Khi người ta đưa tầm mắt của mình lướt
qua thế giới của những người Công Giáo, người ta thấy rất rõ có sự khác biệt về
quan điểm, về những cảm xúc tôn giáo, và cái hố ngăn cách ấy có vẻ khá lớn, khó
để có thể vượt qua, chẳng hạn như trường hợp ngăn cách giữa những người Kitô hữu
được cho là cấp tiến và gắn bó với Công Đồng Vaticanô II và những người chủ
trương bảo thủ vừa mới được Đức Thánh Cha Benêđictô XVI tái sát nhập…Với tình
trạng như thế đó thì , thưa Cha, chúng ta thấy hơi khó để có thể có một định nghĩa
rõ ràng về ý nghĩa của danh xưng “là Công Giáo”…Cha có thể giúp để mọi người hiểu
rõ hơn được không ?
Với tôi thì danh
xưng “ Công Giáo” bao gồm cả cái sườn dốc
chung chung của thế giới “Kitô giáo”. Và qua kiểu nói “thế giới Kitô giáo”, tôi
tự đặt để bản thân mình trong tương quan với Đức Giêsu; tôi nhận biết rằng Đức
Giêsu là Đấng Kitô – Đấng Cứu Thế - nghĩa là được Thiên Chúa sai đến và là Con
của Thiên Chúa…Thế nhưng với danh xưng “Công Giáo”…thì tôi lại cố gắng đặt để đức
tin của tôi vào Đức Kitô ở bình diện toàn cầu. Đúng là như thế - trong tâm óc của
rất nhiều người và nhiều tín hữu, hạn từ Công Giáo gợi nên ý nghĩ đầu tiên là về
thẩm quyền dạy dỗ của Giáo Hội La mã…Thực ra thì trước tiên tôi muốn hiểu nó
trong ý nghĩa nguyên ngữ của hạn từ : nó có nghĩa là “phổ quát”, là “ rải rác
khắp nơi ”, và nó ám chỉ tầm ngắm phổ
quát của sứ vụ mà Đức Giêsu đã trao cho Giáo Hội của Người : Giáo Hội phải lên
tiếng ngỏ lời với mọi người nam cũng như nữ của mọi quốc gia, mọi nền văn hóa
và mọi điều kiện xã hội, và Giáo Hội phải quan tâm đặc biệt đến toàn bộ con người,
toàn bộ những gì thuộc về con người…
Điểm cốt yếu ấy phải được đặt để đúng chỗ…và là chỗ số
một mới xứng…Kế đến, chúng ta trao đổi với nhau về ý nghĩa hẹp hơn và đặc thù
hơn đối với nhiều người: hạn từ “Công Giáo” gắn kết với hạn từ “Roma”…Giáo điều
nối kết – thậm chí đồng hóa – hai hạn từ ấy để xác định rằng Giáo Hội – qua hai
danh xưng - gắn bó với Đức Kitô qua vai
trò kế vị - được gọi là “ Tông Đồ ” - bao
gồm các Giám Mục kế vị các Tông Đồ của Đức Giêsu và trên hết là Vị Giám Mục
Rôma – Đấng kế vị Thánh Phêrô và là Vị Tông Đồ Cả…Ngài cũng là Đấng có nhiệm vụ
phải bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo Hội trải rộng khắp mọi nơi đồng thời với
tính liên tục không thể gián đoạn qua thời gian kể từ thời Đức Giêsu…Tự nhận là
Kiyô hữu với cái ý nghĩa khá chỉnh như thế sẽ giúp để tự định vị bản thân – ở
chiều thẳng đứng – trong hàng ngũ có tính cách lịch sử của sự trung thành với Đức
Kitô, trong một chuỗi những dữ kiện lịch sử khẳng định việc Thiên Chúa đã xuất
hiện nơi một con người và – qua con người ấy – Thiên Chúa nối kết với lịch sử
con người; và khi tự định vị bản thân như vậy - ở chiều kích hàng ngang - người Kitô hữu sống trong tương quan với tất
cả mọi Giáo Hội, mọi dân tộc, mọi người tin vốn vẫn tự xưng – về mặt lịch sử - là
thuộc cùng một hậu duệ với nhau trong lãnh vực đức tin…
Trong ý nghĩa đó, tôi công nhận sự cần thiết phải có
chuyện phẩm trật trong Giáo Hội mà người ta gọi là sự kế vị các Tông Đồ - tức
hàng Giám Mục – với nhiệm vụ bảo vệ tính liên tục của truyền thống đức tin của
các Tông Đồ qua thời gian và trong sự hiệp nhất đức tin cũng như duy trì tình
huynh đệ xuất phát từ sự hiệp nhất ấy giữa các Kitô hữu tản mác trên khắp thế
giới…Nhưng điều đó cũng không nhằm đến chuyện chấp nhận mọi thái quá trong việc
lạm quyền nhân danh việc kế vị các Tông Đồ cũng như hình thức đồng nhất mang
tính áp đặt trong thế giới Kitô giáo nhân danh truiyền thống Tông Đồ…Điều đó chỉ
đơn giản là để hợp luật hóa nguyên tắc quyền lực của “Roma” và cương vị hàng đầu
trong truyền thống “Công Giáo” của Giáo Hoàng…
Thưa Cha, trước đây và có lẽ hôm nay
cũng vậy, rất nhiều người vẫn tự cho rằng mình là Công Giáo đấy nhưng lại không
thể trình bày cách rõ ràng ý nghĩa chính xác của những điểm thiết yếu trong
giáo lý Kitô giáo – chẳng hạn như về mầu nhiệm nhập thể…Về căn bản thì những
người ấy có còn thực sự là Kitô hữu nữa không ? Hay việc tư xưng ấy chẳng qua
chỉ là một thứ “nhãn hiệu” vậy thôi ? Vấn đề có lẽ còn quan trọng hơn, đấy là
có còn nữa hay không những Kitô hữu biết đến tất cả những điểm thiết yếu trong
giáo lý Kitô giáo và tin vào những điểm ấy không ? Và chính Cha, Cha có sẵn
sàng chấp nhận mọi điểm trong giáo lý Kitô giáo như đã thành công thức trong
hôm nay do quyền Huấn Quyền của Giáo Hội không?
Như những gì đã được được công thức hóa ư - chắc chắn
là không rồi ! Tôi nghĩ về những điểm giáo lý ấy theo một cách khác…Đương nhiên
là tôi không ra vạ “tuyệt thông” đối với những công thức tín lý cũ xưa, nhưng
tôi tự nhủ : “ Ngày xưa là như thế đó, nhưng – vẫn trong tư thế một người tin -
hôm nay chúng ta sẽ phải suy nghĩ như thế nào đây ?”…Chung chung thì có gì ở
trong Đạo ? Dĩ nhiên là có cả một lô những ý kiến, và những giáo điều nền tảng
đã bị một sồ những người Kitô hữu nào đó loại bỏ. Ví dụ như, có những người cho
rằng họ tin nơi Đức Kitô, nhưng lại không tin vào việc thân xác con người sống
lại – điều vốn nối kết mật thiết với dữ kiện phục sinh của Người…Điều đó cho thấy
có một sự rối loạn tinh thần của nhiều người…Và điều đó cũng minh chứng một việc
là người ta quá nhấn mạnh đến tín điều, nhưng lại không quan tâm đủ đến Tin Mừng
: đức tin không được dưỡng nuôi bằng giáo điều…Giáo điều nhằm mục đích để duy
trì một chiều kích tư tưởng…mà tôi cho là một lối diễn tả chung, vậy thôi – Suy
nghĩ này rất đúng với ý nghĩa của hạn từ tính chính thống : nghĩa là người
ta công bố duy chỉ điều ấy, người ta diễn tả duy chỉ bằng một thứ ngôn ngữ…để
tránh có những chia rẽ có tính cách đối đầu thái quá…Thế nhưng – thưa bạn
- đức tin chỉ có thể hồi sinh khi người
ta tái nhận chìm nó trong Tin Mừng…Đối với tôi thì đấy mới là điều quan trọng trong lúc này : trả lại quyền
lên tiếng cho người tín hữu, để cho họ nêu lên những vấn nạn về Mạc Khải và nhất
là về Tin Mừng – kể cả khi có rất nhiều những vấn nạn và thậm chí là những vấn
nạn nguy hiểm nữa…và cuối cùng thì tìm cách để giúp họ lấy lại đức tin bắt đầu
từ Tin Mừng…Và cũng trong chiều hướng đó, chúng ta phải làm quen cũng như tận dụng
môn chú giải lịch sử, phê bình…rất thông dụng trong hôm nay…Dĩ nhiên thì không
phải cái môn chú giải lịch sử và phê bình này sẽ đưa những ai đã rời xa đức tin có thể quay trở
lại, nhưng ít ra là chúng ta cũng không thể không quan tâm đến nó mà không nghĩ
rằng – trong âm thầm – biết đâu vẫn ẩn chứa trong đó một số những sự thật nào
đó mà người ta không muốn thấy chăng…Người ta không thể coi thường sự thật lịch
sử được…
Để xác định điểm này…thì phải tin vào điều
gì để có thể là người Công Giáo trong ý
nghĩa là Kitô hữu hướng đến toàn thể ; phải tin vào điều gì trong tầm
nhìn của Huấn Quyền ?
Khi nghe các bạn nêu lên câu hỏi ấy và một số câu hỏi
tương tự khác, tôi như muốn la lên rằng các bạn đã vi phạm giao ước giữa chúng
ta với nhau rồi…Bởi có vẻ như các bạn đang muốn
yêu cầu tôi nói đến một định nghĩa có tính toàn thể của đức tin được
trình bày như là những công thức…Ngay từ đầu, chúng ta đã đồng ý với nhau là tốt
hơn cả chúng ta đừng đi vào chiều kích ấy,
bởi – với tôi – đức tin không phải là những công thức…Nếu không thì tôi có thể
trả lời cho các bạn rằng tôi đã đề cập đến tất cả những vấn nạn ấy trong mấy
quyển sách của tôi với cỡ khoảng trên dưới hai ngàn trang, và xin mời các bạn cứ
tìm đọc trong đó…Dĩ nhiên là thỉnh thoảng tôi vẫn suy nghĩ về những gì mà tôi
đã đề cập đến cách khá rộng rãi ấy…Đức tin luôn luôn buộc chúng ta phải suy
nghĩ và đặt vấn đề ; và vấn đề thường xuyên hơn cả là …đức tin vặn hỏi chúng ta
về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, về sự thật, và về lịch sử…Bảo rằng tôi tìm
cách để có thể mang lại cho những vấn nạn ấy một câu trả lời…thì cũng có nghĩa
là – một cách đơn giản – chính bản thân tôi cũng cảm thấy bị vặn hỏi bởi đức
tin và tôi bất lực không thể có được câu trả lời hợp lý, bất lực không thể trả
lời cho tất cả những khó khăn mà lý trí của khuynh hướng hiện đại - mà tôi là một
thành phần tích cực – đã mang đến trong tôi đức tin mà tôi muốn bảo vệ, nhưng lại
không thể trả lời cho mầu nhiệm về Thiên Chúa và sự hiển hiện của Người nơi Đức
Giêsu Kitô…Và tôi thấy là không cần thiết phải tính trước để công thức hóa những
câu trả lời cho các vấn nạn không ngừng được nên lên lúc này lúc khác…Chính vì
thế trong một cuốn sách vừa mới viết xong, tôi muốn trình bày một hướng khác –
và tôi thực sự đang đeo đuổi con đường này – để tái xác định với nhiều công sức
cho những câu trả lời và những giải
thích mà tôi tin rằng có thể mang lại cho vấn đề ấy cũng như cho những
người muốn đặt ra với tôi những vấn đề mới mẻ khác…
Nói như thế là để xin lỗi quý vị về thái độ khó chịu
này của tôi, tuy nhiên tôi vẫn cố gắng để kiếm một câu trả lời cho vấn nạn các
bạn vừa nêu lên, dĩ nhiên là không với một chuỗi những định nghĩa về đức tin,
nhưng là với một cái nhìn tổng hợp…
Chúng ta có một khoản luật của đức tin; ai ai cũng biết
về nó : đấy là kinh Tin Kính của các Tông Đồ…Trên nguyên tắc, mọi Kitô hữu đều
chấp nhận bản tuyên xưng đức tin này – thế nhưng lại có khá nhiều người giải
thích nội dung bản tuyên tín ấy một cách khác đi…Thế thì chúng ta phải hiểu như
thế nào về mầu nhiệm Đức Giêsu được gọi là Con Thiên Chúa ? Về việc Đức Maria,
Mẹ Người, là Đấng Đồng Trinh ? Việc Người chịu chết, sống lại ? …Ngay khi người
ta nêu lên những vấn nạn “thế nào” và “làm sao”…Ngay từ khi đặt vấn đề để mà hiểu…thì
có nghĩa là người ta đã quyết định bước vào lãnh vực của trí hiểu về đức tin –
nghĩa là người ta tự đặt vấn đề với chính mình về qui luật của đức tin – và người ta tìm cách để
suy nghĩ về qui luật ấy, làm cho qui luật ấy trở nên có thể suy tưởng được và dễ
hiểu hơn đối với lý trý của chúng ta – lý trí vốn ở trong mỗi chúng ta cũng như
nơi tất cả những người nam/nữ khác, kể cả những người vô tín nữa – thứ lý trí
luôn lên tiếng vặn hỏi, rất ưu tư và luôn trong tình trạng kiếm tìm…
Thế nhưng cái qui luật đức tin này – còn được gọi là bản
kinh Đức Tin hay kinh Tin Kính các Tông
Đồ do nguồn cội khá cổ xưa của nó – không phải là một bản tóm lược thần học,
nhưng là một nền tảng chung…Nó luôn được khởi xướng bởi lời tuyên xưng “tôi tin
kính…” – một lời khởi xướng không phải để diễn tả một ý kiến, nhưng là công bố
một hành vi tin tưởng đi đôi với một sự dấn thân : “ Tôi tin kính một Thiên
Chúa…” Điều đó muốn nói lên rằng : tôi tín thác nơi Người là Đấng sẽ dẫn đưa
tôi vào “đời sống vĩnh cửu” – hạn từ cuối của kinh Tin Kính,và tôi tự nguyện dấn
thân để thực hiện những giáo huấn và chỉ dẫn của Người để đạt tới mục đích ấy…
Kế đến, chúng ta tuyên xưng mình tín thác và kiếm tìm
sự an ủi nơi Vị Thiên Chúa nào: đấy là Vị Thiên Chúa – Đấng đi về phía chúng
ta, Đấng đã từng muốn tạo nên lịch sử với chúng ta, Đấng – để có thể thực hiện
được điều đó – đã quyết định hiển hiện trong một con người mà chúng ta xác tín
là con của Người, bởi vì Thiên Chúa đã chọn Ngài để trở nên Đấng Đại Diện cho
mình giữa chúng ta, nối kết với chúng ta và cùng chúng ta ở trong Người…Người
con này – Đức Giêsu – cùng chung một chủng tộc với chúng ta, được sinh ra do một
người nữ - Đức Maria – Ngài bằng lòng sinh hạ Người Con của mình để Người Con ấy trở thành anh em của chúng ta,
và chúng ta tôn vinh Đức Maria là vì món quà tuyệt vời này…Con Người ấy hoàn
toàn nhập cuộc trong lịch sử của chúng ta : chúng ta biết rõ nơi chốn và thời
gian Người sinh hạ, không gian sinh sống và mưu sinh của Người, biết được thời
gian, nguyên nhân Người bị dân Người loại trừ - và tất cả những chuyện đó là nhằm
để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của lề luật tôn giáo thời xa xưa ấy, rồi
Người bị lên án đóng đinh vào Thánh Giá do giới lãnh đạo Rôma vì mục đích bảo vệ
trật tự chung và của đế quốc chống lại các mưu đồ nổi loạn của các cá nhân
này/khác, sau cùng Người đã sống lại – nghĩa là đã trở lại với sự sống, không
phải để ở mãi trên mặt đất này, nhưng đến với Thiên Chúa để mở ra cho chúng ta
một con đường đến với Người…
Và cuối cùng thì chúng ta diễn tả ý muốn của chúng ta
là được sống trong sự hiệp nhất với Đức Giêsu trong Giáo Hội đã được Người xây
dựng, hiệp nhất với Người và với tất cả anh chị em Kitô hữu của chúng ta qua việc
hiệp thông với Chúa Thánh Thần – Đấng hiệp nhất Đức Giêsu với Thiên Chúa – Cha
của Người, và chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta tin vào Giáo Hội để có thể đón
nhận được ơn tha thứ từ Thiên Chúa cho những tội lỗi chúng ta đã phạm và dẫn
chúng ta tất cả đến cùng đích hạnh phúc của hiện hữu chúng ta…
Đấy là tất cả những gì làm nên con người Công Giáo nơi
mỗi chúng ta…Tóm lại, một đàng đấy là nỗi ưu tư của một sự qui chiếu lịch sử
chung chung về Thiên Chúa nơi Đức Giêsu thành Nazareth; đàng khác…là nỗi lo lắng
về một sự hiệp nhất trong việc tuyên xưng đức tin được khởi động trong ý muốn
cùng hiện hữu với nhau trong Giáo Hội…Ước muốn có được sự đồng thuận với nhau
luôn luôn đòi buộc phải đặt lại vấn đề bởi vì lý trí của chúng ta không ngừng phát triển trong việc hiểu biết về
thế giới – và vì vậy không ngừng lập đi lập lại những câu hỏi và tìm những lời
giải thích về những gì Đức Giêsu nói với chúng ta về thế giới và mối liên hệ giữa
chúng ta với thế giới ấy…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp chuyển dịch…