Ngày 16/8 kỷ niệm ngày qua
đời của Elvis Presley, ca sĩ được xem như là thần tượng của nhạc Rock tại Hoa
Kỳ trong thập niên 70.
Xuất thân từ một gia
đình nghèo, lại mang tính nhút nhát, Elvis thường trở thành trò cười cho bạn bè
trong lớp. Nhưng luôn ấp ủ trong mình giấc mơ trở thành ca sĩ, Elvis đã
thắng được tính nhút nhát của mình để trở thành một ngôi sao sáng chói trong
nền âm nhạc Mỹ quốc...
Danh vọng và tiền
bạc đến quá nhanh khiến Elvis không kịp chuẩn bị cho mình một triết lý sống
vững chắc. Anh mua cho người mẹ một ngôi biệt thự lộng lẫy xa hoa. Cá nhân
anh thì lại vung vãi tiền bạc trong không biết bao nhiêu thú vui phù phiếm.
Cuộc hôn nhân đầu tiên đã đổ vỡ, chỉ để lại cho anh cay đắng buồn phiền...
Sự ái mộ của dân
chúng dường như không đủ để lấp đầy khoảng trống vắng quá lớn trong tâm hồn
anh. Ma túy và các thứ thuốc an thần cũng không đủ hiệu lực để xoa dịu bao nỗi
khắc khoải trong anh...
Buổi sáng ngày
16/8/1977, sau một đêm thức trắng để đọc sách, Elvis đã được tìm thấy trong
phòng tắm của anh, mặt úp xuống sàn nhà, sau một cơn chống trả mãnh liệt với tử
thần... Anh đã tắt thở ngay sau khi được chở vào bệnh viện.
Priscilla, người vợ
đầu tiên của Elvis đã thốt lên như sau: "Cái chết của Elvis khiến tôi nghĩ
nhiều về chính cái chết của tôi... Tôi chợt nhận ra rằng tôi cần phải chia
sẻ với người khác nhiều hơn. Khi trở thành một ngôi sao trong
nền âm nhạc, Elvis còn quá trẻ để có thể biết cách sử dụng tiền tài, danh vọng
đang đến với anh. Anh chỉ là một nạn nhân. Anh bị hủy diệt bởi chính những
người ái mộ anh. Anh cũng là nạn nhân của chính hình ảnh mà anh đã tự tạo ra.
Anh chưa bao giờ sống như một người thực sự, anh chưa bao giờ trưởng thành, anh
chưa bao giờ ra khỏi cái vỏ ốc ấm áp của anh để cảm nghiệm được thế giới bên
ngoài".
Và
câu chuyện của Marilyn Monroe
"Marilyn, chúng
tôi thông cảm với cô": đó là hàng chữ mà hiện nay hàng ngàn du khách đều
lâm râm đọc mỗi khi đứng mặc niệm trước mộ của nữ minh tinh Marilyn Monroe tại
nghĩa trang Westwood, nằm ở phía Tây thành phố Los Angeles.
Hiện nay, từng giây,
từng phút, hàng ngàn cánh hoa được du khách mang đến, phủ kín nơi an nghỉ của
người nữ minh tinh xấu số này. Ngày 15/8/1962, người nữ minh tinh với mái tóc
bạch kim óng ả lặng lẽ ra đi không một lời giã biệt. Việc
cô
quyên sinh cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Giữa lúc danh vọng đang lên, giữa
lúc tiền bạc dẫy đầy, Marilyn đã chọn cái
chết...
Randall Reise, tác
giả viết lại cuộc đời của Marilyn Monroe, đã nhận định như sau: "Marilyn
không còn là một con người bình thường nữa. Cô đã trở thành một
huyền thoại. Cô không còn là một nhân vật của Holywood nữa. Cô đã trở thành một
yếu tố trong nền văn hóa của nước Mỹ".
Marilyn đã trở thành
lý tưởng của rất nhiều ca sĩ và minh tinh điện ảnh hiện nay. Nhưng mãi mãi, cô
đã trở thành một câu hỏi lớn cho con người của mọi thời đại và
nhất là cho thời đại chúng ta hôm nay : Con người bởi đâu mà ra?
Con người sinh ra để làm gì? Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống? Tiền bạc, danh vọng
có làm cho con người được hạnh phúc không? Marilyn Monroe là hiện thân của
những câu hỏi ngàn đời ấy...
"Marilyn,
chúng tôi thông cảm với cô", bởi vì cô đã không ngừng bị dằn vặt bởi
những khắc khoải quá lớn về cuộc sống. Chúng tôi thông cảm với cô,
bởi vì thiếu một niềm tin vào cuộc sống, thì không còn chọn lựa nào hơn là cái
chết...
Và
cũng đã từ tương đối khá lâu rồi , người viết vẫn có thói quen theo dõi chương
trình “Cho ngày hoàn hảo” vào khung giờ mà người già thường lim dim
“giấc ngủ của chó!” Cho ngày hoàn hảo thường đặt ra cho các đối
tượng khách mời mà phần lớn là các nam/nữ ca sĩ cũng như những người làm nghệ
thuật ở nhiều bộ môn khác nhau – nghĩa là những “con người của quần chúng” : Với
bạn – thế nào là một ngày hoàn hảo ?
Phải
– thế nào là một ngày hoàn hảo với tôi ? Rất nhiều những con người của quần
chúng trên truyền hình, khi được người dẫn chương trình dặt câu hỏi này cho
mình, đã có vẻ như có chút ngần ngại…để rồi ngập ngừng trả lời : một ngày hoàn
hảo…có lẽ là một ngày thoải mái với giấc ngủ đêm no đầy, buổi sớm thể thao, bữa
ăn sáng hài lòng, và một ngày vui vẻ…Chung chung là như vậy…
Nhưng
ai cũng biết rằng những chung chung ấy không phải ngày nào cũng như ngày nào,
ngược lại mỗi ngày là một “đặc biệt” hoàn toàn bất ngờ và dẫy đầy những bất
thường…không chỉ do bản thân mà còn do ngàn lẻ một những yếu tố bên ngoài…khiến
ta có thể vui, thậm chí rất vui, đồng thời cũng có thể quăng chúng ta vào vực
thẳm của nỗi buồn, thậm chí rất buồn…
Người
viết đã trải qua trên dưới 9 năm sống Nhà Hưu – nghĩa là chung chung khoảng
suýt soát 3.500 ngày với mỗi ngày gặp gỡ anh em chừng nủa giờ dâng Thánh Lễ
sáng, 2giờ 30 phút cho ba bữa ăn…Còn lại là “bản thân với căn phòng”…Ngày hoàn
hảo của người viết là gì đây ?
Rất
nhiều người sợ Nhà Hưu…và cũng rất nhiều người thấy “bí bức” cái Nhà Hưu…
Bỗng
tình cờ gặp được câu chuyện của hai nhân vật đặc biệt trên đây – hai con người
của quần chúng một thời – khiến người viết tự nhiên muốn “chiêm nghiệm”…
Chiêm
nghiệm rằng: Những ồn ào náo nhiệt của những buổi gào
thét trên sân khấu không đủ và không thể lấp đầy sự đơn côi trong lòng mình…nếu
lòng mình trống rỗng…Chị Priscilla, người vợ đầu tiên của Elvis, đã rất thật để
bảo rằng : Cái chết của Elvis khiến tôi suy nghĩ
nhiều về cái chết cùa chính tôi. Tôi chợt nhận ra rằng tôi cần phải chia sẻ với
người khác nhiều hơn. Khi trở thành một ngôi sao âm nhạc, Elvis còn quá trẻ để
có thể biết sử dụng tiền tài, danh vọng đang đến với anh. Anh chỉ là một nạn
nhân. Anh bị hủy diệt bởi chính những người hâm mộ anh. Anh cũng là nạn nhân
của chính hình ảnh mà anh đã tự tạo ra. Anh chưa bao giờ sống như một con người
thực sự, anh chưa bao giờ trưởng thành, anh chưa bao giờ ra khỏi cái vỏ ốc ầm
áp của anh để cảm nghiệm được thế giới bên ngoài…
Chiêm
nghiệm rằng : Trong hôm nay và ở từng ngày, cũng như
trong mọi lãnh vực, vẫn không thiếu những “hiện tượng Elvis” ấy :
không đủ trưởng thành để có thể “biết” sử dụng tiền tài,
danh vọng hay nhiều nhiều những khả năng, những “ân ban” của Thiên Chúa dành
cho mình…Không ít những bài giảng nói nhiều về buông bỏ, về cho đi…nhưng bản
thân kín cổng cao tường, cánh cửa phòng im ỉm suốt ngày…thì lấy chỗ nào để gặp
gỡ mà có thể cho đi…Mấy người – nếu thành thật với Chúa và với mình – chúng ta
dám bảo rằng chúng ta đã “biết” sử dụng tiền tài, danh vọng…vốn
là những “nén bạc” Chúa ban trong cuộc đời mình…để sinh lời bằng thiện tâm và
thiện nguyện…
Chiêm
nghiệm rằng : Lãnh vực nào cũng vậy, bản thân rất dễ
để trở thành “nạn nhân” của những người hâm mộ và của chính
mình…Ai bảo rằng ông Linh mục không là người của công chúng ? Và – dĩ nhiên – không
ít thì nhiều, nếu không có tâm và có tầm trong đời sống dâng hiến…thì sẽ là nạn
nhân của những người hâm mộ, là “con vật tề thần” của nhiều nhiều những
rối beng trong chínhg cuộc sống mính…Tệ nhất là trở thành “nạn nhân” của
“hình ảnh mình tự tạo ra” cho chính mình…Chị Priscilla bảo rằng “Elvis
chưa bao giờ sống như một con người thực sự” nhưng chỉ là con người “bong
bóng của mơ tưởng”…Thỉnh thoảng gặp được một hình ảnh này/khác không
diễn tả “con người thực” nhưng là bong bóng của mơ tưởng, là vai
diễn của một nhân vật thần tượng nào đó hoặc là trong Đạo hay là ngoài Đời…Tự
nhiên thấy muốn chép miệng…
Chiêm
nhiệm rằng : Marilyn - chúng tôi thông cảm với cô, bởi giữa bong
bóng hào quang của ngàn lẻ một những vấn đề của kiếp người, cô không tìm được
câu trả lời cho những vấn nạn lớn
liên tục vây hãm và lên tiếng cách này cách khác mà cô không đủ thời gian,
không đủ vốn liếng tinh thần để có thể tự nêu lên và tìm cách trả lời – mặc dù
ai ai cũng biết là sẽ có những câu trả lời đòi buộc những quyết tâm khá là cứng
rắn – những câu trả lời đã làm nên những Augustinô, Ignatiô Loyôla, Anphongsô
Maria Ligôri…Marilyn Monroe – chúng tôi thông cảm với cô…cũng có nghĩa
là chúng tôi ước mong – sau cô – sẽ không còn phải thông cảm với ai khác
nữa…Thế nhưng thực tế thì không phải như vậy…Nếu giả như có thể ghi trên những
ngôi mộ đây đó trong các nghĩa trang khắp mắt đất này câu nói chia sẻ ấy…thì sẽ
là một rừng những bia mộ…với tâm tình thông cảm nhưng thật nhiều tiếc nuối…
Lm
Giuse Ngô Mạnh Điệp