Quý độc giả Ephata và Công Giáo Việt Nam thân mến,
Tối hôm nay, tôi về Nhà Dòng rất khuya, đói quá, lục đồ ăn ở nhà cơm, bị cha Giám Tỉnh bắt quả tang, tôi mới phải thành thật khai báo: các bạn trẻ Nhóm FIAT mới rủ đi xem kịch ở quán Cà-phê Bệt, số 17 đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 1. Quán Cà-phê thật lạ, vở kịch Sông Dài lại cực hay, xếp vào chủ đề Bảo Vệ Sự Sống là chính xác, đẫm nước mắt, đúng với phong cách cố soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng lừng danh của Sài-gòn gần 40 năm trước.
Vở kịch xoay quanh câu chuyện một bé gái là hậu quả cuộc tình vụng trộm của một cô tiểu thư ông Hội Đồng với một thầy giáo làng. Bé gái không bị phá thai nhưng bị bỏ rơi, phiêu bạt, truân chuyên, được thằng Niểng liều mình cứu khỏi một đám cháy, nhưng không cứu được cô bé khỏi bị mù.
Cô Lượm lớn lên, yêu cậu Niễng bị gù lưng, khuôn mặt xấu xí bởi những vết thẹo chằng chịt do phỏng lửa cháy năm xưa. Ông Hai Tắc nghèo rớt mồng tơi, chỉ giàu mỗi tiếng đàn cò sâu vào tận đáy lòng người nghe, cũng giàu tình yêu thương cưu mang cả hai đứa nhỏ tật nguyền.
Con “Sông Dài” ngỡ bình yên trôi, bất ngờ nổi sóng khi cô Hai Sa, người trót chửa hoang năm xưa, nay giàu có thành đạt, từ Sài-gòn về quê tìm lại đứa con gái bị từ chối, quyết bù đắp lỗi lầm tuổi trẻ bằng cách đưa Lượm đi Nhựt Bổn giải phẫu cứu lấy đôi mắt.
Rồi đến ngày cô Lượm đui mù thành cô Diễm xinh đẹp, đã được sáng mắt, lại là con gái bà Hai Sa quyền quý. Cô không quên những người ân nghĩa trước đây, nhưng số phận cay nghiệt đẩy tất cả xa nhau. Con sông dài lại đến một khúc quanh, cô Diễm tìm lại ngôi nhà và mảnh vườn xưa, chỉ còn đó hai nấm mồ trắng. Tưởng là thôi từ nay sinh ly tử biệt, không ngờ nhờ tiếng đàn cò nức nở quen thuộc, Diễm nhận ra Niểng vẫn còn sống. Niểng đã quyết học lấy ngón đàn của ông Hai Tắc để mong nói thay tiếng lòng đau xót của tình đời.
Vở diễn kết thúc. Mấy chục bạn trẻ ở Cà-phê Bệt đã khóc. Tôi cũng khóc. Tôi chạnh lòng nghĩ đến các cô gái đời Linh Mục tôi đã gặp trong mục vụ Bảo Vệ Sự Sống. Trời ơi, già thêm một chút, chắc tôi cũng cố gắng hí hoáy viết lại cuộc đời hàng mấy trăm cô gái ấy thành những kịch bản đẫm nước mắt mà cũng rộn vang những tiếng cười.
“Sông Dài” có nhiều khúc – như bình luận của một bạn trẻ FIAT đi xem kịch chung đêm nay – có khúc khóc quá trời khóc, là do người lớn gây ra với nhau: có những cha mẹ sợ mất danh dự mà ép con gái phải phá thai, ép con trai phải ruồng rẫy người yêu, không cho cưới hỏi; có những anh con trai phụ bạc, “đã tỏ đường đi lối về” rồi thì quất ngựa truy phong; rồi có cả những anh chồng tàn nhẫn không muốn có thêm gánh nặng con cái, buộc vợ cứ có thai là phải đi phá, có khi đến cả chục lần !
Thế nhưng cũng con “Sông Dài” ấy khi can đảm vượt qua cái khúc quanh co éo le, nước mắt nhiều như con nước ròng, thì lại đến cái khúc hanh thông, thẳng băng chống xuồng đi băng băng giữa dòng đời vui, rộn rã tiếng con nít cười reo, bi ba bi bô.
Đời tu đâu có lấy vợ đẻ con, nhưng tôi và các cha, các thầy, các dì của các Dòng, ai cũng nghiệm sinh được cả hai cái khúc buồn khúc vui ấy nối tiếp nhau trong những dòng “Sông Dài” cuộc đời của các cô gái được đón về các Mái Ấm, các Ngôi Nhà Tình Thương để chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến ngày mẹ tròn con vuông.
Liên tiếp, chỉ trong một tuần lễ tôi được dự hai Lễ Tạ Ơn ở hai ngôi nhà Bảo Vệ Sự Sống giống như thế. Đúng ngày 25 tháng 3, ngày Mẹ Xin Vâng, tôi chủ sự thánh hiến Mái Ấm Mai Ân do các dì của 7 Hội Dòng Mến Thánh Giá Sài-gòn xúm lại chung tay chung sức ở Quận Bình Thạnh. Rồi hôm nay, ngày 2 tháng 4, tôi được về huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đồng tế với các cha, với thầy Phó Tế Vũ Thành An – người đã nỗ lực quyên góp để xây dựng nên Ngôi Nhà khang trang của Gia Đình Têrêsa.
Nhìn hình ảnh con người từng là nhạc sĩ lừng danh của những bản tình ca “Không Tên”, nay đã 67 tuổi, là Phó Tế Vĩnh Viễn bên Mỹ, dáng cao gầy, tóc bạc phơ, bế trên tay cháu bé Nguyễn Vũ Thái An chưa đầy năm, đứng trên sân khấu dã chiến, nghẹn ngào hát “Thương người như thể thương thân...”, tôi cũng đã nghẹn ngào rướm nước mắt vì xúc động.
Trời ơi, giá mà trên đời này đừng có ai phải đành đoạn phá thai, thì hàng triệu cháu bé mỗi năm sẽ được sống, sẽ được chào đời và được bú mớm nâng niu y như thế. Trên toàn cõi Việt Nam, khởi đi từ Nhóm Bảo Vệ Sự Sống ở Huế, đến nay sau gần hai mươi năm, đã có gần hai mươi Mái Ấm được các Dòng Tu ở các tỉnh thành mở ra, cưu mang được hàng mấy ngàn thai phụ và khai sanh được cho hàng mấy ngàn cháu bé. Thế nhưng con số vui mừng rộn rã tiếng cười trẻ thơ ấy chẳng thấm thía vào đâu so với con số hàng mấy chục triệu bào thai đã bị chấm dứt Sự Sống bằng đủ mọi phương pháp nội khoa và ngoại khoa dã man !
Xin đừng nghĩ là tôi phóng đại các con số thống kê thiếu chứng cứ. Ấy chỉ là con số ước chừng thôi, thực tế có lẽ còn cao hơn nữa. Ở Việt Nam mình bây giờ cứ 15 phút trôi qua là có thêm một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Nhưng cứ bình quân 6 giây thôi, một ca phá thai hoàn tất, nhanh, gọn, lạnh lùng, chi phí trên dưới một triệu đồng.
Nếu chúng ta đã cùng vui với cháu bé Nguyễn Vũ Thái An ở Long An, thì tôi xin mọi người cũng hãy cùng đau xót với cháu bé Lê Xin Vâng, bào thai đầu tiên mà nhóm FIAT vừa đem từ Vũng Tầu về chôn cất tại nghĩa trang Anh Hài của Giáo Xứ Đất Đỏ, sáng Chúa Nhật 29 tháng 3 vừa qua.
Khi tôi hỏi cha xứ Đất Đỏ rằng ngài có ngại chi không nếu tôi viết một bài trên mạng để ghi lại sự kiện này, ngài bảo: Chỉ mong càng nhiều người biết chuyện thì càng nhiều người ý thức hơn về Bảo Vệ Sự Sống. Và như thế hy vọng giảm đi được không ít những bi kịch phá thai. Ngài còn nhấn mạnh: Nơi đây là mảnh đất thấm đỏ máu các vị Tử Đạo hơn 150 năm trước, nay lại được là nơi an nghỉ của các bé Đồng Nhi, âu cũng là những lời chứng hùng hồn cho Sự Sống, quà tặng vô giá của Thiên Chúa mà con người thời nay đang ngoảnh mặt từ khước.
“Sông Dài”, vâng, có một dòng sông dài của Tình Yêu, của Sự Sống, đôi bờ, đã có bên lở thì lại có bên bồi...
Lm. QUANG UY, Sài-gòn, nửa đêm, đã sang ngày thứ sáu 3.4.2009