Cha nghĩ thế nào về một tôn giáo thuần túy ?
Tôn giáo thuần túy hay tinh tuyền ư ? Đấy không phải
là kiểu nói do tôi nghĩ ra đâu, nhưng các bạn tìm thấy kiểu nói ấy trong thư của
tông đồ Giacôbê (1,27) : “Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt
Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình
cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” . Chiều kích đạo đức học của tuyên bố này quả
thật là không thể chối cãi được…Ngược lại,
nếu bạn muốn nói rằng “ tôn giáo thuần túy” hay “lòng đạo đức tinh tuyền”
…chỉ đơn giản là việc “thực thi bác ái” theo nghĩa mơ hồ nhất của kiểu nói
này…thì tôi không dám bảo đảm với bạn rằng điều ấy đã thực sự diễn tả đúng ý của
thánh Giacôbê! Nhưng sẽ không có lòng đạo đức thật hay tôn giáo thuần túy…nếu
không có có việc thực thi đức ái đến độ – hiểu theo nghĩa rộng và tuyệt đối của
đức ái của Tin Mừng – đức ái có thể thay thế cho lòng đạo đức, và tôi có thể đảm
bảo với bạn rằng điều ấy với tôi có thế thay thế cho lòng “đạo đức tinh tuyền”…Thế
nhưng, thưa bạn, người ta còn ở rất rất xa với tình yêu hiểu theo ý nghĩa vô
cùng mơ hồ của hạn từ này…Xa đến độ chính bạn cũng không tưởng tượng được…
Không hẳn là một hạn từ quá ư mơ hồ đâu, nhưng là hạn
từ được chia sẻ nhiều nhất, có lẽ còn nhiều hơn cả hạn từ “Kitô giáo” nữa đó…
Được chia sẻ nhiều nhất ư…Có thực sự hạn từ ấy được
chia sẻ nhiều đến thế không ? Bất cứ nơi đâu mà bạn thật sự nhìn thấy một ai đó
bận rộn với việc phục vụ người khác, thì tôi có thể cam đoan với bạn rằng ở đấy
tôi nhận ra một con người tin, cho dù đức tin của người ấy không được diễn tả giống
như trong bất cứ một văn bản huấn giáo nào cả…Một con người tin (tôi không bảo
là một Kitô hữu đâu nhé), tại sao ? Bởi nơi anh ta có một thứ hành trình đi ra
khỏi chính mình để hướng đến tha nhân, hướng đến một con người khác được nhận
ra như một con người siêu việt…Và cho dù con người ấy cứ một mực chối từ “ Thiên
Chúa ư? Tôi không biết Người”…thì việc làm của anh ta vẫn là một chuyển động của đức tin.Tôi muốn nói rằng
qua chuyển động ấy, một cách đơn giản,
anh ta có thể tự thuyết phục mình rằng chính với con đường rất riêng của nhân
tính mà anh ta dấn thân để có thể phát triển nhân tính nơi tha nhân…Tôi không
dám chắc rằng có thể ép anh ta chuyển thành những cách diễn tả mang tính tôn
giáo những gì trong nhận thức của mình, anh ta coi đấy chỉ đơn thuần là một bổn
phận đơn giản của con người vậy thôi ! Nhưng , trong mắt tôi, anh ta đã ở trong
một chuyển động của sự siêu việt và , đối với tôi, đấy chính là đức tin, trong
một ý nghĩa rộng, tôi muốn bạn đồng ý với tôi như thế; dĩ nhiên đức tin không
chỉ là như vậy, nhưng việc chấp nhận quên mình vì lợi ích của tha nhân…thì đấy cũng
đã là đức tin rồi…
Lúc nãy bạn đã hỏi tôi : “Tin vào Thiên Chúa nghĩa là
gì ? Làm sao người ta có thể định nghĩa được về Thiên Chúa ? Làm sao người ta
có thể định nghĩa được về đức tin?” Tôi không nghĩ rằng tất cả những điều ấy có
thể định nghĩa được đâu…Trước đây, các Bậc Hiền Triết xưa – cả các thần học gia
Do thái lẫn Công giáo cũng như các triết gia phái Khắc kỷ - tất cả họ đều nói rằng
Thiên Chúa là Đấng không thể gọi tên…Và nếu Người là Đấng không thể gọi tên thì
cũng có nghĩa Người là Đấng người ta không thể hiểu được…Người ta nghĩ đến Người
nhưng không thể đóng khung Người trong một ý niệm…Tuy nhiên người ta nghĩ đến Người; và điều đó cho thấy
là con người cũng có được một sự siêu việt nào đó…Họ tuyên xưng Thiên Chúa bởi
vì họ cảm nhận có một sự vượt trổi vô cùng vô tận vượt lên trên mình…Đức tin
cũng vậy bạn ạ : tôi có thể thao thao bất tuyệt về đức tin, tuy nhiên tôi không
dám bảo đảm rằng tôi có ý thức thực sự đủ
về đức tin của tôi hay không, tôi có thể trình bày được về điều khiến
tôi tin hay không, tôi có thể diễn tả được về điều đã xảy ra trong tôi khi tôi
chiêm ngưỡng đức tin của mình hay không, và chẳng may có những lúc tôi thấy
nghi ngờ, tôi có cảm thấy mình được trở nên mạnh mẽ với một hành vi hay một cảm
xúc của đức tin ở nơi mình hay không…Tin có nghĩa là cảm thấy mình bị tóm bắt bởi
một sức mạnh, một xung động, một Hiện Diện,
mà người ta có thể chối từ, nhưng người ta lại để cho mình bị nắm bắt và cuốn
hút về phận số của riêng mình…
Nếu lúc này tôi trở lại với đức tin theo “nghĩa rộng”,
nghĩa là một cảm xúc về sự siêu việt nhưng không đưa đến việc tôn vinh Thiên
Chúa…thì phải chăng tôi nhìn thấy ở tình trạng ấy một tương lai của Kitô giáo ?
Có thể là như vậy đấy nhưng với điều kiện là cảm xúc ấy phải do những người tin
vào sự siêu việt theo nghĩa mạnh và chính xác của hạn từ chủ trương, tức là sự
siêu việt bắt nguồn từ chính Thiên Chúa…như nhũng gì mà người ta mới nói đến
đây thôi…Bởi vì cái cảm xúc về một sự siêu việt có thể biến thoái dần dần và biến
mất luôn, mất đi cái “gu” của siêu việt, mất đi cái đà và ý nghĩa của vô cùng…nếu
nó không thường xuyên tái phát sinh từ cội
nguồn thần linh của mình…Đấy chính là Kitô giáo – Kitô giáo vốn được hổ
trợ bởi tất cả những gì đã thu gom được từ trong Cựu Ước và trong triết học Hy
lạp, và – qua tư tưởng của phương tây - đã mang lại cái đà cho sự nhận biết về
phẩm giá của con người cũng như của tất cả các “giá trị” mà chúng ta gán cho hạn
từ con người…Các Kitô hữu ở thế kỷ II đã khoe với bà con lương dân có học thức
về tâm tình đạo đức có được nhờ Tin Mừng…Họ quả quyết rằng họ đã học hỏi và am
hiểu nhờ “ ngôi Trường của Logos (nghĩa là ngôi trường của Lời, hay của Lý Trí
thần linh)”, tức là từ Đức Kitô…mà họ nhận biết rằng giáo thuyết của Người là
“Triết Lý thật”. Qua đó họ muốn chứng minh rằng tư tưởng Tin Mừng chứa đựng một
điều gì đó gợi lên, nuôi dưỡng và duy trì việc suy tư triết học mà con người cần để thực sự tự biết mình và hướng
cái phận số của mình về những mục đích chân thật…Kitô giáo đã lan tỏa những
công sức và mùa màng Tin Mừng của mình
trong tư tưởng phương tây như vậy đó…Và
cũng chính vì thế mà Kitô giáo phải tiếp tục duy trì mối tương quan với tư tưởng
phương tây. Không phải là để nhận biết
những gì Kitô giáo và Tây phương đã từng có với nhau…để rồi có sự phối hợp hay
đáp trả thế này/thế khác…nhưng là để Kitô giáo giữ cho mình cái đà đưa đến sự
siêu việt, đưa đến cái “gu” của vô cùng, đưa đến sự nhiệt tình nhiệt tâm với
tuyệt đối, đưa đến tình yêu vô điều kiện và hòan toàn nhưng không mà Tin Mừng
đã trân trọng gán cho Danh của Thiên Chúa…
Vậy thì, thưa cha, ngày nay người ta sẽ phải định
nghĩa như thế nào về người Kitô hữu? Là Kitô hữu nghĩa là gì ? Và chung chung
là - ở trong lòng Giáo Hội Công giáo -
ngoại trừ những người vẫn cố gắng để bày tỏ một sự chống đối thẳng thắn
– những nhóm người không còn chia sẻ với nhau bao nhiêu nữa, họ có còn chung
chia vơi nhau một danh xưng : danh xưng Kitô hữu nữa không ?
Bạn đừng vội khó chịu như thế : tình trạng bạn vừa nói
đến đó đã là như thế ngay ở buổi đầu của Giáo Hội rồi ! Đương nhiên là có rất
nhiều những phương thức khác nhau để diễn đạt về người Kitô hữu hay để người
Kitô hữu tự diễn đạt về mình , tùy ở cách thế mà người ta quan tâm đến những đặc
thù của nhiều phương thức tuyên xưng về tư cách Kitô hữu khác nhau –theo thời gian, những phương cách tuyên xưng này dần dần tách
biệt nhau, hay những cảm thụ tôn giáo khác nhau hiện vẫn đang tạo nên những bất
đồng ngay trong lòng cộng đồng bà con giáo dân Công giáo…Nếu bạn qui chiếu về
những tranh luận xảy ra vào buổi đấu thế kỷ trước đây …thì ngoài những tranh luận
về sự tách biệt giữa Giáo Hội với Chính quyền, trong giới bà con ngoài Công
giáo vẫn thường kháo với nhau rằng : người Công giáo là ai đó luôn sống vâng phục
Đức Giáo Hoàng…Cho đến bây giờ, rất nhiều người vẫn định nghĩa về người Kitô hữu
như thế…Thế nhưng bạn biết rồi đấy, định nghĩa ấy không thích đáng !
Tại sao Cha lại cho rằng cái tiêu chuẩn ấy không thích đáng đối với Cha ?
Là Kitô hữu nghĩa là người đọc Tin Mừng trong một cộng
đoàn để rồi chuyển dịch những gì mình đọc thành các hành động, các hành vi
trong đời sống thường nhật của mình. Trong một cộng đoàn bao gồm những người
Kitô hữu thì…chắc chắn là luôn ở trong tình trạng sẵn sàng mở rộng cửa đối với
những người khác, bởi vì Tin Mừng là sứ vụ, là được sai đi vào lòng thế giới,
và vào tất cả những nơi chốn mà người ta sẽ nêu lên những câu hỏi có thể nói là
nền tảng, chẳng hạn như : “Con người là gì ? Xã hội là chi ?” – và bởi Tin Mừng
được viết ra để mà sống giữa lòng thế giới, ngay giữa một đống những vấn nạn và
khững khó khăn trong đời sống của tất cả mọi người hằng ngày…
Người Kitô hữu của thế kỷ XXI – theo tôi nghĩ – sẽ định
nghĩa đức tin của mình qua tư cách công dân của mình. Và tôi cho rằng đấy là đời
sống trong Giáo Hội, thế nhưng là sống
cái tư cách công dân của mình cùng và ở một mức độ với đời sống trong trần
gian, đời sống trong xã hội, đời sống dấn thân vào những vấn đề của dân tộc
mình cũng như với mọi dân tộc khác, nghĩa là với toàn thể nhân loại nói chung…Một
tác giả Công giáo ở thế kỷ II, tác giả vô danh của tác phẩm “Thư gửi
Diognète” cho rằng người Kitô hữu là
“linh hồn của thế giới” , bởi vì “không một quốc gia nào, không một đất
nước nào là xa lạ” đối với họ…Tôi cho rằng người Kitô hữu ở thế kỷ chúng ta sẽ
cũng định nghĩa về đức tin của minh giống như vậy khi công bố và quả quyềt chắc
chắn rằng tất cả những vấn nạn – kinh tế, chính trị hay văn hóa - đều nhằm nâng cao hay hạ thấp phẩm giá con
người, sự hợp nhất các dân tộc, và tính nhân đạo của các thể chế xã hội…
Như các bạn thấy đấy, ở đây tôi nói đến đức tin Kitô
giáo – vốn là sự dấn thân trong đời sống, chứ không phải trong niềm tin, và
cũng chẳng phải cho tôn giáo…Đức tin được diển tả nơi các niềm tin có tính cách
huấn giáo và những thực hành tôn giáo,
nhưng căn bản đức tin là tương quan với Thiên Chúa qua tha nhân và trong tinh
thần phục vụ nhân lọai…Qua các việc làm của mình, người tín hữu luôn có nguy cơ
tự khép mình vào những niềm tin và những thực hành của họ, và không chỉ đi kiếm
tìm Thiên Chúa với cách hành xử tôn giáo - xin lỗi nhé – có vẻ hơi lập dị của
mình…Thế nhưng tính hiện đại của hôm nay đã tục hóa một phần cái di sản Kitô
giáo : Spinoza cho rằng Đức Giêsu trong Tin Mừng đã ngỏ lời với lẽ phải chung
và dĩ nhiên là mang tính phổ cập,; còn Kant thì quan niệm rằng Triều Đại
Thiên Chúa như là sự ngự trị của lý tính có thể chấp nhận được với mọi con
người sẵn đầu óc suy luận…Người tín hữu muốn công bô Tin Mừng cho thế giới…thì
phải tìm cách mở ra những con đường đưa đến Triều Đại của Thiên Chúa và,
vì thế, họ buộc phải ra khỏi sự đóng kín bản thân trong thứ tôn giáo thuần túy
và chính mình biết rằng đã đến lúc mình phải lên tiếng với thứ ngôn ngữ trong
đó lý trí tục hóa đã sao chép lại những gì vẫn được giữ gìn trong cái quá khứ
Kitô giáo của mình; và nhờ thế mà Kitô giáo có thể mang lại cho mình một tương
lai trong cái thế giới đã rời xa mình như hiện nay…
Người tín hữu có tham vọng trả lời tiếng gọi của Chúa
Kitô để lên đường truyền giáo sẽ làm cho cái cực Tin Mừng của Kitô giáo
có giá hơn cái cực tôn giáo của mình…Và có thể vì vậy mà anh ta có vẻ
như đã rời xa truyền thống tôn giáo của Kitô giáo, thế nhưng anh ta không rời
xa truyền thống Tin Mừng, bởi vì thực ra Đức Giêsu đã không để lại cho con cái
mình bất cứ một thứ luật lệ hay qui tắc thuần túy tôn giáo nào, trong ý nghĩa
mà tôn giáo xưa đã tự định nghĩa mình với việc đọc một cách chăm chú và đắn đo
các nghi thức…Thật vậy, đức tin vào Chúa Giêsu Kitô đã rất sớm diễn tả phụng tự
của một cộng đòan cầu nguyện, và dĩ nhiên cũng là một cộng đoàn mang tính tôn
giáo, một cộng đoàn thực thi sứ vụ của mình qua bí tích Rửa Tội và Thánh Thể…Chính
vì thế cái tính siêu việt được gán cho cực Tin Mừng không phá hủy tầm quan trọng
của cực tôn giáo, nhưng duy trì tính mục đích thừa sai của cơ chế tôn giáo…
Hay là Tin Mừng tự định nghĩa cách rộng rãi qua mục
đích đạo đức của mình : vị trí hàng đầu của tình yêu dành cho người cận
lân và sự hòa giải với kẻ thù, vấn đề công lý và nỗi lo lắng dành cho những người
nghèo và những người thấp cổ bé miệng, việc bảo vệ những gíá trị của nhân loại…Tự
hướng về một cực Tin Mừng, và dĩ nhiên là đạo đức, thì không phải là chuyện tôn
vinh này/khác, cũng không là chuyện tái phục hồi hay một sự tái chiếm hữu tôn
giáo…Rất có thể đấy là việc tách ra khỏi khuôn mặt truyền thống lâu năm của
Kitô giáo…bị khuynh loát bởi tính nghi thức phẩm trật, và đấy cũng chắc chắn là
việc phải học để suy tưởng về đức tin một cách khác đi, để sống một cách khác
đi trong Giáo Hội, để nói bằng một thứ ngôn ngữ khác; và đương nhiên cũng là
chuyện mang lại giá trị tốt đẹp nhất cho ý nghĩa của hạn từ “Công giáo” – tức mục
tiêu nhắm đến là sự phổ quát…Tôi thường thích thú tự giới thiệu mình là “Kitô hữu”…để
khẳng định rằng cốt yếu của đức tin nơi tôi là tin vào Đức Kitô, đồng thời cũng
vênh vang về cái danh xưng “Công giáo – Roma” -
một danh xưng có chút dáng vẻ đế quốc và nặng nề ấn tượng phẩm trật…Nhưng
nếu phải trình bày tham vọng của Tin Mừng muốn được thâm nhập mọi ngõ ngách để
phục vụ mọi nơi mọi chốn mà không lệ thuộc bất cứ ai và bất cứ điều gì…thì,
thưa bạn, tôi thích để gọi mình là “Công giáo”…
Lm Giuse Ngô Mạnh
Điệp chuyển dịch