Cuộc trở về của Đức Giêsu tại quê nhà Nazareth được nhắc đến trong Tin Mừng Lc 4, 21 - 30 đã giúp chúng ta nhận diện sứ vụ của Ngài trong vai trò Ngôn Sứ. Đây là một bước quan trọng, hé mở cho chúng ta chương trình tình thương của Thiên Chúa dành cho muôn dân, được khởi đi từ dân tộc Do Thái.
1. Sự lầm tưởng
Tại hội đường Nazareth, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng” Đức Giêsu nói ra (Lc 4, 22a). Nhưng liền theo đó, dân làng Nazareth đã “đặt vấn đề” về khả năng phi thường của Ngài biểu tỏ trước công chúng: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?” (Lc 4, 22b). Đức Giêsu đã hiểu thấu và nói cho họ biết, họ đang nghĩ gì, muốn gì nơi Ngài (Lc 4, 23).
Những người đồng hương của Chúa Giêsu đã không nhận ra Ngài trong tư cách là Ngôn Sứ bởi trời. Họ muốn xác thực những điều mắt thấy, tai nghe về thần lực của người đồng hương Giêsu bằng những dấu lạ phi thường cho sự vụ lợi của riêng họ. Đây là hệ quả của tư duy thiên kiến, tạo nên sự ngộ nhận nơi họ về sứ vụ của Đấng Mêsia. Một khi họ đã khước từ các dấu chỉ mà Ngài tỏ hiện, thì những đòi hỏi cảm tính càng đẩy họ ra xa nguồn ân huệ đang được mời gọi.
Thay vì đón nhận Đấng Thánh được Thiên Chúa sai đến với thái độ thành kính tin nhận, những người Do Thái đã tự cao, đặt mình trở thành tác nhân muốn thu hẹp giới hạn Tin Mừng trong phạm vi dân tộc họ. Đây là một nghịch lý trước tình yêu vô biên mà Thiên Chúa muốn dành trọn cho muôn người, muôn loài.
2. Đức Giêsu không chỉ đến với dân Do Thái
Đức Giêsu không chỉ được sai đến với dân tộc Do Thái mà thôi. Chính từ mảnh đất đã được Thiên Chúa chúc phúc này, chương trình tình thương của Ngài sẽ được phát triển không ngừng đến mọi dân tộc khác. Do vậy, những khởi sự của Đức Giêsu từ ngày đầu rao giảng đã được gắn liền với ý định cứu độ của Thiên Chúa.
Việc Đức Giêsu trở về Nazareth trước sự nghi hoặc, đòi hỏi, “đầy phẫn nộ” của những người đồng hương đã tôn thêm ý nghĩa và tầm mức của con đường Thập giá. Nó không khởi đi từ những vụ lợi, mà được bắt đầu trong tinh thần khiêm nhường, sẵn sàng đón nhận mọi chông gai, thử thách để tận hiến cho tình yêu.
Đức Giêsu đã không chấp nhận đòi hỏi của những người đồng hương khi họ muốn xin dấu lạ, không phải vì Ngài không thương yêu họ. Nhưng Ngài muốn họ hãy đoạn tuyệt những thành kiến, để có thái độ xứng hợp với hồng ân nhận lãnh. Việc Ngài vận dụng tục ngữ (Lc 4, 23-24) để nói với họ như một sự ngầm nhắc về thái độ hẹp hòi, vụ lợi của họ. Nó như bức tường vô hình ngăn cản sự mở rộng của ranh giới tình yêu.
Tình yêu cứu độ được dành cho muôn dân. Việc Đức Giêsu viện dẫn chuyện ngôn sứ Ê-li-a ở giúp bà goá Xa-rép-ta trong thời hạn hán; và chuyện ngôn sứ Ê-li-sa chữa Na-a-man, người Xy-ry khỏi bệnh phong, cho thấy Nước Thiên Chúa không giới hạn trong một phạm vi nhất định, mà nó được mở rộng đến mọi tâm hồn.
Sẽ là sai lầm, nếu chúng ta lại sa vào vết xe thiên kiến của những người Do Thái xưa và nay. Bí tích Rửa Tội như cửa ngõ dẫn chúng ta vào Vương Quốc Tình Yêu Thiên Chúa. Chúng ta có hy vọng và khả năng vươn tới mục tiêu tối hậu là vinh quang vô tận của Thiên Chúa. Tuy nhiên, những hạn chế nơi ta vẫn còn. Đó là thái độ hẹp hòi, tự cao, hay đòi hỏi Thiên Chúa ban phát những điều không chính đáng; tệ hơn, nhiều khi ta lại chất vấn vô cớ, than trách Ngài khi gặp những trái ý trong cuộc sống….
3. Như tình Chúa yêu.
Cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu đã thực sự mở ra thế giới mới vô biên của tình yêu cứu độ. Nó đã chiến thắng mọi thành kiến, hẹp hòi, kỳ thị nhờ sự tình thương bao dung của Thiên Chúa. Thành quả này không dành riêng cho ai, mà nó được thấm nhập đến tận muôn cõi lòng luôn khao khát và sẵn sàng cho ánh sáng Tình Yêu ngự trị.
Như tình Chúa yêu. Chúng ta hãy luôn khiêm tốn để nhận diện các giá trị tiềm ẩn nơi những người xung quanh. Biết trân trọng những khác biệt trong tinh thần xây dựng, phát triển.
Như tình Chúa yêu. Chúng ta hãy loại bỏ những thiên kiến, hẹp hòi vốn có lâu nay, để cởi mở với muôn người.
Như tình Chúa yêu. Chúng ta hãy lưu tâm tới hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ và luôn sẵn sàng phục vụ họ.
Như tình Chúa yêu. Chúng ta dám chấp nhận đi tới những vùng miền đang phải đau khổ vì bất công, bạo lực, để nói lên tiếng nói của sự thật, công lý, tình thương.
Như tình Chúa yêu. Chúng ta hãy biết tha thứ và vui vẻ chịu đựng khi người khác có thái độ thù nghịch và cố tình làm thiệt hại phẩm giá của ta. Như lời Thánh Phaolô:
“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 7).
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
(Đại Chủng viện Vinh – Thanh)