Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Cảnh
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Cảnh
ĐẠO QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA LINH MỤC LÊ VĂN LÝ - VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 1970-1975
LỄ CỦA MẸ, TƯỞNG NHỚ MẸ BẰNG ĐỌC LẠI CA DAO
GIÁO HỘI VIỆT NAM TRONG NĂM 2016
GIỚI THIỆU SÁCH « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN »
LINH ĐẠO TÌNH YÊU VỢ CHỒNG
RA MẮT SÁCH “NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN HÓA VIỆT NAM PARIS”
Giới thiệu tác phẩm Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris 1995-2015 do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN PARIS phát hành
Giáo dân cộng tác với giáo sĩ một cách tích cực và đắc lực
THỨ NĂM TUẦN THÁNH ĐỌC LẠI: «MỘT LINH MỤC CHỨNG NHÂN KITÔ»
TUẦN THÁNH ĐỌC LẠI BÀI THƠ « BỐN MƯƠI 1972-2012 » CỦA CHA CUNG CHI ĐINH ĐỒNG THƯỢNG SÁCH - VỀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
ĐẠO QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA LINH MỤC LÊ VĂN LÝ - VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 1970-1975
Giáo dục con cái làm sao ?
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 13) Đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 12) Thành lập Dòng Mến Thánh Giá năm 1670
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 11) Thành lập chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ việt nam
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 10) Thành lập và tổ chức 17 Giáo Phận Tông Tòa, từ 1659 đến 1959
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 9) Tổ chức Công Đồng xây dựng chương trình truyền giáo ở Ayuthia năm 1664
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 8) THỜI KỲ TÔNG TÒA, 1659-1960, xây nền phát triển Giáo Hội
NOI GƯƠNG CÁC CHA DÒNG TÊN THỜI BẢO TRỢ 1615-1659, CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIÁO HIỆN NAY NÊN TỰA VÀO HÀNG GIÁO SĨ TRUYỀN GIÁO TRÁCH NHIỆM
LẬP MỘT DỤ ÁN TRUYỀN GIÁO CÓ MỤC TIÊU RÕ RỆT VỀ LƯỢNG VÀ PHẨM CHO NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI (Mừng Năm Thánh 2010, xem lịch sử truyền giáo Việt Nam, Bài 6)
HÀNH TRÌNH CỦA MỘT ƠN GỌI (CHỨNG TỪ ƠN GỌI, bài 11)
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM (Bài 5) : THẨM ĐỊNH VIỆC TRUYỀN GIÁO THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM - Bài 4 : LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659
SẮC CHỈ VENERABILIUM NOSTRORUM NGÀY 24-11-1960 - THIẾT LẬP PHẨM TRẬT GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
SẮC CHỈ « SUPER CATHEDRAM » NGÀY 09.09.1659 THÀNH LẬP HAI GIÁO PHẬN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM
GXVN PARIS KẾT THÚC «NĂM ƠN GỌI» Nghe chia sẻ về đề tài: « Cộng đoàn là vườn ươm ơn gọi tận hiến »
Tân phó tế vĩnh viễn GIOAN NGUYỄN SƠN cho chứng từ về ơn gọi của mình
Chứng từ ơn gọi, bài 8 : Gia đình là vườn ươm nuôi ơn gọi
Giáo hội Việt Nam đã phát triển thế nào qua 477 năm lịch sử truyền giáo của mình, 1533-2010 ?
Những đức tính tự nhiên của người tận hiến. (Chứng từ ơn gọi, bài 7)
« Làm thế nào để quản lý tốt việc con cái xử dụng Internet » ?
Đời sống huynh đệ của người tận hiến (Chứng từ ơn gọi, bài 6)
Đời sống độc thân trong ơn gọi tận hiến (Chứng từ ơn gọi, bài 5):
Chứng từ ơn gọi, bài 4 - Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến
Đời sống siêu nhiên của người tận hiến
Chứng từ ơn gọi, (bài 2) Tự do trong đời sống tận hiến
Chứng từ Ơn gọi, (bài 1) Làm sao biết Chúa gọi mình
HỌ LÀ AI, BÀI THƠ VỀ NHỮNG ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Di chúc của Các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam
ĐẠO QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA LINH MỤC LÊ VĂN LÝ - VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 1970-1975

 

Di ảnh và tiểu sử LM Phanxicô Xaviê Lê Văn Lý (1913-1992)

 30/5/1913 sinh tại Lệ Thủy, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

1920 vào tập tu tại nhà xứ Bút Đông, Giáo Phận Hà Nội

1930 du học tại Saint-Pol-de-Léon, Finistère, Pháp.

1936 học Đại chủng viện Issy-les-Moulineaux Paris,

1941 chịu chức linh mục ở nhà thờ Notre Dame de Paris

1941-1948 học tại Sorbonne và Trường Quốc Gia Ngôn Ngữ Phương Đông

1948 đậu Tiến sĩ quốc gia về Ngữ Học với luận án “Le Parler Vietnamien”

1950 hồi hương Việt Nam, giáo sư Chủng Viện Piô XII Hà Nội

1954 giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII, rồi Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse, Sài Gòn

1960 giáo sư Trường Đại Học Văn Khoa Sài gòn và Huế

1966 Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt

          Kiêm Khoa Trưởng Trường Đại Học Văn Khoa

1970-1975 Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt

1975 giáo sư Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn

1980 hưu tại Paris, Pháp

1983 hưu tại Dòng Đồng Công ở Carthage tiểu bang Missouri, Mỹ

03/10/1992 qua đời, an táng tại Springfield, MO, cùng một nghĩa trang với TGM “Ngô Đình Thục,  LM Lương kim Định, LM Cao Văn Luận

 

Linh mục Lê Văn Lý sinh ngày 30/05/1913 và mất ngày 03/10/1992. Trong cuộc đời 79 năm của mình, cha Lê văn Lý đã cống hiến 72 năm cho đời sống tu sĩ công giáo (1920-1992), trong đó 30 năm làm giáo sư (1950-1980) và 5 năm làm Viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt (1970-1975).

Hôm nay, ngày 03/10/2013 là lễ giỗ lần thứ 21, xin dâng ngài nén hương tưởng niệm. Đồng thời xin mừng sinh nhật 100 năm của ngài. 

Tưởng niệm về cuộc đời giáo sĩ, và những đóng góp của Linh Mục Lê Văn Lý cho Giáo Hội Việt Nam, một tháng sau ngày ngài mất, tháng 11 năm 1992, Giám Mục Nguyễn Văn Trâm, đã cùng hơn 50 linh mục và trên 300 giáo dân, thân nhân họ hàng cùng các thân hữu, linh mục, tu sĩ, giáo sư, cựu học sinh và sinh viên công giáo của ngài ở tiểu và đại chủng viện đã dâng Thánh Lễ cầu hồn và tưởng niệm tại Nhà Thờ Ngã Sáu Sài Gòn [1].

Tưởng niệm về sự nghiệp giáo dục của Linh Mục Giáo Sư Lê Văn Lý, rất nhiều người đã làm, đặc biệt là những đồng nghiệp giáo sư đại học và những môn sinh cựu sinh viên của ngài. Hai tuần sau ngày ngài mất, sáng ngày 17/10/1992, nhiều thân hữu, giáo sư và sinh viên, đã tập trung đến Câu Lạc Bộ Hội Văn Hóa Việt Mỹ ở Nam California để tổ chức Lễ Tưởng Niệm về Lm Giáo Sư  Lê Văn Lý, một nhà trí thức ngữ học độc đáo với luận án tiến sĩ « Le parler vietnamien », một lương sư kiệt xuất nhân ái với mọi đồng nghiệp và học trò. Hiện diện tại hội trường hôm đó, có GS Nguyễn Khắc Hoạch, nguyên khoa trưởng Trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, GS Nguyễn Đình Hòa, Tiến sĩ Ngữ Học, GS Lê Văn, GS Lưu Trung Khảo, đương nhiệm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam, Ông Nguyễn Đình Cường, Ông Lê Đình Điểu, Linh Mục Vũ Đình Trác, giảng dậy bộ môn Việt ngữ tại Trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt, cùng nhiều thân hữu, giáo sư và sinh viên khác [2].

Tưởng niệm về Quản Lý Giáo Dục Đại Học của linh mục Lê Văn Lý, cựu Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt thì chưa được ai nghĩ đến. Thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng quản lý không phải là lãnh vực của linh mục Lê Văn Lý. Nghĩ như vậy, thì hoặc là bất công, hoặc là thiếu hiểu biết về linh mục Lê Văn Lý hay về quản lý nói chung và quản lý đại học nói riêng. Ngày 14.10.2012, Hội Ái Hữu Thụ Nhân Viện Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu nghĩ đến việc cử hành Lễ Giỗ 20 năm cho Lm Viện Trưởng Lê Văn Lý và đề nghị chúng tôi nói Lời Tưởng Nhiệm. Chúng tôi nghĩ rằng đây là dịp hiếm hoi để tưởng niệm về Đạo Quản Lý Giáo Dục Đại Học của linh mục Lê Văn Lý, cựu Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt.

Và hôm nay, 03/10/2013, nhân lễ giỗ 21 năm và kỷ niệm sinh nhật 100 năm của ngài, chúng tôi xin lập lại cũng một lời tưởng niệm. 

Lời tưởng niệm này xin dựa vào những dữ kiện đích thân chúng tôi chứng kiến hay nghe biết khi còn sống trong Viện, như một sinh viên Triết Học và Sư Phạm (1968-1971), như một nhân viên Phụ Tá Giám Đốc Sinh Viên Vụ (1971-1972) và như một giáo sư phụ khảo Trường Đại Học Sư Phạm (1972-1973), hoặc đến từ những điều do linh mục kể cho nghe trong những lần chúng tôi gặp ngài tại Paris (1980-1983), hoặc đến từ những dữ liệu do lời kể hay viết của những thân hữu khác, đặc biệt là của GS Đỗ Hữu Nghiêm [3].

Lời tưởng niệm, trước nhất, tưởng nhớ lại những công trình đã được thực hiện và những dự án đang tiến hành dở dang do Linh Mục Viện Trưởng Lê Văn Lý quyết định từ năm ngài nhận chức viện trưởng 1970 cho đến ngày 30.04.1975 ; Sau đó, tường niệm về nội dung tiềm ẩn trong những công trình ấy, nội dung của một đạo quản lý giáo dục đại học. 

  

I. NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ ĐƯỢC THỰC HIỆN VÀ NHỮNG DỰ ÁN ĐANG TIẾN HÀNH DỞ DANG 

Vào năm 1970, Viện Đại Học Đà Lạt đã hiện diện và phục vụ được 13 năm. Trong 13 năm đầu đời ấy, Viện đã được đặt nền móng vững vàng và phát triển rất nhiều và rất mau. Giám Mục Ngô Đình Thục, Viện trưởng thứ nhất (1957-1961) [4], đã xây dựng các cơ sở trường ốc và ba khoa giảng dậy. Khởi đầu với khoa Sư Phạm, số sinh viên chỉ có 19 vào năm 1958-1959. Năm 1959-1960, nhờ lập thêm hai khoa : Văn Khoa và Khoa học, số sinh viên ghi danh đã lên tới 187 và tăng đến 316 vào năm 1960-1961. Linh mục Nguyễn văn Lập, Viện Trưởng thứ hai (1961-1970), đã phát triển Viện với một bước nhảy vọt dưới nhiều khía cạnh. Dưới khía cạnh sĩ số sinh viên, nhờ sáng kiến của ngài và kế hoạch của 4 giáo sư Bùi Xuân Bào, Vũ Quốc Thúc, Phó Bá Long và Trần Long, viện đã thành lập được trường Chính Trị Kinh Doanh vào năm 1964-1965, và đã đưa số sinh viên, ngay năm đó, lên tới 1516, để tăng đến 3347 vào năm 1969-1970.  

Được bổ nhiệm Viện Trưởng vào năm 1970, linh mục Lê Văn Lý đã phải đương đầu với nhiều khó khăn đến từ muôn mặt trong bối cảnh chiến tranh loạn ly trên khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Thế mà, không kể số sinh viên ghi danh đã tăng đến 4319 vào năm 1972-1973, một số công trình chất lượng cao đã được hoàn tất. Sau đây là 6 công trình chính yếu đã được thực hiện trước ngày 30.04.1975. 

1.      Soạn thảo Qui Chế Nội Bộ Viện Đại Học. Đây là công việc quản trị độc đáo đầu tiên mà linh mục Tân Viện Trưởng đã thực hiện trong nhiệm kỳ của Ngài. Công việc này đưa đến kết quả là việc Giám Mục Chưởng Ấn ban hành hai văn thư : văn thư số 183/71/VC, ký ngày 23/8/1971 và chính thức áp dụng từ ngày 25/11/1971, về qui chế điều hành tổng quát cho Viện Đại Học Đà Lạt ; Và văn thư số 285/72/VC, ký ngày 20/11/1972, xác định quy chế cho nhân viên giảng huấn. Làm việc này, Ngài đã đưa Viện Đại Học Đà Lạt đi trước nhiều Đại Học Âu Mỹ, vì những Đại Học này đã chỉ nghĩ đến việc soạn thảo các qui chế tổ chức và các tiến trình làm việc từ cuối thập niên 80, để chuẩn bị lấy chứng chỉ Quản Lý Chất Lượng ISO 9001.

 

 

2.      Lập Sinh Viên Vụ, soạn sách « Chỉ Nam Sinh Viên » và xây dựng Trung Tâm Sinh Viên. Sáng kiến lập Sinh Viên Vụ đã được hình thành từ năm 1970-1971 với Linh Mục Vũ Minh Thái làm Giám Đốc. Năm 1971-1972, người viết đã được LM Giám Đốc Sinh Viên Vụ tuyển làm phụ tá. Công việc đầu tiên là đưa ra một chương trình hoạt động mà việc soạn thảo cuốn « Chỉ Nam Sinh Viên » và việc xây cất một Trung Tâm Sinh Viên là chính yếu. Nhờ tài khéo của Linh Mục Vũ Minh Thái, cuốn sách « Chỉ nam sinh viên 1972-1973 » đầu tiên ở Viện Đại Học Dà Lạt đã được phát hành và một Trung Tâm Sinh Viên khang trang đã được xây dựng bên cạnh nhà nguyện Năng Tĩnh vào năm 1972, và khánh thành trong niên khóa 1973-1974. Tại Trung Tâm Sinh Viên, nhiều loại sinh hoạt đã được thiết kế hay tổ chức. Trước nhất, trên lầu 1, nó có một giảng đường lớn thứ hai sau giảng đường Spellman. Khởi đầu niên khóa 1973-1974, người viết đã có nhiều lần giảng bài cho sinh viên sư phạm I ở đây. Ngoài ra với những phòng sinh hoạt ở tầng trệt, Trung Tâm Sinh Viên còn là nơi mà sinh viên các khoa có thể thực hiện nhiều sinh hoạt đa dạng, như bầu cử Ban đại diện Tổng Hội Sinh Viên Viện, Ngày Huynh Đệ (tựu trường), Ngày Cựu Sinh Viên (do Hội Cựu Sinh Viên Đà Lạt), Lễ Ra Trường (Đầu năm dương lịch), Ngày Sinh Viên, Ngày Đại Học (Giới thiệu Dại Học và Cao Đẳng cho học sinh các lớp 12 ở thị xã Đà Lạt). Sinh viên còn tổ chức những cuộc họp mặt lớn như Trại Sinh Hoạt Liên Viện, Trại Nối Vòng Tay Lớn, Công Tác Thiện Nguyện. Trung tâm cũng là nơi mà các tập thể sinh viên nhỏ có thể xử dụng để tổ chức các sinh hoạt của mình, như Picnic, Thân Hữu, Báo Chí, Văn Nghệ, Bầu Cử, Học Tập, Du Khảo, Diễn Thuyết, …

3.      Mở Khóa Huấn Luyện cấp tốc cho 100 Giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp Sắc Tộc. Trường Đại Học Sư Phạm Đà Lạt mở rộng hoạt động nâng cao dân trí cho cộng đồng dân tộc ít người, nên Bộ Giáo Dục cho phép Trường được mở khóa huấn luyện cấp tốc cho 100 Giáo Sư Trung Học Đệ Nhất Cấp sắc tộc mỗi năm theo nghị định ký ngày 15/11/1972, mang số 2684/VHGDTN/NGV/NĐ. Niên khóa 1972-1973, được tuyển làm Giáo Sư Phụ Khảo Trường Đại Học Sư Phạm, người viết đã góp phần nhỏ của mình với Lm Khoa Trưởng Vũ Minh Thái. Khóa huấn luyện cho người dân tộc thiếu số được thực hiện từ năm 1973-74 về sau.

4.      Đào tạo nhân viên giảng huấn và tu nghiệp tại chức. Tiếp tục truyền thống, Viện đã tìm các học bổng bên ngoài để đưa các nhân viên giảng huấn, giáo sư phụ khảo còn trẻ có nhiều triển vọng đi du học đào tạo tại các nước tiền tiến như Pháp, Anh, Đức, Mỹ, … : Năm 1971, 1972 : Ông Lê Văn Khuê, Ông Nguyễn Văn Hòa (VK) đi Hoa Kỳ. Năm 1973 : Ông Trần Văn Cảnh, phụ khảo tại Đại Học Sư Phạm, đi tu nghiệp dọn tiến sĩ về Nghiên Cứu Giáo Dục tại Đại Học Lyon, Pháp ; Ông Lê Ngọc Minh, phụ khảo tại Đại Học Khoa Học, đi tu nghiệp dọn tiến sĩ về Vật Lý tại Đại Học Paris, Pháp ; Dì Nguyễn Thị Phú, phụ khảo tại Đại Học Khoa Học, đi tu nghiệp dọn tiến sĩ về môn Vạn Vật tại Đại Học Paris, Pháp ; Cô Nguyễn thị Hồng Lập, phụ khảo trường Chính Trị kinh Doanh, đi tu nghiệp về môn Business Administration tại California State University, Sacramento, Hoa Kỳ. Ngoài ra, Viện cũng gửi đi tu nghiệp một số nhân viên có triển vọng tham gia guồng máy quản trị xây dựng Viện Đại Học sau này. Cụ thể, Viện đã cử hai người: GS Phạm Thiên Hùng và GS Đỗ Hữu Nghiêm đi tham dự khóa tu nghiệp về Quản Trị Đại Học trong sáu tháng tại Manila, từ ngày 31.05.1974.

5.      Lập Ban Sư Phạm Âm Nhạc. Kể từ niên khóa 1973-1974, Trường Đại Học Sư Phạm mở thêm Ban Âm Nhạc, nhằm đào tạo giáo sư âm nhạc cho các trường trung học . Năm I Âm Nhạc đã bắt đầu với 40 sinh viên chọn lọc, dưới sự hướng dẫn của một ban giáo sư danh tiếng gồm : Lm Ngô Duy Linh, tốt nghiệp giáo sư hòa âm tại Nhạc viện Quốc tế Paris ; Lm Đinh Quang Tịnh, tốt nghiệp giáo sư hòa âm, đối âm, tẩu pháp tại Nhạc viện Quốc tế Paris ; Lm Kim Long, tốt nghiệp nhạc sư thánh nhạc, chứng chỉ ưu hạng về Hòa âm, Đối âm và Tẩu pháp tại Viện Thánh nhạc Rôma ; Ông Hải Linh, tốt nghiệp sáng tác tại Nhạc viện César Frank, tốt nghiệp ca trưởng và Thánh nhạc tại Viện Bình ca Paris và Ông Hùng Lân, cựu giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ.

6.      Lập Cơ Quan Nghiên Cứu Đại Học. Theo những quyết định của Đại Hội Đồng Viện ngày 23.02.1974, Linh Mục Viện Trưởng đã bổ nhiệm linh mục Mai Văn Hùng OP, Tiến Sĩ Triết học, trách nhiệm cho ra đời tập san Tri Thức. Tập san Tri Thức vừa là tài liệu nghiên cứu, dịch thuật, trao đổi chuyên môn thuộc các lãnh vực khoa học khác nhau của các giáo sư, đồng thời là tài liệu học tập cho sinh viên. Dưới đây là hình chụp số báo TRI THỨC, tháng 05.1974 mà Viện đã gửi cho người viết.

   

Bên cạnh những công trình đã được thực hiện trên đây, còn những dự án cải cách đang được tiến hành dở dang. Trong nhiều dự án đang tiến hành hay đang được thiết kế, chúng tôi xin ghi nhận 5 dự án sau đây :  

7.      Kế hoạch cải tổ sâu rộng để thay đổi toàn bộ cơ cấu của Viện : tổ chức và điều hành ; hoạch định rất chi tiết về chương trình giảng dạy tại các phân khoa ; và công trình tái xây cất các cơ sở vật chất của Viện, đã khởi công từ 1973-74.

8.      Kế hoạch thiết lập Trường Đại Học Y Khoa Đà Lạt cho vùng Cao Nguyên, lên chương trình từ 1975.

9.      Dự án phát huy về ngữ học, dân tộc học, và khảo cổ học, lâm khoáng sản và thủy điện nơi cộng đồng dân tộc ít người ở Cao Nguyên Miền Trung Việt Nam, cộng tác với Viện Đại Học Honolulu và với Viện Chuyên Khảo Ngữ Học Mùa Hè của Đại Học North Dakota.

10.  Xây Dựng Phân Khoa Thần Học : Hợp Thức chấp nhận toàn bộ Chương trình và Ban Giảng Huấn của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X theo danh nghĩa của Phân Khoa Thần Học của Viện Đại Học Đà Lạt.

11.  Thành Lập Hội Thân Hữu Thụ Nhân, qui tụ Giáo Sư và Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt. Một dự án bắt đầu được xúc tiến thi hành khẩn trương từ niên khóa 1975-76.

 

II. ĐẠO QUẢN LÝ GIÁO DỤC TIỀM ẨN BÊN TRONG  

Tất cả, có 11 công trình đã được thực hiện và đang được thực hiện vào ngày 30.04.1975. Công trình 1 và 7 hướng về cách làm việc và ứng xử tổng quát trong đạo quản lý. Cách làm việc này hàm chứa rõ rệt tư cách khiêm nhu và tập thể của nhà quản lý, vì và cho ích chung của Viện. Công trình 3, 4, 8, 9, 10 hướng về việc thiết lập các ngành giáo dục và đào tạo, bao chứa một quan niệm giáo dục đa nguyên, nhiều chiều, đi về toàn diện. Công trình 6 hướng về mục tiêu cụ thể của giáo dục đào tạo là thực hiện, sản xuất, phát minh, sáng tạo. Công trình 2, 5 và 11 tóm kết 4 thành tố của giáo dục : giáo sư, sinh viên, môn học và chủ xí nghiệp cho thực tập khi học và thâu làm việc khi tốt nghiệp. Nói như vậy, qua 11 công trình đã hoàn thành hay còn đang thực hiện dở dang, linh mục Viện Trưởng Lê Văn Lý đã khai phóng một con đường phải đi, một cái lý phải theo, một trật tự thiên nhiên phải tuân thủ, mà cũng có thể gọi là đạo, một Đạo Quản Lý Giáo Dục Đại Học. Đạo Quản Lý này có những nét độc đáo nào ? Sau đây là 4 gợi ý trả lời. 

1.      Một Đạo Quản lý khiêm nhu và tập thể. Năm 1916, Henri FAYOL (1841-1925) đã đưa ra 5 công tác chính yếu trong việc quản lý là tiên liệu, tổ chức, quyết định, điều hợp và kiểm soát. Hệ thống quản lý ISO 9000 ấn bản 2005 cho rằng chỉ có 2 công tác là bất khả khuyết mà người quản lý tối cao phải thực hiện ; đó là quyết định hướng đi và kiểm soát kết quả thực hiện [5]; những việc khác có thể ủy quyền trao cho các cộng tác viên. Hơn 30 năm trước ISO 9000, LM Lê văn Lý đã quản lý rất chất lượng. Và tâm lý không khác gì  Elton MAYO (1880-1949), Kurt LEWIN (1890-1947) và nhất là Rensis LIKERT (1903-1981), Linh mục Lê Văn Lý đã điều hành rất tâm lý và theo tổ chức tham gia tập thể. Soạn qui chế nội bộ Viện Đại Học, thực hiện năm 1970-1971, ngài đã trao cho Gs Đỗ Hữu Nghiêm. Kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm cải tiến toàn bộ cơ cấu của viện, thiết kế từ năm 1973-1974, ngài đã ủy quyền cho một ủy ban gồm 6 vị khoa trưởng và phó khoa trưởng của 3 phân khoa Sư Phạm, Văn Khoa và Khoa Học, do Lm Vũ Minh Thái, khoa trưởng Sư Phạm, lãnh đạo. Nhiều người đã nhận xét rằng Linh Mục Lê Văn Lý là con người đơn sơ, khiêm nhu và nhân ái. Lời nhận xét này sát thực và đã nhìn ra cách ứng xử của linh mục Viện Trưởng Lê Văn Lý. Đó là Đạo Quản Lý Khiêm Nhu và Tập Thể. Đạo quản lý này không xa lạ gì với các nhà trí thức Việt Nam, nhất là những người thâm trầm như linh mục Lê Văn Lý. Lão Tử (-579-490) đã viết trong Đạo Đức Kinh rằng : « Thánh nhân ôm giữ lấy đạo làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới chói lọi, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ cho nên mới trường cửu. Chỉ vì không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được » (ĐĐK, chương 22). Đạo quản lý này cũng không lạ gì với những tín hữu công giáo mà linh mục Lê Văn Lý là giáo sĩ. Chúa Giêsu Kitô đã nhiều lần nói về tinh thần phục vụ và ứng xử khiêm nhu « Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43-44). “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29).

 

2.      Một Đạo Quản Lý Giáo Dục Đại Học đa chiều, bao quát, toàn diện. Vào năm 1970, Viện Đại Học Đà Lạt đã có 4 phân khoa : Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học và Chính trị Kinh Doanh. Từ năm 1972, Trường Sư Phạm đã mở thêm một Khóa mới và một Ban mới. Đó là khóa Huấn Luyện cấp tốc cho 100 Giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp Sắc Tộc và Ban Sư Phạm Âm Nhạc. Một số ban khác cũng đã được thiết kế để mở rộng tầm hoạt động của Trường Văn Khoa và Khoa Học, là ngữ học, dân tộc học, và khảo cổ học, rồi lâm khoáng sản và thủy điện. Ngoài ra hai phân khoa mới đã được đề cập nhiều lần. Thứ nhất là việc hội nhập và hợp thức hóa Giáo Hoàng Học Viện như một Phân Khoa Thần Học của viện; Thứ hai là Kế hoạch thiết lập Trường Đại Học Y Khoa Đà Lạt cho vùng Cao Nguyên, lên chương trình từ 1975. Thiết kế việc mở thêm các ban ngành mới trong các phân khoa hiện hữu và xây dựng thêm những phân khoa đại học mới, phải chăng linh mục viện trưởng của chúng ta đã bày tỏ một diểm mới trong việc quản lý giáo dục đại học, đó là Đạo Quản lý Giáo dục đa chiều, bao quát và toàn diện ? Là một chuyên gia nghiên cứu và giảng dậy ngữ học, linh mục Lê Văn Lý đã quen với các hình thức cấu trúc, từ trong ngữ học, qua giáo dục, đến cuộc sống. Giáo dục được thể hiện trong nhiều lãnh vực : thể dục, trí dục, đức dục,.. ; được chuyển trao qua nhiều bộ môn : văn chương, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, quản lý,.. ; được xử dụng trong nhiều ngành nghề : sĩ, nông, công, thương,…. Là một nhà giáo ngữ học việt ngữ, ngài đã biết rõ về triết lý Tam Tài như những thế lực cấu tạo, bảo tồn và phát huy vạn vật. Thiên-Địa-Nhân được trình bày như ba căn cơ cho Thiên Đạo, Địa Đạo và Nhân Đạo, qua ba nhóm khoa học thiên văn, địa văn và nhân văn. Là một nhà giáo linh mục, ngài hiểu rõ nguyên tắc giáo dục toàn diện của công giáo « Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn » [6].

 

3.      Một Đạo Quản Lý Giáo Dục Đại Học nhắm tới sáng tạo và cải tiến liên tục. Giáo sư Khoa Học Giáo Dục ở Đại Học Chicago, tiến sĩ Benjamin BLOOM (1913-1999), đã phân các nhóm tri thức thành 6 nhóm theo thứ bậc mục tiêu giáo dục như sau : nhận biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp và thẩm lượng. Học trò ông là Lorin Anderson đã cải tổ lại, đưa những mục tiêu này vào cụ thể hơn với 6 nhóm động từ hành động : ghi nhớ, hiểu, áp dụng, phân tích thẩm lượng và sáng tạo [7]. Bậc cao nhất là sáng tạo, nhắm sản xuất, cải tiến. Khi cho thực hiện Cơ quan Nghiên cứu Đại Học, Linh mục Viện Trưởng Lê Văn Lý đã muốn tỏ cho các sinh viên đang theo học cũng như các chủ xí nghiệp hay cơ quan sẽ thâu nhận họ rằng đường hướng giáo dục ở Đại Học Đà Lạt muốn đưa sinh viên đến mức cao nhất có thể về học tập, là biết thẩm lượng kiến thức và tài khéo nghiệp vụ mình đã học được hầu có thể sáng tạo những dụng cụ mới để quản trị tốt hơn. Đó chính là Đạo Quản Lý Giáo Dục Đại Học nhằm áp dụng thực tế và sáng tạo cải tiến vậy.

 

Thứ bậc

Mục tiêu theo BLOOM

Mục tiêu cải tổ của Lorin Anderson

6

Thẩm lượng

Sáng tạo

5

tổng hợp

Thẩm lượng

4

Phân tích

Phân tích

3

Ap dụng

Ap dụng

2

hiểu

hiểu

1

nhận biết

Ghi nhớ

 

4.      Một Đạo Quản Lý Giáo Dục hình thoi, thực tế, hướng về việc được chủ thâu nhận. Dẫu được định nghĩa khác nhau theo những quan niệm khác biệt, công việc giáo dục thực tế luôn luôn được thực hiện do một người học là sinh viên, theo một mục tiêu là (trau dồi) tri thức và tài nghệ nghiệp vụ, do một thầy dậy là giáo sư, để được tuyển dụng làm việc bởi một người thâu dùng là chủ xí nghiệp. Đó là 4 yếu tố nền tảng, gồm 1 mục đích và 3 tác nhân. Ba tác nhân này đương nhiên sẽ phải hành động. Người sinh viên có một hành động chính yếu là học tập (để đạt mục tiêu giáo dục, là học tập kiến thức và tài khéo nghiệp vụ). Người giáo sư có ba công việc là truyền dậy những kiến thức, tập luyện sinh viên về tài khéo nghiệp vụ và liên lạc với chủ xí nghiệp để biết họ muốn gì và muốn mức nào. Người chủ thâu nhận sinh viên vào làm trong xí nghiệp mình cũng có ba việc là định hướng cho sinh viên và giáo sư biết tri thức và tài nghệ nào phải có và có với mức trách nhiệm nào, thẩm lượng sinh viên xem đã đạt được gì, đạt ở mức độ nào, rồi để công việc giáo dục đào tạo được thực hiện hiệu quả, phải liên lạc với giáo sư thường xuyên. Đó là 6 hành động nền tảng của giáo dục : học tập, truyền dậy, đào tạo, thẩm lượng, định hướng và liên lạc. Nói như vậy, giáo dục có một mục tiêu, ba tác nhân, sáu hành động ; Đó là 10 yếu tố nền tảng của giáo dục đào tạo (8) mà chúng ta có thể diễn tả qua đồ hình tứ giác hình thoi giáo dục dưới đây [9]. Qua công trình 2 « Lập Phòng Sinh Viên Vụ » vào năm 1970-1971, linh mục Viện Trưởng đã muốn tạo dịp để hướng dẫn sinh viên chọn ngành học, học tốt hơn, làm tốt cách học và kiếm việc làm. Qua công trình 5 « Đào tạo nhân viên giảng huấn và hành chánh », hẳn Ngài đã muốn các giáo sư làm chủ môn mình dậy và cách mình dậy hơn. Qua công trình 11 « lập Hội Thân Hữu Thụ Nhân », mục tiêu gần nhất là hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp mau hội nhập vào môi trường nghề nghiệp trong xã hội. Đạo Quản Lý Giáo Dục Đại Học của linh mục Viện Trường Lê Văn Lý vừa đầy đủ, vừa thức tế, lấy việc đi làm, được thâu nhận, được hành nghề làm mục tiêu thực tế.

  

Một Lời Tưởng Niệm ghi lại những công trình giáo dục đại học mà cố linh mục Viện Trưởng Lê Văn Lý đã thực hiện được trong 5 năm vắn vỏi và xáo trộn ở Miền Nam Việt Nam, từ 1970 đến 1975, đã giúp chúng ta hiểu được cái Đạo Quản Lý Giáo Dục Đại Học thâm sâu và hữu hiệu của Ngài. Đó là một Đạo Quản Lý Đại Học, lấy khiêm nhu và ích lợi của tập thể làm gốc ; nhằm đào tạo về mọi mặt, thực hiện một giáo dục toàn diện ; để giúp sinh viên đạt được những kiến thức ở mức tối cao là có khả năng sáng tạo và cải tiến ; hầu cụ thể và gần nhất là tìm được việc làm, xây dựng tích cực cho xã hội, quốc gia.  

Sự nghiệp tu hành, giáo dục và chuyên khảo ngữ học của Giáo Sư Tiến Sĩ LM Lê Văn Lý được GS Nguyễn Đình Hòa tóm thuật cô đọng trong Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam như sau: “Cha Lê Văn Lý, một nhà giáo dục kiệt xuất, một nhà ngữ học độc đáo, một vị linh mục đầy lòng nhân áí đối với bạn đồng nghiệp và đối với học trò ». Tôi xin thêm : « Về Quản Lý Giáo Dục Đại Học, Cha Viện Trưởng Lê Văn Lý có một con đường, một đạo quản lý đơn sơ, khiêm nhu mà rất nhân bản, thực tế và hiệu năng ».  

1975 đã chấn dứt nhiêm kỳ viện trưởng 5 năm của Lm Lê Văn Lý và kết thúc hành trình văn hoá giáo dục 18 năm của Viện Đại Học Đà Lạt. Nhưng một kiệt tác đã được để lại qua khoảng gần 30.000 sinh viên đã được thụ huấn và khoảng gần 3.000 đã tốt nghiệp. Hôm nay, sau 38 năm Viện Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt bị chuyển giao. 38 năm Viện Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt đã ngưng hoạt động. Nhưng tập thể Thụ Nhân hiện vẫn đang phục vụ quê hương và thế giới.  

Ước mong sao một Viện Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt khác sẽ được xây dựng, hầu nghiêm chỉnh quản lý và trồng người cho quê hương đất nước ! Phải chăng đó cũng là ước mong của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, khi các ngài « trao đổi về dự án của Ủy ban Giáo dục công giáo thành lập học viện thần học » [10] trong đầu tháng 10.2012 vừa qua ?

 

Paris, cập nhật ngày 03/10/2013,

lễ giỗ 21 năm, của Linh Mục Viện Trưởng Lê Văn Lý 1992-2013

và kỷ niệm sinh nhật 100 năm của ngài, 1913-2013

 

Trần Văn Cảnh

Nguyên Giáo Sư Trường Đại Học Sư Phạm Đà Lạt

Hiện Giáo Sư Quản Trị và Giám Đốc Nghiên Cứu

Trường Kỷ sư và Thạc sĩ Xây Dựng ECOTEC, Paris

  

Chú Thích 

(1). Gs Đỗ Hữu Nghiêm ; Viện Đại Học Đà Lạt giữa lòng dân tộc Việt Nam, 1957-1975.

Xin xem : http://www.conggiaovietnam.net/upload/article/f__1242300072.htm

(2). Ibid. 

(3). Ibid.

(4). Năm 1960, khi thi Trung Học tại Đà Lạt, người viết được cùng một số bạn học đến viếng thăm Đại Học Đà Lạt, được gặp cha Trần Văn Thiện trong phòng đề rõ « Phòng Viện Trưởng » và được người hướng dẫn giới thiệu Ngài là Viện Trưởng. Nhưng trong điện thơ ngày 15.10.2012 vừa qua, GS Đỗ Hữu Nghiêm xác nhận với người viết rằng Lm Trần Văn Thiện chỉ là Giám Đốc Đại Học Xá, chứ không phải là Viện Trưởng. Chính Ngài đã cải chính việc này. 

(5). Manuel ISO 9000 pour les PME-PMI ; AFNOR ; 2009, tr. 85 « Management : activités coordonnées pour orienter et contrôler un organisme ». 

(6). Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Giáo Dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai ; Thư chung 2007 về Giáo dục Kitô giáo, n° 32. 

(7). Benjamin BLOOM 1913-1999 ; Taxonomie des objectifs éducatifs : Vol. 1 : Domaine cognitif. Presses de l’Université du Québec. (1956, traduit en 1975). Xin xem : http://wiki.univ-paris5.fr/wiki/Taxonomie_de_Bloom  

(8). Xin xem Trần Văn Cảnh ; La recherche pédagogique en France depuis Alfred Binet et ses difficultés ; Lyon : 1981 ; p. 163-187. 

(9). Theo quan niệm thông thường, thì giáo dục là « Thầy dậy dỗ trò một kiến thức », và như vậy giáo dục có 3 yếu tố chính : thầy, trò, kiến thức, và có ba hành động (dậy và dỗ của thầy, học của trò). Jean Houssaye, giáo sư khoa học giáo dục ở Đại Học Rouen ở Pháp đã đưa ra một đồ hình giáo dục tam giác với ba góc chỉ ba yếu tố (thầy, trò, kiến thức) và ba cạnh chỉ ba hành động (học của trò ; dậy và dỗ của thầy). Xin xem :

http://eduscol.education.fr/bd/competice/superieur/competice/libre/qualification/q3a.php 

(10). Biên Bản Hội Nghị Thường Niên Kỳ II/2012 (08/10/2012-12/10/2012).

Xin xem : http://hdgmvietnam.org/bien-ban-hoi-nghi-ky-ii-2012-hoi-dong-giam-muc-viet-nam/4321.63.8.aspx

 

 

Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!