Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG
Con
người là loài thọ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St
1,26), một hữu thể có nhân vị, nghĩa là có lý trí, ý chí và tự do.
Đây là một đóng góp độc đáo cho nhân học Kitô giáo. Chúng ta không
gặp thấy quan niệm này trong các nền văn hoá Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ,
Trung Hoa hay Việt Nam. Quả
vậy, tại các nền văn hoá, đã có nhiều cách định nghĩa khác nhau về
con người, chẳng hạn, “con người, tự bản chất, là động vật có xã
hội tính” (Aristote), “con người là cây sậy biết suy nghĩ” (Pascal), và
“con người là động vật mang tính tôn giáo” (Mark
Twain. Và, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho ta
một lối nhìn khách quan về con người như sau: “Trong lịch sử loài người
và cho tới ngày nay, loài người đã diễn đạt việc tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều
cách qua các tín ngưỡng và các thái độ tôn giáo (cầu khẩn, cúng tế, tịnh niệm,
phụng tự, v.v...). Mặc dù có khi còn mơ hồ bất minh, những hình thức này quá
phổ biến, đến nỗi có thể gọi con người là một hữu thể tôn giáo.”
Ta thấy, mỗi cách diễn tả như thế phản ánh mỗi
khía cạnh về con người : từ ‘động vật mang tính xã hội’ đến
‘hữu thể tôn giáo’. Tuy nhiên, theo thiển ý, cách nhìn độc đáo nhất,
toàn diện nhất, chân thực nhất về con người hệ tại ở câu Kinh Thánh
này: Thiên
Chúa phán, “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như
chúng ta” (St 1,26). Vì là hình ảnh Thiên Chúa, “con người là một nhân
vị, nghĩa là một chủ thể, một chủ thể có khả năng hành động một
cách có kế hoạch và hợp lý, có khả năng tự quyết định và hướng
tới sự thành tựu của bản thân mình.”
Vì vậy, sự xuất hiện của mỗi con người
trên trái đất luôn là một sự sáng tạo mới.
Đó chính là điều mà thánh vịnh gia nhắc lại với lời khôn ngoan thâm
thuý: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong
dạ mẫu thân con (…) xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì, khi con được
hình thành trong nơi bí ẩn” (Tv 139,13.15). Là một hữu thể nhân linh,
con người thuộc về đất nhưng cũng luôn hướng về trời cao, nghĩa là
“đầu đội trời, chân đạp đất”. Con người không chỉ sống trong mối
liên hệ với Chúa và với anh em nhưng còn với môi trường chung quanh,
với trái đất này.
Con
người là chủ trái đất, điều này đã được xác định từ những trang
đầu tiên của Kinh Thánh. Sách Sáng Thế thuật rằng, sau khi sáng tạo
con người, Thiên Chúa đã ưu ái cho con người sống trong Vườn Địa Đàng,
sống hài hoà với mọi loài mọi vật. Đồng thời, Chúa giao cho con
người trách vụ cao cả là hãy làm chủ cá biển, chim trời và mọi dã
thú trên mặt đất (x. St 1,28). Như vậy, thiên nhiên không phải là kẻ
thù, không phải là “một đống rác chồng chất ngẫu nhiên”
(Héraclite) nhưng như là người bạn, là món quà Thiên Chúa ban tặng cho
con người. Nói cách khác, thiên nhiên có mối tương quan mật thiết với
con người. Quan điểm này không chỉ có trong Kinh Thánh nhưng cũng hợp với
thần học Hy Lạp – La Mã.
Bênêđictô XVI, Vì Một Sinh Thái Học Nhân Bản (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn
Giáo, 2017), tr. 103.
Tác giả:
Lm. Jos Đồng Đăng
|