ĐƯỜNG GIÊSU – ĐƯỜNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
(x.
Ga 14,21-26)
Dẫn nhập: Trong quyển sách Đường Đi Một Mình
của linh mục – nhà văn Nguyễn Tầm Thường, tôi đọc thấy những dòng đầy ý nghĩa: “Có
những con đường phải đi một mình. Có những con đường không thể một mình đi. Có
những con người. Có những con đường”. Đọc những dòng này, tôi liên tưởng đến
một con đường mà ai trong chúng ta cũng phải đi qua nếu muốn được hạnh phúc; đó
là con đường Giêsu. Điều này đã được chính Đức Giêsu khẳng định khi Ngài trả
lời thắc mắc của tông đồ Tôma: “Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được
đường đi? Đức Giêsu trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và
là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chúng ta cùng dừng lại để suy về
Đức Giêsu như là con đường, là Đấng đã đón nhận thập giá và nhờ tinh thần tự
hiến và vâng phục, thập giá của Ngài đã được nở hoa phục sinh.
1. Đức Giêsu là con
đường: Con
đường ở đây không phải là đường sỏi đá, đường bê tông, đường lên non cao, lên
đồi núi, ra thị thành; không phải là đường tơ lụa, đường thăng quan tiến chức,
đường cao vọng, đường “vinh thân phì gia”, nhưng là đường cứu độ, đường lên
trời.
Quả vậy, chính Đức Giêsu - Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người,
đã ‘mạc khải’ hay ‘vén bức màn’ kín nhiệm của Thiên Chúa cho chúng ta được
biết, rằng Thiên Chúa không phải là một ngôi vị đơn độc, không phải là Thiên
Chúa hà khắc, luôn rình rập để giáng phạt con người, nhưng là Thiên Chúa của
tình yêu. Tình Yêu cao vời đến độ trao ban chính Con Một của Người là Đức Giêsu
làm giá cứu chuộc nhân loại.
Đức Giêsu là con đường. Đây quả là một điểm độc sáng của Kitô giáo,
điều mà không hề có nơi các tôn giáo khác. Các nhà sáng lập các tôn giáo khác
và các bậc vĩ nhân, tỷ như Đức Phật – và cả triết gia Socrate cũng vậy – đã
không quy chiếu về mình, không cho bản thân mình là quan trọng, nhưng các ngài
chỉ nói cho người ta biết con đường mà các ngài đang đi là quan trọng. Đức Phật
dù đạo đức, khả ái và đáng trọng vọng đến mấy thì cũng chỉ là ‘ngón tay chỉ mặt
trăng chứ không phải là mặt trăng’. Kẻ theo đạo Phật, sau khi đạt đạo có thể
quên đi Đức Phật (phùng Phật sát Phật!). Tuy nhiên, Đức Giêsu, cứu
Chúa của chúng ta lại khác. Điều quan trọng là chính Ngài, con người của Ngài
‘là đường, là sự thật và là sự sống’. Vì thế, điều Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta là hãy đi
theo Ngài thì sẽ có sự sống đời đời. Ta theo Chúa không phải như các phật tử,
có thể quên Đức Phật sau khi đạt đạo, trái lại, chúng ta sẽ đi vào mối tương
quan mật thiết với Đức Giêsu Kitô. Đức tin không phải là một ‘mớ kiến thức’, ‘một
chuỗi bằng cấp’ thần học, nhưng là cuộc sống, là mối tương quan cá vị với Thiên
Chúa, là Đấng ban sự sống cho chúng ta. Nói cách khác, muốn được cứu độ, chúng
ta không phải chỉ ‘theo lẽo đẽo’ sau Đức Giêsu một cách thụ động nhưng là đi
trên con đường đau khổ mà Chúa đã đi qua thì mới được vào Nước Trời.
2. Đường
Giêsu là đường thập giá: Đường Đức Giêsu đi qua không phải là con đường được rải bằng hoa hồng
nhưng là đường thập giá. Để nối lại sợi dây hiệp thông bị cắt đứt giữa Thiên
Chúa và loài người do Tội Nguyên Tổ gây nên, Thiên Chúa đã sai con mình là Đức
Giêsu đi vào lịch sử nhân loại. Người đã mặc lấy xác phàm chúng ta, nên giống
chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Người đã không nề hà mang lấy những thương
tích của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta vào thân thể người, nhấn chìm xuống
dòng sông Giođan và cuối cùng đã mang lên cây thập giá. Vậy ra, tội lỗi chúng
ta đã được tháp vào đường thập giá và nhờ đó ta được cứu độ nhờ Đức Kitô đã phục
sinh.
Nếu như vì Tội Nguyên Tổ, con
đường từ trời xuống đất bị phá hủy, cắt đứt ‘huyết mạch giao thông giữa trời và
đất’ thì chính Đức Giêsu là Đấng đến để tái lập lại con đường này. Cả cuộc đời Đức Giêsu như bắc một nhịp cầu
cho con người bước vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Tất cả những
gì Đức Giêsu đã sống, tất cả những biến cố xảy ra chung quanh cuộc
sống của Người,
từ những mảnh tã quấn thân ngày Người Giáng Sinh, cho đến chút
giấm chua lúc Người chịu khổ hình, và tấm khăn liệm ngày Người Phục Sinh, mọi sự
trong cuộc đời Đức Giêsu đều là dấu chỉ của mầu nhiệm. Nhân tính của Người xuất hiện như một dấu chỉ mang lại ơn cứu độ cho con
người; những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến với
mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa của Người và sứ vụ cứu chuộc của
Người. Như vậy,
khi theo Đức Giêsu, chúng ta sẵn sàng đón nhận thập giá nhưng hãy tin tưởng rằng,
thập giá sẽ nở hoa cứu độ.
3. Đường
thập giá đã nở hoa cứu độ: Đường thập giá của Đức Giêsu đã nở ‘hoa cứu độ’ nhờ sự phục sinh của Người.
Thật vậy, ý nghĩa thập giá sẽ không còn nếu như không có biến cố phục
sinh. Phục sinh là cuộc vượt qua, giải phóng con người khỏi ách nô lệ
tội lỗi. Nếu Cuộc Vượt Qua của người Do Thái là việc Chúa đưa dân
Người thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ vào miền đất hứa đầy
“sữa và mật” thì Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu đưa con người thoát
khỏi ách nô lệ tội lỗi. Chính lúc có Nguyên Tội, cửa Thiên Đàng
“đóng lại” mãi cho tới khi Con Một Chúa giáng thế làm người, chịu
nạn chịu chết và phục sinh thì cửa Thiên Đàng mới “mở ra”, mang lại
một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên xán lạn cho những kẻ tin vào Đức
Kitô. Nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta được
giao hoà với Thiên Chúa. Chính khi chúng ta chạy đến các Bí tích, mở
đầu là Bí tích Rửa Tội,
chúng ta được tái sinh trong máu Con Chiên chính là Đức Kitô. Và nếu
chúng ta giữ mãi ơn thánh, chúng ta không còn sợ sự chết phần linh
hồn mà tội lỗi đe doạ nữa. Kể từ đây, dù sống hay chết, chúng ta
cũng sống trong tình yêu, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, trong
Miền Đất Tự Do như lời Thánh Phaolô nói: “Đức Kitô đã được sống lại
từ cõi chết thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm
6,3-4).
Kết: Như vậy, Đức Giêsu không chỉ là
người dẫn đường nhưng chính Người là con đường dẫn chúng ta về với Cha trên
trời. Người đã bỏ ngai vàng để đến chung chia phận người khổ lụy của chúng ta,
đã bắc một nhịp cầu, đã vượt qua bao chông gai thử thách, những giấm chua mật
đắng và cuối cùng là cái chết tức tưởi trên cây thập giá, hầu vâng phục thánh ý
Chúa Cha và trở nên giá cứu độ chúng ta. Việc nhận biết Đức Giêsu - con đường cứu độ - là niềm
hạnh phúc lớn lao cho chúng ta. Đồng thời, chúng ta được mời gọi trở nên người
dẫn đường cho tha nhân tới Chúa. Vậy chúng ta được mời gọi sống gắn bó với Đức
Kitô, cần biết ‘nói với Người’ trước hết, để rồi chúng ta cũng có thể trở nên
người dẫn đường, người ‘nói về Chúa’ cho anh chị em chúng ta.
Tác giả:
Lm. Jos Đồng Đăng
|