HỘI KHUYẾN
HỌC, CÙNG NHÀ TRƯỜNG NẮM BẮT CƠ HÔI ĐÔNG DU.
Những lá thư Đông Du trong cuốn kỷ yếu: “Mười
Một Năm Khai Phá Để Đổi Đời” của Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh được
viết từ các em: Võ Thị Hồng Nhung, Vũ Ngọc Tuyên, Nguyễn Thúy An, Tống Duy
Quang, Cao Hoài Vũ…cùng bài cảm nhận của
chi Hội Khuyến học Phụ huynh sinh viên Đông du, và các
chi Hội Khuyến học sinh viên
Vĩnh Thạnh, từ các trường Đại học An Giang, Đại học Cần Thơ, Đại học Thành phố
Hồ Chí Minh…mà hầu hết các em đều là cựu học sinh của trường THPT Thạnh An, một ngôi trường đã có bề dầy lịch sử 60 năm ở vùng này, đã làm tôi sống
lại một thời, hơn mười năm làm việc trong
Phong trào Khuyến học, Khuyến tài, Khuyến đức của Hội Khuyến học huyện
Vĩnh Thạnh Thành phố Cần Thơ. Một trong những mặt đó là, Phong
trào Nhật ngữ
Đông Du. Phong trào do
thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hòe sáng lập, thực hiện. Thầy Nguyễn Đức Hòe, người đã dành phần lớn đời mình để
xây dựng, thực hiện chương trình Nhật ngữ Đông Du (1991-2022), sau thời gian du học và làm việc tại Nhật Bản trở về Việt
Nam (1959-1974).Thầy làm việc khoa học, say mê với việc “nâng cao dân trí”, mà tôi
đã nhận ra qua nhiều
lần gặp gỡ, trao đổi cùng tìm
hiểu trong suốt thời
gian hơn mười năm. Việc làm
của Thầy, có thể nói là đang nối tiếp Phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Trường Nhật ngữ Đông Du đã đưa gần 2000 sinh viên du học
Nhật, dư âm của trường đã và đang vang xa... Đúng như ông bà ta
nói: “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa” và xa hơn nữa “cọp chết để
da, người ta chết để tiếng”. Trân quí, và hạnh phúc biết bao!
Tôi còn nhớ, cơ duyên đến với chương trình Nhật
ngữ Đông Du, là
chỉ hơn một
tháng, sau ngày
Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh ra mắt (12-5-2004), thì vào một buổi
sáng đầu tuần, đoàn Hội Khuyến học Thành phố Cần Thơ, do ông Lê Văn Ánh, PCT Hội
dẫn đầu, cùng với ông Bùi Khắc Cư, Giám
đốc Trung Tâm Nâng Cao Dân Trí Hội Khuyến học Việt Nam, từ Hà Nội vào. Về phía địa phương, có Thường trực Hội Khuyến học
huyện: bác
Năm Ngọc Trác,
thầy Nguyễn Năng, thầy Đặng Phúc Minh và thầy Đỗ Thành Liên. Địa điểm tiếp đón
đoàn là trường THPT Thạnh An, có thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Mạnh, cùng quí thầy
cô trong Ban Giám hiệu. Buổi họp đã
trao đổi kỹ
về nội dung, cùng phương thức
tuyển sinh trong chương
trình Nhật ngữ Đông Du.

Sau buổi trao đổi, cùng tìm hiểu các tài liệu liên quan..., đáng chú ý là ba điều tâm niệm hàng ngày của học sinh, trước
mỗi buổi học rất ý nghĩa, sâu sắc:
1. Cố
gắng học tập, trau dồi tài đức để mai sau phục vụ quê hương tổ quốc;
2. Sống
hết mình, trung thực, ngay thẳng là bạn của mọi người;
3. Đoàn
kết giúp đỡ lẫn nhau.
Từ
đó, phía
nhà trường THPT Thạnh An, cũng như
Hội Khuyến học huyện đều cảm thấy phấn khởi, tin tưởng muốn tham dự. Thế rồi, lòng tự
bảo lòng: có phải đây là cơ hội để các em học sinh: nghèo, hiếu học, giỏi, có ý chí của miền
Cái Sắn thân yêu, có cơ hôi được
du học Nhật Bản, một mơ ước của bao thế hệ sinh viên Việt Nam, mà ngay từ thời nhà
cách mạng Phan Bôi Châu (1867-1940) cũng đã mơ ước, và thực hiện (1905-1908). Nhưng tiếc một điều là bị
dang dở do người Pháp ngăn lại. Từ
đó, Hội Khuyến học và trường THPT Thạnh An bắt tay vào thực hiện. Ngay
trong năm học 2005, trường THPT Thạnh An cùng
Hội Khuyến Học huyện Vĩnh Thạnh đã có lứa học sinh du học Nhật Bản đầu tiên. Đó là các em Nguyễn Minh Trí, và em Võ Thị Hồng Nhung. Gia đình em Nhung thật nghèo, nhưng em có ý chí rất cao.
Em là một điển hình vượt khó thành công trong những sinh viên du học Nhật Bản của
trường.
THAM
QUAN, HỌC HỎI NƯỚC NHẬT
Tục ngữ Việt Nam có câu “muốn ăn hét, phải đào giun”.
Vì thế, cơ hội đến với Đông Du, cũng chính là cơ hội để các Hội Khuyến học,
cũng như các trường THPT dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu nhiều hơn về
nước Nhật, hầu trợ giúp đắc lực cho các thí sinh muốn du học Nhật, đặc biệt
trong phần trả lời phỏng
vấn của các kỳ thi tuyển sinh, sau khi các em đã trúng tuyển phần thi viết. Để thực hiện
điều đó, tháng 5 năm 2010, Hội Khuyến học Thành phố Cần Thơ đã cử người cùng với
Hội Khuyến học Việt Nam tham quan, học hỏi Nước Nhật một tuần, theo lời mời của
Vụ giao lưu Quốc tế, Hiệp hội nghiên cứu Komikan (Trung tâm học tập cộng đồng)
Nhật Bản, do Tiến Sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD &ĐT, Phó Chủ tịch
Hội Khuyến học Việt Nam làm trưởng đoàn, cùng với 14 thành viên thuộc các tỉnh
và Thành phố. Tôi may mắn được tham dự chuyến tham quan học tập này. Tiếp đoàn
Việt Nam trong buổi chính thức, phía Nhật 15 người,
Trưởng đoàn, ông Takano Satoshi, Tổng Vụ trưởng Bộ Giáo dục,
ông Iwasa Takaki Nhật Bản, Vụ Trưởng vụ GDTX, ngoài ra còn có Giáo sư Tani,
Giáo sư Teuchi, cùng một số cán bộ chuyên nghiên cứu Kominkan...
Qua chuyến
tham quan trao đổi và học tập, tôi được hiểu thêm một số điều về nước Nhật và
người Nhật: người Nhật coi đường phố như khuôn mặt của mình. Ngày rửa mặt mấy lần,
thì đường phố cũng phải quét dọn bấy nhiêu lần. Chính nhờ vậy, mà đường phố,
các trạm dừng xe của Nhật rất sạch sẽ.
Tiếp đến
là trên đồng tiền 10.000 Yên của Nhật có hình ông Fukuzawa Yukichi. Tìm hiểu
tôi được biết, ông Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là một nhà tư tưởng lớn
nhất có ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Người Nhật coi
ông như một “Voltaire của đất nước mặt trời mọc”. Ông để lại một gia tài
tinh thần đồ
sộ với hơn 20 đầu sách viết về nhiều lãnh vực...Đọc cuốn KHUYẾN HỌC (1872-1876) của ông, tôi rất
tâm đắc. Khuyến học là tác phẩm có ảnh hưởng lớn lao nhất đến công chúng Nhật Bản.
Khi mới được in lần đầu, trong thời kỳ Duy Tân, cuốn sách đã có 3,4 triệu bản.
Từ đó tới nay, tác phẩm được tái bản nhiều lần, chỉ tính nhà xuất bản Iwanami
Bunko từ năm 1942 đến năm 2000 đã tái bản 76 lần. Ngay trong chương I của sách
Khuyến học đã viết: “Trời không tạo ra người đúng trên người”, rồi
tiếp theo: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”.
Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh, đã gởi tới các Hội Khuyến học cơ sở cuốn Khuyến học
trên.
Một điểm nữa, tôi được biết, nước Nhật Bản từ năm 1904 đã theo đuổi một triết lý
giáo dục là đào tạo những con người có các phẩm chất: trung thực (Truth), sức
mạnh (Health), vẻ đẹp (beauty) do ông Yoshio Takayama khởi xướng, mà cốt lõi là “đạo đức”. Triết lý đó, vẫn duy trì đến ngày nay. Kết quả người Nhật ít
gian dối, đất nước phát triển, Nhật
đứng thứ 3 thế giới về kinh tế...
KẾT QUẢ CỦA SỰ KẾT HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ HỘI KHUYẾN HỌC.
Chính nhờ dành nhiều thời gian tìm hiểu, cùng những chuyến
tham quan học hỏi ở Nhật Bản, mà phần tư vấn cho các em
có ước mơ du học Nhật Bản, mang lại kết quả tốt hơn. Nhiều năm sau, các em thi
phỏng vấn thường đậu 100%. Sự gắn kết giữa Hội Khuyến học với nhà trường, cùng
chi Hội Khuyến học phụ huynh sinh
viên Đông du thêm chặt chẽ
bền vững. Từ đó, chương trình Đông du trong hơn 10 năm đã
mang lại kết quả đáng khích lệ. Trong báo cáo ngày 25-11-2021, báo cáo hết nhiệm
kỳ, ông Lê Văn Ánh, Nguyên phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Cần Thơ, đặc trách
Đông Du, thì từ năm 2005 đến 2021 Thành phố Cần Thơ đã đưa 85 em du học Nhật Bản,
trong đó có 82 em ở trường THPT Thạnh An. Đúng là: “Hoa Anh đào nở trên đất Vĩnh Thạnh”.
(Từ 2019 đến nay 2022, trường Nhật Ngữ Đông du không tuyển sinh vì dịch Covid-19).
Thật vui, khi huyện Vĩnh Thạnh nói chung, và trường THPT Thạnh An đã có kết quả
thật mỹ mãn trong chương trình Đông du, thỏa lòng mong ước giữa gia đình, nhà
trương và xã hội và đặc biệt là của 82 em sinh viên. Cũng từ đó, mối liên kết
giữa những cha mẹ trong chi Hội khuyến học phụ huynh sinh viên Đông du; các thầy
của trường THPT Thạnh An; các bác trong Hội Khuyến học vẫn còn mãi đến hôm nay.

MỘT TRƯỜNG
HỢP ĐÔNG DU ĐIỂN HÌNH
Con
đường du học Nhật Bản trải qua như
thế nào? Sự kết họp giữa nhà trường và Hội Khuyến học ra sao? Chính em Võ Thị Hồng Nhung, sẽ kể tóm lược qua trích dẫn trong câu chuyện “Đổi Đời”:
“....Cả
gia đình Nhung ngồi quây quần quanh mâm cơm trên một chiếc chiếu rách trải ở giữa
nhà. Bữa cơm thật thanh đạm, chỉ có một chén nước mắm, đĩa tép rang, thứ tép mà
người nông dân Nam Bộ có thể xúc được ở bờ ruộng, bờ mương và đĩa rau sống gồm
nhiều loại tìm được ngay quanh nhà: cải trời, càng cua, chuối chát… Nhưng mọi
người vẫn cảm thấy ăn thật ngon và cười nói vui vẻ. Nhung
đã mấy lần định đem câu chuyện du học Nhật Bản do Hội Khuyến học huyện vừa phổ biến ở trường
kể cho gia đình nghe, nhưng lại chần chừ không dám nói ra. Cuối cùng, Nhung lấy
hết can đảm và liều thưa với ba má:
-
Ba má ơi! Hội Khuyến học
huyện hôm nay còn phổ biến ở trường con, là em nào sau khi tốt nghiệp lớp 12 muốn
đi du học Nhật Bản thì nộp đơn, mà phải nộp đơn trước khi thi tốt nghiệp lớp 12
và Đại học. Con tính con nộp đơn ba má ạ.
Bữa
cơm gia đình đang vui vẻ bỗng trở nên căng thẳng, mọi ánh mắt đều hướng về phía
Nhung với vẻ đầy ngạc nhiên. Ông Phước, ba Nhung gắt:
-
Trời ơi! Học ở Việt Nam, ba với má còn lo muốn hụt hơi rồi! Năm lớp 11, ba bị
đau, nghỉ việc chút nữa con phải nghỉ học đó thôi! Lại còn đòi đi du học nữa…
Con mơ mộng quá rồi!
-
Con gái học ở gần nhà, mẹ coi còn chưa nổi… Bây giờ lại đi nước ngoài…! Bà
Loan, mẹ Nhung nói lấp lửng không dứt câu.
Nhung
hơi cúi đầu, vuốt mấy sợi tóc rũ xuống trước mặt rồi nhỏ nhẹ thưa với ba má:
-
Chương trình đi du học Nhật Bản này là vừa làm vừa học, không đòi phải có tiền
nhiều, mà đòi hỏi phải có ý chí, có nghị lực, có ước mơ, biết sống thật thà,
đoàn kết giúp đỡ nhau là được. Sau nay, tốt nghiệp sẽ làm việc ở Nhật ít năm lấy
kinh nghiệm rồi về làm việc ở Việt Nam. Con đường du học này phù hợp với hoàn cảnh
gia đình mình: nghèo chịu thương chịu khó ba má ạ. Còn tính con gái của má… má đã biết rồi mà…má đừng lo!”... (Trích trong truyện ngắn ĐỔI ĐỜI của tác giả)
Nhung kể
tiếp:
Tuy
gia đình nghèo, nhưng Nhung vẫn cố gắng học tốt với hy vọng được đổi đời. Nhung
nhớ mãi trong lần họp mặt sinh viên và học sinh ở huyện Vĩnh Thạnh hàng năm vào
dịp tết Nguyên Đán, Nhung là một trong mười học sinh lớp 12 được trường chọn đi
dự. Mấy bác trong Hội Khuyến Học huyện đã nói:
-
Dù sự học không có
trang cuối cùng, nhưng con đường học là con đường
thoát nghèo nhanh nhất, bền vững nhất và cũng danh dự nhất. ...Suy cho cùng là nhờ sự học.
Đúng như nhà bác học Lê Quí Đôn
(1726-1784) của nước. ta đã nói: “…Phi trí bất hưng”.
Nhung nghĩ rằng đi du học Nhật Bản là cơ hội thật tốt để nhìn và học được những
điều Hội Khuyến Học đã nói, vì: “Trăm nghe cũng không bằng một thấy”.
Thế rồi, ba
má Nhung cũng thuận, Nhung đã
thi đậu phần viết vào trường Nhật Ngữ Đông Du. Trong phần thi phỏng vấn, cô Hiệu
Phó Quang Tịnh Nghi hỏi: “Sao em lại chọn chương trình
du học Nhật Bản này? Nhung đã trả lời suôn sẻ, và kết quả em đã trúng tuyển.
Trước
khi sang Nhật, Nhung còn được nhận bao lời khuyên, cùng sự trợ giúp của thầy cô và Hội Khuyến học, đặc biệt là chiếc vé máy
bay 400 USD do một cô giáo của trường vận động giúp:
“...
Việt Nam đang có chủ trương hội nhập sâu với thế giới... Thành phố Cân Thơ đang hướng
đến xây dựng những công dân: trí
tuệ, năng đông, nhân ái, hào hiệp và thanh lịch. Vì thế, ở bất cứ đâu và học tới
mức độ nào là người Việt Nam, các cháu phải giữ được lòng nhân ái; sự hào hiệp
và phong cách thanh lịch nhé! Các cháu nhớ người Nhật rất coi trong danh dự và
sự thật thà…
Chúc các cháu thành công trong chuyến du học Đông du nhiều
vui mừng và hy vọng, nhưng cũng không ít gian nan. Đất nước kỳ vọng nơi các
cháu!
Với sự cố gắng không biết mệt mỏi, một thành quả tốt đẹp,
Nhung nhận được thật xứng đáng.
“…Tháng 03 năm 2013, Nhung đã tốt nghiệp Đại học ngành xây
dựng loại giỏi của trường Gifu University. Tốt nghiệp Đại học loại giỏi, Nhung
được ưu tiên học lên Cao học không phải qua thi tuyển. Nhưng cũng chính lúc này,
công ty xây dựng Tokyo Construction trả lời nhận Nhung làm việc, vì Nhung đã nạp
đơn xin việc mấy tháng trước. Đây là một công ty xây dựng lớn, hầu hết là người
Nhật làm việc. Nhận người nước ngoài như Nhung là rất hiếm. Vì thế, Nhung quyết
định nhận làm việc cho công ty Tokyo Construction, để
có cơ hội thực hành bao điều đã học, rồi sẽ học Cao học tiếp sau, khi đó đã có
kinh nghiệm thực tế sẽ tốt hơn. » (Đổi đời).
CẢM NHẬN
Trở về mái trường Sao Mai - Thạnh An, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, mái
trường mà tôi đã có 2 niên học là giáo viên, niên học 1965- 1966 ; 1966-1967, và
hơn 10 năm làm việc trong chương trình Đông Du (2004-2018) cùng với trường,
trong trách nhiệm của Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh. Nhớ lại, trong lần viết
kỷ yếu mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường 1962-2012, theo lời mời gọi của
trường, tôi đã viết bài: “Ngôi trường cất cánh một vừng quê”. Trước
đó, năm 2002 trong cuốn kỷ yếu kỷ niệm 40 năm thành lập trường, tôi cũng đã viết
bài: “Điểm son ở trường Trung học Phổ thông Thạnh An”. Và lần
này, cũng theo lời mời gọi của trường, tôi viết bài: “Trung học Sao Mai-
Thạnh An, nắm bắt cơ hội Đông du”.
Mái trường Trung học
Sao Mai- Thạnh An luôn ở trong trái tim tôi, dù tôi chỉ giảng dạy tại trường có
hai niên học. Thời gian tuy ngắn, nhưng nó đủ để lại trong tôi biết bao kỷ niệm
êm đềm trong các mối tương quan: tình người, tình bạn, tình thầy trò... Mặc dù đã
hơn nửa thế kỷ trôi qua, mái trường xưa, theo thời gian đã không còn hình bóng,
nhưng tình cảm thầy trò,
tình ban, tình người vẫn đong đầy như ngày nào, và hơn cả ngày nào nữa...Thật
đáng quí, và đẹp biết bao! Đó phải chăng, trường đã cố gắng duy trì và phát triển
truyền thống cội nguồn thật tốt đẹp.
Cội nguồn đó là đào tạo con người theo các tiêu chí: Nhân bản, dân tộc, khoa học và
khai phóng, và biết kịp thời uốn nắn khi nhận ra những
điều chưa đúng.
Những hoạt động đầy ý nghĩa, hiệu quả, không những thiết
thực, mà còn mang tính khai phá trong chương trình Nhật ngữ Đông du của trường,
cùng Hội Khuyến học từ năm 2005 đến nay, đã góp
một phần làm cho nét son tươi đẹp của trường ngày thêm thắm tươi hơn.
Trường Trung học Phổ thông Sao Mai- Thạnh An xứng đáng với
niềm tin yêu của người dân trong vùng trong hơn nửa thế kỷ qua!.
Thạnh An ngày 01-10-2022
Đặng Phúc Minh