào cái “xô” nhựa…đem đi đổ
vào xe rác…Thế thôi…
Thế thôi nhưng cũng có chuyện để mà múa bút…
Đầu tiên là – như đã nói ở trên – hình như các
Đấng các Bậc nhà mình ít hoặc không hề quan tâm đến chuyện “quét sân”, bởi đã
có người lo chuyện ấy rồi – hoặc là các Hội Đoàn chia nhau công tác hoặc một vài nơi – nhất là các Giáo xứ thành
phố - không ai lo…thì gom tiền thuê người…Tuy nhiên quét sân – về mặt thể lý –
giúp rất nhiều cho sức khỏe bản thân , và - về mặt tâm lý – mang lại niềm vui ban đầu thì
in ít, nhưng càng ngày càng thấy nhiều hơn, bởi sau khi đã hốt lá vàng, rác rưởi
vào xô, chống chổi…đưa tầm mắt nhìn quanh, thấy khoảnh sân như rộng hơn, mát
hơn…Cái sân bê-tông mà còn như thế huống là cái sân “lòng mình”…Quét và thật sự
muốn quét…thì chắc chắn sẽ làm cho cái sân “ lòng “ thoáng mát, rộng rãi và –
dĩ nhiên – là sạch hơn…
Thứ đến, quét sân…thì người ta thường dùng cái
“chổi chà” bằng cọng tre chẻ, cọng dừa…để dễ quét lá hơn…nhưng cũng có cái dở
là nặng tay…và thật ra cũng tùy sự thuận tay của mỗi người quét…Bản thân người
viết thích dùng cái chổi bình thường…Nó vừa tay, nhẹ nhàng…và dễ sử dụng…Có lần
– khi còn ở Nhà Hưu Linh Mục ở Nha Trang – người viết rất thích thú thấy các chị
Nữ tu hai tay dùng hai cái chổi, vừa đi vừa nhẹ nhàng múa… tay này/tay kia…Thế
má rác rến cũng thay nhau dồn đống lại để được hốt vào xô…Thì ra – nếu muốn –
việc “quét sân” cũng có thể là một vũ điệu…Cách đây vài ngày, trong khi quét
sân, người viết chợt ngắm cái chổi : trước đây, muốn có một cái chổi, người ta
vất vả hơn nhiều vì phải gom thu bông đót để làm phần mềm của chổi, thân đót để
làm phần cán…Rồi bện, rồi đan, rồi buộc…Có lẽ khoảng trên dưới mươi năm trở lại
đây, phần cán được đúc bằng nhựa, bền, chắc…Để gắn phần bông đót với cán nhựa, người ta dùng sáu con
vít, mỗi bên ba con…và chắc “như đinh đóng cột !”...Người viết ngắm cái phần
bông đót và thâm cầu nguyện xin Chúa trả công cho những bộ óc nào đó ở cái thủa
xa tít xa…đã có sáng kiến dùng nó để làm chổi quét nhà, quét sân…và sáng kiến ấy
chắc chắn sẽ tồn tại mãi mãi, bởi dù người ta có nghĩ đến bất cứ một sáng kiến
mới mẻ, tân kỳ nào khác – chằng hạn chổi lau nhà, máy lau nhà – thì cái phần để
mà lau, mà quét…nó vẫn phải dựa trên sáng kiến thủa ban đầu…và được cải tiến dần…cho
thuận lợi và tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức…Ôi ! có gì lớn lao lắm
đâu…thế mà là chuyện của thiên thu…dù chẳng mấy ai để ý đến…Cho nên cái việc
quét sân hôm nay và từng ngày của người viết…cũng là và phải là chuyện của
thiên thu…”Quét sân” và “quét lòng” : thiên thu quá đi chứ…
Lại nữa, mỗi lát chổi đưa, đám lá vàng lả tả…với
những âm thanh có vẻ như reo vui…Reo vui bới bàn tay của ai đó đưa chúng vào chỗ
dành cho chúng – dù chỗ ấy chỉ là chiếc xe đẩy rác…Chúng sẽ không còn vật vờ
trên sân, trên đường…gây chướng và bẩn mắt…Công việc nhỏ nhoi thôi, nhưng ý muốn
thì vô cùng : dọn sach môi - trường sống…Nói đến môi-trường…là nói đến những
phong trào, những kế - hoạch, những thiện tâm thiện chí và thiện nguyện…Quay
phim, bình luận…Những kế - hoạch to lớn như thế…làm sao người “quét sân”
nhà…dám nghĩ đến…vì đã hết thời và hết sức…Thật là tuyệt vời những người trẻ với
năng lượng trẻ…Người viết muốn “quét sân” Nhà Hưu, bởi vì phía người viết ở,
khoảng sân thông thoáng hơn…nên có được hai cây vối cổ thụ…và dăm cây bằng lăng
tím…Có cây, có lá để uống, có bóng mát…và có cả bông tím bằng lăng để mơ mộng…thì
chuyện quét sân là chuyện đương nhiên phải làm : làm để có sự công bằng với
phía bên kia đã đành…mà còn làm để thấy lòng mỉnh rộng, mở và – dủ đã ở tuổi
tính bằng giờ - nhưng vẫn còn mầu tím để mơ, để mộng : mầu tím Huế và mầu tím
Áo Lễ…Bấy nhiêu thôi cũng đã là hài lòng lắm rồi…
Ông nhạc sĩ “Danh Bất Hư Truyền” khi viết về
chuyện “Đại Bác Ru Đêm” cũng có nói đến hình ảnh “người phu quét đường dựng chổi
đứng nghe”…và nghe tiếng đại bác…với quá nhiều những nỗi buồn – thậm chí hốt hoảng
hay khóc thét…Người viết ngày xưa – khi vừa phủi đít rời ghế nhà trường Trung Học
– thì đã được sai đến để “đi giúp” ở một Giáo xứ vùng “xôi thịt” ngày là của
bên này và đêm là của bên kia…cũng thường xuyên được nghe tiếng đại bác – không
ru – nhưng cứ “ục” một cái…và liên tục réo xèo xèo…rồi “ầm”…Lúc đầu cũng thấy
khó ngủ, nhưng – cám ơn Chúa – chi vài tuần thôi thì không còn nghĩ ngợi gì nữa…
“Tuổi ăn tuổi ngủ” mà…Mười chín tuổi đầu chứ mấy…Vậy mà trụ được tròn hai năm ở
cái vùng “ đại bác ru đêm” ấy đấy…
Thế nhưng bốn câu lục bát của tác giả Khuyết
Danh – nơi người viết mượn bức họa ảnh – thì thật là thích thú :
Bây
giờ bình bát, lá y
Mốt
mai về núi thèm chi nợ đời…
Sư
thầm niệm Phật trên môi
Đài
cao Phật tượng mỉm cười vô ngôn…
Bản thân người viết là “đệ tử ngoài luồng” của
Vị Phật Cười…
Lm Giuse Ngô – Mạnh - Điệp – Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
và 48 năm Hồng Ân…