Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Cảnh
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Cảnh
ĐẠO QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA LINH MỤC LÊ VĂN LÝ - VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 1970-1975
LỄ CỦA MẸ, TƯỞNG NHỚ MẸ BẰNG ĐỌC LẠI CA DAO
GIÁO HỘI VIỆT NAM TRONG NĂM 2016
GIỚI THIỆU SÁCH « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN »
LINH ĐẠO TÌNH YÊU VỢ CHỒNG
RA MẮT SÁCH “NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN HÓA VIỆT NAM PARIS”
Giới thiệu tác phẩm Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris 1995-2015 do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN PARIS phát hành
Giáo dân cộng tác với giáo sĩ một cách tích cực và đắc lực
THỨ NĂM TUẦN THÁNH ĐỌC LẠI: «MỘT LINH MỤC CHỨNG NHÂN KITÔ»
TUẦN THÁNH ĐỌC LẠI BÀI THƠ « BỐN MƯƠI 1972-2012 » CỦA CHA CUNG CHI ĐINH ĐỒNG THƯỢNG SÁCH - VỀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
ĐẠO QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA LINH MỤC LÊ VĂN LÝ - VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 1970-1975
Giáo dục con cái làm sao ?
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 13) Đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 12) Thành lập Dòng Mến Thánh Giá năm 1670
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 11) Thành lập chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ việt nam
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 10) Thành lập và tổ chức 17 Giáo Phận Tông Tòa, từ 1659 đến 1959
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 9) Tổ chức Công Đồng xây dựng chương trình truyền giáo ở Ayuthia năm 1664
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 8) THỜI KỲ TÔNG TÒA, 1659-1960, xây nền phát triển Giáo Hội
NOI GƯƠNG CÁC CHA DÒNG TÊN THỜI BẢO TRỢ 1615-1659, CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIÁO HIỆN NAY NÊN TỰA VÀO HÀNG GIÁO SĨ TRUYỀN GIÁO TRÁCH NHIỆM
LẬP MỘT DỤ ÁN TRUYỀN GIÁO CÓ MỤC TIÊU RÕ RỆT VỀ LƯỢNG VÀ PHẨM CHO NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI (Mừng Năm Thánh 2010, xem lịch sử truyền giáo Việt Nam, Bài 6)
HÀNH TRÌNH CỦA MỘT ƠN GỌI (CHỨNG TỪ ƠN GỌI, bài 11)
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 5) : THẨM ĐỊNH VIỆC TRUYỀN GIÁO THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM - Bài 4 : LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659
SẮC CHỈ VENERABILIUM NOSTRORUM NGÀY 24-11-1960 - THIẾT LẬP PHẨM TRẬT GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
SẮC CHỈ « SUPER CATHEDRAM » NGÀY 09.09.1659 THÀNH LẬP HAI GIÁO PHẬN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM
GXVN PARIS KẾT THÚC «NĂM ƠN GỌI» Nghe chia sẻ về đề tài: « Cộng đoàn là vườn ươm ơn gọi tận hiến »
Tân phó tế vĩnh viễn GIOAN NGUYỄN SƠN cho chứng từ về ơn gọi của mình
Chứng từ ơn gọi, bài 8 : Gia đình là vườn ươm nuôi ơn gọi
Giáo hội Việt Nam đã phát triển thế nào qua 477 năm lịch sử truyền giáo của mình, 1533-2010 ?
Những đức tính tự nhiên của người tận hiến. (Chứng từ ơn gọi, bài 7)
« Làm thế nào để quản lý tốt việc con cái xử dụng Internet » ?
Đời sống huynh đệ của người tận hiến (Chứng từ ơn gọi, bài 6)
Đời sống độc thân trong ơn gọi tận hiến (Chứng từ ơn gọi, bài 5):
Chứng từ ơn gọi, bài 4 - Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến
Đời sống siêu nhiên của người tận hiến
Chứng từ ơn gọi, (bài 2) Tự do trong đời sống tận hiến
Chứng từ Ơn gọi, (bài 1) Làm sao biết Chúa gọi mình
HỌ LÀ AI, BÀI THƠ VỀ NHỮNG ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Di chúc của Các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam
NHỮNG THÁCH ÐỐ CHO CÁC GIA ÐÌNH VIỆT NAM TRONG XÃ HỘI PHÁP HIỆN NAY

  

(Bài gợi ý, nói trong Khóa Hội Thảo thứ 12 của Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành Các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp,

họp từ 01 đến 04/05/2008, taị La Puye, Poitiers, Pháp)

 

Kính thưa quí Cha,

Kính thưa quí Ông Bà Ðại Diện

trong Ban Mục Vụ giới trưởng thành, các Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp 

Người Việt ta, ai cũng xưng mình là dòng dõi Âu Lạc. Âu Lạc là tên của một cặp hôn nhân thủy tổ của dòng giống Việt Nam. Gia đình bởi vậy giữ một vai trò quan trọng trong tiềm thức suy lý, trong sinh hoạt tổ chức và trong sáng tạo ứng xử của mỗi cá nhân và của xã hội Việt Nam. Tinh thần gia đình này được biểu lộ một cách rõ rệt qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ Việt Nam là một ngôn ngữ gia đình. Những thứ bậc, vị trí gia đình, từ cố cụ, ông bà, bác chú, cô dì, cậu mợ, anh chị em, con cháu,...đều đã được xử dụng để gọi thưa, xưng hỏi trong ngôn ngữ thông thường hàng ngày với tất cả mọi người, thân quen hay xa lạ. Văn hóa việt nam là văn hóa gia đình. Nếu Văn hóa việt nam, gốc Âu Lạc, ăn rễ sâu vào Khổng Lão Phật và đặt nặng đời sống tập thể gia đình và tâm linh, thì văn hóa Âu Châu, gốc Hy Lạp, Rô Ma và Kytô lại chú tâm đến cá nhân và vật chất.

Từ những năm 1970, số người việt nam hồi hương hay tỵ nạn ở Pháp càng ngày càng đông. Sau hơn bốn chục năm sống tại Pháp, người việt nam có hội nhập xã hội cao. Ðại đa số có công ăn việc làm. Ða số có nhà cửa. Ða số có con cái học hành tốt. Về vấn đề vật chất có thể nói rằng người việt nam thành công trong xã hội Pháp. Nhưng dưới khía cạnh văn hóa và tâm linh, từ những năm 2000, nhiều vấn đề đã được các cộng đoàn nêu lên, mà vấn đề căn bản là những thách đố. Thách đố xã hội, thách đố văn hóa, thách đố đức tin, thách đố giáo dục, thách đố gia đình…

Cha Tổng Ðại Diện các tuyên úy việt nam bên cạnh Hội Ðồng Giám Mục Pháp HÀ QUANG MINH đã chỉ định tôi gợi ý với Quí Cha và Quí Ông Bà Ðại Diện các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp thảo luận về đề tài : « Những thách đố cho các gia đình việt nam trong xã hội Pháp hiện nay ». Nói khác đi, Ban Tuyên Úy muốn chúng ta chia sẻ và trao đổi với nhau xem : Các gia đình việt nam đang sống tại Pháp hiện nay có gặp những thách đố về gia đình không ? Nếu có, những thách đố đó là những thách đố nào ? Từ đâu mà đến ? Nguyên nhân tại đâu ? căng cương ra sao ? Có thể giải đáp được không ? Giải đáp thế nào ? Trong bài gợi ý này, tôi xin trình bày một số thách đố hiện nay trong xã hội pháp cho các gia đình việt nam và nêu ra một vài giải đáp.   

1. Bảy chức năng gia đình theo quan niệm Việt Nam  

Tư tưởng việt nam về gia đình đã được cha ông ta tóm tắt và truyền lại cho con cháu qua câu ca dao rằng :

« Vợ chồng là nghĩa tào khang

Chồng hòa vợ thuận, nhà thường yên vui

Sinh con mới ra thân người,

Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no » 

Gia đình là một định chế xã hội căn bản, được chuẩn bị bằng nhiều giai đoạn và nghi lễ khác nhau mà nghi lễ quan trọng nhất là lễ cưới, có sự công khai ưng thuận và ký kết trước sự chứng giám của làng xã, giáo xứ, bà con bốn họ. Ðịnh chế gia đình này có nhiều chức năng, mà chính yếu là bảy chức năng đã được gói ghém trong câu ca dao trên.

1a). Tình yêu và tính dục : Gái trai, dẫu có là « gái sắc trai tài » thì cũng vẫn là gái trai. Nhưng nếu được kết hôn, thì sẽ được gọi là vợ chồng. Tên vợ chồng đã được dùng thay cho từ ngữ gái trai. Vợ chồng là sự nối kết giữa hai người nữ nam bằng tình dục và tình yêu, qua hôn nhân, để cùng chung sống với nhau. Vợ chồng, định chế xã hội, cũng gọi là hôn nhân, đã công khai chấp nhận nhu cầu tình yêu và tình dục của một người nam, con trai và một người nữ, con gái. Ðó là chức năng thứ nhất của hôn nhân.

1b). Tương trợ xã hội và chung thủy yêu thương: Vợ chồng là một trong năm đẳng cấp xã hội cổ truyền. Nếu đạo quân thần trọng ở chữ trung, đạo phụ tử nặng ở chữ hiếu, cũng như đạo huynh đệ quí ở chữ đễ và đạo bằng hữu nặng ở chữ tín, thì đạo vợ chồng sâu ở chữ nghĩa. Đó là ý nghĩa của thành ngữ ‘Nghĩa tào khang’. Trong mạch văn ‘Vợ chồng là nghĩa tào khang’, mà vợ chồng là một định chế, chữ ‘nghĩa’ là đức tính căn bản của vợ chồng, đã được dùng để định nghĩa cho hôn nhân. Nó là một tương quan trong năm tương quan: Trung, Hiếu, Nghĩa, Đễ, Tín. Nó là một định chế trong năm định chế: Quân-Thần, Phụ-Tử, Phu-Phụ, Huynh-Đệ, Bằng-Hữu. Chữ ‘nghĩa’ ở đây bao hàm ý nghĩa của một định chế tốt, phải đạo, được xã hội công nhận. « Tào khang » là một từ ngữ rút ra từ câu trả lời của Tống Hoàn Công cho vua Quang Võ. Số là vua Quang Võ có ngưới em gái goá chồng, tên là Hồ Dương công chúa. Bà này đem lòng yêu thương quan Tống Hoàn Công và nhờ anh là vua Quang Võ dạm hỏi, mối mai. Vua Quang Võ bèn kiếm dịp gạ hỏi xem ý Tống Hoàn Công thế nào. Ngày kia, vua hỏi Tống Hoàn Công rằng: ‘Trẫm nghe thiên hạ nói giầu đổi bạn, sang đổi vợ. Vậy ý khanh thế nào? Tống hoàn Công là người có nghĩa, có đức độ và đã có vợ, lấy nhau từ thuở hàn vi, bèn trả lời rằng: ‘Tào khang chi thê bât khả hạ đường, bần tiện chi giao mạc khả vong’, nghĩa là vợ chồng lấy nhau từ lúc khổ cực chẳng nên bỏ, bạn bè kêt giao từ thuở nghèo hèn chẳng nên mất. Tào khang dịch là khổ cực là dịch theo nghĩa bóng. Nghĩa đen ‘tào’ là cái máng, cái chậu cho súc vật ăn, ‘khang’ là cám gạo. ‘Nghĩa tào khang’, như vậy, là môt định chế phải đạo, lấy sự hy sinh, trung tín, chung thuỷ làm đầu. « Nghĩa tào khang » là chức năng thứ hai của hôn nhân, chức năng tương trợ xã hội và chung thủy yêu thương.

1c). Ðiều hòa tình cảm : Gia đình là nơi mà mỗi thành phần có thể chia sẻ tình cảm cho nhau, trút bỏ những căng thẳng nghề nghiệp, những đụng độ xã hội, những cam go cuộc sống, khuyến khích và tăng cường lòng tự tin, đức nhẫn nhục, chí phấn đấu,…để tạo nên cái cảnh : ‘Chồng hoà vợ thuận nhà thường yên vui’ : chồng hoà, vợ thuận và gia đình có đạo đức ngũ thường là chức năng thứ ba của gia đình, chức năng điều hòa tình cảm.

1d). Truyền sinh : Gia đình là dụng cụ truyền sinh, là định chế duy nhất trong xã hội được công nhận, để chính thức « Sinh con » nối dõi tông đường. Theo sinh học thì sinh con là việc tự nhiên. Theo tâm lý xã hội học thì sinh con là một nhu cầu truyền sinh để bảo vệ dòng giống. Theo đạo lý Việt Nam thì sinh con là một điều quí, mà ai cũng mong muốn có và có nhiều. Bởi vậy, mới có lời chúc ‘tam đa’, ‘ngũ phúc’ vào dịp cưới hỏi và được lặp lại hằng năm vào dịp tết nhất. Ba cái nhiều ta hằng chúc nhau là ‘đa tử, đa tôn, đa phú quí’, nhiều con, nhiều cháu, nhiều giầu sang. Năm cái phúc ta vẫn mong là ‘phú, quí, thọ, khang, ninh’, giầu có, sang trọng, sống lâu, khoẻ mạnh và bình an. Sinh con là chức năng thứ tư của gia đình, chức năng truyền sinh

1e). Giáo dục và xã hội hóa : Có con là điều tốt, có nhiều con là điều tốt hơn. Nhưng có con thành thân thành người mới là chính yếu quan trọng. Muốn được thế, cha mẹ phải làm sao cho chúng ‘ra’. Chữ ‘ra’ nghĩa thứ nhất là ‘ra khỏi’ như ‘ra khỏi nhà’. Nghĩa thứ hai là ‘trở nên, trở thành, hoá ra’. Chữ ‘ra’ này không gì khác hơn là chữ ‘giáo dục’ mà ta dùng hiện nay. Giáo dục, như chữ ‘ra’, đầu tiên có nghĩa là việc làm cho ta ra khỏi sự tối tăm, dốt nát, non dại, và sau đó đưa ta trở thành thông bác, khôn ngoan, đạo đức. Sinh con là một phúc đức của vợ chồng và giáo dục con thành thân thành người là bổn phận của cha mẹ. Mục tiêu giáo dục con cái mà cha mẹ ở gia đình phải đạt đến là thành thân thành người. « Ra thân ngừời » rõ rệt ám chỉ chức năng thứ năm của gia đình.

1f). Lao động và kinh tế : Nói ‘làm ăn’ là để phân biêt với ‘làm’. Nếu chỉ có ‘làm’ không, thì chữ làm là làm việc, mà đức tính cần cù là căn bản. ‘Làm ăn’ đây, nói theo kiểu ngày nay là hành nghề. Và việc hành nghề phải có lời để kiếm ăn. Chúng ta lưu ý tính cách thiết thực và mục đích cận kề của nó : làm để ăn, hoặc ăn để làm. ‘Làm ăn’ bởi vậy bao hàm tư cách hành nghề, như ‘làm chủ, làm thợ, làm công, làm mướn, làm thuê, làm khoán,...’. ‘Làm ăn’ cũng bao hàm cái nghề mình làm, như ‘làm nông, làm thày, làm thợ, làm quan, làm buôn, làm bán,...’ Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, có bốn ngành kinh tế để cho người ta làm ăn. Đó là làm hành chánh (sĩ), làm canh nông (nông), làm công kỹ nghệ (công), làm thương mại (thương). Trong tổ chức kinh tế tân tiến hiện đại, ngàn vạn nghề khác nhau, cũng qui về bốn ngành nghề căn bản này. Trước nhất là ba lãnh vực kinh tế có tính cách thị trường : nông nghiệp, công nghiệp kỹ nghệ và thương mãi dịch vụ. Thêm một lãnh vực không có tính cách thị trường, đó là công chức hành chánh. Làm ăn ở đây không nhất thiết phải làm nghề gì, nhưng quan trọng là phải đạt được hai chỉ tiêu sau dây : thịnh vượng và ấm no. Chúng ta lưu ý quan niệm quản lý làm ăn rất hiện đại của Việt Nam. Đó là quan niệm quản lý theo mục tiêu. Chỉ tiêu thứ nhất là cho công việc mình làm, xí nghiệp mình điều khiển được thịnh vượng. Chỉ tiêu thứ hai là cho gia đình mình, đời mình đến đời con, có chỗ chi tiêu, có ăn no mặc ấm. Sự phân chia lợi tức cũng đã được phác họa. Tại sao thịnh vượng ấm no lại là một sứ mệnh của gia đình ? Tại vì, nếu không có ăn no mặc ấm, là những nhu cầu tối thiểu để sinh tồn, và nếu không có thịnh vượng để thỏa mãn những đòi hỏi cần thiết khác, thì làm sao có thể có phương tiện để dậy con thành người ? Làm sao có điều kiện thuận lợi để làm cho gia đình được yên vui hạnh phúc ? Thiếu ấm no thịnh vượng, thì định chế gia đình có nhiều nguy hiểm bị suy nhược và tan rã. « Làm ăn thịnh vượng » chỉ rõ chức năng thứ sáu, chức năng lao động kinh tế của gia đình.

1g). Quốc gia dân tộc : Thiếu ấm no thịnh vượng, thì ở mức độ cao hơn, là mức thôn xóm, xã làng, quốc gia, xã hội, thì xã hội nào có nhiều gia đình nghèo đói là xã hội có nhiều nguy hiểm, mà nguy hiểm lớn nhất là bất công, tham nhũng và độc tài. Rồi từ bất công, tham nhũng, độc tài, sinh ra loạn lạc, chiến tranh. Từ bất công, tham nhũng, độc tài, loạn lạc, chiến tranh sinh ra nghèo đói, ngu dân. Phải hiểu cái vòng luẩn quẩn này, thi mới hiểu được tư tưởng khôn ngoan của Việt Nam, đưa ‘(Làm ăn thịnh vượng) đời đời ấm no’ làm chức năng thứ bảy của hôn nhân, chức năng bảo vệ và phát triển quốc gia dân tộc.

Như vậy, qua một câu ca dao vắn gọn, ông bà ta đã truyền lại cho con cháu một quan niệm phong phú về gia đình với bảy chức năng rõ rệt : tình yêu tính dục, tương trợ xã hội trong chung thủy yêu thương, điều hòa tình cảm, truyền sinh, xã hội hóa và giáo dục, lao động kinh tế, quốc gia dân tộc. Quan niệm đời sống gia đình việt nam này có thích hợp trong xã hội Pháp không ?  

2. Ba nét độc đáo của đời sống gia đình ở Pháp 

Ðời sống gia đình ở Pháp có những dữ kiện chính sau đây :

2a). Về cấu trúc gia đình, bảng thống kê làm vào năm 2005 nêu ra năm cấu trúc : độc thân, một phụ huynh, không con, có con, phức tạp và cho biết chiều tăng giảm, từ 1968 đ ến 1999.

Số gia đình độc thân, đàn ông hay đàn bà, càng ngày càng đông, nhất là đàn bà.: trên 100 đơn vị gia đình, từ 20,2% là độc thân vào năm 1968 đã tăng lên 31, 0% vào năm 1999

Số gia đình một phụ huynh cùng theo một chiều tăng : từ 2,9% (1968) lên 7.4% (1999).

Số gia đình không con cũng tăng, t ừ 21.1% (1968) l ên 24.8% (1999)

Số gia đình có con, ngược lại, lại giảm, từ 36% (1968) trụt xuống 31.5% (1999)

Số các gia đình phức tạp, trong đó có các gia đình tam đại hay tứ đại đồng đường thì lùi rõ rệt, từ 19.8% (1968) tụt xuống còn 5.3% (1999). 

2b). Về việc lập gia đình và ly dị, bảng thống kê làm vào tháng giêng 2008 cho biết về số gia đình được lập và số gia đình ly dị, từ năm 1994 đến năm 2007.

Số gia đình được hỏi cưới, từ 261037 vào năm 1994 tăng lên 305385 vào năm 2000 để tụt xuống 274084 vào năm 2006

Số gia đình ly dị, từ 121946 vào năm 1995, cứ từ từ tăng dần hằng năm, lên tới 139147 vào năm 2006.  

2c). Về luật pháp và chính sách gia đình. Nước Pháp có một kho luật rất dồi dào về gia đình, từ luật hôn nhân, ly dị, đến quyền cha mẹ, con cái, ăn ở không hỏi cưới,…. đặt căn bản trên công lý và bình đẳng. Thêm vào đó một chính sách gia đình rất nhân bản, đặt nền tảng trên tình huynh đệ, đã lập ra những phụ cấp gia đình, giúp nhiều gia đình thoát cảnh khốn cực. 

Tổ chức gia đình ở Pháp, trên căn bản về các chức năng gia đình, không khác lắm đối với quan niệm gia đình việt nam. Bảy chức năng mà người việt nam gắn cho định chế gia đình xem ra được xã hội Pháp công nhận. Sự khác biệt không ở phạm vi chức năng gia đình, nhưng ở cách thực hiện. Vì quan niêm « cá nhân chủ nghĩa », xã hội Pháp dành cho mỗi cá nhân một sụ tự do rất lớn, có thể vượt trên những ràng buộc của tập tục xã hội gia đình. Xã hội Pháp cho phép thanh niên nam nữ tự do tính dục ngoài hôn nhân, cho phép dùng những phương pháp khoa học để điều hòa sinh sản, cho phép rút lại lời giao ước hôn nhân chung thủy bằng ly thân, ly dị, cho phép khế ước sống chung cùng phái tính.

Ngoài ra, nước Pháp, vì là một nước kỹ nghệ và là một nước đã tiếp nhận nhiều sắc tộc ngoại kiều, nhất là những ngoại kiều gốc thuộc địa á phi cũ, thấy giãi bày ra trước mắt một số sự kiện khác về hôn nhân, như hôn nhân dị giáo và dị chủng. Một số vấn đề gia đình cũng gặp những khó khăn, như Uy quyền, uy tín cha mẹ, Giáo dục con cái, Liên lạc, thân tình họ hàng, Hiếu thảo với cha mẹ, Tôn kính ông bà tổ tiên.  

Những khác biệt và khó khăn vừa nêu trên có đặt vấn đề và trở thành thách đố cho gia đình việt nam ở Pháp không ? Nhiều người, không chỉ việt nam, xác nhận và bảo rằng đó là những thách đố :

·  1- Tự do tính dục ngoài hôn nhân,

·  2- Dùng thuốc điều hòa sinh sản,

·  3- Ly thân, ly dị,

·  4- Khế ước sống chung cùng phái tính,

·  5- Hôn nhân dị giáo, dị chủng,

·  6- Uy quyền, uy tín cha mẹ bị giảm,

·  7- Giáo dục con cái bị khó khăn,

·  8- Liên lạc, thân tình họ hàng thành lỏng lẻo,

·  9- Hiếu thảo với cha mẹ bị lơ là,

·  10- Tôn kính ông bà tổ tiên bị biếng trễ. 

Nguyên nhân khiến chúng trở thành thách đố là vì cái ngôn ngữ rất gia đình là tiếng việt đã bị lơ là. Từ đó, cái cốt lõi của văn hóa việt nam là chữ « HIẾU » cũng lu mờ. Chữ Hiếu không chỉ là cốt lõi của văn hóa gia đình việt nam mà còn là cốt lõi của văn hóa việt nam. Ta có thể bảo : « Người có hiếu chưa hẳn đã là việt nam ». Nhưng « không thể là việt nam, nếu không có hiếu ». 

3. Mười thách đố cho các gia đình công giáo việt nam tại Pháp

3a. Ðức Thánh Cha Gioan Phao lô, trong Tông Huấn gia đình, viết vào năm 1981, khi nêu ra những khía cạnh tích cực và tiêu cực của đời sống gia đình hiện nay, đã nhắc đến những sự thoái hóa đáng lo ngại : 1- một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, 2- những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, 3- những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, 4- con số các vụ ly dị gia tăng, 6- vết thương về sự phá thai, 7- việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, 8- việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai. 9- trong các nước thuộc thế giới thứ ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn, như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất. 10- Tại các nước giàu có hơn thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoải mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một thứ âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những sự sống mới: người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, nhưng lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né.

Ngài vạch ra nguyên nhân của những khía cạnh tiêu cực trên. Theo ngài, « Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình ».

Và ngài đã đưa ra một giải đáp : « Như thế, chỉ có việc giáo dục tình yêu ăn rễ trong đức tin mới có thể đưa người ta đến chỗ có khả năng đọc được những dấu chỉ thời đại nơi việc diễn tả cụ thể của tình yêu hai mặt ấy ». Ngài viết :

Hoàn cảnh trong đó các gia đình đang sống hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực: một số khía cạnh là dấu cho thấy ơn cứu độ của Đức Ki-tô đang tác động trong thế gian, một số khía cạnh khác là dấu cho thấy sự chối từ của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa.

Một đàng, người ta thấy có một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của các tương quan liên vị trong hôn nhân, đến sự nâng cao phẩm giá phụ nữ, đến sự sinh sản có trách nhiệm, đến việc giáo dục trẻ em; thêm vào đó là ý thức về nhu cầu phải phát triển những liên hệ giữa các gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần và vật chất, cũng như khám phá lại sứ mạng Hội Thánh riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn. Nhưng đàng khác, cũng không thiếu những dấu hiệu cho thấy một sự thoái hoá đáng lo ngại về một số giá trị căn bản: một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.

Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình.

Một sự kiện khác cũng đáng cho chúng ta chú ý: trong các nước thuộc thế giới thứ ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn, như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất. Tại các nước giàu có hơn thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoải mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một thứ âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những sự sống mới: người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, nhưng lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né.

Như thế, tình cảnh cụ thể trong đó gia đình đang sống quả là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng.

Sự pha trộn ấy cho thấy lịch sử không đơn thuần là một sự tiến bộ nhất thiết tiến về cái hay hơn, tốt hơn, nhưng là một diễn biến của tự do, và hơn thế nữa còn là một cuộc chiến giữa những mối tự do đối nghịch nhau, nghĩa là, nói theo thánh Augustinô, một cuộc xung đột giữa hai tình yêu: một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính mình và một bên là lòng yêu mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa. Như thế, chỉ có việc giáo dục tình yêu ăn rễ trong đức tin mới có thể đưa người ta đến chỗ có khả năng đọc được những dấu chỉ thời đại nơi việc diễn tả cụ thể của tình yêu hai mặt ấy.

3b. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, mới đây, trong thơ mục vụ 2002, cũng đã nêu ra những nguy cơ của gia đình việt nam : 1- hưởng thụ ích kỷ, 2- lối sống buông thả sa đà, 3- những trường hợp ly dị, 4- suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống, 5- một số cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; 6- một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lạ, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma tuý hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; 7- một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang, 8- sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, 9- sống chung không cưới xin, 10- dễ dàng sử dụng bạo lực...

Các ngài đã phân tích rõ ba nguyên nhân của những nguy cơ trên. Ðó là : 1- Nguyên do dễ thấy nhất là tiến trình "công nghiệp hoá, đô thị hoá" ; 2- hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm và 3- sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội.

Và các ngài đã đưa ra hai giải đáp : 1 Trước hiện tình nêu trên, là người Công giáo, chúng ta hãy nhìn đời sống hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng Mạc khải nơi Tình Yêu tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, 2- tất cả mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình. Các ngài viết :

Anh chị em thân mến, Nói đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ Hiếu làm đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa. Gia đình ấy xem chữ Tín làm trọng nên dễ dàng gặp thấy nơi điều răn thứ sáu và thứ chín tiếng nói chung nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly. Gia đình ấy gồm có ông bà cha mẹ con cháu trên thuận dưới hoà trong một mái nhà đầm ấm, được xem như một môi trường tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đức tin, nhất là cho việc xưng tụng Thiên Chúa là Cha và coi mọi người như anh chị em. Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụ thể để diễn tả tình huynh đệ Kitô giáo. Chính vì thế, Hội Thánh dù được định nghĩa như là "Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Ðền Thờ Chúa Thánh Thần" thường được người Việt Nam hình dung như một gia đình.

Tuy nhiên, hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ thấy nhất là tiến trình "công nghiệp hoá, đô thị hoá". Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

Cùng với tiến trình này là hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm. Hậu quả là một số cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lạ, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma tuý hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực...

Trước hiện tình nêu trên, là người Công giáo, chúng ta hãy nhìn đời sống hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng Mạc khải nơi Tình Yêu tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.

…..

"Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình" (ÐSGÐ số 86). Vì thế, tất cả mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình.

 

Kính thưa quí cha,

Kính thưa quí ông bà đại diện,  

Phải gọi những thách đố gia đình là gì ? là khó khăn, là đòi hỏi, là nguy cơ, là thoái hóa ? Tại sao chúng là những thách đố ? Những thách đố ấy là những cái nào ? Nguyên nhân từ đâu ? Sẽ phải được giải quyết ra sao ?

Chúng ta hôm nay gọi chúng là thách đố vì thấy chúng đưa ra những cư xử dễ dàng, như muốn thách thức ta, muốn thử sức với ta, xem ta có đủ can đảm vượt khó, có đủ trì chí đến cùng, có đủ mưu trí giải trừ. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi chúng là những sự thoái hóa đáng lo ngại. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam gọi chúng là những nguy cơ của gia đình việt nam.

Chúng là những trách đố, vì chúng muốn lôi ta ra khỏi đường đi của tổ tiên, « văn hóa gia đình Âu Lạc » ta. Vì chúng muốn tách ta ra khỏi « văn hoá tình yêu Kitô ». Ví chúng muốn kéo ta xa với « ánh sáng Mạc Khải nơi Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa ».

Nguyên nhân đưa ra những thách đố ấy là do một quan niệm suy đồi về tự do trong những nước kỹ nghệ giầu có và sự cùng cực khó nghèo trong những nước chậm tiến, do tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, do sự di dân ồ ạt về thành phố, do sự phát triển nhanh chóng và thiếu trách nhiệm của các phương tiện truyền thông.

Và cách giải quyết những thách đố này, theo văn hóa việt nam, hay nhất là trở về với chữ hiếu, cập nhật cách sống theo chữ hiếu. Chữ « HIẾU » càng dễ dàng hơn cho người việt nam công giáo, vì văn hóa tình yêu Tin Mừng Kytô xây đắp và củng cố chữ hiếu để đi lên chữ « TIN ». Ðức Thánh Cha Phao lô II và Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khuyến cáo giải quyết những thoái hóa và nguy cơ gia đình bằng con đường « giáo dục tình yêu trong đức tin, theo ánh sáng Mạc Khải, để quan tâm bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình ». 

Xin cám ơn quí cha và quí ông bà đại diện đã chú ý theo dõi lời gợi ý. Xin kính chúc quí cha và quí ông bà thảo luận tích cực và tìm ra những giải đáp cụ thể cho những thách đố gia đình mà chúng ta gặp phải trong đời sống hiện nay tại Pháp.  

Trần Văn Cảnh

(Poitiers, ngày 02/05/2008)

 

Tài liệu tham khảo :

·  ÐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn gia đình, 1981

·  Hội Ðồng Giám Mục Việt nam, Thư Mục Vụ « Thánh hóa Gia đình, 2002

·  INSEE, Population/ Famille /Situation matrimoniale trong

 http://www.insee.fr/fr/ffc/chifcle_liste.asp?theme=2&soustheme=3&souspop=

·  Trần Văn Cảnh, Một tư tưởng bình dân việt nam về hôn nhân và gia đình, trong Ðường vào tình yêu ; Paris, Giáo Xứ Việt Nam, 2000, tr. 205-217.

·  Trần Văn Cảnh, Dẫn nhập vào văn hóa gia đình việt nam, trong Văn hóa gia đình ; Paris : Giáo xứ Việt nam, 2006, tr. 13-70.

·  Trần Văn Cảnh, Mục vụ gia đình Giáo Xứ Việt Nam Paris, 2007, 74 trang, trong

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=309,

http://www.conggiaovietnam.net/tacgia/Gs.Canh/MucVuXaHoi/chuong10.htm

Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!