Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Cảnh
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Cảnh
ĐẠO QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA LINH MỤC LÊ VĂN LÝ - VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 1970-1975
LỄ CỦA MẸ, TƯỞNG NHỚ MẸ BẰNG ĐỌC LẠI CA DAO
GIÁO HỘI VIỆT NAM TRONG NĂM 2016
GIỚI THIỆU SÁCH « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN »
LINH ĐẠO TÌNH YÊU VỢ CHỒNG
RA MẮT SÁCH “NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN HÓA VIỆT NAM PARIS”
Giới thiệu tác phẩm Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris 1995-2015 do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN PARIS phát hành
Giáo dân cộng tác với giáo sĩ một cách tích cực và đắc lực
THỨ NĂM TUẦN THÁNH ĐỌC LẠI: «MỘT LINH MỤC CHỨNG NHÂN KITÔ»
TUẦN THÁNH ĐỌC LẠI BÀI THƠ « BỐN MƯƠI 1972-2012 » CỦA CHA CUNG CHI ĐINH ĐỒNG THƯỢNG SÁCH - VỀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
ĐẠO QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA LINH MỤC LÊ VĂN LÝ - VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 1970-1975
Giáo dục con cái làm sao ?
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 13) Đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 12) Thành lập Dòng Mến Thánh Giá năm 1670
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 11) Thành lập chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ việt nam
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 10) Thành lập và tổ chức 17 Giáo Phận Tông Tòa, từ 1659 đến 1959
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 9) Tổ chức Công Đồng xây dựng chương trình truyền giáo ở Ayuthia năm 1664
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 8) THỜI KỲ TÔNG TÒA, 1659-1960, xây nền phát triển Giáo Hội
NOI GƯƠNG CÁC CHA DÒNG TÊN THỜI BẢO TRỢ 1615-1659, CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIÁO HIỆN NAY NÊN TỰA VÀO HÀNG GIÁO SĨ TRUYỀN GIÁO TRÁCH NHIỆM
LẬP MỘT DỤ ÁN TRUYỀN GIÁO CÓ MỤC TIÊU RÕ RỆT VỀ LƯỢNG VÀ PHẨM CHO NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI (Mừng Năm Thánh 2010, xem lịch sử truyền giáo Việt Nam, Bài 6)
HÀNH TRÌNH CỦA MỘT ƠN GỌI (CHỨNG TỪ ƠN GỌI, bài 11)
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 5) : THẨM ĐỊNH VIỆC TRUYỀN GIÁO THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM - Bài 4 : LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659
SẮC CHỈ VENERABILIUM NOSTRORUM NGÀY 24-11-1960 - THIẾT LẬP PHẨM TRẬT GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
SẮC CHỈ « SUPER CATHEDRAM » NGÀY 09.09.1659 THÀNH LẬP HAI GIÁO PHẬN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM
GXVN PARIS KẾT THÚC «NĂM ƠN GỌI» Nghe chia sẻ về đề tài: « Cộng đoàn là vườn ươm ơn gọi tận hiến »
Tân phó tế vĩnh viễn GIOAN NGUYỄN SƠN cho chứng từ về ơn gọi của mình
Chứng từ ơn gọi, bài 8 : Gia đình là vườn ươm nuôi ơn gọi
Giáo hội Việt Nam đã phát triển thế nào qua 477 năm lịch sử truyền giáo của mình, 1533-2010 ?
Những đức tính tự nhiên của người tận hiến. (Chứng từ ơn gọi, bài 7)
« Làm thế nào để quản lý tốt việc con cái xử dụng Internet » ?
Đời sống huynh đệ của người tận hiến (Chứng từ ơn gọi, bài 6)
Đời sống độc thân trong ơn gọi tận hiến (Chứng từ ơn gọi, bài 5):
Chứng từ ơn gọi, bài 4 - Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến
Đời sống siêu nhiên của người tận hiến
Chứng từ ơn gọi, (bài 2) Tự do trong đời sống tận hiến
Chứng từ Ơn gọi, (bài 1) Làm sao biết Chúa gọi mình
HỌ LÀ AI, BÀI THƠ VỀ NHỮNG ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Di chúc của Các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam
GIÁO HỘI VIỆT NAM ĐÃ PHÁT TRIỂN THẾ NÀO QUA 477 NĂM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO CỦA MÌNH, 1533-2010 ?

Bài nói chuyện với các linh mục và tu sĩ Việt Nam

Ngày thứ ba, 30.06.2009

Trong Đại Hội VIII, của Hội Liên Tu sĩ Việt Nam tại Pháp

từ 29/06 đến 01/07/2009, tại GXVN Paris

  

Kính thưa quí cha, quí sư huynh và quí Sơ, 

Mở đầu bản « ĐỀ CƯƠNG GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM MẦU NHIỆM – HIỆP THÔNG – SỨ VỤ » phổ biến hồi tháng 10.2008 vừa qua, Ban Tổ chức NĂM THÁNH 2010 của HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM đã viết : « Giáo Hội tại Việt Nam không ngừng hát vang điệp khúc “Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136), đặc biệt trong thời gian cử hành Năm thánh kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam. Trong lời ca dâng lên từ đáy thẳm tâm hồn, các môn đệ của Đức Kitô trên cả đất nước Việt Nam muốn hoà chung lời tạ ơn, chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa đã ban cho mình được phúc nhận biết Ngài và cả hồng phúc được chịu khổ vì Ngài (x.1 Pr 3, 14; 4, 13-14; 1 Tx 1, 6)....

Giáo Hội trên đất nước này đã từng ngày lớn lên trong nguồn ơn thánh và có thể nói là đã vươn tới sự trưởng thành với hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập năm 1960 » (1).

Như vậy, lời cảm nhận đầu tiên mà Ban Chuẩn Bị Năm Thánh của HĐGMVN đã muốn gởi đến các tín hữu việt nam trong dịp chuẩn bị và cử hành Năm Thánh 2010 là « Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương ». Yêu thương cụ thể mà Chúa đã dành cho GHVN là đã cho nó « từng ngày lớn lên trong nguồn ơn thánh và có thể nói là đã vươn tới sự trưởng thành ».

Cảm nhận này cũng là cảm nhận của cha Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Hội Liên Tu sĩ Việt Nam tại Pháp, khi ngài ngỏ lời mời tôi gợi ý cho các thành viên của hội trong dịp Đại Hội lần thứ VIII năm 2009 này, về đề tài « Giáo hội việt nam đã phát triển thế nào qua 477 năm lịch sử truyền giáo của mình, 1533-2010 » ?

Xin mời quí cha, quí sư huynh và quí sơ, chúng ta cùng nhau chuẩn bị Năm Thánh 2010 bằng cách đi một vòng về thăm GHVN, theo hướng của 3 mục đích mà HĐGMVN đã đề ra cho Năm Thánh 2010 :

·        trước nhất, nhìn lại quãng đường lịch sử truyền giáo của GHVN, 1533-2010 (2);

·        rồi, từ đó, nêu ra những dữ kiện nổi bật, chứng tỏ sự « lớn lên và trưởng thành » truyền giáo của GHVN và đặc biệt là của hàng giáo sĩ và tu sĩ (3);

·        và sau cùng, trong phần thảo luận nhóm, nhìn tới tương lai truyền giáo của một Giáo Hội Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ (4). 

 I. Lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam, 1533-2010 

Nội qui cử hành Năm Thánh 2010 đã xác định 3 mục đích của Năm Thánh. Mục đích thứ nhất là : « Việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ : 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam » (5). Những gì đã xẩy ra trong ba thời kỳ của đường lịch sử truyền giáo Việt Nam ? 

Thời kỳ BẢO TRỢ, 1533-1659 : tiếp nhận Tin Mừng để xây nền Giáo Hội

Thời kỳ Bảo trợ trải dài trên hai giai đoạn lịch sử việt nam : giai đoạn Nam Bắc Triều Lê Mạc (1527-1592) và một phần giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh (1570-1786). Ba sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ về thời kỳ Bảo Trợ Truyền Giáo : 

1. Thế kỷ XVI, Công giáo vào Việt Nam và thành lập bốn cộng đoàn đầu tiên. Trong thế kỷ XVI, lịch sử Việt Nam loạn lạc với những tranh chấp giữa nhà Mạc và nhà Lê (1527-1592). Bắc triều nhà Mạc, cũng như Nam triều nhà Lê đều mời đón người Âu châu vào buôn bán với mình. Làm tuyên úy cho các thương thuyền người Âu, các giáo sĩ theo thương gia người Âu bắt đầu đền và truyền giáo ở Việt Nam. Năm 1533, Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, vào tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ I (1533), một người Âu Châu tên là Inêkhu đến truyền giáo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định ngày nay (6). Địa điểm thứ hai đã được tiếp nhận Tin Mừng là Thanh Hóa, với việc tòng giáo của công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng, vào khoảng những năm 1560-1570, rồi với việc đến Việt Nam truyền đạo của hai cha triều Alphonso de Costa và Juan Gonsalves vào năm 1590 và rửa tội cho công chúa Mai Hoa. Cũng trong thế kỷ XVI, địa điểm thứ ba đã được đón Tin Mừng là Quảng Nam - Thuận Hóa, với việc hai linh mục dòng Daminh là cha Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte đến Quảng Nam năm 1580-1586, và sau đó, việc ba nhà truyền giáo khác dòng Đa Minh, là cha Alfonso Jímenez, cha Diego và thầy trợ sĩ Juan Bautista Deza đến Cửa Hàn vào năm 1595 và đã khuyên được 2 tù nhân bị án tử hình ở Thuận Hóa theo đạo và an táng theo lễ nghi công giáo. Địa điểm thứ bốn được đón tin mừng là Thăng Long. Theo lời mời của Mạc Mậu Hợp, một phái đoàn các cha dòng Phanxicõ, gồm 4 linh mục là D. Operosa, B. Ruiz, P. Ortis, Fr. Montila và 4 thầy trợ sĩ cập bến An Quảng (Quảng Yên), ngày 01.05.1583. Nhưng khi vừa rời bến để lên Thăng Long, thì tầu bị bão đánh dạt sang đảo Hải Nam. Hai năm sau, cha Ruiz, đã 61 tuổi, trở lại được Thăng Long, được vua tôi Nhà Mạc đối xử tử tế và được tự do giảng đạo, nhưng không có ai theo đạo. Ngài chỉ rửa tội được cho một em bé sắp chết.  

2. Thế kỷ XVII, Công giáo hội nhập vào xã hội việt nam và thành lập nhiều cộng đoàn khác. Sang thế kỷ XVII, với phân tranh Trịnh Nguyễn (1570-1786), xã hội Việt Nam vẫn còn loạn lạc với bảy trận đánh Bắc Nam : 1627, 1630, 1635, 1648, 1655, 1661, và 1672. Chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, ai cũng muốn tiếp xúc với người Âu Châu để võ trang cho mình. Tiếp nối công việc tìm đường truyền giáo của các cha Đaminh và Phanxicô đã thực hiện trong thế kỷ XVI, sang thế kỷ XVII, các cha dòng Tên đã đến gieo vãi Tin Mừng rộng rãi hơn trên khắp các miền Việt Nam. Từ năm 1615 đến 1643 ở Đàng Trong và từ năm 1627 đến 1663 ở Đàng Ngoài, trên dưới 30 thừa sai dòng Tên đã đến truyền giáo ở Việt Nam. Nhiều vị giảng đạo bằng tiếng việt. Và tầt cả đều thích ứng Tin Mừng vào phong tục việt nam. Đây là cử chỉ hội nhập văn hoá đầu tiên. Nhờ vậy, hạt giống Tin Mừng đã được dễ dàng đón nhận : nhiều cộng đoàn khác đã được thành lập. Ở Đàng trong, cha François Buzomi và các đồng bạn đã mang Tin Mừng đến 5 cộng đoàn : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Thuận Hóa. Ở Đàng Ngoài, cha Đắc Lộ và đồng bạn đã mang tin mừng đến  7 cộng đoàn : Thanh Hóa, Nghệ An, Thăng long, Kẻ Bắc, Kẻ Đông, Kẻ Nam, Kẻ Tây.  

3. Công giáo đã khai sinh ra chữ quốc ngữ cho văn học việt nam. Để loan báo Tin Mừng, tất cả các linh mục dòng Tên đến Việt Nam, đều đã học tiếng Việt. Nhiều vị rất thông thạo. Cha Francois de Pina là người ngoại quốc thứ nhất rất thông thạo tiếng việt, người thứ nhất giảng mà không cần thông dịch viên. Cha Gaspar d’Amaral đã sáng tác từ điển Việt Bồ và cha Antonio Barbosa đã sáng tác từ điển Bồ Việt. Cả ba đều là người Bồ. Và cha Đắc Lộ đã sáng tác và cho in, năm 1651, hai tác phẩm quốc ngũ đầu tiên : cuốn Tự điển việt bồ latinh và cuốn giáo lý công giáo Phép giảng tám ngày.

Vào năm 1659, Giáo Hội Việt Nam, chưa có giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhưng có khoảng 100.000 tín hữu. 20.000 trong Nam ; 80.000 ngoài Bắc (7),  qui tụ quanh 340 nhà thờ (8). Cùng với các thừa sai khác, cha Đắc Lộ đã khai sinh ra Chữ Quốc Ngữ. Như vậy, cho thời kỳ 126 năm Bảo Trợ (1533-1659), ba sự việc quan trọng đã được thực hiện : 1- Công Giáo vào Việt Nam và 12 cộng đoàn đầu tiên đã đón nhận Tin Mừng, 2- Công Giáo hội nhập vào xã hội Việt Nam, 3- Công giáo khai sinh chữ quốc ngữ và văn học công giáo việt nam. 

Thời kỳ TÔNG TÒA, 1659-1960 : xây nền để phát triển Giáo Hội

Thời kỳ Tông Tòa trải dài trên 5 giai đoạn lịch sử việt nam : Trịnh Nguyễn phân tranh (1570-1786), Tây Sơn (1786-1802), Nhà Nguyễn (1802-1884), Bảo hộ Pháp (1884-1954), Quốc Cộng Nam Bắc (1954-1975). Ba việc đã được mở đầu ở thời Bảo Trợ vẫn được tiếp tục thực hiện, thêm vào đó, bốn việc quan trọng đáng ghi nhớ khác đã được thực hiện trong thời kỳ Tông Tòa này :  

4. Thành lập và tổ chức các giáo phận tông tòa ở Việt Nam. Các cha dòng Tên bị trục xuất khỏi Việt Nam. Cha Đắc Lộ đã về Âu Châu vận động Giáo Hội gởi giám mục đi truyền giáo ở Việt Nam, trong ba năm 1649-1652 ở Rôma và hai năm 1653-1654 ở Paris. Kết quả là ngày 09.09.1659 Ðức Thánh Cha Alexandre VII ban sắc lệnh thiết lập 2 giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam : Ðức Cha François Pallu được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Ngoài, thêm quyền cai quản 5 tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên của Trung Quốc và nước Lào ; và Ðức Cha Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Trong, thêm quyền cai quản các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đảo Hải Nam của Trung Quốc và gồm luôn cả Chiêm Thành. Từ đây, ngày 09.09.1659 được coi là ngày mở đầu cho thời kỳ thứ hai trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam : thời kỳ TÔNG TÒA (9).

Hai mươi năm sau, vào năm 1679, Giáo phận Đàng Ngoài (1659) được chia làm hai giáo phận mới : giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) từ sông Hồng ra phía biển với tân Giám mục Deydier và giáo phận Tây Đàng Ngoài Hà Nội, từ sông Hồng đến biên giới Lào, đặt dưới quyền của Giám mục J. de Bourges. Giáo phận thứ ba được thành lập. Thế kỷ XVIII không một địa phận mới nào đã được thành lập. Lý do chính yếu vì những cấm cản, bắt bớ, giết hại đã bắt đầu nghiêm trọng. Sang thế kỷ XIX, 6 giáo phận mới được thiết lập : Sài gòn (1844), Vinh (1846), Bùi Chu (1848), Huế (1850), Bắc Ninh (1883) và Hưng Hóa (1895). Rồi trong đầu thế kỷ XX, 8 giáo phận mới đã được thiết lập : Phát Diệm (1901), Thanh Hóa (1932), Kon Tum (1932), Thái Bình (1936), Vĩnh Long (1938), Lạng Sơn (1939), Cần Thơ (1955) và Nha Trang (1957). 

5. Thành lập giới tu sĩ và hàng giáo sĩ việt nam. Một trong những sứ mệnh hàng đầu của hai giám mục tông tòa là đào tạo linh mục bản xứ. Bởi vậy, việc đầu tiên khi mới tới Thái Lan, Đức cha Lambert đã nghĩ đến chuyện lập chủng viện và năm 1666, ngài đã xây cất cơ sở chủng viện thánh Giuse tại Ayuthia. Hai năm sau, năm 1668, Đức cha đã truyền chức linh mục cho hai vị việt nam đầu tiên Ðàng Trong : cha Giuse TRANG và cha Luca BỀN. Vài tháng sau cùng năm 1668 này, Ðức cha cũng đã truyền chức linh mục cho hai vị đến từ Ðàng Ngoài. Ðó là cha Gioan HUỆ và cha Bênêditô HIỀN. Sau đó, trong chuyến kinh lý Đàng Ngoài, Đức cha Lambert đã truyền chức linh mục cho 7 vị khác vào năm 1670. Đó là các cha : Mactinô MÁT(1670-1684), Giacôbê CHIÊU (1670-1683), Philiphê NHÂN (1670-1672), Antôn QUẾ (1670-1685), Simon KIÊN (1670-1684), Lêôn TRỤ (1670-1692), và Vitô TRI (1670-1705). Cũng dịp này, Ðức cha Lambert de la Motte đã ban các chức nhỏ  cho 20  vị khác và phép cắt tóc cho khoảng 20 chủng sinh trẻ hơn. Hàng giáo sĩ Việt Nam đã thực sự được thành lập.

Cũng năm này, ngày thứ tư lễ tro, 19.02.1670, Ðức cha nhận lời khấn của 2 nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên. Ðó là chị Agnès và chị Phaolô tại Phố Hiến, trên một chiếc thuyền neo tại sông Hồng, đối diện với làng Bái Vàng. Hai tu viện Mến Thánh Giá đầu tiên đã được thành lập ở xứ Ðàng Ngoài, một ở Kiên Lao, tỉnh Nam Ðịnh, nay thuộc địa phận Bùi Chu, một ở Bái Vàng, tỉnh Hà Nam, nay thuộc địa phận Hà Nội. Dòng Mến Thánh Giá đã được thành lập, mở đầu việc đào tạo tu sĩ tận hiến.  

6. Tăng lượng và tăng phẩm giáo hữu. Nhờ đã được đào tạo kỹ lưỡng và có nhiệt tình truyền giáo, các thừa sai hải ngoại Paris đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp : số giáo dân tăng trưởng không ngừng. Vào năm 1659, Giáo Hội Việt Nam có 100.000 giáo dân. 300 năm sau, năm 1960, số giáo dân việt nam đã tăng lên 21 lần, đạt con số 2.096.540 tín hữu công giáo.

Nhưng niềm hãnh diện nhất của Giáo Hội Việt Nam là đức tin vững mạnh của tín hữu. Dòng dã trong 5 thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến XX, rất nhiều lần giáo dân việt nam bị cấm cản, bắt bớ, giết hại vì đức tin. Dưới thời Trịnh Nguyễn và Tây Sơn, 30.000 tín hữu tử đạo ; Dưới thời ba vua nhà Nguyễn Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, 40.000 tín hữu bị giết vì đạo ; Và với Phong trào Văn Thân, 60.000 tín hữu đã bị giết hại vì đức tin công giáo. Tổng cộng, 130.000 người tử vì đạo vì xưng và làm chứng cho đức tin.   

7. Đóng góp xây dựng văn hóa và xã hội cho Việt Nam. Tiếp nối con đường hội nhập văn hóa mà cha Đắc Lộ đã vạch ra, các cha thừa sai hải ngoại Paris tiếp tục đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng và phát triển văn hóa việt nam.

Trong lãnh vực văn học, nhiều sách nghiên cứu về ngôn ngữ việt nam, đặc biệt các tự điển đã được tiếp tục. Tự điển Việt Latinh của Pierre Pigneaux (1772), Latinh Việt của Jean-Louis Taberd (1838), Việt Latinh của Joseph Theurel (1877), Việt Pháp của Jean Génibrel (1898), Tự điển Việt Hoa Pháp của Gustave Hue,… Nhiều sách đạo bằng chữ nôm và chữ quốc ngữ đã được sáng tác, nhiều sách về văn hóa giáo dục bằng chữ quốc ngữ đã được sáng tác (10). 

Trong lãnh vực chính trị kinh tế, một sự kiện lịch sử khác, dẫu không thuộc sứ mệnh của giáo hội, nhưng đã được một trong những giám mục thừa sai thực hiện, đó là việc Đức cha Bá Đa Lộc (1741-1799) đã giúp Nguyễn Vương lập nên Nhà Nguyễn và tham chính, làm Đại thần với chức Sư Phó. Ngài đích thân tham gia vào binh đoàn trong cuộc tấn công quân Tây Sơn tiến chiếm và bảo vệ thành Diên Khánh (Nha Trang), 1792-1794 (11).

Trong lãnh vực giáo dục, Nhiều trường đã được thiết lập, mà đầu tiên là các trường chủng viện đào tạo chủng sinh và linh mục đã được thành lập. Cha François Deydier đã lập « chủng viện nổi » ngay năm mới đến Việt Nam, 1666.  Tiếp theo đó, nhiều chủng viện khác đã được thành lập : Kiên lao, Kẻ Cốc (1683), Lục Thủy (1686), Kẻ Lò (1697), Lái Thiêu (1789),… Sau đó, là các trường học ngoài đời : tiểu học và trung học. Vào năm 1939, ở Đông Dương, người ta đếm được 1.783 trường công giáo, thâu nhận 121.172 học trò.

Trong lãnh vực xã hội, nhiều cơ sở từ thiện đã được thành lập : trường câm điếc Lái Thiêu lập năm 1866, trại phong Qui Hòa lập năm 1929, …Tiếp theo đó, nhiều cơ sở xã hội khác dần dà đã được giáo hội thành lập, cô nhi viện, bệnh xá, trại cùi, nhà hộ sinh, phòng phát thuốc,…   

Kết quả là 300 năm sau, vào năm 1960, Giáo hội Việt Nam có 17 giáo phận, có 130.000 người tử vì đạo, có 23 giám mục, 1.914 linh mục, 5.789 tu sĩ, 1.530 đại và tiểu chủng sinh, có 2.096. 540 tín hữu, trên tổng số 29.200.000 dân, chiếm tỷ số 7.17% dân số (12). Số giáo hữu tăng gấp 21 lần. Giáo Hội, dẫu không ngừng bị bách hại bởi chính quyền, đã tạo ra một nền văn học quốc ngữ mới cho Việt Nam, đã tham gia tích cực vào việc xây dựng và cải tiến văn hóa, giáo dục và xã hội cho Việt Nam.  

Thời kỳ CHÍNH TÒA, 1960-2010 : phát triển để Giáo Hội trưởng thành

Thời kỳ Chính Tòa, tuy mới bắt đầu chưa được 50 năm, nhưng đã trải dài trên hai giai đoạn lịch sử Việt Nam : Giai đoạn Quốc Cộng Nam Bắc (1954-1975) và giai đoạn Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa (1975-2010). Ba việc khai trương thời Bảo Trợ và bốn việc bắt đấu thời Tông Tòa vẫn được đều đặn thực hiện. Thêm vào đó, năm việc mới đã được thực hiện.  

8. Thành lập hàng giáo phẩm việt nam. 

Từ năm 1933, bắt đầu có giám mục người Việt Nam. Đến năm 1959, 14 linh mục việt nam đã được tấn phong giám mục. Đó là các đức cha : Nguyễn Bá Tòng (1933), Hồ Ngọc Cẩn (1935), Ngô Đình Thc (1938), Phan Đình Phùng (1940), Lê Hữu Từ (1945), Phạm Ngọc Chi (1950), Trịnh Như Khuê (1950), HHoàng Văn Đoàn (1950), Trần Hữu Đức (1951), Trương Cao Đại (1953), Nguyễn Văn Hiền (1955), Nguyễn Văn Bình (1955), Khuất Văn Tạo (1956) và Bùi Chu Tạo (1959).

Thấy rằng Giáo Hội Việt Nam đã đủ trưởng thành, ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam; các giám mục hiệu toà trở thành CHÍNH TÒA với 3 toà Tổng giám mục ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Thành lập thêm ba giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên trong giáo tỉnh Sài Gòn. Số các giáo phận tăng lên thành 20 : 10 ở giáo tỉnh Hà Nội, 4 ở giáo tỉnh Huế và 6 ở giáo tỉnh Sài Gòn.  

9. Các giáo sĩ việt nam tham gia vào giáo triều Roma với nhiều chức phận khác nhau : nghị phụ, hồng y, chủ tịch, sứ thần, bí thư,.… Hai năm sau khi được cất lên hàng Giám Mục Chính Tòa, vào năm 1962, kỳ họp đầu tiên của Công Đồng Chung Vatican II, từ ngày 11/10 đến 08/12/1962, 17 đức cha của các giáo phận Miền Nam Việt Nam đã đến Rôma tham dự công đồng và gặp Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Nhiều đức cha đã tiếp tục đến dự các kỳ họp thứ II năm 1963, thứ III năm 1964 và thứ IV năm 1965.

Từ năm 1976, việt nam bắt đầu có hồng y và cho đến nay, tất cả chúng ta có 5 vị. Đó là các vị sau đây : Trịnh Như Khuê (1976), Trịnh Văn Căn (1979), Phạm Đình Tụng (1994), Nguyễn Văn Thuận (2001) và Phạm Minh Mẫn (2003).

Ngoài ra, một số giáo sĩ việt nam đã được chọn lựa để tham gia các chức vụ tại giáo triều Rôma, Đức Ông Trần Ngọc Thụ Bí Thư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Ông Trần Văn Khả phục vụ Bộ Phụng Tự, Đức Ông Nguyễn Văn Phương làm việc ở Bộ Truyền Giáo, hay phục vụ tại các Tòa Khâm Sứ, như Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, …. 

10. Giáo sĩ và tu sĩ việt nam đi làm mục vụ trên khắp thế giới. Năm 1975, chính quyền Miền Bắc chiến thắng chính quyền Miền Nam và thống nhất quốc gia trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Khoảng một triệu nggười miền Nam đã bỏ nước đi tỵ nạn trên khắp các quốc gia trên thế giới, từ Á, qua Âu, sang Mỹ, đến Úc và Phi châu. Trong số những người tỵ nạn chính trị năm 1975 này, người công giáo chiếm một số quan trọng. Ngày nay, trên khắp các nước nhiều giáo sĩ và tu sĩ góp phần truyền giáo, không chỉ cho người việt nam, mà cả cho người bản xứ nữa. Hội Tu sĩ Việt Nam tại Pháp hiện nay qui tụ 450 hội viên linh mục, chủng sinh và tu sĩ. Làm việc mục vụ toàn thời cho giáo dân việt nam không quá 10 vị. Khoảng 50 vị phục vụ bán thời cho giáo dân việt nam. Số còn lại, một số là sinh viên đang theo học hay tu nghiệp, đại đa số phục vụ cho giáo hội địa phương Pháp. 

11. Thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ngày 01.05.1980 có thể được coi là một trong những ngày lịch sử của Giáo Hội Việt Nam, Vì đó là ngày đầu tiên mà 33 vị giám mục khắp ba miền Việt Nam đã có thể về tham dự Đại Hội Giám Mục Việt Nam và đã thành lập qui chế Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. « Hội đồng Giám mục Việt Nam là một tổ chức có tính cách pháp nhân gồm tất cả các giám mục đang thi hành phận sự mục vụ nơi các giáo phận tại nước Việt Nam. Tổ chức này có nhiệm vụ cổ vũ tình liên đới để phát huy các thiện ích mà Giáo Hội cống hiến cho Dân Chúa bằng các hình thức tông đồ và các phương pháp thích hợp với hoàn cảnh của thời đại, trong tinh thần gắn bó với dân tộc và đất nước (x. Thư Chung HĐGM VN 1980, số 9, 10, 11, 12). HĐGM VN lấy mục đích xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm - hiệp thông - truyền giáo và phục vụ con người trong xã hội làm điểm quy chiếu cho mọi sinh hoạt và quyết định của mình ».

Với một Ban Thường vụ, một Văn phòng và 16 Ủy ban chuyên biệt, HĐGM VN đã đưa cho GHVN một sức sống mới, một tổ chức mới và một cách làm việc mới. Mà Năm Thánh và Đại Hội Dân Chúa 2010 là một biểu lộ khách quan. 

12. Giáo hội phong hiển thánh 117 vị tử đạo ở Việt Nam. Ngày 16-11-1985 Ðức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục (HÐGM) Việt Nam, đã chính thức gửi thỉnh nguyện thư lên Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II để xin « cho lệnh mở lại hồ sơ các Chân Phúc tử đạo Việt Nam và cứu xét việc tôn phong các ngài lên bậc Hiển Thánh. Cả dân tộc Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, nhất trí với con để dâng lời thỉnh nguyện này ». Ba năm sau, ngày 19.06.1988, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã chính thức làm lễ tôn phong hiển  thánh cho 117 chân phước tử đạo ở Việt Nam, tại quảng trường thánh Phêrô tại Rôma, trước sự hiện diện của 15.000 ngưới, trong đó có rất nhiều người công giáo việt nam đến từ khắp thề giới.     

13. Tâm thức Việt Nam của Giáo dân Việt Nam. Thư chung 1980 của HĐGM VN, đã xác định rõ ràng rằng « Hội Thánh là dân Thiên Chúa, Hội Thánh vì loài người ; Hội Thánh của Chúa Kitô gắn bó với dân tộc và đất nước, Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc, Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc ». Từ đó, tín hữu việt nam, theo gương cha Đặng Đức Tuấn và ông Nguyễn Trường Tộ, giáo sĩ cũng như giáo dân, dần dà có một tâm thức mới : ý thức rõ rệt mình là việt nam công giáo, dấn thân tham gia trách nhiệm xây dựng quốc gia dân tộc, để bảo vệ và phát triển chân lý và công bình xã hội, mở rộng nhân bản trên nền tảng Tin Mừng. 

Sau 50 năm Chính Tòa (1960-2010), « Tính đến 31-12-2007, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 26 giáo phận : 10 ở Giáo tỉnh Hà Nội, 6 ở Giáo tỉnh Huế và 10 ở Giáo Tỉnh TP-HCM, 2 Hồng y, 2 Tổng Giám mục, 38 giám mục, 3.510 linh mục, 14.968 tu sĩ nam nữ, 6.087.659 tín hữu trên tổng số 85.154.900 người, chiếm 7,15% dân số. Trong gần 50 năm qua, GHCGVN đã có thêm 9 giáo phận mới, số tín hữu tăng gấp 3, số linh mục tu sĩ tăng gấp đôi » (13). Giáo hội Công Giáo đã lớn lên và đã trưởng thành. 

II. GHVN đã lớn lên và trưởng thành 

Mục đích thứ hai mà Bản Nội Qui đã xác định cho Năm Thánh 2010 là : « Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay » (14). Qua những dữ kiện của 3 thời kỳ lịch sử trên đây, phải định giá thế nào về đời sống Giáo Hội ? Nhiều thẩm định có thể được đưa ra, nhưng thẩm định nào cũng phải nhìn nhận rằng « Giáo Hội đã lớn lên và đã trưởng thành ». 

21. Giáo hội đã lớn lên từ thời tông tòa

211. Lớn lên trước nhất là lớn lên về lượng.

Bảng sau đây, qua những con số liên can đến số giáo dân, giáo phận, giáo sĩ, tu sĩ,… sẽ mô tả rõ rệt và khách quan sự lớn lên này, qua 3 thời kỳ Bảo Hộ, Tông Tòa và Chính Tòa 

 

Thời Bảo Tr

1533-1659

Thời Tông Tòa

1659-1960

Thời Chính Tòa

1960-2010 (15)

Giáo dân

100.000

2.096.540

6.087.659

Giáo phận

0

từ 2 đến 17

từ 20 đến 26

Giáo sĩ

Không quá 100 giáo sĩ truyền giáo, trong đó

64 linh mục dòng Tên

 

Cả ngàn giáo sĩ truyền giáo, trong đó 956 linh mục Thừa sai Hải ngoại Paris

 

 

23 giám mục

(tất cả 18 gm việt nam)

1914 linh mục

 

 

 

 

 

2 hồng y

(tất cả 5 hồng y)

2 tổng giám mục

38 giám mục

(tất cả 99 gm việt nam)

3510 linh mục

 

Tu sĩ

6 trợ sĩ dòng Tên

 

5.789 tu sĩ

 

14.968 tu sĩ

 

 212. Lớn lên thứ đến là lớn lên về chức vụ

Tiếp theo sự lớn lên về số lượng, thường có sự lớn lên về phẩm chất, nhờ vào phát triển các chức vụ, hay phương tiện. Năm khía cạnh chức vụ phương tiện hay được nhắc đến để phân tích sự phát triển của một tổ chức là : chất liệu, nhân sự, cơ sở vật dụng, phương pháp dụng cụ, môi trường (biểu đồ Ishikawa). Chức vụ nào cũng phát triển, cả lượng lẫn phẩm. 

212a. Chức vụ chất liệu, nhận diện người lương dân mà mình có trách nhiệm mang Tin Mừng cho họ. Để trở thành giáo dân công giáo việt nam, trước đó, giáo dân việt nam đã là việt nam ; và sau đó, khi đã là công giáo việt nam, họ vẫn là việt nam. Số người mà giáo hội có sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho họ ở Việt Nam là người Việt Nam. Số người việt nam tăng lên rất nhiều và gồm đủ mọi hạng người, trình độ, tuổi tác, tính tình,…. Năm 1960 chỉ có 29.200.000. Năm 2007 đã tăng lên gần gấp ba, đến 85.154.900. Theo cái nhìn truyền giáo, trong đó 4 thành phần chính yếu của giáo hội địa phương là giám mục chính tòa, linh mục quản xứ, giáo dân và lương dân, thì lương dân việt nam tăng lên càng ngày càng đông. Nhiệm vụ truyền giáo của tín hữu càng ngày càng lớn. 

212b. Chức vụ nhân sự, giúp tín hữu tăng khả năng làm việc truyền giáo, có tổ chức. Trong thời Bảo Trợ (1533-1659), Giáo hội Việt Nam căn bản chỉ có giáo dân, có thể là giáo dân quyền uy, như Công Chúa Mai Hoa (1591), Minh Đức Vương Thái Phi (1624),…Một số rất ít đã bắt đầu nghĩ đến đời sống tận hiến trong Hội Thầy Giảng, do cha Buzomi và Đắc Lộ thành lập, tuyên hứa sống độc thân, hy sinh trọn cuộc đời phục vụ Chúa và Giáo Hội, vâng phục các giáo sĩ và người đại diện.

Sang thời Tông Tòa (1659-1960), Giáo hội Việt Nam bắt đầu có giáo sĩ từ năm 1668, với 4 linh mục việt nam tiên khởi, tăng thêm 7 tân chức vào năm 1670. Cũng năm 1670, bắt đầu có các nữ tu Mến Thánh Giá, Qui chế Nhà Đức Chúa Trời, Nhà Chung thành hình. Và từ đầu thế kỷ XX một số giáo sĩ ở Việt Nam đã sáng lập dòng : Cha Gernot Quý và Ritter Giáo đã lập dòng Sư Huynh Kitô Vua Cái Nhum năm 1870, Đức cha J. Allys Lý lập dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân năm 1920, Cha J. Sion Khâm lập dòng Sư Huynh Thánh Giuse Nha Trang năm 1926, Cha Nguyễn Khắc Tước (Việt Anh) lập Tu Đoàn Tông Đồ Nhập Thể, Tận Hiến, Truyền Giáo năm 1949, Cha Trần Ngũ Nhạc lập Tu Hội Chúa Giêsu năm 1950, Cha Trần Đình Thủ lập dòng Đồng Công năm 1953, Cha Vũ Khoa Cử lập Tu Hội Nhà Chúa năm 1956, Cha Vũ Khánh Tường lập Tu Hội Đắc Lộ năm 1957, Cha Đào Tiến Tình lập Tu Hội Gia Đình Na Gia năm 1964, Cha Đào Duy Dư lập Tu Hội Nhà Chúa Thánh Gioan Tiền Sử năm 1974, …

Ngoài ra, theo nhịp phát triển, nhiều dòng tu Âu châu đã đến hỗ trợ việc truyền giáo ở Việt Nam. Không kể những dòng tu đã có mặt ở Việt Nam là Đaminh (1580), Phanxicô (1583), dòng Tên (1615), Thừa sai Hải ngoại Paris (1664) ; Lần lượt nhiều dòng tu khác đã được mời đến Việt Nam : Nữ tu thánh Phaolô (1860), Nữ Đan sĩ Carmel (1861), Sư huynh Lasan (1866), Nữ tu Chúa Quan Phòng Portieux (1876), Nữ tử Đức Bà Truyền giáo (1924),Chúa Cứu Thế (1925), Nữ tử Bác ái thánh Vincent de Paul (1928),…

Đầu thế kỷ XX bắt đầu có giám mục việt nam : GB Nguyễn Bá Tòng (1933), Dominicô Hồ Ngọc Cẩn (1935), Phêrô Ngô Đình Thục (1938), Gioan Phan Đình Phùng (1940), Tađêô Lê Hữu Từ (1945), Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1950), Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1950), Đominicô Hoàng Văn Đoàn (1950),… 

212c. Chức vụ cơ sở vật dụng, liên hệ đến các cơ sở và phương tiện vật chất, cần thiết cho việc truyền giáo. Tin mừng được rao giảng đến đâu, thì các cơ sở vật chất cần thiết, như thánh đường, trường học, nhà thương,.. đều đã được xây cất. Nhưng, lúc đầu, vì thiếu phương tiện, các cơ sở đều được xây cất tạm bợ, và đa số đã bị phá hủy trong thời cấm đạo. Bắt đầu cuối thế kỷ XIX, nhiều cơ sở vững chắc đã được  xây cất : Chủng viện Sài Gòn 1861, Ấn quán Tân Định 1864, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn 1880, Nhà thờ chính tòa Hà Nội 1887, Trường Taberd Sài Gòn 1889, Nhà thờ Phát Diệm 1895, Đền Đức Mẹ Lavang 1900, Trung học Thiên Hựu 1933, …

212d. Chức vụ phương pháp, liên hệ đến những phương pháp, thủ tục giữ đạo và truyền đạo. “Bản chất Hội Thánh được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt : rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria) cử hành các Bí tích (leiturgia), phục vụ bác ái (diakonia) (16). Ba mặt trách nhiệm này vẫn thường được thực hiện và nhắc nhớ thường ngày. Tham dự thánh lễ hàng ngày, nhất là Chúa nhật, với những kinh sách kèm theo, cũng như lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là hai bí tích Mình Thánh Chúa và giải tội đã là một phương thức hữu hiệu bảo vệ đức tin. Hai việc khác đã được Giáo hội Việt Nam, hiệp thông cùng Giáo hội hoàn vủ, mà khích lệ và phát triển là việc biên soạn, phổ biến tài liệu và việc tổ chức các công đồng chỉ đạo hướng dẫn.

Phép giảng tám ngày (1651), Thánh giáo yếu lý quốc ngữ (1802), Thánh giáo kinh nguyện (1845), Giảng bảy phép cực trọng Sa-ca-ra-men-tô (1865), Sách dẫn đường giữ đạo (1866),  Giáo lý chầu nhưng (1882),… đã là những thư liệu giúp giáo dân hiểu đạo và sống đạo. Bên cạnh những thư liệu, là những thơ chung của các giám mục, đặc biệt là các đức cha Colombert, Miche, Gendreau, ….

Công đồng Ayuthia (1664) chỉ cho nhà truyền giáo cách sống đời tu đức, cách giảng đạo và cách tổ chức giáo hội địa phương, công đồng Phố Hiến (1670) và Hội An (1672) nhắc lại những điều căn bản của công đồng Ayuthia. Công đồng Gò thị (1841) chú tâm tới việc truyền giáo, huấn luyện và nâng cao trình độ giáo sỹ. Công đồng Nam Kỳ tại Sài gòn 1880 lấy những quyết định về 4 lãnh vực : giáo sĩ, trường học và chủng viện, truyền bá đức tin, việc coi sóc các linh hồn. Công đồng Bắc Kỳ tại Kẻ sặt 1900 bàn về 4 vấn đề : nhân sự, tài sản, các bí tích và điều hành họ đạo. Công đồng Đông dương tại Hà Nội (1934) thảo luận rộng rãi về 5 vấn đề qua dự án của 5 ủy ban : nhân sự và chức vụ, hàng giáo sĩ địa phương và việc đào tạo, bí tích và phụng vụ, bảo vệ và truyền bá đức tin, quản trị tài sản. 

212e. Chức vụ môi trường liên hệ đến những hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội, trong đó giáo hội sinh sống và phát triển. Hoàn cảnh tốt là tín hữu không bị cấm cản, bách hại, cũng không bị cám dỗ lôi cuốn bỏ đạo. Đây là hoàn cảnh tương đối hiếm khi xẩy ra trong đời sống tín hữu. Đức Kitô, đấng sáng lập giáo hội, đã gặp hai hoàn cảnh bất lợi : hoàn cảnh bị cám dỗ về ăn uống, chức quyền, vinh hoa, sau khi vừa ăn chay 40 đêm ngày (Math, ch IV) ; và hoàn cảnh bị đối nghịch, ganh tỵ, ghét ghen, đánh đòn và tử hình (Math, ch. XXVI, XXVII). Tín hữu việt nam cũng đã được tôi luyện qua hai môi trường đối nghịch này. Trong 4 thế kỷ đầu, từ XVI đến XIX, có thể bảo rằng tín hữu công giáo đã phải sống trong môi trường đối nghịch, ganh tỵ, ghét ghen, bắt bớ, giết hại. Nhờ ơn Chúa, nhiều người đã chiếm được phần thắng, vì đã can đảm xưng đức tin. Ngưng từ thế kỷ XX, với sự phổ biến văn hóa vật chất chủ trương tự do phóng túng, với những dồi dào của tiện nghi, hấp dẫn của thú vui hưởng thụ, một môi trường mới đang quyến dũ, cám dỗ người tín hữu, lôi kéo họ theo bả phú quí, vinh hoa, bất chính, bất lương. Môi trường mới này hại đạo một cách tinh vi hơn, khó biết hơn. Vượt được những thử thách này sẽ làm cho tín hữu trưởng thành hơn và giáo hội phát triển hơn !


22. Giáo Hội đã trưởng thành từ thời Chính Tòa (1960-2010)

Năm nét nổi bật diễn tả sự trưởng thành : độc lập và toàn quyền quyết định, hiệp thông với nhau, mở ra với bên ngoài, công việc thực hiện đa dạng và hệ thống tổ chức công việc đa phương. 

221. Từ ngày 24.11.1960, Giáo Hội Việt Nam đã chuyển sang một thời kỳ mới : thời kỳ Chính Tòa, theo đó, các giám mục có toàn quyền cai quản giáo phận của mình. Lúc đầu 2 trên 20 vị là ngoại quốc. Ngày nay, tất cả các vị đều là Việt Nam.  « Ở trong giáo phận đã được giao phó, Giám Mục giáo phận có mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp, cần có để thi hành nhiệm vụ mục vụ của ngài, ngoại trừ những vụ mà pháp luật hoặc sắc luật của Ðức Thánh Cha đã dành lại cho quyền bính tối cao hoặc một quyền bính nào khác trong Giáo Hội » (GL, 381).  

222. Các giám mục của 26 địa phận hiệp thông trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đưa ra một đường hướng chung cho 26 giáo phận, viết thơ chung hướng dẫn giáo dân sống đạo, lập các Ủy Ban Giám mục, chuyên biệt hoạt động trong 16 Ủy Ban Giám Mục chuyên biệt, mở Đại Hội Dân Chúa vào Năm Thánh 2010, để « xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia và Giáo Hội vì loài người ». 

223. Giáo hội Việt Nam không chỉ nhìn vào Giáo Hội Việt Nam với những giáo dân và lương dân của mình, mà còn mở ra với bên ngoài : với giáo hội trung ương Rôma và hoàn vũ

·        Bắt đầu có Hồng Y : Trinh Như Khuê, Trịnh Văn Căn, Phạm Đình Tụng, Nguyễn Văn Thuận, Phạm Minh Mẫn

·        Lập tổ chức Hội Đồng Giám Mục, với các Ủy Ban Giám Mục chuyên môn

·        Được có 117 hiển Thánh Tử Vì Đạo

·        Các giám mục được đi « ad limina » tại Vatican đều đặn hơn

·        Nhiều linh mục tham gia giáo triều Roma

·        Giám mục (Đc Thuận) Việt Nam được bổ nhiệm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình

·        Giám mục tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu,

·        Giám mục Việt Nam (Đc Tốt) được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh

·        Nhiều linh mục và tu sĩ Việt Nam làm mục vụ, hay đi truyền giáo trên khắp các nước trên thế giới. 

224. Những công việc thực hiện hàng ngày cũng là một dấu chỉ khác, biểu lộ sự trưởng thành của một tổ chức hay của một người. Ngoài việc ban phát bí tích và thánh hóa các giáo hữu trong các xứ đạo, Giáo Hội Việt Nam còn rất hăng hái trong việc giảng đạo cho lương dân bằng văn hóa, giáo dục và xã hội. Rất nhiều phong trào công giáo tiến hành đã được thành lập tử sau thế chiến thứ hai : Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Hướng Đạo Công Giáo, Thanh sinh công, Sinh viên công giáo, Phong trào trí thức công giáo Pax Romana, Hội các bà mẹ công giáo, Con Đức Mẹ, Đạo Binh Đức Mẹ, Hiệp hội Thánh Mẫu, Hội Thánh Tâm, Đoàn thể Phạt Tạ, Hiệp hội giáo chức công giáo, Liên đoàn công tư chức công giáo,…

Từ cuối thế kỷ XIX và nhất là từ đầu thế kỷ XX, Giáo Hội Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ các phương tiện giáo dục, xã hội, văn hóa. Giáo dục bằng việc mở trường học, từ mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học. Vào năm 1967, trong hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn, có 1.406 trường tiểu học qui tụ 311.000 học sinh, 188 trường trung học qui tụ 254.801 học sinh, 1 viện Đại Học Đà Lạt. Năm 1970, mở thêm 2 đại học khác : Viện Đại Học Minh Đức Sài Gòn do Lm Bửu Dưỡng và Viện Đại Học Thành Nhân Sài Gòn do các sư huynh Lasan (17).

Xã hội bằng việc mở các cơ sở bác ái, như nhà thương, trại cùi, cô nhi viện, viện dưỡng lão. Năm 1969, trong hai giáo tỉnh Sài Gòn và Huế, có 41 bệnh viện với 7000 giường, 239 trạm phát thuốc, 36 nhà hộ sinh, 9 trại cùi với 2.500 bệnh nhân, 82 cô nhi viện với 11.000 trẻ mồ côi, 29 viện dưỡng lão (18).

Ngày nay, một tín hữu công giáo việt nam có thể làm tất cả những điều mà bất cứ tín hữu nào của các địa phận chính tòa đã làm. Họ có thể làm giáo dân hay làm tu sĩ, giáo sĩ. Nếu chọn làm giáo dân, họ có thể tham gia Hội Đồng Mục Vụ, làm công giáo tiến hành, làm giáo dục, nghiên cứu, văn hóa, làm xã hội, kinh tế, chính trị,… Nếu chọn làm tu sĩ hay giáo sĩ, họ có thể « đi tu », làm linh mục sinh hoạt mục vụ với giáo dân, hay làm những công việc mục vụ chuyên biệt, như giáo dục, xã hội, truyền thông, nghiên cứu, làm giám mục (với đức cha Bản, đã có 99 giám mục việt nam), tham gia giáo triều Rôma, làm truyền giáo trên khắp thế giới,…    

225. Cách tổ chức đa phương và đa diện cũng là một dấu chỉ trưởng thành khác biểu lộ khả năng biến báo, thích ứng và quản trị.

Trên phương diện quản lý giáo hội, ta có thể nhìn ra 4 thành phần có chức phận quan trọng : giám mục, linh mục chính xứ, giáo dân và lương dân. Để thực hiện sứ mệnh căn bản của mình là mang tin mừng cho lương dân, từ một tổ chức hành động thứ bậc (organisation hiérarchique) hành dọc, một tổ chức thứ bậc hàng ngang đã dần dà được áp dụng. 

Tổ chức thứ bậc hàng dọc

 

Tổ chức thứ bậc hàng ngang

Giám mục

 

Giám mục

Lương ldân

Linh mục

 

Linh mục

Giáo dân

 

Giáo dân

Lương dân

 

 Từ ngày thành lập HĐGM, với việc thành lập các Ủy Ban Giám Mục, Giáo hội Việt Nam đã đưa ra một phương pháp làm việc mới theo tổ chức lãnh vực thực hiện (chuyên biệt), hay dự án (organisation opérationnelle / par projet). Ở cấp địa phận, nhiều giám mục cũng lập ra những ủy ban  linh mục và giáo dân chuyên biệt. Ở cấp xứ đạo, nhiều cha sở cũng lập ra những ủy ban, hội đoàn công giáo tiến hành chuyên biệt.

Một số cha sở và giám mục làm việc trong những đơn vị lớn, đã nhìn ra sự cần thiết của tổ chức chức năng phương tiện (organisation fonctionnelle de moyens) và trao cho những cơ quan chuyên biệt lo về quản trị phương tiện vật chất, quản trị phương pháp, quản trị nhân viên, quản trị tài chánh,… 

III. Nhìn tới tương lai  

Mục đích thứ ba mà Bản Nội Qui đã xác định cho năm thánh là : « Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau : Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia, Giáo Hội vì loài người » (19) 

Làm sao để nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hóa xã hội đang đổi thay ? Làm sao

đáp trả tình thương của Chúa và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam ? Ban Tổ Chức Năm Thánh 2010 đã phổ biến từ tháng 10/2008, một bản ĐỀ CƯƠNG giới thiệu 5 đề mục : Thực tại Việt Nam, Mầu nhiệm giáo hội, Sự hiệp thông trong giáo hội, Sứ vụ của giáo hội và Nhũng vấn đề cần quan tâm.

Xin quí cha, quí sư huynh và quí sơ, chúng ta chia nhau thành 5 nhóm, để thảo luận và trao đổi theo những câu hỏi mà Ban Tổ Chức Năm Thánh đã đề ra (20). Sau đó, chúng ta sẽ tổng hợp chung kết quả của cả 5 nhóm. 

Nhóm 1

Dẫn Nhập

1. Trong dịp cử hành Năm Thánh 2010, chúng ta có thể làm gì để khơi dậy tâm tình tạ ơn của Dân Chúa tại Việt Nam về hồng ân đức tin đã lãnh nhận ? Ý thức cần phải tạ ơn Thiên Chúa về tặng phẩm đức tin có soi sáng cho lối sống của các tín hữu tại địa phương không ? 

Chương I : Thực Tại Việt Nam

1. Trong bối cảnh cụ thể của giáo phận và giáo xứ của các anh chị, đâu là những điểm mạnh và những điểm yếu trong các thực tại của Việt Nam ?

2. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có nhìn những thực tại đó như những dấu chỉ thời đại không ? Làm thế nào để khám phá tiếng Chúa mời gọi qua những thực tại đó ?

3. Dấu chỉ thời đại nào mà cộng đoàn Giáo Hội địa phương đang quan tâm hơn cả ?

Nhóm 2

Chương II : Giáo hội mầu nhiệm

1. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương thâm tín thế nào về căn tính của mình là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Đức Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần ?

2. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đánh giá thế nào về đời sống phụng vụ và bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể và Hòa giải nơi các thành viên của mình ?

3. Lời Chúa đã được triển khai như thế nào trong cộng đoàn Giáo Hội địa phương, cách riêng nơi các linh mục, tu sĩ và giới trẻ ?

4. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có kế hoạch mục vụ nào để thăng tiến những khía cạnh cốt yếu nhất của đức tin không ?

5. Mầu nhiệm Giáo Hội lữ hành có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của các thành viên trong cộng đoàn Giáo Hội địa phương ?

6. Việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và các thánh có tác động thế nào trong đời sống của các tín hữu trong cộng đoàn ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương dành cho Đức Maria địa vị nào trong đời sống đức tin của mình ? Đức Maria đã gần gũi với cộng đoàn như thế nào ? Và lòng sùng kính Đức Maria của các phần tử trong cộng đoàn có được xây dựng trên Lời Chúa, trên thánh truyền và trên hướng dẫn của Giáo hội không ?

7. Các phần tử của cộng đoàn có thật sự chia vui sẻ buồn và chung nỗi lắng lo đối với những anh chị em chung quanh của mình không ?

Nhóm 3

Chương III : Giáo hội hiệp thông và tham gia

1. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đánh giá thế nào về sự đóng góp của giáo dân vào đời sống Giáo Hội ?

2. Trong mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông, cộng đoàn Giáo Hội địa phương làm thế nào để tăng cường vai trò của anh chị em giáo dân vì lợi ích của toàn thể Giáo hội ? Đâu là những thuận lợi và đâu là những thách đố trong việc này ?

3. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đánh giá thế nào về sự cộng tác giữa mọi thành phần dân Chúa để xây dựng vương quốc Thiên Chúa ngay trong hiện tại này ?

4. Những thách đố nào cộng đoàn Giáo Hội địa phương cần phải vượt qua để bày tỏ cho mọi người biết rõ hơn một Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa ?

5. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đã nuôi dưỡng và khích lệ như thế nào đối với các đặc sủng mà Thánh Thần khơi dậy lên ?

6. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có phương sách nào để biểu lộ rõ nét hơn nữa một Giáo Hội tham gia không ? Đâu là vai trò của các hội đồng mục vụ trong cộng đoàn Giáo Hội địa phương ? 

Nhóm 4

Chương IV : Giáo Hội sứ vụ

1. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đánh giá thế nào về nhiệt tình truyền giáo của mình ? Cộng đoàn đã có phương sách nào để loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại không ?

2. Cộng đoàn địa phương đã nỗ lực thế nào trong cuộc đối thoại tam diện của mình: đối thoại với người nghèo, với văn hoá, và với các tôn giáo ? Đâu là điểm mạnh của cộng đoàn Giáo Hội địa phương về vấn đề này ?

3. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đã để ý đến khía cạnh toàn diện như thế nào trong khi thực thi sứ vụ lãnh nhận từ nơi Chúa ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có thể thăng tiến hơn nữa về khía cạnh này không và như thế nào ?

4. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đã chú ý đến sứ mạng phục vụ của mình không ? Cộng đoàn đã thu góp được những kinh nghiệm nào để chia sẻ và đóng góp cho những cộng đoàn khác ?

5. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương làm gì để thăng tiến hơn nữa sứ vụ tư tế và tiên tri của mình ? Những anh chị em già cả, ốm yếu, bệnh tật có được khích lệ thật sự để sống những khía cạnh này cách đặc biệt không ? 

Nhóm 5

Những Vấn Đề Cần Quan Tâm

1. Trong việc giáo dục, cộng đoàn Giáo Hội địa phương đã quan tâm đến như thế nào ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đánh giá ra sao về trình độ văn hoá của các thành viên trong cộng đoàn của mình ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có phương sách nào để tăng triển nền giáo dục cho các thành viên của mình không ?

2. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có gặp trở ngại nào trong việc huấn luyện lương tâm cho các phần thành viên của mình ? Nếu có, cộng đoàn có thể chia sẻ và đóng góp gì cho vấn đề này ?

3. Mục vụ di dân có phải là vấn đề lớn trong cộng đoàn Giáo Hội địa phương không ? Cộng đoàn đã làm gì để đối diện với thách đố này ? Đâu là thách đố lớn lao nhất mà cộng đoàn Giáo Hội địa phương gặp về phương diện này ? Cộng đoàn đã làm gì để giúp anh chị em di dân hội nhập vào cộng đoàn của mình ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có đề nghị gì thêm về lãnh vực này không ?

4. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có suy nghĩ gì về ảnh hưởng tốt xấu của các phương tiện truyền thông tân tiến trên đời sống của các thành viên trong cộng đoàn ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đã có kinh nghiệm gì về việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong công việc loan báo Tin Mừng và truyền bá những mẫu sống tốt lành ?

5. Cộng đoàn địa phương tham gia vào các công việc bác ái xã hội như thế nào ? Và việc tham gia đó tác động như thế nào trên đời sống đức tin của cá nhân người Kitô hữu cũng như của cộng đoàn?

6. Cộng đoàn đánh giá như thế nào về ý thức xã hội của các phần tử của mình ? Các phần tử có tích cực để mưu cầu công ích không ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có phương sách gì để làm cho các phần tử của mình tăng trưởng ý thức về xã hội, về hòa bình và công bằng ? Cộng đoàn địa phương cộng tác như thế nào với mọi người thiện chí để xây dựng xã hội ?

 

Bị chú :  

Nếu các cha, các sư huynh và các sơ thấy rằng những đề tài trên rộng lớn quá, và muốn hỏi ý kiến con về những đề tài cụ thể và thời sự hơn, thì con xin đề nghị 5 đề tài này, cũng rút ra từ những đề tài do bản Đề Cương gợi ra, và đặc biệt áp dụng vào cộng đoàn địa phương, trong đó mỗi người đang sống :

1.      Trong bối cảnh cụ thể của giáo phận và giáo xứ của các anh chị, đâu là những điểm mạnh và những điểm yếu trong các thực tại của Việt Nam ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có nhìn những thực tại đó như những dấu chỉ thời đại không ? Làm thế nào để khám phá tiếng Chúa mời gọi qua những thực tại đó ?  Dấu chỉ thời đại nào mà cộng đoàn Giáo Hội địa phương đang quan tâm hơn cả ?

2.      Làm sao để cộng tác và tăng cường cộng tác trong chân lý và công bình với chính quyền trung ương và địa phương, để góp phần phát triển quốc gia, quê nhà ? Trong những lãnh vực nào, khía cạnh nào, bình diện nào Giáo hội, giáo phận và giáo xứ có bổn phận phải cộng tác, hoặc không được dính lứu tới ? Cộng đoàn đánh giá như thế nào về ý thức xã hội của các phần tử của mình ? Các phần tử có tích cực để mưu cầu công ích không ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có phương sách gì để làm cho các phần tử của mình tăng trưởng ý thức về xã hội, về hòa bình và công bằng ? Cộng đoàn địa phương cộng tác như thế nào với mọi người thiện chí để xây dựng xã hội ?

3.      Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có suy nghĩ gì về ảnh hưởng tốt xấu của các phương tiện truyền thông tân tiến trên đời sống của các thành viên trong cộng đoàn ? Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đã có kinh nghiệm gì về việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong công việc loan báo Tin Mừng và truyền bá những mẫu sống tốt lành ?

4.      Cộng đoàn địa phương tham gia vào các công việc bác ái xã hội như thế nào ? Và việc tham gia đó tác động như thế nào trên đời sống đức tin của cá nhân người Kitô hữu cũng như của cộng đoàn?

5.      Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đánh giá thế nào về nhiệt tình truyền giáo của mình ? Cộng đoàn đã có phương sách nào để loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại không ? Cộng đoàn địa phương đã nỗ lực thế nào trong cuộc đối thoại tam diện của mình : đối thoại với người nghèo, với văn hoá, và với các tôn giáo ? Đâu là điểm mạnh của cộng đoàn Giáo Hội địa phương về vấn đề này ?

 

Kính thưa quí cha, quí sư huynh và quí sơ, 

Chúng ta vừa cùng nhau về thăm Giáo Hội Việt Nam, để chuẩn bị lòng mình mừng NĂM THÁNH 2010 bằng cách chia sẻ với nhau về lịch sử gần 500 năm truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam, về những dấu chỉ lớn lên và trưởng thành của giáo hội ấy và về tương lai của một giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

Các Ủy Ban Giám Mục đang làm việc ráo riết. Từ tháng 12/2008, nhiều tư liệu đã được các ủy ban này phổ biến. Về 3 vấn đề mà chúng ta vừa chia sẻ và thảo luận, chúng ta sẽ được đọc những tài liệu chính thức của HĐGMVN. Chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi để đọc 3 tài liệu quan trọng sau đây : Kỷ yếu Năm Thánh 2010, Lịch sử Công Giáo Việt Nam 50 năm qua (1960-2010) và Kỷ Yếu Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010.   

Hy vọng rằng công việc chúng ta vừa làm đã giúp chúng ta hiểu hơn và chia sẻ hơn với HĐGMVN về một hướng đi mà các ngài muốn chỉ cho Dân Chúa Việt Nam,  bằng việc cử hành NĂM THÁNH 2010, qua bức thư các ngài vừa gửi ngày 17.04.2009 vừa qua :

« Cử hành Năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn về biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin ; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Dây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ » (21).   

Paris, ngày 30 tháng 06 năm 2009

Hiệu đính ngày 15.07.2009 

Trần Văn Cảnh

 

Chú thích

(1). Ban Tổ Chức Năm Thánh 2010/HĐGMVN : Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam, trong

http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=6&Act=Detail&ID=212&CateID=83

(2). Một tài liệu « Kỷ Yếu Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam » sẽ được Ủy Ban Văn Hóa HĐGMVN phổ biến, nói về lịch sử GHVN qua 3 thời kỳ Bảo Trợ, Tông Tòa , Chính Tòa và Hướng tới (Thư ngỏ UBVH/HĐGMVN, ngày 01/05/2009).

(3). Tài liệu « Lỉch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, 50 năm qua », nói về : Kỷ niêm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm VN, GHCGVN 50 năm trưởng thành và phát triển, Hướng tới (Thư ngỏ UBVH/HĐGMVN, ngày 01/05/2009).

(4). Tài liệu « Đề Cương » đã được Ban Thơ ký Tổ Chức Đại Hội soạn thảo “với những câu hỏi, và gửi đến các tham dự viên Đại Hội, xin họ trả lời các câu hỏi trước tháng 6, 2009. Thu thập lại các câu trả lời, đúc kết thành một Bản Tư Liệu Làm Việc, gửi đến các tham dự viên trước tháng 12-2009. Các bài phát biểu trong Đại Hội cần phải dựa vào Bản Tư Liệu Làm Việc đó, và gửi 1 bản đến Ban Thư ký Đại Hội trước tháng 4-2010 ». Sau Đại Hội, « Năm 2010 hoặc năm 2011, phát hành Kỷ Yếu Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010, trình bày những diễn tiến và kết quả của Đại hội, đồng thời đưa ra những định hướng mục vụ cụ thể nhằm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, tham gia, và phục vụ sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại ».

(5). Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, «Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010 :  Nội qui », trong http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=6&Act=Detail&ID=72&CateID=83

(6). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, q. XXXIII, tập II, tr.301, Viện Sử học, NXB Giáo dục 1998

(7) HĐGMVN, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, tr. 189

(8)  Bentô Thiện viết trong « Lịch sử nước Anam (năm 1659) rằng : “Nghệ an Xứ những nhà thánh thờ đức Chúa trời được bẩy mươi lăm nhà thánh. Sơn nam Xứ được một trăm tám mươi ba nhà thánh. Hải dương Xứ được ba mươi bẩy nhà thánh. Kinh bắc Xứ được mười lăm nhà thánh. Thanh hoá xứ được hai mươi nhà Thánh. Sơn tây xứ được mười nhà thánh”. Trích trong Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn : Đường mới, 1972, tr. 129

(9) Trần Văn Cảnh, Thành lập Thừa Sai Hải Ngoại Paris 1658, Thiết lập hai Giáo Phận Việt Nam đầu tiên 1659,  http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=13&ia=641

(10) (Trần Văn Cảnh, Triển lãm « Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại Paris ở Á Châu : 350 năm lịch sử và mạo hiểm »,   http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=13&ia=632).

(11) Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Q. II, tr. 154.

(12) HĐGMVN, sđd, tr. 199

(13) Lm Nguyễn Ngọc Sơn, Từ kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc đến việc xây dựng văn hóa Nhân bản Tâm linh, http://www.vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=65180

(14) Nội qui, Sđd.

(15) Những dữ liệu vào năm 2007, Xin xem bài của Lm Nguyễn Ngọc Sơn, « Hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây - Nghi vấn và giải thích, trong VietCatholic News (03 Mar 2009 18:24)

(16) ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp  “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 25.12.2005, khoản 30. a.

(17) Lange, Claude : Ecole catholique et Mission de l’Eglise au Vietnam (1860-1975), trong Echos de la rue du Bac, n°237, mars 1989, tr. 88-96)

(18) Linh mục nguyệt san, số 105 ; 1970, tr. 618-619)

(19) Nội Qui, Sđd

(20) Đề cương, Sđd

(21). Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư HĐGMVN gửi Cộng Đồng Dân Chúa về việc chuẩn bị Năm Th ánh 2010, trong http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=6&Act=Detail&ID=214&CateID=83

Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!