Thưa Cha, chúng con nghĩ rằng đã đến lúc
chúng ta cùng nhau suy nghĩ sâu xa hơn một chút về vai trò của người Kitô hữu
trong thế giới, trong lịch sử và trong xã hội…Nếu quan tâm kỹ hơn về những tiếng
nói có trọng lượng trong thế giới Kitô giáo hôm nay – chẳng hạn tiếng nói của Đức
Giáo Hoàng cũng như của nhiều nhiều những Đấng Bậc Vị Vọng khác nữa – thì người
ta sẽ có cảm tưởng là vấn đề cần được lưu ý hơn cả chính là một nền luân lý
xoay quanh những chọn lựa của đời sống riêng tư, chẳng hạn vấn đề giới tính, và
bỏ qua một nền luân lý mà các xã hội ủng hộ…Sự ghi nhận này đưa đến một vấn nạn
: tại sao lại chú tâm đến vấn đề luân lý tính dục trong khi những thách thức của
nhân loại cũng có thể cho là vô cùng – hiểu đúng theo nguyên ngữ của hạn từ ?
Tiên vàn tôi xin được trở lại với chủ đề
chung chung mà các bạn muốn bàn tới : chỗ đứng của người Kitô hữu trong thế giới,
trong lịch sử và trong xã hội…Tôi có cảm tưởng là các bạn muốn đặt câu hỏi về nét
đặc thù Kitô giáo…
Nếu tại đây, các bạn có được một hội nghị
của tất cả các vị đại diện các tôn giáo khác, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật
giáo, Shaman giáo – hoặc vài ba tôn giáo khác nữa – các bạn sẽ hỏi : “ Đâu là
những nghi thức các bạn cử hành , niềm tin của các bạn là gì, các bạn sống như
thế nào trong giáo hội, hay trong xã hội tôn giáo, trong cộng đồng tôn giáo của
các bạn ?” Các bạn sẽ đưa ra câu hỏi ầy cho tất cả…Thế nhưng đặt câu hỏi : “
Đâu là vị trí của người Kitô hữu trong thế giới, trong lịch sử, trong xã hội ?”…
thì cũng có nghĩa là đưa anh ta ra khỏi Giáo Hội, ra khỏi Đền Thờ, ra khỏi những
nghi thức, ra khỏi chuyện tế tự, và nói với anh ta rằng : “Bạn là Kitô hữu,
nhưng bạn cũng là con người; vậy thì bạn phải sống như thế nào để - với tư cách
là con người – bạn có thể sống cách Công Giáo, cách Kitô hữu – trong thế giới,
trong lịch sử và trong xã hội? Và những thực tại ấy có âm hưởng gì đến bạn
không ?” Và thưa các bạn, tôi cho rằng đấy mới chính là nét đặc thù của Kitô
giáo…Đây không phải là một thứ tôn giáo từ trời rơi xuống, nhưng là một tôn
giáo nhập thể…Và điều quan trọng muôn thủa vẫn là gắn bó với Đức Giêsu trong tư
cách con người, bởi vì , ngay cả khi chúng ta tôn vinh Người là Thiên Chúa (điều
đòi hỏi phải có một tư tưởng rất phát triển), thì chúng ta vẫn tôn vinh Người
là Đấng mà – nơi Người – Thiên Chúa tự nguyện nối kết với lịch sử con người…Các
bạn cũng đã hỏi tôi về ơn cứu độ…và tôi cũng đã chia sẻ với các bạn rằng ơn cứu
độ đối với người Kitô hữu thì không chỉ là chuyện nghĩ rằng ơn cứu độ sẽ được
thể hiện trong đời sống sau này trên đó; nhưng trên hết,ơn cứu độ sẽ giúp chúng
ta thay đổi phong cách làm người nơi chúng ta, phong cách của thành viên trong
xã hội, của một công dân, phong cách tạo nên lịch sử giữa bản thân với những
thành viên con người khác…Và tôi tin rằng nếu chúng ta có một tôn giáo nhập thể,
nếu Thiên Chúa hiển hiện trong lịch sử…thì không phải đơn giản chỉ là để hướng
tầm nhìn chúng ta về trời…Người chỉ cần thực hiện một sự hiển hiện đầy quyền
năng, chẳng hạn như trên núi Sinai ngày xưa
khi Người hiện ra với Môisen, và phán : “Này, các con, hãy nhìn lên cao,
đấy là nơi Ta sẽ dẫn các con đến”…Thế nhưng sẽ không bao giờ có chuyện như thế,
phải không…Và ngay cả khi Đức Giêsu lên trời và với những cặp ông nhòm, các môn
đệ dõi theo Người từ xa…thì một thiên thần
cũng đã đến để nói với các ông rằng: “Hãy nhìn về trái đất của các ông đi và hãy quay về Giêrusalem, quay trở lại với sứ
vụ của các ông, công việc của các ông !”…
Thưa các bạn, đấy mới là vấn nạn các bạn cần
nêu lên…Và để “ân thưởng” các bạn về câu hỏi các bạn đã đặt ra, chúng ta đề cập
đến vấn đề luân lý tính dục…
…ít ra là qui định về luân lý tính dục mà
những thách thức đe dọa nhân loại có thể nói là khá rộng rãi, khá toàn cầu, khá
sâu đậm…
Những gì các bạn nêu lên đó đều rất đúng.
Giáo Hội như có vẻ muốn tái tập trung chúng ta vào đời sống riêng tư, đời sống
trong Giáo Hội, vào việc cử hành các bí tích, vào đời sống được coi như một sự
tiền tham dự nào đó vào Nước Trời…Chính vì vậy mà đã từ rất lâu người ta định
nghĩa về đời sống các tu sĩ như là sống trong một tình trạng hoàn thiện…Tình trạng
hoàn thiện nghĩa là không có gì chung đụng với trần gian và luôn luôn hướng về
trời…Một sự tận hưởng trước đời sống mai hậu trên trời…
Đời sống riêng tư ư ? Được thôi – Nhưng để
làm gì ? Trước tiên tôi muốn nói với các bạn rằng Giáo Hội có vẻ như không quan
tâm nhiều lắm đến chuyện Ơn Bí tích Rửa Tội đã làm cho người Kitô hữu sống tư
cách một người công dân của trần thế này theo một cách thế nào đó, và có vẻ như
chỉ muốn họ sống như một chi thể của Giáo Hội mà thôi…Làm như ơn cứu độ chỉ được
thể hiện trong Giáo Hội mà thôi, ngoài ra thì… không ở đâu khác nữa !!! Và như
vậy Giáo Hội cho thấy mình đã thiếu một tầm nhìn quan tâm đến hoàn cảnh của người
Kitô hữu trong thế giới…
Và với cái lý do thứ hai này tôi muốn nói
rằng rất có thể Giáo Hội không có thanh chắn với thế giới như đã từng dựng lên
thanh chắn đối với đời sống Kitô hữu, bao gồm cả chuyện tương tự như vấn đề tổ
chức đời sống nghi thức và bí tích…Giáo Hội đã từng cố gắng để có được điều đó,
nhưng các thẩm quyền ( Kitô giáo – đương nhiên !) cao nhất dã đưa mọi sự trở lại
với chỗ đứng của nó và không chấp nhận quyền lực gián tiếp mà Đức Giáo Hoàng và
các Giám Mục muốn có trên những vấn đề thời sự và trên lề lối hành xử của các
triều đại…Và dĩ nhiên là dần dần Giáo Hội đã nhận ra rằng ảnh hưởng của mình
ngày càng giảm đi trong cuộc sống tư riêng của con người, đời sống cá nhân của
họ…Đấy cũng là điều mà người ta gọi là vấn đề tục hóa…
Có lẽ cũng vì tình trạng ấy mà ngày nay
Giáo Hội nhấn mạnh như thế về vấn đề luân lý tính dục…Bởi tính dục là lãnh vực
giúp Giáo Hội có thể dễ dàng hành quyền hơn trên đời sống riêng tư của người
ta, ngoại trừ trường hợp những vấn đề tính dục luôn luôn mang một khía cạnh nào
đó có tính cách tưởng tượng trong lãnh vực tôn giáo…Và đương nhiên là khi đã có
được một sự làm chủ nào đó trong đời sống tính dục…thì chắc chắn là Giáo Hội sẽ
củng cố một quyền lực khá mạnh trên đời sống của các tín hữu…Bên cạnh vạ tuyệt
thông, Giáo Hội còn tạo nên một kết quả gây chấn thương trên xã hội con người…Chúng
ta vừa mới có dịp chứng kiến sự việc ở Récife…
Có lẽ tốt hơn cả chúng ta dừng lại ở đây…
Được thôi, nhưng như Cha đã thấy đó : vấn
đề xác thịt, tính ích kỷ, chuyện tiền bạc…và nhiều thứ mãnh lực trần tục khác
khiến con người cảm thấy mình bị ràng buộc…và muốn được giải thoát…Vậy thì làm
thế nào để có thể được giải thoát ???
Bạn cũng biết rồi đấy, người ta không bao
giờ có thể được giải thoát hoàn toàn khỏi những chuyện như thế đâu…Mọi con người
đều là những tội nhân, và họ sẽ mang lấy thân phận tội đòi nhiều hay ít, nhưng
ân sủng của Thiên Chúa cũng không ngừng giúp họ có thể thoát khỏi tình trạng tội
nghiệp ấy – Kinh Thánh dạy chúng ta như vậy đấy…Thế nhưng sống trong tội –
nghĩa là sao? Nghĩa là sống trong sự lừa dối, kừa đảo, là không yêu cuộc sống
– cuộc sống thật - nhưng là sống trong tình trạng đi dần đến cái chết…
Cuộc sống hay đời sống là một ân huệ, và
vì vậy chúng ta được tặng trao cuộc sống, đời sống…để rồi chính mình có thể tặng
trao lại cho người khác…Người ta chỉ thực sự sống khi người ta biết trao tặng sự
sống mình; sống trọn vẹn nghĩa là chấp nhận mất chính mình : đấy chính là nghịch
lý của Tin Mừng mà Đức Giêsu đã dạy chúng ta đồng thời chính Người nên gương sống
cho chúng ta…Khi chúng ta càng sống co rúm lại nơi cái “tôi” nhỏ bé, luôn tìm mọi
cách để gom góp tất cả cho mình, tìm cách để chiếm hữu cả cái thế giới này cho
riêng mình, tìm cách để đàn áp người khác, thì đấy là tình trạng sống trong tội
lỗi và sự chết của chúng ta…Đấy cũng là những gì, những khuynh hướng độc tài,
những mãnh lực chết chóc nội tại mà người ta phải nỗ lực để tự thoát khỏi dọc
dài suốt hành trình trần gian của mình…Người ta chỉ thực sự sống khi người ta
can đảm chống lại những sức mạnh chết chóc vây bủa và bóp nghẹt chúng ta…Đời sống
là một trận chiến không biên giới và trường kỳ để giải cứu cuộc sống của mình
khỏi sự sa lầy trong cái chết…mà chung chung chính là tính ích kỷ cũng như cái ảo
tưởng nghĩ rằng người ta sẽ sống tràn đầy hơn khi người ta chỉ sống cho chính
mình và duy chỉ vì mình…
Sự tự do chỉ có thể được ân ban cho chúng
ta để giải cứu chúng ta khỏi tính ích kỷ…Sự tự do ấy sẽ chỉ có thể có được sức
mạnh thật sự khi được nuôi dưỡng bằng chính sự tự do của Đức Kitô và phải lấy sự
tự do của Người làm gương sống cho chính mình…Phải giải thoát cái “tôi chủ thể
- le je” khỏi cái “tôi ích kỷ - le moi”…Cái “tôi ích kỷ – le moi” chính là ý muốn
chiếm đoạt ; và cũng vì vậy mà cái “tôi chủ thể - le je” của chúng ta bị bóp
nát bởi tất cả những gì ngập ngụa trong cái “tôi ích kỷ - le moi”…không ngừng gồng
lên…để đè bẹp cái “tôi chủ thể - le
je”…Cái “tôi chủ thể - le je” sẽ không bao giờ có thể ngóc đầu lên, không bao
giờ có thể nảy mầm, và cuối cùng thì chỉ có thể phát triển trong sự trần trụi
và bị tước đoạt tất cả…Cho nên phải loại trừ mọi thứ tương quan nhằm để nô lệ
hóa cái “tôi chủ thể - le je”, và thay vào bằng những tương quan dành cho người
khác, dành cho tha nhân – những tương quan của lòng bác ái, của công lý, của
tình huynh đệ…vốn là những tương quan của cái “tôi chủ thề - le je” này với những
cái “tôi chủ thể - le je và le nous” khác nữa…
Bạn đọc thân mến,
Người viết dừng chuyện chuyển dịch Tập
Sách “Dẫu vậy thì vẫn cứ tin” này ở đoạn dịch trên đây sau khi đã chọn lựa
những tư tưởng mà người viết nghĩ là có ích cho tất cả chúng ta…Người viết
không tiếp tục được nữa với câu chuyện đã xảy ra trong Lễ Khai Mạc Olympic –
Paris 2024 vừa qua…Mong mọi người thông cảm…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp chuyển dịch…