CHA ƠI!
Cha
tôi, cụ Inhaxiô Đặng Phúc Lộc, Chúa gọi về lúc 4 giờ chiều ngày 12/12/2019. Cha
tôi được sống là người, và là con Chúa 102 năm, để lại 102 con, cháu, chắt. Tôi
nhớ mãi, lúc 3 giờ chiều hôm đó, cha Giuse Hà Trung Hoàng ghé thăm, và cùng gia
đình tôi cầu nguyện đầu giờ. Cha tôi, dù đã rất mệt, nhưng vẫn cố gắng giơ tay
làm Dấu Thánh Giá, và chỉ giơ được nửa vời..Sau đó, lúc 3 giờ 30, nhóm chị em Lòng Chúa Thương Xót, làm giờ cầu
nguyện. Cha tôi, mắt dù nhắm, nhưng tay vẫn lần theo từng hạt kinh. Khi chuỗi
kinh hết, cha tôi ra hiệu đọc lại. Thế rồi, chuỗi kinh dang dở, cả nhà phó linh
hồn. Cha tôi tắt thở!
Cảm
tạ Chúa, đã thương gọi cha tôi về cách nhẹ nhàng, để lại dấu chỉ lành… Nhớ lại,
trước 3 tuần, cha tôi còn rước lễ tại nhà; và 1 tháng trước, còn được tôi, hoặc
các cháu chiều chiều chở Honda dự lễ tại nhà thờ Ngọc Thạch; khi 100 tuổi, cha
tôi còn ngắm đứng…
Hồi
tưởng lại, ngoài những giờ cầu nguyện chung trong gia đình, cha con còn có nhiều
lần cầu nguyện cách đặc biệt. Lúc tôi 10 tuổi, tối tối cha dẫn 3 anh em tôi đến
cầu nguyện trước tượng thánh Vicente, tượng được đặt trong trại tập trung bà
con tị nạn ở Hải Phòng, trước khi xuống tàu di cư vào Nam. Bốn cha con cầu nguyện
cho mẹ, và em gái tôi còn kẹt lại trong làng Bích Du. Năm 13 tuổi, tôi đang trọ
học ở Sài Gòn, cha ghé thăm, rồi dẫn tôi thăm vườn sở thú, cùng đưa tôi đến Nhà
Thờ Đức Bà cầu nguyện. Khi khôn lớn, sống chung, tứ đại đồng đường nhiều năm ấm
êm, tôi nhớ mãi những lần cha thúc dục con cháu, cùng cầu nguyện trong đêm giao
thừa: Từ Ngợi khen chúa, sám hối, tạ ơn, đến xin vâng…
Đã
hơn ba tháng cha tôi mất, nhớ Cha, tự nhiên, lời bài hát “Núi Thái Sơn Ngả
Bóng Cuối Trời” vang vọng trong tôi: “Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không
bao giờ ngả xuống…Còn dòng lệ thấm xuống hồn con”, lệ lại rơi! Trước đây, Cha
tôi kể, thường có thói quen cầu nguyện từ bé, là được một thầy xứ già, có kiến
thức uyên thâm, dạy bảo nhiều năm tại giáo xứ Bích Du, Thái Bình. Cha tôi được
học nhiều môn, nhiều chương trình: nào là chữ Hán, chữ Pháp, chữ Quốc Ngữ, học Toán,
học Văn… đến học lẽ đạo…
Cha
tôi còn kể, nhờ có chút chữ, nên được Cha xứ, và giáo dân cử làm Thư Ký trong xứ
đạo, vào đúng năm1945. Năm, mà nạn đói đã cướp đi mạng sống hơn hai triệu người
dân Miền Bắc một cách hãi hùng, bút mực nào kể xiết... Xác chết trong nhà, xác chết
ngoài đồng, chết ngoài biển khơi…cha tôi viết:
“Thảm
thay em nhỏ mới sinh
Nào
cháu có biết mẹ mình chết đâu
Lệ
nhòa chan chứa đêm thâu
Ngậm
vú mà chết gục đầu một bên”.
Để
cứu đói, sáng sáng Cha xứ cùng Cha tôi, mỗi người đeo một bị khoảng 100 nắm cơm,
đến nửa làng phía biển, phát mỗi gia đình, một nắm cơm “cầm hơi” không kể lương
giáo; buổi chiều, Cha xứ và Cha tôi cũng
mỗi người một bị cơm nắm, phát nửa làng phía trong ruộng. Nhờ những nắm cơm “cầm
hơi” đó, mà dân làng Bích Du, lương giáo đỡ chết. Vì thế, mà làng Bích Du,
lương giáo đoàn kết, yêu thương nhau hơn.
Có
lẽ, chính nạn đói năm 1945, Cha tôi đã sống, và cận kề với cái chết, cùng đã trực
tiếp tham gia cứu đói, nhất là nhiều năm được thầy xứ dạy bao điều sâu sắc về đạo,
về đời… Những điều đó, cùng với tự học trong cuộc sống bao năm, đã hình thành
trong cha tôi, một tấm lòng bao dung; một tinh thần trách nhiệm; một gương hy
sinh; một cách sống đơn giản, khiêm tốn nhưng cầu tiến. Đặc biệt là một Đức Tin
vững vàng; Đức Cậy mạnh mẽ; Đức Mến nồng cháy…Điều đó, thể hiện ngay trong những
năm tháng, cha tôi sống với gia đình, họ hàng, xóm làng, cùng mọi người...
Thuở
đương thời Cha tôi thường nói: “Một sự nhịn là chín sự lành”, hay “Lấy oán báo oán, oán oán trập trùng; lấy
đức báo oán, oán đó tiêu tan”. Cha tôi đã thực hiện điều đó với chúng tôi
trong cuộc sống của cha tôi. Có lần cha tôi kể: “…giữa đêm khuya thanh vắng,
chỉ có tiếng ếch nhái, bên ngọn đền dầu le lói, Cha nhớ đến “Chú”, Cha vừa khóc
vừa cắt ngón tay lấy máu viết thư cho“Chú”, mong tìm sự hòa thuận. Và cùng với
lời cầu nguyện thiết tha, sau nhiều năm, sự hòa thuận với“chú” đã đến, tạ ơn
Chúa!...”.Thật cảm phục Cha!
Khi
lớn khôn, 5 anh em thuở nào, nay đã thành ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại,
có người là ông cố, bà cố, ông nọ, bà kia…Cha tôi rất lo lắng khi chúng tôi sống
trong xã hội, không tin vào Thiên Chúa, chỉ tin vào con người và khoa học. Lại
nữa, trong xã hội có quá nhiều thách đố, tệ nạn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ,
mà nổi cộm là: Nạn phá thai, sự thiếu trung thực, kiêu căng, tham nhũng; vật chất,
danh vọng và lạc thú lên ngôi; giá tri tinh thần, đạo đức xuống thấp… tạo ra biết
bao hệ lụy nghiêm trọng cho đời, cho đạo... Những điều đó, trái ngược với những
điều Chúa dạy: “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là
do ma quỉ” (Mt 5, 37). Và “Thầy
là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Trong môi trường xã hội như
thế, cha tôi đã nhắn nhủ con cháu:
“
…Khiêm tốn ngay lành mau học lấy
Ngổ
nghịch gian tham kíp tránh ngay”
Vâng
lời cha, con cháu quyết tâm sống trung thực, khiêm tốn, dù đang sinh sống trong
ngành nghề có nhiều quyến rũ để kiếm danh lợi bất chính. Con cháu thường kể cho
cha nghe những cố gắng giữ công bằng, trung thực trong nghề nghiệp. Có lần tôi
kể với cha:
“…Hôm
nay, trước hơn 400 Khách hàng của cháu, con đại diện cho Công ty đã nói:“…Nếu
quí Đại lý và quí Khách hàng thấy Công ty của chúng tôi còn trung thực, thì quí
vị ủng hộ, nếu Công ty hết trung thực, xin quí vị đừng ủng hộ…”.
Cha
tôi rất mừng, khi thấy con cháu giữ được sự công bằng và đạo đức trong nghề
nghiệp. Cha vui mừng hơn, khi thấy con cháu tham gia việc đạo, việc đời và tích
cực góp phần vào việc bác ái, từ thiện đạo, cũng như đời…Có lẽ, cha tôi vui với
con cháu, vì con cháu biết vâng lời cha, và cũng có lẽ vì thế, Chúa thương cho cha
tôi sống thọ đến 102 tuổi...
Cha
tôi, một đời tin thờ Chúa, tận tụy, tích cực trong mọi công việc đạo cũng như đời,
lại có tinh thần cầu tiến, nên từ một người phu ống, đã cố gắng học tập để trở thành
bác tài công lái tàu… Cha tôi sống chân thành với mọi Người; cùng góp phần nhỏ
làm thay đổi vài tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi nơi làng Bích Du, quê
tôi. Cha tôi, một tấm gương sáng cho con cháu về sống đạo… Nay cha mất, sao con
cháu không buồn, không nhớ! Riêng tôi còn nhớ hơn vì:
“…Còn đâu những chiều vàng…
Con chở cha dự lễ
Và được đón cha về
Khi
Thánh Lễ vừa xong
Còn
đâu những chiều vàng
Cha
ngồi cửa đợi con…”.
Và:
“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, nay tôi biết hỏi ai!
Nhưng,
tôi được ủi an, khi đọc lời Thánh Giáo Hoàng Phaolô II: “Được sống đến tuổi
già là một ân huệ. Không phải vì tất cả mọi người sống đến tuổi này,
nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu
và sống mầu nhiệm phục sinh một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng
quí báu cho Giáo Hội”. Rồi tôi vui khi Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính
lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”; và chính Chúa đã hứa ban: “Ai
kính sợ Thiên Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp” (Hc 1, 13); thế là, Núi
Thái Sơn, cha tôi đã tìm về cội nguồn của sự sống vĩnh hằng.,.
Inhaxio Đặng Phúc Minh
Tác giả:
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
|