Quý độc giả Ephata và Công Giáo Việt Nam thân mến,
Liên Hiệp Quốc cho biết từ năm 2007 có khoảng 190 triệu người ở các nước lâm cảnh thất nghiệp. Nghe mà rùng mình vì con số quá lớn. Vậy mà chỉ từ đầu 2009 đến nay, vỏn vẹn chưa đầy hai tháng, con số vọt lên thêm 20 triệu nữa ( x. www.suckhoedoisong.vn ). Suy thoái kinh tế như thế này không khéo lại thành ra khủng hoảng như hồi thập niên 30 thế kỷ trước. Thật khổ !
Đài BBC cho biết: Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam dự đoán cả năm nay có khả năng 5 triệu người mất việc làm. Nếu thật việc thì kinh khủng lắm. Lại sợ “truyền thống” về truyền thông bên mình, cái gì tốt thì phải trừ hao, còn cái gì xấu thì phải cộng thêm, theo kiểu “tốt khoe – xấu che”, nếu thế thì con số sẽ còn cao hơn nhiều. Người ta bảo con số lạnh lùng, nhưng con số nó biết nói, nó nói một cách lạnh lùng !
Việt Nam mình bảo “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” bây giờ muốn “đổ mồ hôi” cũng chẳng được, chỉ còn biết “sôi nước mắt”. Hà Nội và Sài-gòn, nhất là Sài-gòn, từ lâu đã trở thành lưỡng cực thu hút hàng chục vạn lao động miền nông thôn.
Những người khăn gói đùm đề từ quê ra thành phố luôn ôm một giấc mơ đổi đời. Ở quê đất cằn khô sỏi đá, lại là mảnh đất “lắm người nhiều ma” ( người sinh ra ngày càng đông, lại chịu thêm cảnh “ma” cán bộ lộng hành tham nhũng, hà hiếp dân lành ), không thể cứ bám vào đấy mà sống được, lớp trẻ kéo đi gần hết, làng chỉ còn ông già bà cả và con nít. Giấc mơ của họ giông giống cái “American Dream” của những người di dân nhập cư vào Mỹ đầu và giữa thế kỷ 20. Nghĩa là họ tin rằng chỉ cần lao động cần cù, “đổ mồ hôi – sôi nước mắt”, cộng với những cơ may của cuộc sống, họ có thể thoát nghèo, an cư, lạc nghiệp...
Của đáng tội, lao động cần cù lắm, “đổ mồ hôi – sôi nước mắt” nhiều lắm, nhưng cơ may thì không, ở bên mình, người mình tội nghiệp quá, toàn gặp khốn khổ. Công nhân làm ở các xí nghiệp, công ty nước ngoài đầu tư, Nhà Nước bỏ giá lao động thấp nhất khu vực, gần như “cho không biếu không” để thu hút vốn của mấy tay tư bản Hàn Quốc, HongKong, Đài Loan, Singapore, Malaysia, kể cả tư bản đỏ Trung Quốc. Hồi xưa mình chửi tư bản bóc lột nhân dân, bây giờ mình lại trải thảm đón họ vào, lại còn hãnh diện báo cáo thành tích như một công trình “xóa đói giảm nghèo” cấp quốc gia !
Đáng buồn hơn, khi người công nhân Xa Quê thấy không sống nổi với đồng lương rẻ mạt, lại bị tăng ca vô tội vạ, chính sách chế độ lem nhem lập lờ, cuối năm còn bị quịt lương, họ tổ chức đình công đấu tranh, thì chính công đoàn đáng lẽ phải bênh vực họ, đứng một phía với họ, lại trở thành kẻ quát tháo đe nẹt sẽ sa thải, hoặc thay mặt chủ đầu tư nước ngoài để cò kè mặc cả hầu làm giảm sức nóng quần chúng. Đã vậy, bộ luật lao động của Nhà Nước lại như thể tìm mọi cách để giập tắt những cuộc bãi công, xếp những người công nhân nghèo ấy vào loại “vi phạm pháp luật”, thậm chí những người lãnh đạo đình công còn bị nghi ngờ và chụp mũ là “bọn xấu”, “phản cách mạng”, “âm mưu diễn tiến hòa bình” trong giới công nhân như bên Ba Lan dạo nào đưa đến xập cả một Đông Âu Cộng Sản.
Về phía người công nhân, vốn dĩ chỉ “tức nước vỡ bờ” vậy thôi, đến khi được hứa hẹn, được tăng lương lên mấy phần trăm thôi, họ không tính toán thiệt hơn chi nữa, tắt ngúm cuộc đấu tranh, tiếp tục “đổ mồ hôi – sôi nước mắt” để lao động mưu sinh, dẫu trong lòng dư biết mình vẫn bị bóc lột tàn tệ. Cuộc đấu tranh của họ, thương quá, tội quá, đã dừng lại ở bát cơm tấm áo và viên thuốc chữa bệnh, chưa và không thể vươn tới ý nghĩa là một cuộc đấu tranh cho công bằng và dân chủ.
Mục Vụ Hội Thánh mình ở Việt Nam quen gọi họ là “người Di Dân”, nhưng anh em trong Dòng Chúng tôi lại muốn dùng cách nói là “người Xa Quê”. Nghe đỡ tủi hơn, mà có lẽ phần nào đúng nghĩa hơn, bởi họ không hề muốn bỏ hẳn quê hướng mà đi, Tết nhất, giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay họ vẫn về lại đất tổ nhà cha đấy chứ ! Tên gọi “Di Dân” dành cho những người lao động xuất khẩu sang các nước Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, đảo Chypre, Ả Rập, thật ra cũng không đúng luôn, vì hết hạn thì những bạn trẻ tả tơi ấy vẫn mau mau xin về Việt Nam ngay. Do vậy có lẽ chỉ còn một số khá đông những người mình lưu cư phiêu bạt sang Nga, Tiệp, Ba Lan, Đức, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, buôn bán chạy chợ, mới đúng là “Di Dân” chăng ?
Trở lại với chuyện ở Việt Nam, cho tới nay các Giáo Phận đã có cố gắng rất nhiều để giúp cho “người Xa Quê”, nhưng phải khiêm tốn mà thú nhận rằng, chúng ta vẫn chỉ mới làm được một phần nhỏ xíu về mặt bác ái tương trợ. Về mặt từ thiện xã hội thì có: khám bệnh phát thuốc miễn phí, mở nhà giữ trẻ cho bố mẹ đi làm, giới thiệu nhà trọ giá rẻ, tư vấn sức khỏe sinh sản, hướng dẫn ngừa thai tự nhiên để không bị rơi vào tệ nạn nạo phá thai, đến Noel và Tết thì có thêm những phần quà... Về mặt tinh thần tâm linh thì: mở thêm Thánh Lễ với các kỳ đại hội, hành hương, tĩnh tâm cho người Xa Quê, mở các lớp Giáo Lý Dự Tòng, Giáo Lý Hôn Nhân, lớp xóa mù chữ, lớp bổ túc văn hóa...
Làm được thế cũng hết sức, hết tiền, hết ngày hết giờ rồi ! Thế nhưng thật ra, Hội Thánh còn có một sứ mạng lớn hơn thế nhiều. Mục Vụ dành cho người Xa Quê sâu xa hơn và... Tin Mừng hơn nhiều lắm. Đọc lại Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, chúng ta mới thấy các quyền của người lao động được Hội Thánh xác định dựa trên bản tính và phẩm giá siêu việt của con người. Hội Thánh tuyên cáo và đặt thẳng lên bàn bureau của hệ thống tư pháp của Nhà Nước, đòi một sự nhìn nhận, một chế độ chăm sóc đàng hoàng tử tế đối với các quyền sau đây ( x. chương 6, Lao động của con người, Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, trang 191 – 230 ):
- Quyền được hưởng lương công bằng và được phân chia lợi tức;
- Quyền được nghỉ ngơi;
- Quyền có được môi trường làm việc và với những quá trình sản xuất không làm hại tới sức khỏe thể lý hay đời sống luân lý của người lao động;
- Quyền được bảo vệ nhân cách của mình tại nơi làm việc mà không phải chịu một thương tổn nào đối với lương tâm hay phẩm giá của mình;
- Quyền được hưởng những trợ cấp thích đáng cần thiết để nuôi sống gia đình và nuôi sống mình khi thất nghiệp;
- Quyền được hưởng trợ cấp và bảo hiểm khi về già, bệnh tật và bị tai nạn lao động;
- Quyền được an toàn về mặt xã hội khi làm mẹ;
- Quyền được hội họp và lập hội.
Giáo huấn xã hội của Hội Thánh chúng ta còn thẳng thắn nhìn nhận sự chính đáng của việc đình công. Một khi các cách thế khác để giải quyết tranh chấp đã vô hiệu thì người lao động được quyền đình công như một “tối hậu thư” để gây áp lực trên giới chủ, Nhà Nước và công luận, dứt khoát không được sử dụng bạo lực trong khi đình công mà tất cả phải luôn diễn ra trong đối thoại và ôn hòa.
Ấy là chuyện dành cho người lao động bình thường nói chung. Nếu lại là người lao động Xa Quê nhập cư vào một địa phương nào đấy thì họ còn phải được quan tâm nhiều hơn, sâu hơn, ưu đãi hơn, bởi họ chính là nguồn lực góp phần làm cho địa phương ấy phát triển về kinh tế, đáp ứng nhu cầu lao động tại chỗ. Hội Thánh như một gạch nối đứng giữa để mạnh dạn lên tiếng bênh vực quyền lợi của người Xa Quê, đòi hỏi Nhà Nước phải có kế hoạch vĩ mô cấp quốc gia, sao cho ngay nơi quê hương nghèo của họ có thể tăng cơ hội lao động cho họ, để họ có thể yên tâm quay về nhà mình, an tâm lao động mưu sinh ngay trên quê hướng mà không còn phải tha phương nhọc nhằn nữa...
Vấn đề là hiện tại ở Việt Nam chúng ta, cho đến nay, vẫn chưa có được một Ủy Ban về Công Lý và Hòa Bình như ở các nước khác, để có thể gióng lên những lời cảnh báo, những tiếng nói phản biện đối trọng với giới chủ và với nhà cầm quyền trong những hoạch định và chính sách an dân. Bao nhiêu những vấn nạn xã hội bủa vây, Giáo Hội đâu có thể đứng ngoài vô cảm, ở bên lề mà tự vỗ về rằng mình chỉ có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ở trong Nhà Thờ và lớp Giáo Lý mà xong bổn phận.
Thôi thì, cấp độ Ủy Ban chưa có, mong sao các Đấng Bản Quyền thấy chạnh thương với dân của mình, không phân biệt Lương hay Giáo, thấy cái gì trái lẽ công bằng, cái gì xuyên tạc sự thật, cái gì xúc phạm đến sự sống và phẩm giá con người thì viết thành những Thư Mục Vụ, thì đưa vào nội dung bài viết, bài giảng trong Thánh Lễ, trong những buổi Hành Hương, các báo điện tử, các trang mạng Công Giáo phụ một tay phổ biến vào cuộc sống với tốc độ đường truyền của cáp quang, của ADSL. Chắc chắn tiếng nói Ngôn Sứ ấy được nghe, đượcđón nhận và được sống với hơi thở của Thần Khí...
Chiều qua, một nhóm 7 cô bé gái 16, 17 tuổi, dắt díu nhau từ bến xe tìm đến Nhà Dòng chúng tôi. Các em trình giấy giới thiệu của cha phụ trách một Giáo Xứ nghèo ngoài huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thì ra các em rời quê để vào Sài-gòn mong tìm một cơ hội đổi đời, một thứ “Sài-gòn Dream”. Hỏi đêm nay ở đâu, những ngày tới tìm việc gì, làm sao mà sinh sống, tiền bạc lận lưng được bao nhiêu ? Các em hồn nhiên tranh nhau trả lời chỉ một đáp án: “Không biết !”
Chúng tôi chỉ biết gọi điện đến nhà mấy anh chị em Giáo Dân thân tín để gửi các em qua đêm, cho tắm rửa sạch sẽ sau gần hai ngày phiêu dạt trên xe đò cả ngàn cây số, cho ăn uống tử tế và một chỗ nghỉ ngơi an toàn. Trong lúc đó chúng tôi sẽ cố gắng xoay trở tìm nơi làm việc cho anh chị em.
Tự dưng Trung Tâm Mục Vụ biến thành Trung Tâm... Giới Thiệu Việc Làm, kiêm luôn nơi phân phối bố trí nhà trọ “sạch” cho khách nhập cư Xa Quê ! Bí quá, đến Thánh Lễ cho Người Xa Quê, chúng tôi kêu lên với cộng đoàn xin trợ giúp.
Tạ ơn Chúa, dân mình quảng đại, nhân ái và sốt sắng lắm đấy chứ. Chỉ có vỏn vẹn 7 nhân công mà có đến mấy chục nơi xin đón về, dạy nghề, cho ăn ở và lãnh lương tử tế. Chúng tôi kinh ngạc và vui mừng. Ừ thì, bên mình chưa bằng được bên Chùa, người ta sẵn sàng mở cửa Phật cho công nhân bị sa thải vào tá túc no ấm mấy tuần trước và sau Tết, thì thôi, bên mình cũng không đến nỗi thờ ơ với những mảnh đời đang phải khốn khổ “đổ mồ hôi – sôi nước mắt”...
Lm. QUANG UY, DCCT 15.2.2009