Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Đồng Đăng
Bài Viết Của
Lm. Jos Đồng Đăng
CON ĐÃ YÊU NGÀI QUÁ MUỘN
HÃY MỞ RỘNG CÁNH CỬA TRÁI TIM ĐỂ ĐÓN VUA GIÊSU
TRỜI ĐẤT QUA ĐI, LỜI CHÚA CÒN MÃI
CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG
SỐNG GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN
THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC ‘TIẾN THÂN’ HAY ĐỂ ‘DẤN THÂN’?
CHỈ CÓ CHÚA LÀ GIA NGHIỆP
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly
ĐỪNG LOẠI TRỪ NHAU
SỨ ĐIỆP TỪ THẬP GIÁ
NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
CHỦNG SINH: CÂY BÚT CHÌ TRONG TAY HỌA SĨ GIÊSU
TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI (phỏng theo Video bài giảng của Hồng Y Tagle)
TỬ TƯỞNG CỦA THÁNH CYPRIAN VỀ SỰ HIỆP NHẤT TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ ƠN CỨU ĐỘ TRONG ĐỨC KI-TÔ
GIA ĐÌNH - NGÔI NHÀ DÀNH CHO TRÁI TIM BỊ TỔN THƯƠNG
LỜI CHÚA VÀ CUỘC SỐNG
ĐỨC GIÊSU ĐEM ‘BÌNH AN’ HAY ‘GƯƠM GIÁO’ ĐẾN CHO THẾ GIAN?
NGƯỜI ĐÃ HIẾN MÌNH VÌ TÔI
SỐNG HIỆP THÔNG THEO GƯƠNG CHÚA BA NGÔI
THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Đức Maria, Mẹ Hội Thánh và Mẹ các tín hữu
BIẾN CỐ THĂNG THIÊN VÀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
HÒA HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
CÓ NHIỀU “TIA SÁNG” NHƯNG CHỈ CÓ MỘT “MẶT TRỜI” CỨU ĐỘ
ĐƯỜNG GIÊSU – ĐƯỜNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
MỤC TỬ THẬT, MỤC TỬ GIẢ
Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG
GIÊ-RÊ-MI-A, MẪU GƯƠNG CHO NGƯỜI NGÔN SỨ
NIỀM VUI CÓ CHÚA PHỤC SINH
HÃY ĐỂ CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHẠM ĐẾN CHÚNG TA
LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ THẾ GIỚI
NÃO TRẠNG ‘VỨT BỎ' VÀ SỰ HUỶ HOẠI PHẨM GIÁ CỦA TÍNH DỤC
CHIÊN VƯỢT QUA LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
Đức Tin, Một “Bảo Vật” Đầy Mong Manh Nơi Người Ki-tô Hữu Trẻ Hôm Nay
GIU-ĐA, CON NGƯỜI ‘ĐÁNG THƯƠNG’ HAY ‘ĐÁNG GHÉT’?
HÃY ‘RỬA TAY’ NHƯNG XIN ĐỪNG ‘PHỦI TAY’
HÒA HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG


Lm. Jos Đồng Đăng

Dẫn nhập: Đời sống con người được liên kết với ‘môi trường’[1] chung quanh, trong đó có môi trường tự nhiên. Một nền hoà bình đích thực cho sự sống con người chính là trạng thái con người sống hoà hợp với Thiên Chúa, với tha nhân, và với môi trường thiên nhiên.[2] Vì Giáo Hội là bí tích hiệp thông giữa con người trên thế giới, nên Giáo Hội cũng là một thực tại luôn có sự hoà hợp với môi trường thiên nhiên – nơi nhân loại đang sinh sống. Mối ưu tư của con người hôm nay về môi trường cũng là mối ưu tư của Giáo Hội Chúa Kitô. Trong bài viết này, người viết sẽ trình bày (1) mối tương quan giữa con người với môi trường, (2) Giáo Hội hoà hợp với môi trường (3) thực trạng môi trường tự nhiên, và (4) trách nhiệm của Giáo Hội trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên.

1. Đời sống con người trong tương quan với môi trường

Con người không chỉ có mối tương giao với Chúa và với tha nhân mà còn với môi trường chung quanh mình. Những trang đầu của sách Sáng Thế đã cho chúng ta biết, Thiên Chúa sáng tạo con người từ bụi đất (St 2,7) và đặt con người trong mối hoà hợp với môi trường tự nhiên. Người giao cho con người trách vụ quản lý trái đất và cộng tác với Chúa để hoàn hảo hoá trái đất. Thiên nhiên trở nên như người bạn đối với con người và phục vụ con người. Vì thế, con người được mời gọi sống hoà hợp với thiên nhiên.

Từ thời Cựu Ước, kinh nghiệm sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong dòng lịch đã được thể hiện nơi dân Ítraen. “Người Ítraen sống niềm tin ấy trong không gian và thời gian của thế giới này, thế giới mà họ không hề coi là môi trường thù nghịch hay một chỗ xấu xa mà người ta cần được giải thoát, nhưng chính là ân huệ Chúa ban, là đất đai và kế hoạch Chúa giao cho họ quản lý và làm việc với tinh thần trách nhiệm của một con người.”[3] Người ta không thể diễn tả lịch sử cứu độ của dân Ítraen một cách đầy đủ nếu bỏ qua các yếu tố trong thiên nhiên như manna, chim chút, cột mây, cột lửa, và toàn thể môi trường sống. 

Sang thời Tân Ước, mối hài hoà giữa con người và thiên nhiên được hiện tại hoá nơi chính Đức Giêsu Kitô. Chính Người đã làm người và mang lấy những yếu tố của môi trường thiên nhiên như con người chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của tác giả thư gửi tín hữu Do Thái, “Người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15). Đức Giêsu đã mang lấy hình dạng con người; đã trở thành một phần của trái đất này và nhìn thế giới với cặp mắt của nhân loại; Người vẫn còn đang hiện diện sống động trong từng tạo vật.[4] Chính Người đã đến để nối kết trời với đất, vô hạn với hữu hạn, vĩnh cửu với thời gian, thánh thiêng với tội lỗi, ‘Môi Trường Thiên Chúa’ với ‘môi trường thiên nhiên’Đức Giêsu đã mang lấy những yếu tố do mình sáng tạo để yêu thương, để biến đổi và qui tụ tất cả trong Trời Mới, Đất Mới khi Thiên Chúa đưa thời gian tới hồi viên mãn.[5]

Cuộc sống thường nhật của mỗi con người đều gắn bó với thiên nhiên. Chúng ta sẽ tìm được căn tính của mình khi trở về những ký ức tuổi thơ, khi ta uống từng ngụm nước trong dòng suối róc rách, khi ta rong chơi trong một khu rừng rậm, giữa thành phố đô hội hay khi ta dừng chân bên bếp lửa hồng của một bác nông phu nào đó. Tất cả những ký ức đó dệt nên đời ta. Nói cách khác, không ai lớn lên mà lại chẳng có một mối liên hệ khăng khít với môi trường sống của mình.[6]

Cuộc sống thiêng liêng của chúng ta cũng không tách rời môi trường thiên nhiên. Cội rễ của hữu thể nhân linh của chúng ta không tồn tại một cách biệt lập với môi trường sống này. Chúng ta đang bị chìm ngập trong muôn vẻ phong phú của sự vật hữu hình tuôn đến qua muôn cửa ngõ của các quan năng nơi thân xác chúng ta: thức ăn nuôi dưỡng thân xác, cảnh vật nuôi dưỡng thị giác, âm thanh nuôi dưỡng con tim, v.v. Tất cả các kho tàng này xuất phát từ bốn phương vũ trụ và không ngừng tương tác cùng tâm trí chúng ta. Và, “Linh hồn con người, mặc dù triết học tưởng là đã được dựng nên riêng biệt thế nào đi nữa, thực ra vẫn không tách biệt khỏi hoàn vũ mà trong đó linh hồn, đã được tạo dựng, ngay cả lúc khai sinh cũng như lúc trưởng thành. Nơi linh hồn, Thiên Chúa yêu thương và cứu độ một phần nào toàn thể vũ trụ, cái vũ trụ đã được linh hồn thu nhỏ lại một cách độc đáo và đặc biệt.”[7]

Nhận biết được mối hoà hợp này, từ xưa đến nay, con người đã lặng lẽ thiết lập những liên hệ mật thiết với môi trường. Có rất nhiều nhà tư tưởng đã nghiên cứu môi trường, rút ra từ đó những nhận định về các nguyên lý cho nhân sinh quan và vũ trụ quan. Ở Á Đông, có thuyết Ngũ Hành gồm kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ và thuyết Âm Dương. Trong Giáo Hội, nhiều vị thánh cũng đã gắn môi trường với đời sống thiêng liêng. Chẳng hạn, Thánh Bênađô coi trái đất như một cuốn sách mở, để mọi người có thể đọc được sự khôn ngoan của Thiên Chúa (De Diversis, 9,1). Từ cảm nghiệm cá nhân, thánh nhân tiết lộ rằng chính ngài đã học được nhiều điều hay ho ở các núi đồi, rừng rú (Epistoloe, 106,2). Thánh Tômasô tạ ơn Thiên Chúa đã trao cho loài người hai cuốn sách quý: một là Kinh Thánh, hai là thiên nhiên (Oeuvres, Éd. Vives, t.29). Thánh Inhaxiô tìm Chúa, mến Chúa, phụng sự Chúa trong tất cả mọi loài, mọi sự (Ad amorem). Thánh Phanxicô Assisi, bổn mạng của môi trường, luôn hát khen ca ngợi Thiên Chúa qua mọi tạo vật, từ anh mặt trời, chị mặt trăng, muôn tinh tú, cho đến chim chóc, cá mú, cây cỏ, hoa màu (Oeuvres latines, Albin Michel, 1959). [8]

Như vậy, cuộc sống con người luôn tồn tại trong mối hoà hợp với môi trường tự nhiên. Không thể nói đến sự tồn tại của con người nếu không có sự tồn tại của thiên nhiên. Cả hai tạo nên mối liên hệ khăng khít và có thể nói là bất khả phân ly. Và đi xa hơn nữa ta sẽ thấy, Giáo Hội – cộng đoàn được Đức Giêsu thiết lập, cũng luôn có sự hoà hợp với môi trường tự nhiên.

2. Giáo Hội hoà hợp với môi trường

Giáo Hội - Nhiệm Thể Chúa Kitô, cũng có mối hoà hợp chặt chẽ với môi trường tự nhiên. Đức Giêsu luôn sống hoà hợp với môi trường tự nhiên. Trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu đã tận dụng các yếu tố tự nhiên; Người không chỉ diễn giải về thiên nhiên, nói về thiên nhiên cách thấu đáo bằng các hình ảnh và ‘dụ ngôn’[9] từ các hình ảnh thiên nhiên mà Người còn làm chủ thiên nhiên nữa (x. Mt 14,22-33). Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ nhìn thẳng vào sự vật, mùa màng, và con người với thái độ tin tưởng của trẻ thơ luôn luôn biết mình không bao giờ bị bỏ rơi (x. Lc 11,11-13). Người cũng khuyên các môn đệ hãy biết cách sử dụng những tặng phẩm Chúa ban để đem lại sự chia sẻ và huynh đệ (x. Lc 16,9-13). Và cuối cùng, chính thiên nhiên cũng tham dự vào thảm kịch Con Chúa bị khai trừ và vào chiến thắng của Đấng Phục Sinh (x. Mt 27,45.51; 28,2). Như vậy ta có thể khẳng định rằng, vì thiên nhiên đã được tạo dựng trong Ngôi Lời, thì cũng chính do Ngôi Lời đã làm người mà thiên nhiên được hoà giải với Thiên Chúa và được trả lại ơn bình an (x. Cl 1,15-20).[10]

Mối liên hệ giữa Giáo Hội với môi trường tự nhiên được hình thành ngay trong cử hành phụng vụ, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là Hy tế tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, là trung thành vâng theo lệnh truyền của Người: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Trong cuộc cử hành đó, cộng đoàn tín hữu dâng lời chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa cùng với bánh và rượu là những tặng phẩm của thiên nhiên do Chúa ban tặng. Thánh lễ là cử hành phụng vụ có đặc tính phổ quát, vừa công bố hành vi giao hoà của Thiên Chúa với nhân loại, đồng thời kết nối đất với trời, đưa tình yêu cứu độ thấm nhập toàn thể thụ tạo. Đây là cuộc vận hành của tất cả công trình sáng tạo hướng tới đích điểm cuối cùng trong niềm hy vọng cánh chung, như được đưa vào cõi thánh thiêng, được “biến hình”, được “Kitô hoá” và đến với nguồn mạch sự sống một cách nhiệm mầu. Trên bàn thánh là tất cả tạo thành, muôn vật muôn loài đồng thanh ngợi khen Thiên Chúa.[11]

Cha Teilhard de Chardin (1881-1955) đã viết về Thánh Thể như là “Thánh Thi của Vũ Trụ” với những lời lẽ rất đẹp và thi vị như sau:

“Con sẽ làm cho cả trái đất này thành bàn thờ, và trên đó con xin dâng lên Ngài những lao công và khổ đau của thế giới. Đàng kia, phía chân trời mênh mông, vừa chiếu toả ánh dương rạng ngời đến tận mép viền phương đông. Một lần nữa, dưới tấm thảm chuyển động của ánh lửa mặt trời, khuôn mặt sinh động của trái đất thức giấc và run rẩy, để lại khởi đầu một vòng lao nhọc chứa đầy những sợ hãi. Trên đĩa thánh của con, ôi lạy Chúa, con sẽ đặt mùa gặt được thu hoạch từ những nỗ lực mới này. Và trong chén thánh, con sẽ rót vào tinh chất mọi trái cây của trái đất mà hôm nay sẽ được nghiền ép. Đĩa thánh và chén thánh của con là những miền sâu thẳm của một tâm hồn biết mở tung cho mọi sức mạnh, để trong giây lát sẽ vươn lên từ khắp nơi trên trái đất, rồi hội tụ vào Thần Khí. Xin cho con một trời tưởng nhớ với sự hiện diện diệu huyền của tất cả những ai giờ đây được vầng sáng chiếu soi đánh thức vào ngày mới.”[12]

Cảm nghiệm của Teilhard de Chardin, có thể nói, tuy là một trực quan thâm sâu thần bí, nhưng thực ra lại khai mở một cách hiểu mới, phù hợp với chiều hướng suy tư của thần học đương đại, cũng như những thao thức của Giáo Hội trong nhiều văn kiện mới đây về mối tương quan giữa Thánh Thể và tất cả tạo thành: vấn đề môi sinh trên thế giới.[13] Chính Thánh Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, đã chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa của người qua việc cử hành Thánh Thể “trong nhà nguyện trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển … trên bàn thờ dựng ngay giữa sân vận động, trên công trường các thành phố”. Và như thế, người cảm nhận mãnh liệt chiều kích vũ hoàn của Thánh Thể dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Nhập Thể tuyệt đối: “Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời.”[14] Trái đất tràn ngập sự sống với muôn vẻ huy hoàng biểu đạt vinh quang Thiên Chúa. Bởi thế, niềm hy vọng Kitô giáo, như lời Đức Gioan Phaolô II, thúc đẩy chúng ta hướng về “trời mới đất mới” (Kh 21,1), và “điều đó không làm suy yếu, mà còn kích thích tâm thức chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất” này.[15]

Cũng theo lập trường đó, trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh đến việc thánh hoá vũ trụ và thế giới, đồng thời ước mong “những con người tạ ơn nhờ Thánh Thể là dân Kitô cần thiết phải có ý thức cử hành Thánh Thể nhân danh toàn thể vũ trụ.”[16] Vì Đức Kitô phục sinh là Ađam mới hiện diện và ẩn dạng trong mọi sự, ở mọi cấp độ của thụ tạo, nên chúng ta có thể nhận ra ý định cứu độ duy nhất của Thiên Chúa và hiểu được mối liên hệ thẳm sâu giữa vũ trụ này với “vũ trụ mới”. Từ đó, câu chuyện về cuộc “Sáng Thế Chung” được biết đến: vạn vật trong vũ trụ đều xuất phát từ một cội nguồn. Tất cả đều sống, hiện hữu, chuyển động và tồn tại trong Thiên Chúa (x. Cv 17,28). Nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm thế giới tự nhiên như là “Nhiệm Thể của Đức Kitô, hòa điệu cùng muôn thụ tạo, tiến dâng Chúa cả vũ trụ trong lịch sử tiến hóa và xác tín rằng sự hoàn kết tương lai của toàn nhân loại không thể tách rời sự thăng hoa biến đổi của tất cả tạo thành: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,1-5; Cv 2,2).”[17]

Cuộc đời của người Kitô hữu sống trong lòng Giáo Hội, nhờ Nhiệm Tích Thánh Thể cũng trở thành một cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa vô hạn và khôn cùng. Cuộc sống ấy như là một cuộc dìm ngập với Chúa trong làn nước của Vũ trụ và đời sống ấy cũng chính là một “cuộc hiệp thông với Chúa qua Vũ trụ Nhiệm tích của cuộc sống, cuộc sinh sống của tôi, cuộc sinh sống tôi đã thụ nhận, đã trải qua và đã phó thác.”[18]

Như vậy, những suy tư trên đây cho chúng ta hiểu rằng, mối liên hệ giữa Giáo Hội và môi trường tự nhiên là rất mật thiết. Trong cuộc cử hành phụng vụ, nhân danh Đức Kitô, Ngôi Lời Sáng Tạo - Ngôi Lời Nhập Thể - Ngôi Lời Thánh Thể, chúng ta không chỉ dâng lên trên bàn thờ trái đất, lao công và khổ đau của con người, nhưng hơn thế nữa, có thể nói, vũ trụ là “Bàn Thờ” trên đó mọi lời Chúc Tụng và Tạ Ơn của muôn vàn thụ tạo được dâng lên Thiên Chúa.[19] Vì thế, khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng với muôn loài thọ tạo trên trời dưới đất cất lời ca tụng Chúa. Sự hiện hữu của con người với môi trường tự nhiên là một hiện hữu không tách rời, nhưng tương tác và tương thuộc lẫn nhau. Toàn bộ cuộc sống nhân loại được đan dệt bằng tình liên đới giữa muôn loài muôn vật “hữu hình và vô hình” được tạo dựng, sinh trưởng, tồn tại và tiến hóa trong cùng một Nguồn Mạch Sự Sống (Cl 1,17). Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là mở rộng vòng tay yêu thương của chúng ta để có thể ôm ấp mọi sinh vật, và toàn thể vũ trụ trong vẻ đẹp tuyệt vời của nó.[20]

Người Kitô hữu có đức tin sâu đậm có thể thánh hóa mình, không những bằng hoạt động mở “Nước Trời” mà cả bằng hoạt động mở “Nước Đời” nữa. Và, đang khi chu toàn cả hai công việc, “người Kitô hữu xem xã hội hiện tại như một nơi tha hương; họ thuộc về một xã hội mới là mục đích của cuộc lữ hành trần thế, và là điều luôn được trông mong trong suốt cuộc lữ hành này.”[21] Và trong khi hướng về cùng đích của cuộc đời, nơi quê hương đích thực, Giáo Hội luôn dạy con cái mình không được xa lánh trần thế, trái lại phải ra sức bảo vệ môi trường, xây dựng hoà bình, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, v,v. Đó chính là “thế hiến”, tức là đang sắm sửa chất liệu cho Trời Mới Đất Mới mai sau.[22] Giáo Hội luôn dạy con cái mình phải thao thức cùng niềm vui nỗi buồn của nhân loại. Vì chưng, vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sâu và lo lắng của người môn đệ Đức Kitô.[23] Và một trong những thao thức thường nhật mà Giáo Hội nói chung và mỗi người Kitô hữu phải lưu tâm hiện nay là nạn ô nhiễm môi trường.

3. Thực trạng môi trường hiện nay

Môi trường sống của thế giới đang bị đe doạ, trở thành mối lo chung của nhân loại. Các nguồn tài nguyên như đất đai, biển và những cánh rừng vốn gắn liền với cuộc sống người dân đang kêu cứu: đất đai thì cằn cỗi do hiện tượng hạn hán; nước biển thì ô nhiễm do sự xả thải bừa bãi; rừng xanh rậm rạp thì biến thành đồi trọc do nạn chặt phá và đốt nương làm rẫy tuỳ tiện. Lượng khí CO2 đang gia tăng nhanh chóng trong bầu khí quyển do con người quá lạm dụng nguyên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng. Nạn cháy rừng đã thải vào khí quyển một lượng lớn khí Carbon. Còn quá ít cây xanh còn lại để giữ vai trò quang hợp, biến khí Carbon thành khí Oxy, do đó, đất bị thiêu đốt vì hấp thụ nhiệt và không thể giữ nước nên làm gia tăng tình trạng hạn hán. Ngoài ra, hiện tượng xói mòn bờ biển, hiện tượng băng tan ngày càng nhanh và mực nước biển đang dâng lên, đe doạ các cộng đồng dân cư miền duyên hải, v.v. Thật đau lòng biết bao khi thấy hàng ngàn, hàng vạn người ngày hôm nay đang bị kẹt trong cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi trường: người thì suốt ngày đêm phải ‘cửa đóng then cài’ để tránh bụi bặm từ các nhà máy sản xuất; người thì nước mắt lưng tròng khi nhìn hàng tấn cá chết dọc theo bờ biển do nạn ô nhiễm môi trường biển. “Có thể nói rằng, biển đang kêu gào thảm thiết vì bị bức tử và mọi người, mọi vật đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thảm họa này.”[24]  

Việc huỷ hoại môi sinh là điều trái ngược với Kinh Thánh. Kinh Thánh Cựu Ước dạy, Thiên Chúa dựng nên mọi loài mọi vật và giao cho con người làm chủ (x. St 1,28). Tuy nhiên, Người không bảo con người cứ sử dụng chúng một cách tuỳ tiện hay lạm dụng chúng, trái lại phải biết chăm sóc và bảo tồn chúng. Chẳng hạn, Người ban huấn lệnh cho họ phải cho đất đai nghỉ ngơi một năm sau sáu năm canh tác (x. Lv 25,2-5). Thế mà, con người cứ tự tung tự tác làm hại môi trường, mặc cho những hậu quả khôn lường.

Vậy, căn nguyên của thảm hoạ môi trường là gì? Thưa, tất cả hệ tại ở sự ô nhiễm lương tâm con người, là sự xuống cấp của nền đạo đức luân lý, khi con người chỉ nhắm mắt chạy theo cái ‘có’ hơn cái ‘là’; khi con người cố làm sao để vơ cho đầy túi tham của mình mà quên đi lợi ích của đồng loại. Một số quan chức, với danh nghĩa là ‘đầy tớ của dân’ thì sống theo lối “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Họ là con đẻ của của chủ nghĩa cá nhân, của bệnh vô cảm, và của sự gian dối, v.v. Môi trường thế giới có được phục hồi hay không hệ tại ở ý thức của mỗi con người.

4. Trách nhiệm của Giáo Hội đối với môi trường tự nhiên

Bảo vệ môi trường là một đòi hỏi cấp bách cho mỗi người trên trái đất này. Chúng ta không thể “giả điếc làm ngơ” khi môi trường thiên nhiên bị khủng hoảng, khi các công ty, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, các nhà đầu tư, các tổ chức khoa học, kỹ thuật chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận trước mắt cho riêng mình để rồi khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ, vô đạo đức. Cần ý thức rằng, “mọi hành vi gây nguy hại đến mạng sống của mình hay của kẻ khác đều là hành vi tội lỗi chống lại Thiên Chúa, đi ngược lại với trật tự luân lý, với quyền được làm người và quyền được bảo vệ sức khoẻ.”[25] Vì thế, chúng ta cần cương quyết bảo vệ môi trường sống bằng nhiều cách thế khác nhau. Hơn ai hết, Giáo Hội cần trở nên mẫu gương khi thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình. Giáo Hội phải luôn thao thức cùng niềm vui nỗi buồn của nhân loại.

Trung thành với Giáo huấn của mình, Giáo Hội đã không ngừng lên tiếng bảo vệ môi trường, thể hiện tinh thần hiệp thông với “người chị” thân thương là trái đất. Ngay từ năm 1971, trong một Tông thư ban hành nhân dịp kỷ niệm 80 năm thông điệp “Tân Sự”, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công nhận môi trường là một vấn đề xã hội rộng lớn liên quan đến toàn thể gia đình nhân loại, ngài cảnh báo: “Do khai thác thiên nhiên một cách khinh suất, con người đẩy thiên nhiên đến nguy cơ bị phá huỷ và, đến lượt mình, con người trở thành nạn nhân của sự phá huỷ đó.”[26]

Đức Gioan Phaolô II đã khuyến cáo mọi người Á Châu rằng, cần phải quan tâm thật nhiều đến môi trường, ngài nói: “Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc phát triển kinh tế và kỹ thuật mà không lưu tâm đến sự cân bằng của hệ sinh thái, trái đất chúng ta chắc chắn sẽ đứng trước nguy cơ bị phá hoại môi trường cách trầm trọng, kéo theo những hậu quả tai hại, ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhân loại.”[27]

Đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, thiên nhiên được kể như là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Thiên nhiên giúp cho chúng ta khám phá về Thiên Chúa. Trong Thông điệp Tình Yêu Trong Sự Thật (Caritas in Veritate), Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh:

“Thiên nhiên xuất hiện trước con người và được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta làm không gian sống. Thiên nhiên nói cho chúng ta về Đấng Tạo Hoá (x. Rm 1,20) cũng như về tình Người yêu thương nhân loại (…). Bởi thế, thiên nhiên cũng là một “ơn gọi”. Thiên nhiên được đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta không phải như “một đống phế thải bừa bãi”, mà là một tặng vật của Tạo Hoá, Đấng đã quy định cho chúng những cơ cấu nội tại để con người có thể khám phá ra những định hướng phải tuân thủ nhằm “bảo vệ và canh tác” chúng.”[28]

Trong sứ điệp ngày hoà bình thế giới 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI viết: “Để bảo vệ môi sinh, để bảo tồn các nguồn tài nguyên và khí hậu, một đàng phải hành động trong sự tôn trọng các quy luật được xác định rõ ràng về mặt pháp lý kinh tế, mặt khác, cần để ý đến tình liên đới phải có đối với những người cư ngụ tại các vùng nghèo hơn trên trái đất và các thế hệ tương lai.”[29]

Luân lý Giáo Hội Công Giáo dạy phải luôn tôn trọng sự sống tự nhiên và siêu nhiên của mình cũng như của người khác, do đó, cấm mọi hình thức xâm phạm đến sự sống con người, trong đó có việc làm tổn hại đến môi trường chung, là cái nôi sự sống của mọi người. Khi tôn trọng thiên nhiên, chăm lo bảo vệ cho sự trong lành của thiên nhiên đó cũng chính là khi chúng ta chăm lo sức khoẻ cho anh em mình. Tuy nhiên, con người dường như quên lãng mối tương quan khăng khít giữa môi trường thiên nhiên và chính mình. Họ không biết rằng, môi trường và con người như “một cặp song sinh”. Vì vậy, con người chỉ biết huỷ hoại thiên nhiên để thoả mãn lòng ích kỷ của mình. Xét cho cùng, của cải vật chất mà Chúa tạo dựng là cho mọi người chứ không phải chỉ dành cho một nhóm người hay cho một thế hệ nào. Hơn nữa, con người có tình liên đới với nhau và với thế hệ tương lai. Mọi người phải biết sống và bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp cho thế hệ tương lai. Theo đó, mọi hoạt động kinh tế tác động đến môi trường đều có tác động đến các thế hệ tương lai.

Khi dấn thân vào việc bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ có tác động đến thế hệ tương lai. Khi bảo vệ môi trường là khi chúng ta bảo vệ giới luật yêu thương. Khi bảo vệ môi trường là khi chúng ta đang góp phần ‘phô diễn’ vẻ đẹp của thiên nhiên, của công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nhờ đó giúp chúng ta nhìn nhận tình yêu của Đấng Tạo Hoá, Tình Yêu đã “chuyển động mặt trời và các vì sao khác.”[30]

Vì vậy, việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách của Giáo Hội Chúa Kitô. Chừng nào chúng ta thi hành việc bảo vệ môi trường tốt thì chúng ta thực sự là môn đệ của Đức Kitô. Mỗi một người trong Giáo Hội cũng phải kiên quyết yêu cầu các nhà chức trách có thẩm quyền bảo vệ môi trường, bảo vệ đời sống của mình và của anh em. Trong ý hướng đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thiết kêu gọi:

 “Chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời, chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu các nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế - kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội.[31]

Là người Kitô hữu, chúng ta cần nhận thức rằng, chúng ta không thể yêu Thiên Chúa, Đấng sáng tạo chúng ta, mà không yêu những gì Người đã dựng nên cho chúng ta. Và chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người đồng loại của chúng ta.”[32] Chúng ta vừa được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, vừa được mời gọi cộng tác với Người trong việc biến đổi bản thân mình cũng như biến đổi thế giới thụ tạo sao cho các hình thức môi trường trong thế giới thụ tạo ngày càng sạch đẹp hơn, hầu tất cả mọi người trong gia đình nhân loại sống xứng đáng hơn với phẩm giá là con cái của Thiên Chúa, là bạn của Đức Giêsu và là em của Người (Ga 1,12; Ga 15,15; Cl 1,15.18).[33]

Giáo Hội không phải là một thực tại “xuất thế” nhưng luôn luôn “nhập thế” để cùng chung chia những niềm vui và nỗi buồn cùng với kiếp người. Giáo huấn của Giáo Hội cũng không chống lại tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thời đại, nhưng mời gọi con người tìm một nếp sống giản dị, thanh bình, thân thiện với môi trường. Chính vì lòng ích kỷ mà con người khai thác bừa bãi môi trường và ảnh hưởng đến trái đất, đến anh em đồng loại. Các sa mạc bên ngoài ngày càng nhiều, vì những sa mạc bên trong đã quá bao la. Cuộc khủng hoảng sinh thái, vì thế, đòi hỏi sự ‘hoán cải nội tâm’ sâu sắc, qua đó, người tín hữu làm cho hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh.[34] Vậy, con đường hoán cải đó là gì?

Trong Thông điệp Laudato Sí, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến bốn thái độ căn bản trong cuộc hoán cải sinh thái. Trước hết là lòng biết ơn và sự cho không, nhận biết rằng thế giới là quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, và chúng ta được mời gọi âm thầm noi theo lòng quảng đại của Ngài trong sự hy sinh tự hiến và trong những việc lành phúc đức. Thứ hai là sự hiệp thông với toàn thể tạo thành: Sự hoán cải này cũng bao hàm một nhận thức trìu mến về sự liên kết của chúng ta với toàn thể thụ tạo, cùng dự phần trong sự hiệp thông hoàn vũ tuyệt vời. Là tín hữu, chúng ta không nhìn thế giới từ bên ngoài mà từ bên trong, ý thức về các mối dây Chúa Cha đã liên kết chúng ta với tất cả mọi hữu thể. Thứ ba là phát triển khả năng bản thân; đó là việc phát triển cá nhân và những khả năng Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta đừng hiểu sự ưu việt của chúng ta là một lý do để vinh danh cá nhân hay thống trị một cách vô trách nhiệm, nhưng đó là một trách nhiệm nghiêm túc xuất phát từ niềm tin của chúng ta. Thứ bốn là góp phần giải quyết các vấn đề sinh thái. Sự hoán cải sinh thái có thể thúc đẩy chúng ta sáng tạo và nhiệt thành hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới và trong việc hiến dâng chính bản thân chúng ta lên Thiên Chúa “như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Người” (Rm 12,1).”[35]

Kết luận: Trên đây là phần trình bày về mối tương quan hiệp thông giữa con người và môi trường, Giáo Hội với môi trường, thực trạng môi trường và trách nhiệm con người với môi trường, trong đó một sự hoán cải môi sinh là cần thiết. Như mọi cuộc hoán cải, cuộc hoán cải sinh thái gồm ba bước: nhận biết những sai lỗi, sám hối chân thành, và khao khát thay đổi. Hoán cải không chỉ về những hành động tàn phá môi trường nhưng là một cuộc hoán cải toàn diện: về những sai lầm, những tội lỗi, những thiếu sót và cả những thất bại của chúng ta trong việc chăm sóc ngôi nhà chung.[36] Giáo Hội kêu mời chúng ta xây dựng một nếp sống lành mạnh với trái đất, xem trái đất là món quà Chúa ban chứ không phải là vật sở hữu của mình. Con người phải là người quản lý chứ không phải là chủ sở hữu. Đồng thời, Giáo Hội cũng mời gọi con người cần biết liên đới với những người nghèo khổ trong việc sử dụng nguồn tài nguyên chung của trái đất. Có như vậy, chúng ta mới có thể sống hiệp thông đúng nghĩa với Thiên Chúa là nguồn của mọi sự hiệp thông trong tình bác ái. Và chỉ khi chúng ta sống chiều kích hiệp thông một cách đúng đắn với Chúa, với bản thân, với tha nhân và với môi trường sống, đời sống chúng ta mới có sức lan toả hương vị của Tin Mừng. Đó cũng chính là sứ vụ loan báo Tin mừng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta.

 



[1] Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ – EPA (Environmental Protection Agency): “môi trường là tổng thể những điều kiện bên ngoài tác động đến cuộc sống, sự phát triển và sự tồn tại của một sinh thể.”

[2] X. ĐGM.Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Luân Lý Kitô Giáo Qua Mười Điều Răn (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2013), tr. 215.

[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2007), tr. 312.

[4] X. ĐGH. Phanxicô, Thông Điệp Laudato Sí, s. 246.

[5] X. “Bài nói chuyện của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Viên với các bạn trẻ tại Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XIV”, http://daichungvienvinhthanh.com. Truy cập ngày 25/02/2017.

[6] X. ĐGH. Phanxicô, Thông Điệp Laudato Sí, s. 84, Linh mục Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2015), tr. 68-69.

[7] Lm. Pierre Teilhardde Chardin, Cảnh Vực Thần Linh (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2009), tr. 52.

[8] X. ĐGM. Bùi Tuần, “Vấn Đề Môi Trường”, http://ghhv.quetroi.net/02DCBUITUAN/ThaoThuc01_55_VanDeMoiTruong.htm. Truy cập ngày 01/08/2017.

[9] Một số dụ ngôn liên quan đến môi trường thiên nhiên được Đức Giêsu sử dụng như dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn cây vả, dụ ngôn hạt giồng và hạt cải,… 

[10] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo s. 453-454. 

[11] X. Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS., “Thánh Thể: Hy Lễ Tạ Ơn và Cảnh Vực Môi Sinh”, http://hocvienthanhthe.com. Truy cập ngày 4/3/2017.  

[12] Teilhard de Chardin, Hymn of the Universe (New York/ London: Collins, 1965), tr. 19.

[13] Denis Edwards, Ecology At the Heart of Faith (New York: Orbis, 2006), 120 và Zachary Hayes, The Gift of Being: A Theology of Creation (Minnesota: The Liturgical Press, 2002).

[14] Ecclesia de Eucharistia, s. 8.

[15] Ecclesia de Eucharistia, s. 20. Xem thêm Gaudium et Spes, s. 39.

[16] Sacramentum Caritatis, s. 92.

[17] Phao-lô Vũ Chí Hỷ SSS., “Thánh Thể: Hy Lễ Tạ Ơn và Cảnh Vực Môi Sinh”, http://hocvienthanhthe.com.  

[18] Lm. Pierre Teilhardde Chardin, Cảnh Vực Thần Linh, tr. 169. 

[19] Phao-lô Vũ Chí Hỷ SSS., “Thánh Thể: Hy Lễ Tạ Ơn và Cảnh Vực Môi Sinh”, http://hocvienthanhthe.com.

[20] X. Tony Kelly, The Bread of God: Nurturing a Eucharistic Imagination (Missouri: Liguori, 2001), tr. 105.

[21] Giáo Hoàng Bê-nê-díc-tô XVI, Thông Điệp Spe Salvi, s. 4.

[22] X. Lm G.B Trần Thanh Ngoạn, Thần Học Công Đồng, tr. 55-56.

[23] X. Gaudium et Spes, s. 1.

[24] ĐGM. Nguyễn Thái Hợp, “Thư Chung Về Thảm Họa Ô Nhiễm Môi Trường Biển Miền Trung”, giaophanvinh.net. Truy cập ngày 6/3/2017. 

[25] Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo Trình Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt (Đcv.  Vinh Thanh, 2014), 183.

[26] ĐGH. Phao-lô VI, Octogesima adveniens, s. 21.

[27] ĐGH. Gioan Phaolô II, trong L.m Phêrô Đinh Ngọc Lâm, D.C.C.T, Sứ Vụ Truyền Giáo Tại Á Châu Hôm Nay (Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 2007), tr. 139. 

[28] ĐGH. Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Caritas In Veritate, s. 48. 

[29] ĐGH. Bênêđíctô XVI, Sứ Điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới (2010)

[30] ĐGH. Bênêđíctô XVI, Sứ Điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2010, s. 2.

[31] X. ĐGH. Phanxicô, Thông Điệp Laudato Sí, s. 53,59.

[32] ĐGH Phanxicô, Thông Điệp Laudato Sí, s. 91.

[33] X. Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Diễn Văn Khai Giảng Năm Học 2016-2017 của Đại Chủng Viện Vinh-Thanh”, http://daichungvienvinhthanh.com. Truy cập ngày 08/09/2016.

[34] X. Thông Điệp Laudato Sí, s. 217.

[35] X. Thông Điệp Laudato Sí, s. 220.

[36] X. Thông Điệp Laudato Sí, s. 218. 

Tác giả: Lm. Jos Đồng Đăng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!